Sự "lây lan" của tam quan chùa Láng

LTS: Qua quan sát một số tam quan đình, đền, khu di tích, KTS Đoàn Đức Thành, nguyên ủy viên BCH Hội KTS Việt Nam đã cảnh báo nguy cơ “nhân bản” một hình mẫu kiến trúc đẹp - đó là tam quan chùa Láng. Bài viết thể hiện góc nhìn riêng của tác giả. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc

Chùa Láng ở phía Tây kinh thành Thăng Long xưa, xây dựng từ thời nhà Lý, thờ thiền sư Từ Đạo Hạnh. Ngôi chùa được mệnh danh là “Đệ nhất tùng lâm”, không những thế mà vẻ đẹp kiến trúc từ trong ra ngoài, từ chi tiết đến tổng thể đều có nét đặc trưng riêng, nổi tiếng gần xa. Đẹp nhất là cổng chùa khép mình trong không gian tĩnh lặng, hài hòa với những cây muỗm đại thụ cổ kính.

Tam quan chùa Láng

Tam quan chùa Láng là công trình kiến trúc xây dựng vào giữa thế kỷ 19, cấu trúc độc đáo trong kiến trúc thời Nguyễn. Hình ảnh tam quan đã bao đời đi sâu vào tiềm thức mỗi người dân khắp chốn gần xa. Chỉ cần nói tam quan ngôi chùa có bốn hàng cột vuông cao vút, ba mái ngói uốn cong gắn vào sườn cột, là khách thập phương có thể mường tượng đó là hình ảnh vẻ ngoài của chùa Láng. Hệ mái tam quan nhằm che mưa nắng cho những bức hoành phi trên cổng, mái chính giữa cao hơn mái hai bên, hình thức kiến trúc tạo nên sự mềm mại, uyển chuyển, duyên dáng. Nét đặc sắc này ông cha ta chỉ xây dựng ở một nơi, để trở thành của quý có một không hai cho riêng đất kinh kỳ - nơi tạo nên tác phẩm vô giá.

Ngày nay, chỉ một tam quan chùa Láng, họ đã sao chép ra nhiều nơi, bất chấp thể loại kiến trúc nào, từ chùa đến đền sang đình, và khu di tích ...

Tam quan chùa Láng lên chùa xứ Đoài

Chùa Tây Phương, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất thuộc Hà Tây (cũ), thời Tây Sơn, ông cha ta đã xây dựng ngôi chùa trên núi Câu Lậu (năm 1794). Trước đây, lên chùa trèo 237 bậc đá ong mới đến tam quan nhỏ, đơn sơ, khiêm tốn như cổng đón báo cho mọi người biết đã hết dốc, tĩnh tâm lại để bước vào ngôi chùa trên đỉnh núi.

Tam quan chùa Tây Phương

Từ thập niên 90 của thế kỷ 20, không biết căn cứ vào đâu mà người ta đã dựng sừng sững ở dưới chân núi câu Lậu một tam quan giống hệt tam quan chùa Láng, nhưng cấu trúc bộ khung sườn mái đúc bằng bê tông giả gỗ, sơn quét nham nhở, trông khô cứng, thô vụng, kệch cỡm.

Ai cũng biết, kiến trúc và tượng chùa Tây Phương được tạo dựng bằng gỗ có trình độ nghệ thuật nhuần nhuyễn, tinh xảo, tinh túy vào bậc nhất ở nước ta. Nhưng ngày nay, du khách từ xa xôi đến, khi trông thấy tam quan ở chân núi thì ai cũng ngán ngẩm, làm mỏi thêm những bước chân sắp trèo lên chùa. Có lẽ người thiết kế tam quan này cũng không hiểu người xưa làm bộ mái này để làm gì, chẳng lẽ chỉ che bộ khung sườn bằng bê tông giả gỗ hay sao?

Tam quan chùa Láng thành tam quan đền Voi Phục

Đền Voi Phục ở phía Tây thành Thăng Long, thờ Linh Lang Đại Vương, trấn ở phía Tây, là một trong “Thăng Long tứ trấn” đời Lý. Đền xây dựng từ lâu đời, năm 1947 bị giặc Pháp đốt phá, Sau ngày hòa bình lập lại, nhân dân ta đã sửa chữa lại. Những hình ảnh còn lại cho thấy cổng đền rất đẹp: Hai trụ biểu to, đằm chắc và khỏe, bên dưới có hai con voi phục chầu vào nhau, được che bên trên bởi lớp mái vẩy mềm mại, ấm cúng.

Tam quan đền Voi Phục.

Từ tổng thể đến chi tiết hài hòa với cây cỏ mặt nước chung quanh, tạo nên cảnh quan phong phú. Cái hay là người xưa biết lùi cổng vào trong một độ sâu, khoảng cách xa đường cần thiết để tạo sự tĩnh lặng nơi thờ cúng.

Trong đợt tu bổ đầu thế kỷ này, người ta lại xây dựng thêm một tam quan nữa ở sát ngay ngoài đường phố. Thật kỳ lạ là tam quan này có kiểu dáng, hình thức giống hệt tam quan chùa Láng cách đó không xa. Thật là lệch lạc về hình thức kiến trúc của ngôi đền vốn có sự hài hòa trong nhiều thế kỷ qua.

Tam quan chùa Láng thành tam quan đình Kim Liên

Đình (đền) Kim Liên ở phía Nam kinh thành Thăng Long, xưa vốn là đền thờ thần Cao Sơn Đại Vương, trấn ở phía Nam, là một trong “Thăng Long tứ trấn” đời Lý. Năm 1510, vua Lê Trương Dực cho xây dựng đền thờ trên gò đất cao có quy mô vừa phải. Giữa thế kỷ 20 ngôi đình bị cháy, sau đó nhân dân xây dựng lại như trước đây.

Tam quan đình Kim Liên

Đình Kim Liên vốn có cổng là hai trụ biểu được người xưa nâng lên một trình độ nghệ thuật cao ở mức tột đỉnh, các chi tiết biểu tượng rất hợp lý, tỷ lệ hài hòa chung nên hình dáng đẹp một cách tinh túy, từ lâu đời đã đi sâu vào tiềm thức của nhân dân ta.

Song, lần tu bổ này không hiểu vì sao người ta bỏ cổng có hai trụ biểu này đi, đổi hướng nhìn ra đường phố chính, thay thế bằng một cổng mới theo kiểu tam quan chùa Láng.

Điều đáng buồn là cái tam quan này quá lớn, không tỷ lệ với quy mô và không gian ngôi đình vốn khiêm tốn ở bên trong. Người thiết kế tam quan không thật sự am hiểu kiến trúc cổ truyền, cóp nhặt các biểu tượng mỗi nơi một ít, chắp vá vào bốn hàng cột và trên nóc của ba mái tam quan. Không làm theo quy ước truyền thống, chi tiết ôm đồm, rườm rà. Biểu tượng Rồng chầu mặt nguyệt từ bao đời nay ông cha ta chỉ đặt trên nóc tòa chính điện để trang trọng, không bao giờ đặt trên nóc tam quan như ở đây.

Tam quan chùa Láng gắn vào cổng khu Di tích Kim Liên

Đến khu Di tích Kim Liên ở Nghệ An lại thấy dáng hình của tam quan chùa Láng. Mặc dù là cổng với một lối vào, song sự ảnh hưởng không lẫn vào đâu được dù có đôi chút khác biệt là ở đầu cột đơn giản hơn, hai mái bên thấp hơn. Không hiểu làm mái để che gì, chẳng lẽ chỉ che lối đi và che hai mảng tường hai bên?

* * *
 

Khu di tích Kim Liên, Nam Đàn Nghệ An.


Người làm nghề kiến trúc đời xưa chỉ học tập lẫn nhau về cách thức mà không bao giờ sao chép nội dung, ý tưởng và chi tiết thể hiện của nhau. Người đời nay không thấu hiểu điều đó, đã và đang làm giảm giá trị của biết bao di tích quý giá.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.