Sự nhiệm mầu của cuộc sống

Giác Ngộ - Nhờ bài báo viết về nhóm từ thiện in kinh chữ nổi cho người mù trên báo Giác Ngộ số Vu lan 2010, thầy Hạnh Thông có ý định đến xã Vĩnh Châu và nhờ Ni sư trụ trì TX.Ngọc Châu Như phổ biến kế hoạch xóa mù chữ cho bà con mù lòa ở đây.

Theo dự định của thầy, mỗi lớp chỉ dạy 10 vị và học trong 4 tháng sẽ biết chữ, và sẽ dạy dần dần cho tất cả những ai muốn học. Thầy tâm sự: "Tôi đã vận động được số tiền 14 triệu đồng và chuẩn bị về Sóc Trăng mở lớp dạy học cho người mù. Tôi muốn phụ lo với Ni sư trụ trì tịnh xá Ngọc Châu Như, lo cho người mù ăn uống khi lớp dạy người mù được tiến hành tại đó".

Sinh và lớn lên với biệt nghiệp, bị mù bẩm sinh, thầy biết rằng sẽ khó được xuất gia tu học như ước nguyện. Nhưng, cuộc sống luôn ẩn chứa điều nhiệm mầu, mắt thầy sáng trở lại trong một thời gian ngắn, đủ nhân duyên để được thọ đại giới, trở thành một Tỳ kheo. Thầy nguyện cả cuộc đời còn lại của mình gắn với những người cùng cảnh ngộ, giúp họ vượt thoát ra bóng tối bằng niềm tin Phật pháp. Pháp tự của thầy là Thích Hạnh Thông, sinh năm 1958 tại Quảng Ngãi, đệ tử của Hòa thượng Ân Điền chùa Từ Nghiêm.

xahoi.gif

Thầy Hạnh Thông hướng dẫn người mù học chữ nổi

Nhọc nhằn tìm chữ

Từ một cuộc điện thoại với giọng miền Trung xa lạ, hỏi về bộ kinh Thủ Lăng Nghiêm bằng chữ nổi, chúng tôi mới biết thầy là một vị xuất gia. Thầy nói về tuổi thơ thiếu may mắn của mình:

"Tôi lớn lên trong một gia đình nghèo khó lại chịu nhiều oan khiên, cả ba chị em đều mù lòa, chỉ có một anh trai mắt sáng. Cha tôi mất trong loạn lạc, lúc tôi lên 10 tuổi. Một người anh bán hết đàn bò của gia đình, đưa tôi vào Sài Gòn chữa trị, nhưng không lành. Và rồi tôi học đàn ghi ta cổ nhạc, nhưng không học xong vì không đủ tiền đóng học phí.

Anh tôi phải đi lính khi tôi 11 tuổi; chỗ dựa không còn, tôi đành xin về quê. Nhưng ngay hôm đó bác tôi báo tin "tìm được tương lai cho con rồi, con đừng về quê nữa, có trường học rờ bằng tay cho người mù". Khi được đưa vào trường mù, rờ tay trên chữ nổi tôi vui mừng la lớn "con hiểu rồi, con sẽ học được con chữ". Vào trường, tôi được thầy giáo rất thương vì sự thông minh, sáng dạ, học đâu hiểu đó. Không phụ lòng thầy cô, tôi học ngày học đêm không biết mệt mỏi vì say mê và niềm hạnh phúc được hiểu biết tất cả qua những ký hiệu chữ Braille. Chỉ một tháng rưỡi sau, tôi học xong chương trình lớp 1.

Đam mê học tập, chưa bao giờ nghỉ học một ngày, chỉ một năm rưỡi tôi học xong chương trình tiểu học vào cuối năm 1971 (tại trường tiểu học nam sinh mù ở đường Trần Hoàng Quân bây giờ là đường Nguyễn Chí Thanh). Say mê việc học, với chiếc gậy, tôi quờ quạng đi vào các trường trung học xin nghe giảng để tiếp tục học nhưng đi đến đâu cũng nghe nói: "mù mà đòi vào trung học nữa sao?".

Cuộc nói chuyện giữa chúng tôi xin được ghi vắn tắt, đời người như một quyển sách, và có những đoạn thăng trầm mà người viết khó nghĩ ra nếu không được nghe chính người trong cuộc giãi bày:

"Không chịu thua, tôi về nghĩ cách học đánh máy chữ (máy dùng cho chữ sáng). Tôi quyết tâm học thuộc chữ trên bàn máy và các ký hiệu thông thạo bằng 10 ngón tay. Nỗ lực của mình được đền bù, tôi đánh được các bài hát, bài học cho các em bé bằng máy đánh chữ hiệu DKZ. Nhưng ôm cái máy đi đến đâu cũng không có ai tiếp, may thay, Trường Lasan Taber nhận tôi vào học vì ở đó có chương trình dạy cho cả mắt sáng và mù. Nhờ chăm chỉ, tôi học giỏi thuộc loại đặc biệt xuất sắc. Chỉ trong 2 năm, tôi học xong chương trình trung học, năm 1973 đậu tú tài 1 và 1974 đậu tú tài đôi.

Không ngừng học tập và tự nghiên cứu nhưng niềm đam mê cháy lòng là âm nhạc, tôi theo học đàn tranh ở Trường Quốc gia Âm nhạc. Khi chưa lấy được bằng âm nhạc thì đất nước giải phóng, tất cả đổi thay, mọi hy vọng được ra nước ngoài tiếp tục học chương trình cao hơn cho người mù và được chữa mắt của tôi cũng tan ra mây khói. Vì hụt hẫng quá và cũng do học quá nhiều nên thần kinh luôn căng thẳng, tôi bị tai nạn xe và được chữa trị tại Bệnh viện Sài Gòn. Cơ duyên, thầy Bùi Minh Khiết mở trường mù, mời tôi về dạy học và làm Chủ tịch Hội Người Mù. Nửa chừng, người mẹ mù lòa của tôi đau nặng, tôi phải bỏ hết trở về quê lo cho mẹ bằng nghề đánh đàn cò, đàn nhị cho các thầy cúng.

Duyên lành hội đủ

Thầy nói, ánh sáng Phật pháp là một điều bất khả tư nghì, không thể đem tâm toan tính đời thường để cảm nhận được…

Duyên lành, tôi gặp được thầy Giải An (thường gọi là thầy Hộ) khuyên nên trì chú Đại Bi cho mắt sáng. Ngay từ nhỏ, tôi đã thuộc kinh Di Đà và chú Đại Bi nên đặt hết niềm tin chí thành nơi mẹ Quan Âm, phát nguyện trì tụng 108 biến mỗi ngày. Tôi trì được đúng 3 năm thì mắt từ mù trở nên mờ mờ thấy được người, phân biệt được nam nữ. Tôi quyết định đi tu để đền ơn Phật. Nhưng, tôi luôn trăn trở là người bị mù làm sao được xuất gia cứ luôn ám ảnh trong đầu.

Tôi xin xuất gia nhưng quý thầy chỉ cho thọ Bồ tát giới tại gia. Tình cờ, tôi nghe thầy Trí Quảng kể chuyện A Na Luật mù nhưng tu tinh tấn, được Đức Phật thương và vá y cho... nên tôi nuôi hy vọng được trở thành một vị Tăng sĩ. Hàng năm, tôi đều đi hạ (kể từ năm 2001). Và, Đại giới đàn Đại Tòng Lâm năm 2003 tôi xin đi thọ giới. Vào giới trường, tôi năn nỉ xin được thọ giới để tu học.

Lại là điều mầu nhiệm, mắt tôi vẫn sáng mờ, chư tôn đức giáo thọ đưa bàn tay hỏi: "Mấy ngón đây?", tôi thấy mờ mờ nên trả lời đúng hết. Quý thầy nói với nhau: "Ông thầy này lòa chứ không mù". Quý thầy tiếp tục hỏi tôi 7 câu Phật pháp, tôi đều trả lời thông suốt nên năm 2003 tôi đắc giới Cụ túc tại Đại Tòng Lâm".

…Đó là một sự nhiệt tâm, nhiệt tình vượt đêm dài tăm tối của biệt nghiệp, thấy được ánh sáng Phật pháp là một món quà của nhân gian và thầy muốn tặng lại nó cho những người mù:

"Trở về Quảng Ngãi, địa phương đang dạy chữ nổi cho người mù, tôi đăng ký tham gia tập huấn tại Hà Nội và đạt kết quả giáo viên loại khá. Tôi dạy 4 lớp trong trường Quảng Ngãi vào mùa hè (mùa hè mới có phòng học trống dành cho người mù mượn đỡ để học) và với lòng nhiệt tình của mình, các học sinh đều có kết quả tốt đẹp.

Song song với dạy chữ nổi, tôi còn giảng pháp ở các đạo tràng chùa An Sơn, xã Phổ Khánh và chuẩn bị thành lập đạo tràng niệm Phật tại tịnh thất Dược Sư của mình cũng là cơ sở của Chi hội Người mù của xã. Với trải nghiệm của mình, tôi chỉ mong tất cả người mù đều biết chữ để có cơ hội học Phật pháp vượt thoát ra khỏi những khổ đau.

Mùa An cư năm 2010, khi đang dự khóa an cư kiết hạ thì nghe quý thầy đọc bài báo "Thấy ánh sáng Phật pháp từ bóng tối mù lòa" trên báo Giác Ngộ số Vu lan, tôi đã vui mừng và rất cảm động. Bởi lẽ, khi nghe có nhóm từ thiện in kinh chữ nổi cho người mù, và tôi đã khóc khi nghe đến những nơi có quá nhiều người mù không biết chữ (người mù ở xã Vĩnh Châu - Sóc Trăng). Với tâm nguyện xóa mù chữ cho người mù đã hằng ấp ủ, tôi liên hệ và hỏi thăm về tịnh xá Ngọc Châu Như ở xã Vĩnh Châu, nơi có cả 500 người mù nhưng không ai biết chữ.

Lại một nhân duyên tốt lành, tôi được biết nơi đây cũng là nơi Sư cô Hương Nhũ, trưởng nhóm in kinh cho người mù giảng bài pháp thoại đầu tiên cho những người mù lòa vào tháng 7 năm 2010. Thay vì thông báo tặng quà, tịnh xá chỉ thông báo đến nghe pháp, có trên 150 người mù đã đến và chờ từ sáng sớm đến 2 giờ chiều thời pháp mới bắt đầu. Họ đã ngồi nghe chăm chú, kiên nhẫn và không hề tỏ ra mệt mỏi. Tôi rất vui vì biết họ cũng mong được học Phật pháp qua chữ nổi, Sư cô Hương Nhũ cũng hứa hỗ trợ kinh sách bằng chữ nổi, vậy là tôi sẽ có cơ hội cùng với họ học tập và trò chuyện Phật pháp trong thời gian tới. Tôi sẽ có thời gian gắn với những người cùng cảnh ngộ".

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.