Sử dụng thế mạnh của truyền thông

GN - Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc năm 2014 do GHPGVN đăng cai tổ chức tại Việt Nam lần thứ 2 đang đến rất gần.

Tuy nhiên, nếu xét một cách công bằng, sự kiện Phật giáo nổi cộm trong gần một tháng trở lại đây không phải là không khí chuẩn bị cho sự kiện văn hóa - tâm linh quốc tế, được Giáo hội đánh giá là rất quan trọng và vinh dự này mà thuộc về hiện tượng trở lại lần thứ năm của đoàn truyền thừa mệnh danh là Drukpa dẫn đầu là ngài Gyalwang Drukpa đến từ Ấn Độ.


>> Không nên quá chuộng ngoại và quên những lợi ích chung

the manh.jpg
Muốn hiệu quả truyền thông tốt, thì phải có sự kiện,
có nhân vật, người phát ngôn, thông điệp rõ ràng - Ảnh minh họa

Việc đón tiếp rầm rộ, với hàng loạt nghi lễ theo truyền thống Kim Cương thừa sắc màu đặc trưng rực rỡ, hoạt động giao lưu, tiếp xúc báo chí, ra mắt sách, triển lãm, họp báo… khối lượng sự kiện dày đặc, từ Bắc vào Nam, được tổ chức khá bài bản, có tính chuyên nghiệp đã đẩy sự trở lại lần này của phái đoàn Drukpa có thể nói là đã để lại ấn tượng trong dư luận, dĩ nhiên với ý kiến trái chiều.

Ý thức sử dụng phương tiện truyền thông để quảng bá hình ảnh được những người tổ chức sử dụng rất tốt qua hiệu ứng và mật độ thông tin phản ánh về hoạt động của đoàn xuất hiện trên các loại hình báo chí và các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, sự thành công đó cũng khiến không ít người có những suy nghĩ khác, về Đại lễ Vesak LHQ, Đại lễ Phật đản, về hoạt động của chư tôn đức giáo phẩm lãnh đạo cao cấp GHPGVN, đặc biệt là về những danh xưng tôn vinh như “Bậc toàn tri tôn quý”, “Pháp vương”, “Nhiếp chính vương”…, những mất cân bằng khác trong đời sống văn hóa tâm linh của Phật giáo Việt Nam sau này.

Trong một bài viết trên trang nhà Ban Thông tin-Truyền thông GHPGVN, tác giả Lệ Thọ đã bày tỏ những suy nghĩ trước hiện tượng trên: “Mong là các vị lãnh đạo GHPGVN quan tâm khi có đoàn Phật giáo các nước đến thăm viếng thì phải đến lễ bái ra mắt các vị tổ đức và hàng giáo phẩm lãnh đạo. Đồng thời, Hiến chương đã quy định hàng giáo phẩm cao nhất của Việt Nam là Hòa thượng. Cho nên các vị lãnh đạo Phật giáo các nước đến thăm viếng cũng phải dùng danh xưng theo Hiến chương.

Các phóng viên báo đài cũng nên tham khảo về quy định của Phật giáo khi đưa tin và hình ảnh để tránh ngộ nhận. Sau cùng, dòng truyền thừa Drukpa tại Việt Nam chịu trách nhiệm và hướng dẫn cho ngài Gyalwang Drukpa, Nhiếp chính vương Thuksey Rinpoche và Tăng đoàn truyền thừa Drukpa viếng thăm Việt Nam theo phong tục tập quán và quy định của Giáo hội, nhằm tạo sự đoàn kết hòa hợp như nước với sữa giữa pháp tu trong nước và các tông phái Phật giáo trên thế giới”…

Nếu hiểu truyền thông là quá trình chia sẻ thông tin, là một kiểu tương tác xã hội trong đó có ít nhất hai tác nhân có những quy tắc và tín hiệu chung, sự luân chuyển thông tin và hiểu biết từ người này sang người khác… thì đó là một phương tiện hoằng pháp tốt. Và dĩ nhiên, muốn hiệu quả truyền thông tốt, thì phải có sự kiện, có nhân vật, người phát ngôn, thông điệp rõ ràng, dễ hiểu và thiết thực bên cạnh những hình thức tổ chức sáng tạo, mới lạ.

Mong sao, những sự kiện quan trọng sắp tới như Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc, Đại lễ Phật đản PL.2558… sẽ là cơ hội để hoằng pháp, phổ biến thông điệp về lối sống đạo đức từ bi và trí tuệ của Đức Phật mà thế giới đã công nhận và tôn vinh là lối sống của thiên niên kỷ mới - thiên niên kỷ thứ XXI.

Nguyên Quân

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.