Sư cô Thích Tâm Trí (từ Nhật Bản): “Công tác hoằng pháp ở nước ngoài cần được chú trọng nhiều hơn"

Sư cô Thích Tâm Trí, Hội trưởng Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản
Sư cô Thích Tâm Trí, Hội trưởng Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản
0:00 / 0:00
0:00
GNO - “Theo tôi, hoạt động của GHPGVN hiện nay đang có những dấu ấn rất đặc biệt” - Sư cô Thích Tâm Trí chia sẻ trước thềm Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX.

Như Đại lễ Vesak 2019 diễn ra tại chùa Tam Chúc đã thu hút đông đảo chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội Phật giáo các nước, tín đồ Phật tử thập phương về tham dự. Bản thân tôi, một Tỳ-kheo-ni hướng dẫn phái đoàn Phật giáo Nhật Bản cùng đồng bào về tham dự, cả đoàn ai cũng tâm đắc, hoan hỷ và tán thán sự thống nhất của GHPGVN quy tụ được đông đảo các giới. “Phật giáo Nhật Bản không thể làm được như vậy” - tôi nhớ, một chư Tăng Nhật Bản đã nói với tôi như thế.

Rõ ràng, sự thống nhất mang tính truyền thống của Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ vẫn giữ nguyên vẹn giá trị văn hóa tâm linh, và những dấu ấn chân thành, nhiệt huyết, cởi mở, thân thiện của Phật giáo Việt Nam đối với các bàn bè Phật giáo thế giới đã và đang được duy trì bền bỉ qua năm tháng.

Theo tôi, Phật giáo Việt Nam đang có một đội ngũ Tăng Ni trẻ đầy tiềm năng. Thế nhưng Giáo hội chưa có Hiến chương cụ thể dành cho chư Tăng Ni trẻ để các vị có nhiều cơ hội phát huy năng lực của mình. Tôi hy vọng Đại hội lần này sẽ vạch ra nhiều đường hướng mới, đưa vào trong Hiến chương tạo điều kiện để phát triển đội ngũ trẻ kế thừa.

Đảm nhiệm công tác Phật sự ở Nhật Bản, với vai trò là Hội trưởng, tôi nhận thấy nhu cầu tìm hiểu về Phật pháp của người Việt Nam ở Nhật Bản rất cao. Chẳng hạn như trong 2 năm dịch Covid-19, một số thực tập sinh, du học sinh người Việt Nam tại Nhật Bản bị thất nghiệp, không nơi tá tu túc, không có chuyến bay về nước, không người thân bên cạnh…. Nhiều người trẻ trong số đó rơi vào trầm cảm, lo âu, hoang mang. Lúc bấy giờ các bạn chỉ biết tìm đến chùa để được nương tựa, giúp đỡ.

Nhà chùa của chúng tôi đã chăm sóc cho các bạn từ chỗ ăn, chỗ nghỉ ngơi, trị liệu bằng Phật pháp cho hơn 2.068 bạn trẻ. Ở chùa, các bạn được tụng kinh, bái lạy, niệm Phật, học thiền, chấp tác, phân chia lương thực đóng gói gửi đi cho các hoàn cảnh khó khăn… Hàng ngày, theo sự hướng dẫn tu tập của chư Ni, các bạn rèn luyện nhiếp tâm chánh định, dần dần các bạn không còn lo âu, sợ hãi hay hoang mang, mà thay vào đó là tinh thần lạc quan, sức khỏe ổn định hơn.

Tôi cũng mong rằng, Ban Phật giáo Quốc tế sẽ có đường hướng cụ thể để làm sao đào tạo được lực lượng hoằng pháp, để có thể ra nước ngoài hoạt động tôn giáo với tư cách là nhà truyền giáo. Cũng như mong chư Tăng Ni trẻ cố gắng trau dồi Bi - Trí - Dũng thật vững chãi, rèn luyện ngoại ngữ để khi đủ duyên có thể dấn thân phụng sự vì Đạo pháp cả trong và ngoài nước.

Hướng đến Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027, từ 27 đến 29-11-2022 tại Hà Nội, mỗi ngày Giác Ngộ Online sẽ giới thiệu các ý kiến, đóng góp xây dựng của chư Tăng Ni, Phật tử, các nhà nghiên cứu đối với các lĩnh vực hoạt động của Giáo hội.

Tổng hợp các ý kiến, phát biểu thiết thực sẽ được đăng trong ấn phẩm Báo Giác Ngộ số đặc biệt chào mừng Đại hội, dự kiến phát hành ngày 18-11-2022.

Mọi ý kiến, bài cộng tác xin gửi về email onlinegiacngo@gmail.com, chủ đề thư điện tử xin viết: “Hướng về Đại hội IX GHPGVN”. Bài viết xin ghi thông tin địa chỉ, số điện thoại liên lạc và ảnh chân dung tác giả để tiện cho liên lạc khi cần trao đổi và minh họa theo quy định.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.