Sự khao khát tìm cầu Giác Ngộ của nữ giới

Ni sư Tenzin Palmo tôn quý lớn lên ở London và Ngài đã trở thành Phật tử khi còn ở độ tuổi thiếu niên. Vào năm 1964, năm 20 tuổi, Ngài quyết định tới Ấn Độ để theo đuổi con đường tâm linh.

Sự khao khát tìm cầu Giác Ngộ của nữ giới ảnh 1

Ở đó, Ngài đã hạnh ngộ căn bản Thượng Sư của mình, Nhiếp Chính Vương Khamtrul Rinpoche đời thứ VIII và trở thành một trong những người phương Tây đầu tiên được công nhận là một Ni sư Tây Tạng. Ngài đã ở lại lân mẫn tham học với Khamtrul Rinpoche và cộng đồng của Ngài ở Himachal Pradesh, miền Bắc Ấn Độ khoảng 6 năm. Sau đó Khamtrul Rinpoche hướng đạo Ngài tới thung lũng Himalayan ở Lahaul để thực hiện những pháp tu chuyên sâu hơn. Tenzin Palmo ẩn cư tại một tự viện nhỏ khoảng vài năm, nhập thất trong suốt những tháng mùa đông dài. Sau đó, ni sư đã tìm nơi bế quan ẩn cư và những điều kiện hoàn cảnh cô tịch thuận lợi hơn để tĩnh tu, ni sư đã tìm được một cái động ở gần đó và đã trải qua 12 năm tu tập, ba năm nghiêm mật cuối trong kỳ nhập thất. Ngài rời Ấn Độ năm 1998 và đến sống ở nước Ý, ở nơi đó Ngài đã thuyết giảng ở nhiều trung tâm Phật Pháp khác nhau.

Trước khi Nhiếp Chính Vương Khamtrul đời thứ VIII viên tịch năm 1980, Ngài đã nhiều lần yêu cầu Tenzin Palmo bắt đầu xây dựng một Ni viện. Vào năm 1993, những bậc thầy của tự viện Khampagar ở vùng Himachal Pradesh ở Ấn Độ, lại thỉnh cầu Ngài thực hiện công việc này. Lần này Tenzin Palmo đã sẵn sàng để gánh vác sứ mệnh khó khăn này và Ngài bắt đầu kêu gọi quyên góp công đức. Tenzin Palmo cũng đồng ý hợp tác với Vicki Mackenzie để viết một câu chuyện về cuộc đời Ngài mang tên Trong Động Tuyết Sơn và cuốn sách này đã có một giá trị to lớn nên đã thu hút được sự quan tâm và sự ủng hộ giành cho dự án xây dựng Ni viện của Ngài. 

Vào năm 1999, Ngài thiết lập một quỹ từ thiện mang tên Charitable Trust ở Ấn Độ để xây dựng Ni viện Dongyu Gatsal Ling (DGL). DGL bắt đầu chỉ trong một phòng nhỏ tại Tashi Jong. Những kế hoạch nhanh chóng được đưa vào thực thi với sự giúp đỡ của những người tình nguyện như là Eliz Dowling, Monica Joyce và một số người khác tận tâm với quan kiến của Tenzin Palmo. Những chuyến du phương thuyết giảng được tổ chức bởi Tenzin Palmo nhận được sự ủng hộ cho việc xây dựng tu viện DGL cũng như sự nghiệp hoằng dương Phật Pháp. Chuyến du phương thuyết giảng đầu tiên vào năm 2000 thu nhận được 20 Ni chúng. Khi tiền công đức đến từ những người ủng hộ trên toàn thế giới thì quỹ Trust của DGL đã có thể trả được một phần đất và việc thi công xây dựng Ni viện DGL bắt đầu năm 2001. 

Các sư Ni phải tạm trú và tu học ở những nơi khác nhau cho tới năm 2005 khi họ có thể chuyển tới nơi thường trú của Ni viện DGL cách tự viện Khampagar 6 km ở Tashi Jong. 

Tự viện DGL vẫn đang được xây dựng với những quỹ tài trợ giành cho những trung tâm tu học và nhập thất được bắt đầu vào cuối năm 2005. Trung tâm tu học bao gồm một giảng đường cầu nguyện lớn và một thư viện. Một tự viện truyền thống Kim Cương thừa sẽ được xây dựng khi nhận đủ kinh phí ủng hộ. 

Cuộc phỏng vấn này diễn ra vào tháng 6 năm 2006 khi đại hội Sakyadhita lần thứ IX được tổ chức tại Kuala Lumpur, Malaysia. Sakyadhita có nghĩa là Ni chúng Phật tử của đức Phật và đây là một tổ chức được thành lập năm 1987 ở Bodhgaya Ấn Độ để đề cao bình đẳng giới trong đạo Phật. Tạp chí The Dragon đánh giá cao những chia sẻ kinh nghiệm của Tenzin Palmo với tư cách là một Ni sư Phương Tây thực hành tu tập Phật giáo Kim cương thừa trong hơn 30 năm, và cũng đánh giá cao quan kiến của Ngài về phương hướng trong tương lai của những nữ hành giả trong Phật giáo Tây Tạng, đặc biệt là đối với những phật tử tu tập theo dòng truyền thừa Drukpa. Để biết thêm thông tin về Sakyadhita, về Hiệp Hội Ni sư Quốc Tế, xin vui lòng vào trang web: www. Sakyadhita.org. Và để biết thêm về Tenzin Palmo và câu chuyện cuộc sống thú vị của Ngài, xin đọc cuốn truyện Trong Động Tuyết Sơn được viết bởi Vicki Mackenzie, xuất bản năm 1999 và hiện nay được dịch sang hơn 10 ngôn ngữ khác nhau trên toàn thế giới.

HOÀI NIỆM BẢN SƯ 

D: Kính bạch Ni sư, xin hoan hỷ kể cho chúng con biết về bản sư của mình - Nhiếp Chính Vương Khamtrul Rinpoche Dongyu Nyima đời thứ VIII?

T: Lần đầu tiên tôi hạnh ngộ Khamtrul Rinpoche lúc đó Ngài khoảng 33 tuổi nhưng Ngài có thể là 1033 tuổi. Ngài đạt đến cảnh giới bất sinh bất diệt siêu việt thời gian và không gian. Ngài là một họa sĩ thiên tài và cũng là một nhà thơ. Ngài rất cao lớn và cường tráng nhưng cũng rất thanh tao và trầm lặng. Tôi cho rằng điều mà gây ấn tượng mạnh tới hầu hết mọi người là quyền năng của Ngài mặc dù Ngài rất nhu hòa. Ngài có một hình tướng cực kỳ oai mãnh – rất phẫn nộ mặc dù Ngài không thể hiện điều gì luôn rất nhân ái. Người ta rất sợ Ngài và chẳng bao giờ khám phá ra lý do tại sao bởi vì Rinpoche luôn cư xử rất tuyệt vời.

Rinpoche không phải là người nóng tính mà ngược lại, Ngài luôn nhân ái, nhu hòa và có giọng nói rất truyền cảm. Ngài là hóa thân của đấng Sengey Dradok, một trong những hóa thân phẫn nộ của Đạo sư Liên Hoa Sinh. Và thực sự, đôi khi bất chợt người ta nhận thấy Ngài trong hình tướng đó khiến họ hoàn toàn sửng sốt. Tôi tin tưởng rằng đó là bởi vì có một quyền năng nội chứng vĩ đại mà Ngài đang cố gắng giấu đi nhưng điều này là không thể. Ngài cố gắng xuất hiện như một người bình thường tới mức Ngài có thể, nhưng Ngài không thể làm được điều đó vì Ngài là bậc chứng ngộ siêu phàm.

Nhiếp Chính Vương cực kỳ tài năng, xuất chúng phi thường. Ngài quán xuyến toàn bộ cộng đồng Tashi Jong. Ngài chỉ dạy tất cả mọi người phải làm gì và làm như thế nào. Ngài chỉ dạy cách thức đục đẽo, trạm trổ khắc gỗ cho những người thợ đục, và Ngài hướng dẫn những thợ dệt thảm phải dệt như thế nào; trong thực tế chính Ngài đã trang trí, bố cục tất cả những tấm thảm. Ngài dạy chư Tăng vẽ Thangka (những bức tranh theo truyền thống Kim cương thừa) và đã khích lệ cộng đồng cả những người Phật tử và chư Tăng phát triển những kỹ năng của họ và sáng tạo ra rất nhiều những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo. Vì thế thời bấy giờ, Tashi Jong là một cộng đồng “kỹ nghệ”. Rinpoche luôn ở khắp mọi nơi, Ngài không chỉ quản lý điều hành cả cộng đồng và tự viện mà còn luôn cùng với những Phật tử giải quyết những rắc rối của họ và xử lý cả công việc quản lý, điều hành cộng đồng cũng như ở tự viện, thực hiện những nghi thức tâm linh mà một Lama cao cấp thường phải làm. Ngài ở khắp mọi nơi, Ngài thật giống như đức Phật.

Khi nhìn kỹ, bạn sẽ thấy trên vương miện của Ngài có một Ushnisa (Tiếng Sankrit là một chiếc lông vũ trên vương miện của Đức Phật, chiếc lông vũ này là biểu tượng của đại trí tuệ) và Ngài giống như một đức Phật. Tôi là thư ký của Ngài khoảng 5 hay 6 năm, nhưng trong suốt khoảng thời gian này, tôi không bao giờ thấy Ngài nói hay làm bất cứ điều gì mà bạn có thể từng nghĩ rằng, đó không phải là một công hạnh hoàn hảo của đức Phật. Thật đáng buồn là Ngài đã viên tịch quá sớm. 

Một Ni Sư phương Tây tại tự viện Phật giáo Kim Cương thừa

D: Là một trong những Ni sư đầu tiên đến từ phương Tây sống tại một tự viện, trong thời kỳ đầu tu hành Ngài có khó khăn gì không?

T: Việc bắt đầu ở môi trường tự viện rất khó khăn bởi vì tôi là một người phương Tây, hơn thế nữa lại là một sư Ni, tôi không thể là một phần những gì đang diễn ra trong tự viện khi đó. Tôi luôn phải là một người bên ngoài nhìn vào bên trong, và điều đó làm cho tôi thật cô đơn. Tôi ăn một mình và ở một mình, tôi không phải là một phần của cộng đồng và tôi không thuộc về tự viện. 

Đối với tôi, thời gian đó thực sự không thoải mái vì tôi biết rất ít về Phật giáo Kim Cương thừa lý do là có rất ít sách và những nguồn tài liệu khác. Nó giống như là đến một bữa tiệc lớn nhưng chỉ được cho một chút ít thực phẩm nhưng nó không thể chế biến thành một bữa ăn. Vì thế tôi đã cực kỳ bực bội. 

Ban đầu, tôi không thể hiểu Phật Pháp và những gì đang thực sự diễn ra, đồng thời tôi có cảm giác là một người xa lạ và rất dễ tổn thương. Cảm giác này giống như một bức tường bằng kính, bạn có thể nhìn thấy mọi thứ nhưng không thể sờ chạm vào chúng. Bạn biết không, điều này giống như mọi thứ đang rất gần nhưng thực ra lại rất xa. Đó là một khoảng thời gian mà tôi thực sự cô đơn khủng khiếp. 

Khi tôi tu tập một mình ở trong hang động, tôi không bao giờ cảm thấy cô đơn. Tôi cảm thấy được là chính mình vô cùng an lạc, nhưng khi tôi sống giữa cộng đồng mà không phải là một phần của cộng đồng đó thì thật đau đớn.

D: Đây có phải là trường hợp của tất cả những sư Ni Tây Tạng khác hay chỉ là với những sư Ni sống gần Ngài? 

T: Có những sư Ni địa phương nhưng họ chỉ là những sư Ni trông coi nhà cửa, không được giáo dục. Họ là những sư ni mà tầm hiểu biết có thể chỉ là ngũ giới hoặc bát quan trai giới, và họ chỉ mặc váy chuba. Họ không thực sự khoác tăng phục và cũng không được xem như những người có chức sự. Họ chủ yếu sống cùng với gia đình và khi duyên đến thì tất cả đều cởi bỏ Pháp phục để lập gia đình. 

D: Ngài có cho rằng, đã không có một sự nâng đỡ của cộng đồng giành cho bất cứ ai là sư Ni không, và cũng không thể có một lời phát nguyện trọn đời của một Ni sư?

T: Vâng, vào thời điểm đó không có một người nào là một sư Ni được giáo dục mà tôi thực sự có thể chia sẻ niềm vui. Khi cộng đồng bản sư của tôi chuyển tới Tashi Jong, tôi đã thực sự thỉnh cầu Ngài cho phép tôi đến và sống với một trong những vị sư Ni ở đó. Tôi nghĩ rằng, nếu tôi có thể sống cùng với ni sư ấy thì tôi có thể học được tiếng Tạng bởi vì sư Ni này không hề biết một chút tiếng Anh nào nhưng lại rất ham học. Khamtrul Rinpoche trả lời: “Không, cô ta chỉ nói được tiếng Tạng địa phương thôi, và thật không phù hợp với con để dùng loại ngôn ngữ đó.” Vì vậy, tôi luôn phải tự mình tu học. 

D: Thế còn việc tu tập của Ngài thì sao? Bởi Ngài có mối liên hệ với Khamtrul Rinpoche và làm việc tại văn phòng của Khamtrul, Ngài có nhiều cơ hội hơn những sư ni khác trong việc đón nhận giáo pháp từ bản sư của mình phải không?

T: Hiển nhiên là tôi có nhiều cơ hội hơn bất kỳ một vị sư ni nào trong tự viện, những vị sư ni này không đón nhận được bất kỳ một loại giáo lý nào. Nhưng tôi cảm thấy mình vẫn chưa đón nhận đủ giáo lý. Đây là một trong những lý do tại sao tôi thành lập ni viện DGL, để giành cho những sư ni những giáo pháp tu tập mà tôi từng mong muốn có được nhưng lại chưa bao giờ có thể nhận được.
Ni Viện DGL

D: Ngài tâm nguyện Ni viện DGL được hoàn thành khi nào?

T: Ồ, tôi bắt đầu gây quỹ từ năm 1993. Nhưng ban đầu điều này cực kỳ khó khăn đối với một ni viện bởi sự thiếu nhận thức về những khó khăn chướng ngại mà ni chúng Phật giáo Tây Tạng đang phải đối mặt. Vì thế, chúng tôi chỉ mới bắt đầu việc xây dựng cách đây hai năm sau khi đã nỗ lực quyên góp đủ tiền. Cuốn sách với tiêu đề Trong Động Tuyết Sơn của Vicki đã giúp thu hút được sự chú ý của độc giả và nó thực sự mang lại những hứa hẹn cho sư ni Tây Tạng. Tôi nghĩ sự nổi tiếng của cuốn sách đã giúp chúng tôi rất nhiều trong việc gây quỹ để hoàn thành dự án tự viện DGL. Tôi rất biết ơn Vicki về sự giúp đỡ của bà trong nhiều cách khác nhau.

Tôi cho rằng, phải mất hơn ba năm nữa chúng tôi mới hoàn thành dự án này. Từ bây giờ sẽ phải mất một năm để hoàn thành trung tâm tu học, trung tâm nhập thất và hai năm tiếp theo để hoàn thành chính điện.

D: Thưa Ngài, có bao nhiêu sư ni tại Ni viện DGL?

T: Hiện nay chúng tôi có khoảng 50 ni sư và 20 ni sư nữa sẽ được nhập chúng vào trước cuối năm nay. Chúng tôi đang xây dựng chỗ ở cho khoảng 100 sư ni, nhưng vẫn có thêm chỗ cho những cô gái muốn xuất gia khi đủ duyên. 

HOÀN CẢNH CỦA NHỮNG NỮ HÀNH GIẢ 

D: Khi Ngài nhìn thấy hoàn cảnh bây giờ, theo Ngài đã được cải thiện chưa? Nhận thức về nhu cầu đào tạo nữ hành giả tâm linh để đạt tới mức độ của những bậc thượng sư cao cấp trong Phật giáo Tây Tạng đã trở nên thực sự cần thiết chưa ạ?

T: À, dĩ nhiên hoàn cảnh của những sư ni đã được cải thiện rất nhiều, một phần bởi vì có một số lượng nhất định những sư ni phương Tây đã học qua trường phái biện chứng, họ đã bắt đầu đòi hỏi quyền lợi của nữ giới và chỉ ra rằng, phụ nữ có khả năng làm điều này một cách hoàn hảo ngay cả khi họ là người nước ngoài. Vì vậy điều này đã động viên, khích lệ sư ni Tây Tạng nhận ra rằng, họ có thể được giáo dục và không cần thiết phải tự ti. Dần dần, trong rất nhiều Ni viện các chương trình tu học đã được xây dựng. Hiện nay phần lớn các Ni viện đều mong muốn có một chương trình tu học chuyên sâu.  Nếu họ chưa có một chương trình tu học như vậy, thì việc nghiên cứu và tổ chức những cuộc biện kinh giữa những các sư Ni với nhau hiện nay được coi là chuẩn. Điều này trước đây chưa bao giờ được nghe thấy. 

D: Đây có thể là một câu hỏi rất phổ biến: đức Phật đã không khuyến khích bảo mẫu của Ngài và đoàn tùy tùng gồm 500 những quận Chúa tiểu thư đài các xuất gia trở thành ni sư, và rất nhiều các bậc Đại đức Tăng dùng câu chuyện này như một lời bào chữa và trích dẫn lời đức Phật rằng nếu chấp nhận như vậy thì sẽ làm giảm 500 năm trường tồn của Phật Pháp. Quan điểm của Ngài là gì?

T: Vâng theo các kinh điển, nếu phụ nữ gia nhập tăng đoàn thì Phật Pháp sẽ chỉ kéo dài 500 năm thay vì 1000 năm. Nhưng đã 2500 năm trôi qua, rõ ràng là thời điểm đó đã qua lâu rồi ?

Đầu tiên, khi tôn giả Anan hỏi: “Phụ nữ có khả năng đạt giác ngộ không?” Đức Phật đáp: “Dĩ nhiên là được”. “Thế thì tại sao Ngài lại ngăn cản họ không cho phép họ gia nhập Tăng đoàn.” Đức Phật trả lời: “Được, họ có thể xuất gia để thực chứng giác ngộ.” Theo cá nhân tôi nghĩ rằng, lý do tại sao đức Phật lúc đầu ngần ngại không chấp nhận phụ nữ gia nhập tăng đoàn là vì mẹ kế của Ngài là một trong những người thỉnh cầu Ngài. Maha Pajapati Gotami là dì ruột của đức Phật và cũng là mẹ kế của Ngài, năm đó bà khoảng 50 đến 60 tuổi. Bà là một phụ nữ dòng tộc hoàng gia và là một trong 500 quý bà quyền quý cao sang đó. Họ lớn lên trong nhung lụa giàu sang. Thời đó không có ni viện cho đến tận 6 năm sau khi đức Phật giác ngộ. Chư Tăng vẫn còn là những khất sĩ đi khất thực; họ không có tự viện và phải ngủ dưới gốc cây. Rõ ràng là đức Phật đã rất lo lắng cho những sư ni phải lang thang trên phố mà không được bảo vệ an toàn. Ở thời đó, có một số lượng lớn sư ni bị phạm hạnh là do hoàn cảnh bởi vì họ không có chỗ nào để ở, họ phải lang thang khắp nơi, sống nhờ bố thí và ngủ ở dưới gốc cây. Tôi nghĩ rằng, đức Phật đã thấu hiểu những khó khăn, chướng ngại của nữ giới. Dĩ nhiên sau này, đức Phật và cộng đồng Tăng già của Ngài bắt đầu xây dựng những tự viện cố định, nhờ đó ni chúng đã có chỗ an cư, điều kiện hoàn cảnh sống của họ không còn khó khăn như trước nữa.

Điều thứ hai là trong thời kỳ đó, Tăng Ni phải phụ thuộc vào việc đi khất thực, họ xin được rất ít đồ khất thực và chủ yếu những người bố thí là phụ nữ. Khi phải lựa chọn bố thí cho Tăng hay Ni thì những người này lại cúng dường cho tăng. Điều này xảy ra vì phụ nữ luôn có xu hướng cúng dường ưu tiên cho Tăng và tư tưởng cúng dường Tăng đoàn sẽ nhận được nhiều công đức hơn. Do vậy, sư ni luôn gặp nhiều khó khăn hơn trong việc xin đủ thức ăn để duy trì sự tồn tại của mình. Bởi vậy xuyên suốt lịch sử Phật giáo, sư ni luôn đứng hàng phía dưới, tôi nghĩ rằng không chỉ bởi chư Tăng mà còn do chính những nữ thí chủ. Vì điều này, ni chúng luôn gặp nhiều khó khăn chướng ngại. 

D: Có phải những điều này trở thành những lời bào chữa cho việc không giành cơ hội bình đẳng để nâng đỡ cho những nữ hành giả thậm chí trong cộng đồng Tây Tạng, thưa Ngài?

T: Ồ dĩ nhiên, trong cộng đồng Tây Tạng, có một vấn đề khó khăn mà ni chúng luôn gặp phải là họ không có đủ nghi thức thọ đại giới mà họ chỉ có nghi thức để thọ Sa Di giới, nghĩa là họ không phải là phần chính yếu của Tăng đoàn. Nó giống như họ chỉ ở thềm cửa, chưa bao giờ được mời vào tham dự những tác Pháp của Tăng già. Điều này có nghĩa là ni chúng không đón nhận được một chút giáo dục nào. Ni chúng không viết sách, không được thuyết giảng một cách thông thường vì vậy họ không có tiếng nói trong Tăng đoàn. Vì thế, nếu chúng ta để ý điều này thì sẽ thấy tất cả những kinh luận, rất nhiều kinh điển, tất cả các câu chuyện và mọi giáo lý từ trước đến nay đều được viết bởi chư Đại Đức Tăng và tất cả những điều này thực sự là của chư Tăng chứ không phải là của chư Ni. Và kết quả cuối cùng luôn là nhận định rằng chư Tăng cao cấp hơn, giỏi hơn chư Ni khi thực hành Phật Pháp. Những bậc thầy của dòng truyền thừa hầu hết luôn là chư Tăng và 16 A La Hán cũng là nam thì nữ La Hán ở đâu.

VỊ TRÍ HIỆN NAY CỦA NGHI LỄ THỌ GIỚI TỲ KHEO NI 

D:  Điều này đưa chúng ta tới vấn đề của nghi lễ thọ giới Tỳ Kheo Ni, một sư ni đã được lãnh thọ đại giới. Thực ra điều này quan trọng như thế nào thưa Ngài? Ngài phải tu tập bao lâu để được thọ nhận Tỳ Kheo Ni  hoặc giới Bhiksuni được thiết lập trong truyền thống Tây Tạng?

T: Tôi đã trở thành Gelongma và thọ nhận giới Tỳ Kheo Ni khi tôi quay lại Hồng Kông năm 1973. Và 25 năm qua, người Tây Tạng đã nghiên cứu về chủ đề này. 

Một trong những vấn đề là hiện nay một số lượng đông đảo Ni chúng đã và đang nghiên cứu triết lý đạo Phật khoảng trên 15 năm, và đã đến lúc những công trình nghiên cứu đã được hoàn tất của họ phải được công nhận bằng danh hiệu học vị thực sự, điều mà cho đến nay không một ai trong số họ được nhận. Danh hiệu chính trong truyền thống Gelugpa – truyền thống mũ Vàng là một Geshema –danh hiệu nữ tiến sĩ Phật học. Mặc dù hiện nay, người ta nói rằng, ni chúng có thể trở thành Geshema trong khoảng thời gian 2 năm, nhưng đó chỉ là thọ giới Sa Di. 

Theo luật, một vị Tăng không thể trở thành một tiến sĩ Phật học trừ khi vị Tăng đó phải được thọ đại giới, bởi vì một trong những chủ đề mà chư tăng đó sẽ bị kiểm tra là bộ luật và các chương của Tripitaka - Tam Tạng kinh điển. Vị Tăng đó không được chấp nhận để tu học toàn bộ hệ thống luật của tự viện trừ khi Ngài đã thọ nhận đại giới. Điều này có nghĩa là Ni chúng chỉ có thể thọ trì học giới Sa Di rất ngắn, và nếu họ được nhận bằng tiến sĩ Phật học, người ta sẽ nói: “Ồ, họ đâu phải là những tiến sĩ Phật học thực sự, chúng ta cho họ danh hiệu đó vì những cô gái tội nghiệp này đã cố gắng hết khả năng cho việc tu học, nhưng họ vẫn không phải là nữ tiến sĩ Phật học thực sự bởi vì họ không được thọ nhận đại giới và họ chưa hoàn thành đầy đủ việc tu học luật.” Vì vậy hiển nhiên giải pháp là việc  cho phép Ni chúng học luật và thọ nhận đại giới và sau đó được nhận bằng Geshema - tiến sĩ Phật học là giải pháp. Trong trường hợp đó, họ có thể hoàn toàn bình đẳng với những chư Tăng. Hơn thế nữa, đối với những truyền thống khác, để trở thành một nữ Khenpo - ni trụ trì - Khenmo, như là một bậc thầy triết học thì một sư ni phải được thọ đại giới. 

D: Hệ thống Phật giáo Tây Tạng có đại giới Tỳ Kheo Ni không thưa Ngài?

T: Không, vào thế kỷ 14 và 15 sau công nguyên, một bậc thầy dòng mũ Trắng (Sakyapa) đã truyền đại giới cho một, hai sư ni nhưng việc này đã bị đức Dalai Lama đời thứ V phản đối, vì thế nó không còn tồn tại nữa. Về cơ bản, họ chưa bao giờ thật sự được thọ giới. Điều này chưa bao giờ được áp dụng ở Tây Tạng thời bấy giờ. Nhưng ngày nay, nhiều ni sư không ở Tây Tạng nữa, họ ở Ấn Độ và bây giờ chẳng có lý do gì để họ không được thọ nhận đại giới. Ni chúng đang được giáo dục toàn diện. Họ sống và tu tập trong những ni viện được quản lý rất tốt, họ có kỷ luật và tận tụy xả thân dâng hiến. Vì thế tại sao lại không cho họ cơ hội để thọ nhận cảnh giới cao hơn, điều mà đã được chính đức Phật đã truyền lại cho tới ngày nay. 

Không phải chúng ta không tạo ra đại giới cho sư ni. Cho đến nay đã có khoảng hàng mười ngàn Tỳ Kheo Ni trên thế giới thọ nhận đại giới. Bạn có thể thấy ở những nước như: Đài Loan, Hàn Quốc, Việt Nam, Trung Quốc, vô số ni chúng đã thọ đại giới, họ đã trì giới nghiêm túc và được giáo dục đầy đủ. Vì vậy không có lý do gì để chúng ta không thực hiện điều đó trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng.

PHỤC HỒI DÒNG TRUYỀN THỪA TOGDENMA 

D: Điều này đưa chúng ta tới một chủ đề Togdenma hay nữ Yogi. Chúng con nghe nói rằng, Ngài đã và đang nghiên cứu về chủ đề này. Chúng ta có nhiều những đại Yogini trong dòng Truyền Thừa Drukpa không, thưa Ngài?

T: Theo như tôi biết, chúng ta có rất nhiều. Một ngày kia, Bản sư của tôi - Nhiếp Chính Vương Khamtrul Rinpoche đời thứ VIII đã chúc nguyện quàng một chiếc khăn Khata lên cổ tôi và nói rằng: “Thầy luôn cầu nguyện gia trì cho con mong nguyện rằng con sẽ là người phục hồi truyền thống Togdenma.”(Khata là khăn trắng được sử dụng rộng rãi theo truyền thống giữa những bậc thầy Phật giáo Tây Tạng và những hành giả, là một nghi thức chào hỏi trang trọng).  Ngài đã ban phúc cho tôi một cách hết sức trang trọng, bởi vậy từ sâu thẳm trái tim, tôi đã phát nguyện hoàn thành viên mãn tâm nguyện của Ngài.

D: Ngài có biết tự viện nào của chúng ta có truyền thống Yogini hay Togdenma này không?

T: Một số Rinpoche đã nói với tôi rằng, khi họ đến thăm ni viện của Khamtrul Rinpoche ở tỉnh Kham trước cuộc Cách Mạng Văn Hóa, họ đã nhìn thấy những Togdenma. Tôi nhớ rõ ràng có người đã nói với tôi những Togdenma ngồi thành hàng ở giảng đường chính trong ni viện và tất cả đều để tóc dài, họ chải ngược lên với một sợi dây ban phước ở phía sau để làm nhẹ mái tóc khi họ cúi xuống. Bản sư của tôi một lần đã nói: “Ồ, nếu như thầy gặp con ở Tây Tạng thì có thể không bao giờ có duyên để con lân mẫn thầy giống như bây giờ trong đời này. Bởi vì con là một phụ nữ. Điều duy nhất mà thầy có thể làm được cho con là gửi con đến ni viện của thầy”. Nhưng lúc đó, Ngài đang đề cập tới ni viện nào thì tôi không biết. 

Trong dòng truyền thừa của chúng ta, truyền thống Togdenma đã bị lắng chìm từ thời của đức Rechungpa. Đức Rechungpa có rất nhiều đệ tử là nữ đại hành giả. Một trong số họ là Machig Konchog. Trong thực tế, dòng truyền thừa Demchok trước đó có những đệ tử hành giả du già nữ nhưng khi dòng này trở nên mang tính tự viện hơn và tính Yogi yếu đi thì dĩ nhiên những nữ du già của dòng truyền thừa sẽ ngày càng ít đi. 

D: Ngài dự định phục hồi lại dòng Yogini như thế nào?

T: Ồ, tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu.

D: Đầu tiên Ngài có cần hoàn thành thọ nhận đại giới của sư Ni (Gelongma) trước khi phục hồi dòng Yogini không?

T: Không, chúng không liên quan đến nhau. Hiện nay chúng tôi đang thực hiện một số nghiên cứu và khi nó được hoàn tất trong thời gian 10 năm nữa thì một số sư ni của chúng tôi thực sự muốn thực hiện những khóa nhập thất lâu dài có thể sẽ tu tập dòng Yogini hay Togdenma. Vì thế, chúng tôi phải tìm người để hướng dẫn chỉ dạy họ. Ở đây chúng tôi có hai sự lựa chọn. Sự lựa chọn thứ nhất là có thể yêu cầu những Togden – những bậc Du già sĩ hoặc những Yogi của tự viện Tashi Jong, Khampagar để hướng dẫn họ. Nếu chúng ta có một Du già nữ - Togdenma sống cùng với ni chúng và hướng dẫn họ sẽ tốt hơn, bởi vì nam giới không thể sống ở trong ni viện. Điều này sẽ gây ra rất nhiều phiền phức. Vì vậy sự lựa chọn thứ hai là phải mời một nữ hành giả từ Tây Tạng về.

Dĩ nhiên, có một tự viện Gechak Gompa của Tsokyi Rinpoche ở Nangchen Tây Tạng. Mặc dù sư ni ở đó thuộc về dòng truyền thừa Drukpa của chúng ta nhưng thực ra họ đang tu tập Terma của Ratna Lingpa thuộc về truyền thống Ningmapa. Thế nên điều này thực sự không phù hợp. Điều lý tưởng phù hợp là phải tìm được những sư ni đã và đang tu tập Sáu Pháp Yoga của Naropa để hướng dẫn sư ni của chúng ta ở đây. Wangdrak Rinpoche - bậc thầy trưởng lão đảm trách tự viện Gechak Gompa chắc chắn với tôi rằng, sẽ có những ni sư làm được điều này mặc dù Ngài chưa tìm ra được ai. Ngài rất nhiệt tình và muốn tìm được một người để giúp chúng tôi hoàn thành tâm nguyện. 

Mọi người gợi ý rằng, chúng tôi nên thỉnh nhờ Nhiếp Chính Vương Adeu Rinpoche đang sống ở Nangchen Tây Tạng bởi vì Ngài có rất nhiều ni viện, và chính Ngài là một chuyên gia thuần thục Sáu Pháp Du Già Của Naropa. Vì thế, tôi đã có kế hoạch gặp và thỉnh cầu Ngài khai thị chỉ giúp một bậc thầy đến, hướng dẫn chỉ dạy cho các sư ni của chúng ta.

D: Ngài có thể nói cho chúng con cần có phẩm chất nào để trở thành một Togdenma?

T: Tôi thật sự không chắc chắn lắm nhưng về cơ bản, tôi nghĩ rằng, phải phát nguyện trọn đời nhập thất tu tập. Ví dụ, phần lớn những hành giả tham gia khóa nhập thất 3 năm, 7 năm hoặc 12 năm nhưng đối với một Togdenma là phải nhập thất trọn đời. Ở Tây Tạng, cũng giống như Milarepa, những Togdenma hoặc Yogini trong quá khứ thường sống trong hang động trên núi cao. Họ theo truyền thống Milarepa mặc dù ở Khampagar, những Togden hay Yogi là những chư Tăng thọ đại giới, và điều này hoàn toàn khác thường. Những Togdenma có những lọn tóc dài và váy ngắn trắng mặc dù họ đã thọ đại giới. Đó là lời phát nguyện trọn đời tu tập. Dĩ nhiên, Togden có nghĩa là “chứng ngộ” hoặc “có sự chứng ngộ tâm linh”. Vì thế đây là sự phát nguyện trọn đời tu tập. Họ thường tu luyện rất nhiều pháp thực hành Yoga bên trong đặc biệt là tummo (pháp tu tập nội hỏa). Pháp này cho phép hành giả sống trong mùa đông khắc nghiệt nhất chỉ mặc một mảnh vải cotton trắng mong manh, và trở thành một chuyên gia tummo cũng như chuyên sâu vào bất cứ thứ gì thuộc mối quan tâm của họ.

Ngay cả khi họ không nhập thất nhưng họ luôn trong trạng thái tu tập. Ý tôi là đôi lúc họ không nhập thất mà họ nhập thế để giáo hóa chúng sinh, như cố Togden Amtrin của chúng ta là một ví dụ. Thời bấy giờ ai cũng biết rằng những Togden ở Khampagar rất hy hữu, tôn quý và độc nhất thậm chí trong toàn bộ lãnh thổ Tây Tạng. Và người ta nói rằng, những Togdenma còn siêu việt hơn thế. Cho nên chúng ta đang phải tìm kiếm những bậc như thế.

D: Sự phục hưng của dòng Togdenma sẽ làm thay đổi cái nhìn của Phật giáo Tây Tạng về những nữ hành giả Tây Tạng như thế nào?

T: Dĩ nhiên, ở Tây Tạng có nhiều nữ đại hành giả, chúng ta không nghi ngờ gì về điều này. Tuy nhiên, đầu tiên là họ thường không được giáo dục, vì thế họ đã không viết những cuốn sách về những trải nghiệm của họ. Và rất nhiều người trong số họ không để lại tiểu sử cho đời sau và hầu như không một ai viết về những trải nghiệm tu tập của mình. Thế nên, thông thường họ không được biết tới. Có lẽ có một vài người có đệ tử bên mình nhưng ảnh hưởng của họ thì rất ít, chúng ta thực sự không biết nhiều về họ vì không có một tài liệu nào ghi chép về họ. Ở Tây Tạng, điều này đã từng bị cấm, tất cả mọi người dường như rất tùy hỷ về điều này bởi vì Phật giáo Tây Tạng không những rất gia trưởng mà còn rất tôn ti thứ bậc. 

Nhưng hiện nay, chúng ta đang sống trong thế kỷ 21, mọi thứ đang thay đổi và Phật giáo Tây Tạng cũng phải thay đổi cùng với điều đó. Phụ nữ ngày nay khao khát được giáo dục, có cùng những cơ hội, điều mà cho mãi đến gần đây họ mới có quyền được thực hiện trong những lĩnh vực của nam giới. Hiện nay phụ nữ đã dần được giáo dục và thường thành tín hơn nam giới, không có bất kỳ một lý do gì mà họ không có cơ hội bình đẳng để chứng ngộ khả năng nhận thức cũng như những tiềm năng tâm linh của họ. Khi điều này xảy ra thì dần dần những người phụ nữ có năng lực để trở thành những bậc đạo sư về cả triết học và thực hành tâm linh. Đối với nhiều người phụ nữ, trong họ có một sự khao khát mãnh liệt mong muốn được tiếp cận với những bậc thầy có thể nâng đỡ họ. Dĩ nhiên ở phương Tây và một số khu vực khác ở Châu Á, có nhiều đại đức Tăng hơn bởi vì có nhiều vùng, nữ giới không thể tiếp cận lân mẫn đại đức Tăng để luận bàn chia sẻ về những vấn đề khó khăn của họ để tìm cách giải quyết. Người phụ nữ trong một chừng mực nào đó cảm thấy rất bất tiện khi luôn phải tìm cầu một đại đức Tăng khai thị cho họ. 

Cuối cùng, tôi mong rằng, tất cả mọi người đều sẽ đón nhận được rất nhiều giáo pháp từ giáo thọ Tăng và giáo thọ Ni. Không phải chúng ta ngăn chặn số lượng những giáo thọ Tăng mà chúng ta chỉ tăng số lượng lên thôi, bằng cách có thêm giáo thọ Ni. Rất nhiều nam giới cũng có duyên pháp với giáo thọ Ni bởi vì giáo thọ Ni có phẩm chất mẫu tính hay ân cần chu đáo. Và rất nhiều người cảm thấy an ổn thoải mái khi tiếp cận lân mẫn nữ đạo sư, không chỉ là những người hướng đạo tâm linh mà còn giải quyết những vấn đề nội chướng của họ. Tôi nghĩ rằng, nhìn toàn bộ giáo pháp chỉ có thể mang lại lợi ích khi có tiếng nói của phái nữ đồng hành với tiếng nói của phái nam.

Đã lâu rồi, chúng ta chỉ có tiếng nói của nam giới đã đến lúc chúng ta phải có những tiếng nói nữ giới ở trong đó.

D: Ngài có nhận được sự nâng đỡ của những bậc thầy của dòng phái chúng ta trong việc phục hồi truyền thống Togdenma hay Yogini?

T: Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ XII của chúng ta có hơn 300 sư Ni, Ngài đã viết thư cho tôi một vài lần, thể hiện sự ủng hộ tuyệt đối trong việc đào tạo những Togdenma. Ngài cũng lo lắng là hiện nay Ni chúng không nhận được nhiều những giáo lý đào tạo sâu sắc trong việc thực hành tâm linh và đặc biệt là không còn được tu tập Sáu Pháp Du Già Của Naropa. Pháp Vương cũng rất lo lắng là Ni chúng không tu tập bất cứ pháp thực hành sâu sắc nào, chỉ có ít người thực hành Tantra ở mức độ thấp mà thôi. Ngài thấy rằng điều này sẽ dẫn tới sự suy thoái của dòng truyền thừa Drukpa, trừ khi phụ nữ bắt đầu việc tu tập Yogini càng sớm càng tốt. Có một đòi hỏi cấp thiết là mang lại những pháp thực hành sâu sắc trong truyền thống Togdenma tới cho những nữ hành giả, đặc biệt là cho Ni chúng của dòng truyền thừa chúng ta. Vì vậy, Pháp Vương đã và đang hết sức khích lệ, và nỗ lực nâng đỡ chúng tôi phục hồi truyền thống Togdenma càng sớm càng tốt.

Bên cạnh Pháp Vương, Nhiếp Chính Vương Drukpa Choegon Chokyi Sengye Rinpoche, Nhiếp Chính Vương Dorzong Rinpoche, Nhiếp Chính Vương Adeu Rinpoche, Nhiếp Chính Vương Dugu Choegyal Rinpoche, Nhiếp Chính Vương Tsoknyi Rinpoche, Khandro Thrinlay Chodon là minh phi của Pháp Vương Shabdrung Rinpoche và rất nhiều các bậc thượng sư trong dòng truyền thừa Drukpa của chúng ta rất ủng hộ việc đào tạo những nữ hành giả và giành cho họ những điều kiện tốt để thành tựu giác ngộ. Nếu chúng ta có cùng đại nguyện nâng đỡ cho phái nữ đạt đến giác ngộ thì tôi thấy rằng việc khôi phục dòng Yogi không phải là sứ mệnh bất khả thi. 

Tôi cầu nguyện cho lợi ích của vô lượng hữu tình rằng, sự khao khát giác ngộ của nữ giới sẽ được viên mãn thông qua việc phục hưng dòng Yogini của chúng ta, dưới sự hướng dẫn, chỉ dạy của những bậc thượng sư tôn quý của dòng truyền thừa Drukpa. 

D: Xin cảm niệm ân đức Ni sư Tenzin Palmo tôn kính! Chúng con ngưỡng nguyện Ngài sẽ thành tựu trong việc hoằng dương và phục hưng dòng Yogini cho nữ hành giả dòng truyền thừa Drukpa.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.