Sự bình đẳng căn bản

Họ như là những con người, giống như tôi, đều tìm kiếm hạnh phúc và mong ước tránh được đau khổ - Mỹ thuật: Tống Viết Diễn
Họ như là những con người, giống như tôi, đều tìm kiếm hạnh phúc và mong ước tránh được đau khổ - Mỹ thuật: Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Trong cuộc tìm kiếm hạnh phúc và tránh né đau khổ, tất cả chúng ta về căn bản là như nhau, do đó, bình đẳng với nhau.

Đây là một điều quan trọng. Bởi vì nếu chúng ta đưa nhận thức về sự bình đẳng của con người căn bản này vào cách nhìn thế giới hàng ngày, thì tôi tin rằng sẽ có lợi ích rất lớn, không những cho xã hội nói chung, mà cho cả từng cá nhân chúng ta.

Đối với tôi, bất cứ khi nào tôi gặp gỡ người này người kia - dù cho họ là tổng thống hay người ăn xin, cho dù da họ đen hay trắng, thấp hay cao, giàu hay nghèo, xuất thân từ nước này hay nước khác, có tín ngưỡng này, tín ngưỡng kia - tôi luôn cố gắng cư xử với họ như là những con người, giống như tôi, đều tìm kiếm hạnh phúc, và mong ước tránh được đau khổ.

Tôi thấy rằng, khi đã có quan điểm này thì sẽ nảy sinh cảm giác gần gũi với những người mà trước khi gặp gỡ vẫn còn là người hoàn toàn xa lạ. Mặc cho những đặc điểm cá nhân, mặc cho trình độ học vấn, địa vị xã hội như thế nào đi nữa, và mặc cho những thành tựu mà chúng ta đạt được trong đời, ai ai cũng đều tìm kiếm hạnh phúc và tránh né đau khổ trong cuộc sống ngắn ngủi của chúng ta.

Vì lý do này, tôi thường nói rằng những nhân tố gây chia rẽ chúng ta thật ra là nông cạn hơn những gì chúng ta cùng nhau chia sẻ. Mặc cho những điều khiến chúng ta khác nhau - như chủng tộc, ngôn ngữ, tôn giáo, phái tính, tài sản, và nhiều thứ khác - tất cả chúng ta đều bình đẳng xét về nhân tính căn bản.

Khoa học đã chứng thực sự bình đẳng này. Chẳng hạn, bộ gene con người cho thấy rằng những khác biệt về chủng tộc chỉ do một phần rất nhỏ của cấu tạo bộ gene, phần lớn bộ gene của chúng ta đều giống nhau. Quả thật, ở tầng lớp bộ gene di truyền, những khác biệt giữa cá nhân này với cá nhân kia rõ rệt hơn là những khác biệt về chủng tộc.

Dưới ánh sáng của những suy xét này, tôi tin rằng đã đến lúc mỗi người chúng ta nên bắt đầu suy nghĩ và hành động trên cơ sở một đặc điểm nhận dạng bắt rễ rất sâu trong câu nói : “Chúng ta là những con người”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.