Sự biến chuyển từ lưỡi tầm sét đến kim cương chử

Chày kim cang là một Pháp khí trong nghi lễ Kim cương thừa
Chày kim cang là một Pháp khí trong nghi lễ Kim cương thừa
NSGN -Trong nghi thức Phật giáo, đặc biệt là Mật tông thường sử dụng chày kim cương. Chày thể hiện tính dương, tượng trưng cho sự viên mãn của phương pháp hoặc phương tiện và tính Phật.

Kim cương chử/vajra là một kiểu loại dùi cui/gậy tày đỡ lấy cái đầu gọng/sườn có hình cầu. Các gọng/sườn có thể gặp nhau ở đỉnh hình quả cầu, hoặc chúng có thể tách rời và kết thúc bằng các đầu mũi nhọn. Vajra là vũ khí của vị thần mưa và sấm sét trong Veda Ấn Độ - đó là thần Đế Thiên Indra, và được sử dụng một cách biểu trưng bởi các truyền thống pháp của Phật giáo, Kỳ-na giáo và Hindu giáo, thường để biểu thị cho sự vững chắc của tinh thần và sức mạnh tinh thần.

Theo thần thoại Ấn Độ, kim cương chử được coi như là một trong những vũ khí quyền năng nhất trong vũ trụ. Việc sử dụng vajra như một công cụ biểu tượng và nghi lễ lan truyền từ tôn giáo/tín ngưỡng đạo Hindu sang các tôn giáo/tín ngưỡng khác ở Ấn Độ và các khu vực khác của châu Á.

Từ nguyên

Theo Asko Parpola, vajra - Phạn ngữ và vazra - trong ngôn ngữ Avesta - cả hai đều đề cập đến vũ khí của thánh thần/Thượng đế, và có thể bắt nguồn từ gốc tiếng Ấn-Âu nguyên thủy (Proto-Indo-European) weg - có nghĩa là “trở nên hùng mạnh”. Nó có liên quan đến Proto-Finno-Uralic vaśara , “búa, rìu”.1

Kim cương chử trong tín niệm Hindu giáo

1- Rig-veda

Đề cập sớm nhất về vajra là trong Rig-veda, một phần của bộ bốn kinh Veda. Nó được mô tả là vũ khí của thần Indra, thủ lĩnh của các vị thần. Indra được mô tả đã sử dụng vajra để giết chết các tội đồ và những người ngu dốt. 2 Rig-veda cho rằng vũ khí được chế tạo cho thần Indra bởi Tvastar, người chế tạo các dụng cụ thần thánh. Câu chuyện liên quan mô tả Indra sử dụng kim cương chử/vajra mà thần cầm trong tay, để giết a-tu-la/asura Vritra, kẻ trong hình dạng của một con rắn.3

Do kỹ năng sử dụng kim cương chử/vajra của ngài, một số tính ngữ được dùng cho thần Indra trong Rig-vedaVajrabhrit (kim cương thủ), Vajrivat hoặc Vajrin (trang bị/vũ trang kim cương chử), Vajradaksina (cầm kim cương chử trong tay phải), và Vajrabahu hay Vajrahasta (cầm kim cương chử trong tay). Sự liên kết của kim cương chử với thần Indra được tiếp tục với một số sửa đổi/biến cải trong văn học Cổ sự sau này, và trong các tác phẩm Phật giáo. Phật Âm/Buddhaghoṣa, một nhân vật quan trọng của Phật giáo Nguyên thủy vào thế kỷ V, đã đồng nhất Bồ-tát Kim Cương Thủ với thần Indra.4

2- Cổ sự

Nhiều Cổ sự/Purana sau này đã mô tả về kim cương chử/vajra với câu chuyện được sửa đổi từ nguyên bản Rig-veda. Một bổ sung quan trọng liên quan đến vai trò của nhà hiền triết Dadhichi. Theo một ghi chép kể lại, thần Indra, vị vua của chư thiên/deva từng bị một asura tên là Vritra đuổi khỏi cõi trời/devaloka. Asura là kẻ nhận được một đặc ân mà theo đó nó không thể bị giết bởi bất kỳ vũ khí nào được biết cho đến thời điểm asura nhận được đặc ân đó và ngoài ra, không có bất kỳ vũ khí được làm bằng gỗ hay kim loại nào có thể tổn hại đến nó.

Thần Indra, người đã mất hết hy vọng lấy lại vương quốc được cho là đã đến cầu kiến thần Shiva nhưng thần cũng không thể giúp đỡ. Thần Indra cùng với Shiva và Brahma bèn đi tìm sự trợ giúp của thần Vishnu. Vishnu tiết lộ với Indra rằng chỉ có vũ khí làm từ xương của Dadhichi mới có thể đánh bại Vritra.5 Indra và các vị thần khác do đó đã tiếp cận nhà hiền triết, người mà thần Indra đã từng chặt đầu, và yêu cầu ông giúp đỡ trong việc đánh bại Vritra. Dadhichi đồng ý với yêu cầu của chư thần nhưng cho biết ước nguyện của ông là có thời gian để đi hành hương đến tất cả các dòng sông thiêng trước khi từ bỏ cuộc sống của mình vì các chư thiên.

Sau đó, thần Indra đã mang tất cả nước của các con sông thiêng đến khu rừng Naimisha,6 do đó cho phép nhà hiền triết hoàn thành ước nguyện của mình mà không mất thêm thời gian. Dadhichi được cho là đã từ bỏ cuộc sống bằng nghệ thuật du-già/yoga và các vị thần đã tạo ra vajrayudha từ xương sống của nhà hiền triết. Vũ khí này sau đó được sử dụng để đánh bại asura, cho phép thần Indra giành lại vị trí của mình với tư cách là vị vua của cõi trời/devaloka.

Một dị bản khác của câu chuyện kể rằng, Dadhichi được yêu cầu bảo vệ vũ khí của các vị thần vì chúng không thể xứng hợp với các nghệ thuật bí truyền đang được asura sử dụng để có được chúng. Dadhichi được cho là đã giữ nhiệm vụ này trong một khoảng thời gian rất dài và cuối cùng vì quá mệt mỏi với công việc, ông được cho là đã hòa tan các vũ khí vào nước thiêng mà ông uống. Một thời gian dài sau đó, các deva trở lại và yêu cầu ông trả lại vũ khí để họ có thể đánh bại asura, đứng đầu là Vritra, một lần cho mãi mãi. Tuy nhiên, Dadhichi đã nói với họ về những gì ông đã làm và thông báo rằng vũ khí của họ giờ đây là một phần xương của ông. Tuy nhiên, Dadhichi, nhận ra rằng xương của mình là cách duy nhất để các vị thần có thể đánh bại asura nên đã sẵn sàng hiến mạng trong một hố lửa thần bí mà ông triệu hồi bằng quyền năng khổ hạnh của mình.7 Thần Brahma sau đó được cho là đã tạo ra một số lượng lớn vũ khí từ xương của Dadhichi, bao gồm cả vajrayudha, được tạo ra từ xương sống của ông. Các deva sau đó được cho là đã đánh bại các asura bằng cách sử dụng những vũ khí được tạo ra này.

Vũ khí này có một lịch sử lâu đời tại Ấn Độ, sau đó còn xuất hiện cả trên những hình khắc ở Mesopotamia - Ấn Độ.8 Param Vir Chakra, trang trí quân sự thời chiến tranh cao nhất của Ấn Độ có họa tiết kim cương chử.9

Kim cương chử lần đầu tiên được dùng trong các nghi lễ Veda để xua đuổi các thế lực ma quỷ hắc ám khỏi nơi hành lễ, và sau đó tiến tới chỗ tượng trưng cho các quyền lực và sự kiên định của tâm linh.

Kim cương chử không những là vũ khí ưa thích của thần Indra trong điện thờ Ấn giáo, mà với vũ khí đó - theo truyền thuyết Phật giáo - thần đã bổ làm đôi những kẻ thù của Phật pháp. Do đó, kim cương chử cũng là thứ vũ khí có khả năng hủy diệt những kẻ thù của Phật pháp. Chủ yếu được dùng bởi Phật giáo Mật tông ở Tây Tạng và trong các trường phái Mật tông Trung Hoa và Nhật Bản.

Kim cương chử trong tín niệm Phật giáo

Kim cương chử/kim cang xử, Sanskrit: Vajra, Pāli: Vajira, Hán âm: Phạt-xà-lạ, bạt-xà-la, bạt-chiết-la, phược-nhật-ra, phạt-chiết-la, bạt-nhật-la, phạ-nhật-la, vã-đam-la. Tiếng Tây Tạng: rdo rje, dorje, biểu thị ý “thạch vương” nghĩa là “đá báu”; tiếng Nhật: kongo-sho; tiếng Hoa: jin-gangchu.10

1- Ý nghĩa biểu trưng

Trong kinh luận thường dùng kim cang/kim cương để dụ cho đá quý và vũ khí.

a) Dùng kim cang/kim cương dụ cho đá quý, bảo châu kiên cố, ánh triệt, tức là chất hột thủy xoàn (kim cương): Vì đá kim cang/kim cương trong suốt không màu, sáng lóng lánh, nếu mặt trời chiếu qua liền hiện các màu sắc rực rỡ, ban đêm cũng phát ra ánh sáng, nên đá kim cang/kim cương được xem là quý nhất trong các thứ bảo vật, căn cứ vào ý nghĩa tối thắng ấy nên trong kinh luận đôi khi cũng dùng đá quý kim cang/kim cương để dụ cho Kim cang/Kim cương tam muội của hàng Bồ-tát.11 Thuyết “Kim cương tam muội” cho thấy chày kim cương với việc sinh thành của thần linh có mối quan hệ nhất định. Phần góc lồi ra ở giữa thẳng dài đại diện cho mạch giữa chính, tám vòng nhỏ xung quanh đại diện cho tám đường mạch lớn được sinh thành quanh tâm luân, vòng ở trung tâm là phù hiệu chủng tử tượng trưng cho thần được sinh thành sau nhất. Người tu trì từ phù hiệu đó mà giác tâm minh tướng, đoạn trừ tất cả mọi phiền não mà thu được tam muội Phật giáo. Bất luận là thần tướng tịch tĩnh hay thần tướng phẫn nộ thì trên đỉnh mũ thường được vẽ một nửa chày kim cương. Phù hiệu chủng tử này cũng thường xuất hiện trên tay của Phật-đà.12

Kinh Niết-bàn có nói: Tỷ như kim cang (thủy xoàn) không vật nào phá hoại được nó, mà nó có thể phá hoại tất cả mọi vật… Tất cả những vật mà loài kim sí điểu nuốt vào bụng, như rồng, cá, vàng, bạc cùng các châu báu, thảy đều tiêu hóa hết; chỉ trừ chất kim cang/kim cương thì chẳng hề tiêu.13

Và theo kinh Niết-bàn 24 (bản Bắc), Đại thừa nghĩa chương 9, kim cang có 14 tính chất quý: Phá được tất cả vật khác, trong sạch, cứng chắc, tốt nhất, khó lường được giá trị của nó, khó được, có sức công phá mạnh, năng chiếu, bất định, đứng đầu, năng lập, năng ích, trang nghiêm và vô phân biệt.14

Như vậy, kim cang là chất cứng và sắc nhất trong các khoáng chất, bao hàm bốn nghĩa: 1/ Kiên cố, không sức nào phá nổi. 2/ Quý báu khó kiếm. 3/ Có công dụng tiện lợi và sức tự tại, lại có sức phá hoại các vật. 4/ Có hình chất trong sạch, ánh triệt.15

Vì ý nghĩa này mà trong Kim cang bát-nhã kinh sớ luận toản yếu, thượng, ngài Chân Đế dùng 6 màu của kim cang dụ cho thể dụng của bát-nhã (trí huệ) như sau: 1/ Màu xanh có công năng tiêu trừ tai ách, dụ cho bát-nhã có công năng tiêu trừ nghiệp chướng. 2/ Màu vàng tùy thuận theo những điều mong cầu của người, dụ cho công đức vô lậu. 3/ Màu đỏ dưới ánh mặt trời có thể phát sinh ánh sáng như lửa, dụ cho trí huệ đối với bản giác phát sinh ra lửa trí vô sanh. 4/ Màu trắng trong sạch không ô nhiễm, dụ cho bát-nhã có công năng loại trừ những vẩn đục về nghi. 5/ Không màu dụ cho trí tuệ bát-nhã có công năng phá trừ pháp chấp, làm cho người trụ trong lý chân không. 6/ Màu xanh biếc có công năng tiêu trừ các độc, dụ cho trí huệ có công năng tịnh trừ tam độc. Ở đây đều dùng tính chất bền chắc của kim cang dụ cho thể của bát-nhã; dùng tính chất bén nhọn để dụ cho dụng của bát-nhã.16

Và nơi Thích Ca Mâu Ni tọa thiền đắc đạo được gọi là “tòa kim cương”, còn tư thế ngồi bất động của Phật-đà cùng với phần lớn bức tranh mô tả tư thế tọa thiền bất động được gọi là “Kim cương già phu”.17

Ngoài ra, theo Kim cang đảnh sớ 1, kim cang có 3 nghĩa: không thể phá hoại, vật báu trong các vật báu, chiến cụ tốt nhất trong các thứ chiến cụ.

b) Dùng kim cang dụ cho vũ khí (như lưỡi tầm sét, chày kim cương…): tánh của kim cang cứng chắc, bén nhọn, có khả năng phá hủy tất cả các vật, nhưng không bị các vật khác phá hoại.

Trong Mật giáo, kim cang là những món đồ binh khí bên Ấn Độ. Các vũ khí này thường được dùng làm hình tam muội da, biểu trưng cho đức bản thệ hoặc nội chứng của các tôn vị, bao hàm các nghĩa: phá dẹp phiền não, trừ diệt nghiệp chướng, đánh ác ma và thức tỉnh chúng sinh… Ngoài ra, các vũ khí này còn dùng để biểu thị cho tam-ma-địa mà các tôn vị an trụ.18

Ngoài ra, kim cương chử/vajra là một pháp khí lễ nghi tượng trưng không chỉ cho các thuộc tính của một viên kim cương (vững chắc, không thể phá hủy/hủy diệt được) mà còn cho sấm sét (lực lượng không thể chống lại/cưỡng lại). Cả hai nghĩa này có trong Phạn ngữ.19 Sét vừa sản sinh, vừa hủy diệt, nó là cuộc sống và cái chết: đó chính là ý nghĩa của cái rìu hai lưỡi, hai đầu nhọn của vajra (sét) trong đạo Hindu. Nói một cách tổng quát, sét là biểu tượng của hoạt động của trời, của tác động biến đổi của trời đối với đất. Ngoài ra, sét còn gắn với mưa, biểu hiện một cách rõ ràng mặt có lợi của hoạt động này…20

Trong Phật giáo, kim cương chử là biểu tượng của Kim cương thừa/Vajrayana, một trong ba nhánh chính của Phật giáo. Vajrayana được dịch là “Con đường sấm sét” 21 hay “Con đường kim cương” và có thể ngụ ý những trải nghiệm giác ngộ của Phật giáo. Nó cũng ngụ ý sự không thể phá hủy/hủy diệt,22 cũng giống như kim cương cứng hơn các loại đá quý khác.

2- Pháp khí kim cương chử

Trong Phật giáo Mật tông (Kim cương thừa), kim cương chử (và chuông/ghanta)23 được sử dụng trong nhiều nghi thức của một vị Lạt-ma hay bất kỳ Tăng sĩ tu tập thành tựu pháp Kim cương thừa nào.

Với tư cách là công cụ thần thánh, kim cương chử biểu trưng cho tính nam, là đại diện cho upaya (phương tiện thiện xảo), tương ứng với thần ngôn, với trí năng. Trong khi công cụ đồng hành của nó, chuông là biểu trưng cho tính nữ, biểu thị prajna/bát-nhã (trí tuệ), anh minh và tri thức. Trong Phật giáo Mật tông đôi khi cũng như vậy, hình ảnh của thế giới kim cương hay của tường ngộ, đối lập với thế giới khuôn dập hay thế giới của những biểu hiện bề ngoài, được biểu hiện bằng cái chuông con. Một số vị thần được biểu thị cầm kim cương chử và chuông trong các tay riêng biệt, tượng trưng cho sự hợp nhất của từ bi và trí tuệ.24

Trong các phái Mật tông, kim cương chử tượng trưng (như là vũ khí tối thượng) quyền năng vinh quang của tri thức đối với sự ngu dốt mê muội, của tâm linh chiến thắng dục vọng: “Kim cương chử tượng trưng tri thức cũng như hoa sen tượng trưng lý trí bẩm sinh”. Chúng được coi là có khả năng hóa giải những độc tố cho tinh thần và là vũ khí hữu hiệu trừ diệt nhưng tư tưởng và những dục vọng xấu xa25. Kim cương chử được giao phó cho các giáo sĩ hay thầy pháp để chống lại ma quỷ và tội lỗi trụy lạc. Nó là biểu tượng của sức mạnh thần thánh vô biên, thực hiện công lý và ban phước lành.

Trong những truyền thống Mật tông của Phật giáo, kim cương chử biểu trưng cho bản chất của thực tại, hay tính không/sunyata, biểu thị sự sáng tạo vô tận, uy lực và hoạt động khéo léo. Thuật ngữ kim cương chử/vajra này được sử dụng rộng rãi trong kinh văn Mật tông: Thuật ngữ chỉ cho vị thầy tâm linh là Vajracharya (danh xưng để chỉ các nhà sư Kim cương thừa sống trong cộng đồng người Nepal và cũng là đạo sư được kính phục về sự tu tập và thực hiện nghi lễ Kim cương thừa)26; một trong năm vị Ngũ Trí Như Lai/Ngũ Thiền Định Phật (Dhyani Buddhas) là Kim Cương Tát Đỏa/Vajrasattva…. Việc thực hành các thuật ngữ tiền tố, tên gọi, địa điểm... bởi những biểu trưng kim cương chử nỗ lực nhận thức ra khía cạnh siêu việt/mơ hồ/trừu tượng của mọi hiện tượng; nó trở thành một phần của quá trình “bí tích hóa” các hoạt động của người tu hành và khuyến khích người tu tập tham gia tất cả các năng lượng tâm sinh lý của mình vào đời sống tâm linh/tinh thần.

3- Các loại pháp khí kim cương chử

Kim cương chử/chày kim cương vốn có đầu nhọn và rất bén, đến khi được dùng làm pháp cụ thì hình dáng thay đổi rất nhiều.

Về chất liệu, kim cương chử được làm bằng vàng, bạc, đồng, sắt, đá, thủy tinh, gỗ đàn hương, xương người…

Về hình dáng thì có chày độc cổ, nhị cổ, tam cổ, tứ cổ, ngũ cổ, cửu cổ (tương ứng với chày một, hai, ba, bốn, năm hoặc chín mũi nhọn, mỗi mũi nhọn có tính tượng trưng và những chức năng riêng), chày hình tháp, chày báu… Nhưng độc cổ, tam cổ, ngũ cổ là thường thấy nhất.

Về kích thước, có nhiều kích cỡ khác nhau như: dài 8 đốt ngón tay, 10 đốt ngón tay, 12 đốt ngón tay, 16 đốt ngón tay, 20 đốt ngón tay.27

Kim cương chử/chày kim cương dài 12 đốt ngón tay, biểu thị ý diệt trừ 12 nhân duyên. Kim cương chử được tạo thành từ một số bộ phận. Ở trung tâm là một hình cầu đại diện cho tính không/sunyata28, bản chất nguyên thủy của vũ trụ, sự thống nhất cơ bản của vạn vật. Ở hai bên điểm trung tâm hình tròn của chày kim cương đều có 3 vòng tròn hướng lên trên, tượng trưng cho “Tam môn”, tức là cửa không giải thoát, cửa vô tướng giải thoát và cửa vô nguyện giải thoát.

Xuất hiện từ quả cầu là hai bông sen tám cánh29. Một biểu thị cho thế giới hiện tượng (hoặc thuật ngữ Phật giáo về luân hồi/samsara), một biểu trưng cho thế giới vật tự thân (Niết-bàn/Nirvana). Đây là một trong những sự lưỡng phân cơ bản được nhận thức bởi những người chưa chứng ngộ. Biểu hiện vật chất của kim cương chử là cơ quan của nam giới. Ba vòng tròn này quấn quanh hai đế hoa sen đối xứng nhau của chày kim cương, phía trên mỗi một vòng tròn đó lại có ba vòng ngọc/châu báu, đại diện cho “lục độ” của Bồ-tát là: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Điểm trung tâm của chày kim cương ứng với chân lý tối hậu, mỗi hình nguyệt luân trên mặt hoa sen tượng trưng cho mặt trời và mặt trăng, đại diện cho phương tiện và trí tuệ, sự kết hợp giữa mặt tương đối và tuyệt đối của chân lý, sự hợp nhất tâm Bồ-đề của chân đế và tục đế.30

Hình dạng của nó được hình thành từ núm tròn trên gậy kim loại, lấy cán cầm ngắn mà cứng chắc làm chủ, hai đầu di chuyển có mũi sắc nhọn. Được sắp xếp cân bằng nhau xung quanh miệng của hoa sen là hai, bốn hoặc tám sinh vật makara. Đây là những sinh vật nửa cá, nửa cá sấu trong thần thoại được tạo thành từ hai hay nhiều con vật, thường đại diện cho sự kết hợp của các mặt đối lập, (hoặc sự hài hòa các phẩm chất vượt qua trải nghiệm thông thường của chúng ta). Từ miệng của makara thè ra những cái lưỡi tụ với nhau tại một điểm.31

Các cạnh có mặt cắt hình vuông, giống như mâu hoặc đao kiếm, cạnh chính giữa thường giống chiếc dùi nhọn hoặc châu báu 4 mặt. Hình dáng cấu tạo rõ ràng này tượng trưng cho trục trung tâm của thế giới vi tế trong cơ thể con người, lại tượng trưng trục trung tâm của bốn mặt núi Tu Di.

* Kim cương chử ôn hòa - phẫn nộ

Hình tượng kim cương chử/chày kim cương trong nghệ thuật tôn giáo lại không đơn nhất, như tượng Phật có sự khác biệt giữa thần tướng thiện và thần tướng ác. Chày kim cương tượng trưng cho quyền lực tôn giáo so với chày kim cương là vũ khí cũng có sự khác biệt rõ rệt. Chày kim cương ôn hòa có các cạnh khép lại với nhau tượng trưng cho phương pháp hoặc “phương tiện” của thần linh, còn chày kim cương phẫn nộ có các cạnh tách biệt tượng trưng cho tất cả thần lực kim cương có thể hủy diệt ngu si và hư vọng/vọng niệm.32

* Kim cương chử một, hai, ba, bốn, năm, chín mũi nhọn33

- Kim cương chử một mũi nhọn (Tiếng Nhật: tokkosho)

Loại này chỉ có một mũi nhọn ở mỗi phía của tay cầm ngắn. Dưới đầu mũi có một phần vuông, ngắn và không thon lại. Kim cương chử này hình như còn để tượng trưng trục tung của vũ trụ và sự kết hợp giữa thế giới vật chất và thế giới tinh thần, cũng như sự kết hợp của hai mạn-đà-la lớn, Kim cương giới/Vajradhatu và Thai tạng giới/Garbhadhatu. Trong các phái Mật tông, công cụ này chỉ được dùng bởi các nhà sư sơ cấp, và biểu thị cho thực thể duy nhất của pháp. Ngài Thiên Thủ Quán Âm, Bồ-tát Kim Cang Tạng Vương và Mật Tích Kim Cang lực sĩ đều cầm chày này.34

- Kim cương chử hai mũi nhọn (Tiếng Nhật: nikosho)

Loại này giống hai càng của con sâu tai, và biểu thị tính nhị nguyên đối đãi của hình tướng ngoại vật. Ý nghĩa của hai đầu nhọn của vajra (sét) trong đạo Hindu, đó chính là vajra (sét) vừa sản sinh, vừa hủy diệt, nó là cuộc sống và cái chết. Rất ít khi được sử dụng hay biểu thị.

- Kim cương chử ba mũi nhọn (Tiếng Nhật: sankosho) hay kim cương chử ba ngạnh.

Đây là loại thông dụng nhất, loại mà từ vajra được áp dụng thường nhất. Nó có 3 mũi nhọn ở mỗi đầu, hoặc là hai mũi nhọn ngoài cong, khum vào mũi thẳng ở giữa, hoặc là ba mũi đều cong chụm đầu vào nhau ở giữa. Ba mũi nhọn thường được miêu tả ló ra từ miệng của những con thủy quái gọi là makara. Trong thế giới vật chất và tinh thần, ba mũi này biểu thị Triratna (Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng) và Tam mật (ngữ, ý, hành). Hay trong Phật giáo có sự tương ứng, tượng trưng cho sự chiến thắng “tam độc” (tham, sân, si), nắm được/khống chế “tam thế/tam thời” (quá khứ, hiện tại, tương lai) và “tam giới” (dục giới, sắc giới, vô sắc giới).

- Kim cương chử bốn mũi nhọn (Tiếng Nhật: shikosho)

Đây là một hình thức khá hiếm. Nó tượng trưng bốn “biến cố lớn” trong đời Đức Phật Cồ Đàm, bốn kỳ phổ độ Phật pháp và bốn Đại Phật.

- Kim cương chử năm mũi nhọn (Tiếng Nhật: gokosho), còn gọi: ngũ phong kim cang, ngũ phong quang minh, kim cương chử năm ngạnh, hay chày kim cương năm góc/năm cạnh.

Các mũi nhọn của thiền trượng này được xếp thành một vương miện (5 vòng/5 cạnh nhỏ nhô ra ở phía trên cạnh ngoài cùng) hoặc được gom chung quanh một trục. Có nhiều biến thể với những hình thức và cách trang trí khác nhau. Rất nhiều thiền trượng năm mũi trang hoàng các tay cầm chuông.

Kim cương chử năm ngạnh (với bốn makara, cộng với một ngạnh trung tâm) là kim cương chử thường thấy nhất. Có một hệ thống tương ứng phức tạp giữa năm yếu tố của mặt tự thân và mặt hiện tượng của kim cương chử. Một sự tương ứng quan trọng là giữa Ngũ độc với Ngũ trí. Ngũ độc là những trạng thái tinh thần che lấp sự thuần khiết ban đầu của tâm trí chúng sinh, trong khi Ngũ trí là năm khía cạnh quan trọng nhất của tâm giác ngộ (tham, sân, si, mạn, nghi). Mỗi một trong ngũ trí cũng được gắn với một hình tượng Đức Phật - thể hiện trí tuệ của Ngũ Phật. Trí tuệ này có nguồn gốc cải biến “Ngũ độc” và tịnh hóa “Ngũ uẩn”. Bốn vòng/bốn cạnh nhô ra trên cạnh ngoài cùng lại tượng trưng cho “Tứ uẩn” là sắc, thọ, hành, tưởng, và lấy góc ở giữa để đại diện cho uẩn thứ năm là thức. Năm góc/5 cạnh được nhô ra ở phía dưới đó là “Ngũ Phật mẫu”, tức là tính nữ của Ngũ Phật, tượng trưng cho năm yếu tố thuần tịnh là đất, nước, lửa, gió, không khí hoặc ngũ quan.

- Kim cương chử chín mũi nhọn (Tiếng Nhật: kyukosho, kukosho) hay chày kim cương chín góc/chín cạnh.

Loại này khá hiếm (chủ yếu dùng ở Tây Tạng), có chín mũi ở mỗi đầu, thường được sắp xếp thành vương miện, cùng là do một góc/cạnh ở giữa làm trục chính và tám góc cạnh bên ngoài cấu thành. Ý nghĩa của nó chúng ta không rõ lắm. Có thể nó tượng trưng Ngũ Thiền Phật/Ngũ Trí Như Lai (Jina) và bốn vị Bồ-tát (Bodhisattva). Chín góc/chín cạnh này tượng trưng cho Kim Cương Trì, Phật-đà cùng tám vị Đại Bồ-tát hay tám phương vị chính với một vị trí trung tâm chính của đàn thành.

Kim cương chử thường xuất hiện như pháp khí chính yếu của một thần linh Phật giáo như: Trường hợp vị thần chiến tranh Skanda (Kartikeya) được miêu tả là người cầm một kim cương chử35. Vi Đà Thiên/Skanda cũng là tên của một vị Bồ-tát trong Phật giáo Đại thừa, người cầm kim cương chử. Kim Cương Tát Đỏa/Vajrasattva (nghĩa đen chỉ bản chất kim cương chử) giữ kim cương chử, trong tay phải, hướng tới trái tim của thần. Liên Hoa Sinh/Padmasambha nắm giữ kim cương chử ở bên trên đầu gối phải trong tay phải. Kim Cương Thủ Bồ-tát/Vajrapani thuộc vào bộ Kim cương trong Phật ngũ phương, vì tay ngài cầm chày kim cương cho nên có tên như vậy. Trong Mật tông Tây Tạng, vị này có địa vị tương đối quan trọng. Đa phần Mật tục đều do Phật-đà truyền thụ cho vị này mà được lưu truyền đến ngày nay. Kim Cương Thủ Bồ-tát trong tranh vẽ trên vải theo nghệ thuật Thangka, đời Thanh, lưu giữ tại Bảo tàng Cố Cung, Bắc Kinh là một trong chín loại biến tướng của Kim Cương Thủ Bồ-tát, hiện tướng phẫn nộ, sắc thân màu xanh lam, đầu đội mũ báu, bụng thắt đai hình con sư tử, rắn quấn quanh thân mình, tay phải cầm chày kim cương, tay trái kết ấn tránh ác (tarjani), đứng thẳng lên đài hoa sen.

* Chày kim cương chữ thập/chày yết-ma36

Cùng loại với chày kim cương, còn có một loại khác là chày kim cương chữ thập (Vishva-vajra/Visvavarna-vajra) hay còn gọi là chày yết-ma/luân hồi thiền trượng (Karma-vajra), yết-ma kim cương, thập tự yết-ma, thập tự kim cương, luân yết-ma, hoặc gọi tắt là yết-ma; tiếng Nhật: Kongosho. Chày yết-ma là pháp khí trong Mật giáo, phổ biến do các chày ba mũi/cạnh đặt giao nhau… và tạo thành hình chữ thập, tượng trưng cho chí tác nghiệp vốn có của chư Phật/Tứ diệu đế, thuộc về Luân bảo, tương ứng với Pháp luân. Hay nó được tạo thành từ chày kim cương có bốn mặt mang đài/tòa hoa sen, đầu của bốn mặt chày kim cương từ trong tâm hướng tỏa ra bốn phía, tượng trưng cho định lực tuyệt đối không thể dịch chuyển.

Trong miêu tả vũ trụ học về núi Tu Di, chày yết-ma/chày kim cương chữ thập to lớn kế thừa vật chất của vũ trụ, ở mặt dưới của vũ trụ vật chất. Đồng thời, nó cũng được miêu tả là pháp khí cố định trong đàn thành. Khi miêu tả về đàn thành, chày kim cương chữ thập to lớn là vật chống đỡ hoặc nền móng giúp cho đàn thành không thể lung lay.

Kim cương chử cũng xuất hiện qua nhiều hình dáng như một trong những vòng bảo vệ chung quanh phần trung tâm của một mạn-đà-là. Vòng kim cương chử nằm bên trong vòng lửa, phải được vượt qua bằng tinh thần trong lúc thiền định nhằm đi vào phần trung tâm của mạn-đà-la. Đôi khi hai kim cương chử đặt chéo nhau tạo thành một thứ bánh xe. Những kim cương chử song trùng này tạo thành bốn điểm biểu thị bốn phương của vũ trụ. Hình thức này thường được sử dụng ở trung tâm của các mạn-đà-la Phật giáo, với những mũi nhọn của kim cương chử chỉ vào bốn cổng chính của mạn-đà-la.37

Điểm trung tâm của chày yết-ma/chày kim cương chữ thập thường có màu xanh lam đậm, bốn phương của đầu chày kim cương có màu trắng (Đông), vàng (Nam), đỏ (Tây), xanh lục (Bắc). Phẩm tính và vị trí của nó phù hợp với năm yếu tố lớn và Ngũ Phật. Màu xanh lam ở vị trí trung tâm của Phật Kim Cương Bất Động. Màu xanh lục ở phương Bắc. Tiêu chí nhận biết Bất Không Thành Tựu Như Lai thể hiện trí tuệ thành tựu tất cả của Ngài là “nghiệp” của “hỗ chủ bộ Phật”.

Bốn đầu của chày yết-ma/chày kim cương chữ thập đại diện cho “Tứ nghiệp” của Mật tông: hoài nghiệp (màu trắng), tăng nghiệp (màu vàng), tức nghiệp (mảu đỏ), chu nghiệp (màu xanh lam). Loại thứ năm là “nhất thiết nghiệp” (màu xanh lục) cũng có lúc được liệt vào đó.

Màu sắc được sơn lên chày kim cương chữ thập nâng đỡ cung đàn thành hoặc làm vật trang trí trên bề mặt cung đàn thành cũng phải phù hợp với màu sắc của Tứ đại, Tứ nghiệp và Phật bốn phương của đàn thành.

Bốn cạnh đứng thẳng của chày kim cương này đặt trên bề mặt cung đàn thành, màu sắc cũng phù hợp với mặt bên của chúng. Căn cứ vào miêu tả khác nhau về đàn thành, những chày kim cương chữ thập này hoặc là hình dẹt, mỗi một chày kim cương chỉ có ba cạnh/ba góc, hoặc là hình khối có năm hoặc chín cạnh/góc. Mười hai cạnh/góc của chày kim cương ba cạnh/góc tượng trưng cho sự tịnh hóa “12 nhân duyên” và 12 châu bộ lớn nhỏ xung quanh núi Tu Di. Hai mươi cạnh/góc của chày kim cương năm cạnh/góc tượng trưng cho sự tịnh hóa 20 loại lầm lỗi. Ba mươi sáu cạnh/góc của chày kim cương chín cạnh/góc và điểm trung tâm của nó tượng trưng cho “37 đạo phẩm”.38

Ngoài ra, cũng có đài yết-ma hình hoa sen đặt ở bốn góc của đàn lớn, trong Nhất tự Phật đỉnh luân vương kinh nói: “Ở bốn góc đều vẽ hai chày kim cương, tạo thành chữ thập giao nhau, có ý nghĩa giống như các ấn vẽ trên đài hoa sen”.39

Trên mũ của hầu hết các vị thần bản tôn nam tính trong Vô Thượng Du-già Mật tông đều có trang trí hình ảnh chày yết-ma/chày kim cương chữ thập với các hình dạng khác nhau, tượng trưng cho “nghiệp” mà họ làm để ban lợi ích cho chúng sinh.

Bên cạnh đó, trong truyền thống Phật giáo, vị Đại sư đức cao vọng trọng ngồi trên bảo tọa bằng gỗ báu, ở trước mặt có một dải lụa dài, ở giữa dải lụa có vẽ đồ hình của chày yết-ma/chày kim cương chữ thập, bốn góc được trang trí bình phù hiệu chữ vạn nhỏ.

Trong bức tranh vẽ trên vải theo nghệ thuật Thangka, đời Thanh, Tây Tạng, Tôn Thắng Phật Mẫu (Ushnishavijaya) có ba mắt sáu tay, đầu đội mũ báu Ngũ Phật, tay phải cầm chày yết-ma (chày kim cương chữ thập) đặt ở trước ngực, các tay khác cầm các pháp khí như cung tên và mũi tên, ngồi kiết-già trên đài hoa sen. Tôn Thắng Phật Mẫu là hóa thân của Đại Nhật Như Lai, là một trong ba vị Phật trường thọ trong Phật giáo Tạng truyền.40

* Chày phổ ba 41 tức là chày kim cương giáng ma, có một đầu là chày kim cương, một đầu khác là chày 3 sống được làm bằng kim loại, đoạn giữa có ba tượng Phật, một tượng Phật có dáng vẻ đang cười, một đang tức giận và một đang chửi mắng. Pháp khí này thường dùng khi tu phép giáng phục, dùng để giáng phục ác ma. Vì phép “Phổ ba kim cương” của phái Ninh Mã trong Mật tông Tây Tạng sử dụng chày này nên nó còn được gọi là chày phổ ba.

Có rất nhiều bản tôn cầm chày phổ ba, lần lượt như sau:

Phổ ba kim cương (Vajrakila), âm Hán là Đa-kiệt-uy-lực, dịch ý là Kim Cương Nhụ Đồng. Phổ Ba Kim Cương có uy lực đại bi vô cùng, hiện tướng phẫn nộ, ngoài việc có thể đoạn trừ sự hãm hại của tất cả quỷ thần, phi nhân, thiên ma, ác chú, còn có thể diệt trừ ma chướng tai họa và tiêu trừ nguy nan. Ngoài ra, ngài còn có thể đối trị tham chấp và phiền não của bản thân, tiêu trừ tất cả chướng ngại trong lòng và từ bên ngoài.

Phổ ba kim cương thân xanh đen, có 3 đầu, mỗi đầu có 3 mắt, 6 tay, 4 chân. Trong 6 tay, tay thứ nhất cầm chày kim cương 9 cạnh làm từ sắt (sắt biểu thị phẫn nộ, 9 cạnh biểu thị tất cả chúng sinh ở Tam giới cửu thừa). Tay phải thứ hai cầm chày kim cương 5 cạnh được làm bằng vàng (vàng biểu thị niềm vui, 5 cạnh biểu thị cải biến ngũ độc thành 5 trí tuệ của Phật). Tay trái đầu tiên cầm ngọn lửa trí tuệ bát-nhã, biểu thị sự thiêu đốt tất cả khổ não, tay trái thứ hai cầm chày phổ ba, biểu thị tịnh trừ tất cả phiền não, ma chướng. Phía sau lưng có đôi cánh như thanh kiếm sắc nhọn. Hai chân bên phải giẫm lên lưng của hai quỷ nam, hai chân trái giẫm lên ngực của hai quỷ nữ, đứng yên trong ngọn lửa trí tuệ bát-nhã, ôm Phật Mẫu Kha Lạc Khiết Diệp, thân màu xanh nhạt, tay phải cầm hoa ô-ba-la (còn có thuyết khác nói là cầm thiên trượng), tay trái cầm vật bằng đầu lâu, thắt quần da báo.

Như vậy, trong nghệ thuật Phật giáo Tạng truyền và các tôn giáo khác có nhiều điểm giống nhau. Đó là dùng các pháp khí để hình tượng hóa các quy luật trong thế giới, nhằm chỉ ra sự ứng thuật giữa pháp khí và ý thức/nhận thức, khiến người tu trì thấy được tướng và minh được nghĩa. Do vậy kim cương chử/chày kim cương trở thành một loại pháp khí có vai trò quan trọng trong việc hoằng dương giáo nghĩa của Phật giáo, từ đó khiến người yết bái sinh lòng tôn kính biểu tượng, tiến nhập và thu được diệu cảnh tri thức sâu sắc. Vì thế, kim cương chử trong Phật giáo không chỉ là một binh khí sắc bén rắn chắc đơn thuần, mà xét từ ý nghĩa tinh thần thâm sâu, nó còn tượng trưng cho sự vững chắc kiên cố của giáo nghĩa Phật giáo và thần lực vô hạn không thể lay động được. Biện biệt thiện ác trong hiện thực thế tục, sự thay đổi không ngừng, sớm tối không sai lệch là điểm nổi bật của nó.

4- Chuông lắc/linh trong nghi lễ và tranh tượng Mật tông

Trong quá trình tụng niệm thần chú, chuông và kim cương chử được sử dụng cùng nhau theo nhiều cách thức lễ nghi khác nhau để đại diện cho sự hợp nhất của các nguyên lý nam và nữ,42 cũng như biểu thị cho sự không thể tách rời của trí tuệ và lòng từ bi trong dòng tâm trí giác ngộ. Khi sử dụng cùng với chày kim cương, hai pháp khí nảy một âm một dương phụ trợ cho nhau, bổ sung tương hỗ, khiến Phật tính được hoàn bị. Đồng thời, chày kim cương là hình Tam muội da của Kim Cang Tát Đỏa, tôn vị thứ nhất trong 37 tôn vị, còn kim cang linh là hình Tam muội da của Bồ-tát Kim Cang Linh, tôn vị cuối cùng.

Chuông(Phạn: ghanta,tribu;Nhật: kongorei, kane; Hoa: zhong; Tây Tạng: dril-bu)43. Còn gọi: kim cang linh, kim linh. Mật giáo gọi cái chuông/linh này là kim uyển (Việt Nam gọi loại này là cái khánh). Loại pháp khí phổ biến bằng đồng hình cái chén nhỏ, đường kính khoảng từ 7-10 cm, bên trong có con lắc, trên có cán cầm, dùng để đánh trong các thời khóa tụng niệm. Trong Mật giáo, khi tụng kinh, trì chú thì lắc linh để thức tỉnh các tôn vị hoặc làm cho các ngài hoan hỷ. Nên linh có 3 nghĩa: thức tỉnh, hoan hỷ và thuyết pháp.44

Trên chuông/linh có trang trí các đồ hình hoa văn như hình bánh xe Phổ pháp, hình cánh hoa sen xếp thành vòng tròn, hình sư tử, các vị thần… Chuông/linh sử dụng trong tôn giáo cũng như trong phương thuật thường khắc câu chữ Phạn: Om Mani Padme Aum, đôi khi được rút ngắn thành Om Aum (có nghĩa là châu báu trong hoa sen) hoặc một thần chú. 45

Tùy theo hình dáng của cán cầm mà chuông/linh được chia làm: độc cổ linh, tam cổ linh, ngũ cổ linh, bảo linh và tháp linh (suất-đô-bà linh). Thông thường có năm loại linh và năm loại kim cang được đặt cố định trên đại đàn tu pháp. “Số năm” là tượng trưng cho Ngũ trí của ngũ Phật, linh là tiêu biểu cho thuyết pháp.46

Kim cương chử và chuông cũng có thể hợp nhất thành một pháp khí là vajraghanta - chuông kim cương hay còn gọi là chuông pháp. Trong đó kim cương chử (vajra) có chức năng như tay cầm của cái chuông (ghanta). Sự kết hợp này cũng biểu thị hai mạn-đà-la lớn của Mật tông Phật giáo, đó là Kim cương giới mạn-đà-la và Thai tạng giới mạn-đà-la.47

Trong quả chuông có lắc chuông. Phần miệng chuông pháp đại diện cho sự lĩnh ngộ đối với trí tuệ, tức là “tính âm”, lắc chuông là “âm thanh của tính không”. Do vị trí của lắc chuông, quả chuông gợi liên tưởng tới tất cả những gì được treo lơ lửng giữa đất và trời và qua đó mà làm cầu nối giữa hai thế giới ấy. Nhưng chuông còn có khả năng bắt liên lạc với cả thế giới dưới đất.48

Người đời sau treo ở trên vòng có khắc pháp tướng. Chuông pháp là khí vật phát ra âm thanh khiến người ta cảm thấy sợ hãi, cảnh giác, giác ngộ.

Vành ngoài của chuông đại diện cho “vòng vũ trụ” ở tầng ngoài của đàn thành. Vòng xung quanh được trang trí bằng 16 chiếc chày kim cương hoặc thẳng hàng hoặc ngang, tượng trưng cho “vành kim cương”, là vòng bảo hộ không cho ma chướng xâm nhập vào đàn thành. Vòng bảo hộ ba tầng có thể khiến đàn thành tránh được hỏa hoạn, động đất và lũ lụt xâm chiếm, đồng thời tượng trưng cho đoạn trừ được tam độc tham, sân, si.49

Chuông được sử dụng phổ biến nhất trong tất cả các loại nhạc cụ lễ nghi Phật giáo Mật tông. Bên cạnh đó, chuông thường được tìm thấy, như một đối vật hay như một tùy vật đối với thiền trượng trong các biểu tượng về các vị thần Mật tông. Âm thanh do chuông tạo ra được coi là cát tường và được tin sẽ xua đuổi tà ma khỏi nơi nghi lễ được cử hành. Trong lúc thiền định, tiếng chuông đại diện cho âm thanh của Đức Phật giảng dạy giáo pháp và tượng trưng cho sự đạt được trí tuệ và sự hiểu biết về tánh không. Ý nghĩa biểu trưng của chuông có quan hệ đặc biệt mật thiết với sự cảm thụ âm thanh. Ở Ấn Độ chẳng hạn, nó biểu trưng cho thính giác và cái mà thính giác ấy tri giác được, tức là âm thanh, được xem như phản hồi của một dao động nguyên thủy. Cũng như thế, đa số các âm thanh được các đạo sĩ yoga nghe thấy trong khi họ tu luyện, là tiếng chuông. Cũng gần như thế, kinh điển Phật giáo bằng tiếng Pāli đồng hóa tiếng nói thánh thần với tiếng chuông vàng. Có lẽ nó tượng trưng cho lời thánh thần kêu gọi chúng sinh nghiền ngẫm giáo pháp, phục tùng ý chí của thần linh, trong mọi trường hợp đó là sự giao tiếp giữa trời và đất.50

Phần rỗng của chuông tượng trưng cho sự trống rỗng mà từ đó mọi hiện tượng phát sinh, bao gồm cả âm thanh của chuông và tiếng vỗ tay trong hình thức biểu thị. Chúng cùng nhau tượng trưng cho trí tuệ (tính không) và lòng từ bi (hình thức hoặc ngoại hình). Âm thanh, giống như mọi hiện tượng, phát sinh, phát ra và sau đó tan biến trở lại trong rỗng không. Chuông tượng trưng âm thành, lời sáng tạo, sự rung động tạo ra bởi sự lặp lại của một mantra/thần chú/chân ngôn và của một bija/chủng tử, và do vậy có một chức năng sáng tạo và cách tân. Chúng cũng nhằm mục đích kêu gọi tâm hồn chúng sinh hướng về giác ngộ. Bởi vì âm thanh tiếng chuông (cầm tay) thường rất ngắn, qua tiếng leng keng của nó, muốn nói lên rằng mọi vật đều phù du, chóng qua.51 Quả chuông con biểu thị thế giới hiện tượng nhìn từ thế giới Kim cương, thế giới của những biểu hiện bề ngoài, tan biến nhanh như âm thanh vậy.

Trong nhiều phái Mật tông (đặc biệt là phái thờ Sakti/truyền thống lấy nữ thần làm trung tâm), kim cương chử tượng trưng sinh thực khí nam và theo đó thường được giao phối với hoa sen, hoặc được cầm trong một tay trong khi tay kia cầm cái chuông (ghanta), biểu thị cho âm đạo. Như vậy, trong phối cặp với hoa sen, kim cương chử lại biểu thị lực dương và kiến thức, trong khi hoa sen biểu thị lực âm và lý tính bẩm sinh; còn với chuông, kim cương chử tượng trưng nguyên lý dương, trong khi cái chuông biểu thị nguyên lý âm.52

Chuông cũng là sự khôn ngoan liên quan và đối lập với phương pháp như là một yếu tố thụ động và nữ tính, trong khi ấy thì kim cương chử là chủ động và nam tính; ý nghĩa biểu trưng có màu sắc giới tính này còn được thể hiện bằng việc những người thụ pháp phải đeo một chiếc nhẫn vàng, biểu thị cho kim cương chử ở tay phải, và chiếc nhẫn bạc tượng trưng cho chuông khánh ở tay trái.53

Chuông kim cương thường là trì vật của các vị thần như:

- Nữ thần Đại Trí Tuệ Ba La Mật Đa. “Ba La Mật Đa” nghĩa là hoàn thành, viên mãn, vì thế mà cam lộ của nữ thần Đại Trí Tuệ Ba La Mật Đa có thể ví với “cam lộ viên mãn”. Phía sau đầu của nữ thần có búi tóc thể hiện “nhất nguyên hóa” về mặt tư tưởng. Ngoài ra, trên một vài chuông kim cương có vòng tròn rộng là hình cam lộ, so sánh với trí tuệ của nữ thần Đại Trí Tuệ Ba La Mật Đa với tính không thuần tịnh. Tính không mà nó và chuông kim cương thể hiện có ý nghĩa tượng trưng tương đồng về mặt tinh thần.

- Mật Tập Kim Cương cầm chày và chuông kim cương trong tranh vẽ trên vải theo nghệ thuật Thangka, đời Thanh, lưu giữ tại Bảo tàng Cố Cung, Bắc Kinh.

Mật Tập Kim Cương hai tay đan chéo cầm chày và chuông kim cương. Mật Tập Kim Cương là một trong Ngũ đại bản tôn của Vô thượng Du-già, là người có pháp tu cao thứ hai được tôn sùng của phái Cách Lỗ trong Mật tông Tây Tạng; các pháp môn khác xem ngài là bản tôn giáo pháp Kim cương thừa. Hàm nghĩa của “Mật tập” là “giải thích Tam mật là thân, ngữ, ý, ba đời chư Phật tụ lại là tập”. Vị này có ba đầu, sáu tay, hai chân, ba mặt có màu xanh lam, trắng và đỏ, pháp khí cầm trên các tay đại diện cho ngũ bộ, trong đó chày kim cương và chuông kim cương đại diện cho bộ Kim cương.

- Mật Tập Bất Động Kim Cương trong tranh vẽ trên vải theo nghệ thuật Thangka, đời Thanh, lưu giữ tại Bảo tàng Cố Cung, Bắc Kinh.

Mật Tập Bất Động Kim Cương có hai thân sắc xanh, ba mặt sáu tay, trong tay cầm các pháp khí, tay chính ở giữa kết ấn Kim cương hồng già la, tay trái cầm chuông kim cương, tay phải cầm chày kim cương đặt ở trước ngực, đại diện cho trí tuệ đại viên kính trong 5 trí tuệ Phật. Mật Tập Bất Động Kim Cương tức là Mật Tập Kim Cương, là một trong Bản tôn thuộc Vô thượng Du-già bộ Phụ tục (Piteitantra Anuyogayttara) trong Mật tông, còn trong Phật giáo Tạng truyền được gọi là vua của Mật tục, có thể chuyển hóa ngũ độc tham, sân, si, mạn, nghi thành ngũ trí.54

- Đạt Lại đời thứ ba Gia Mục Thố trong tranh vẽ trên vải theo nghệ thuật Thangka, đời Thanh, lưu giữ tại Bảo tàng Cố Cung, Bắc Kinh.

Hai tay của Đạt Lại đời thứ ba Gia Mục Thố (Sonam Gyatso), một tay cầm chày kim cương, một tay cầm chuông kim cương, ngồi kiết-già trên bảo tọa đầu rồng. Đạt Lại đời thứ ba Gia Mục Thố danh hiệu từng được vua Mông Cổ Yên Đáp Hãn (Altan Khan) mời đến để truyền pháp, từng được tặng danh hiệu “Thánh Thức Nhất Thiết Ngõa Tề Nhĩ Đạt Lại Lạt Ma” (nghĩa là Đại sư thành tựu tối cao có tri thức Phật học tựa biển lớn bao la rộng lớn vô bờ bến). Từ ngài bắt đầu đời thứ nhất có danh hiệu là “Đạt Lại Lạt Ma”.

- Thắng Lạc Kim Cương (Chakrasamvara) trong tranh vẽ trên vải theo nghệ thuật Thangka, đời Thanh, Tây Tạng.

Thắng Lạc Kim Cương có 4 mặt, 12 tay, 2 chân. Bốn mặt có bốn màu sắc khác nhau, tượng trưng cho 4 loại trí tuệ của bộ Phật, kết hợp lại với nhau đại diện cho trung tâm trí tuệ thể tính trí pháp giới của Đại Nhật Như Lai. Thân chủ màu xanh lam, hai tay chính kết ấn Kim cương hồng già la, đặt chéo nhau cầm chày kim cương và chuông kim cương, đại diện cho sự kết hợp của trí tuệ và từ bi, các tay khác dùng ấn Kỳ khắc để nắm các vật khác.55

Ngoài ra còn có một loại linh nhỏ treo trên màn báu, hoặc trang nghiêm trước điện Phật, nhờ gió lay động mà linh phát ra âm thanh. Kinh Di Lặc thượng sanh (Đại 14, 419 trung) ghi: “Bấy giờ, trăm ngàn vị Phạm vương ở 10 phương, mỗi vị đều cầm một vật báu nhiệm màu của Phạm thiên, lấy đó làm bảo linh, treo trên màn báu”.56

Còn những quả chuông con được treo dưới mái tháp chùa nhằm mục đích làm cho nghe thấy âm thanh của Phật pháp. Nhưng tiếng chuông (hoặc chuông con) còn có năng lực phổ quát trừ tà và thanh tẩy: Nó đẩy lùi những ảnh hưởng xấu hoặc ít nhất báo hiệu về sự đến gần của chúng.57

Trong nghi thức Phật giáo, chuông kim cương thường được sử dụng cùng với chày kim cương. Hai pháp khí này có một âm một dương, có vị trí quan trọng trong Kim cương thừa, thường là tay trái cầm chuông, tay phải cầm chày. Chày thể hiện tính dương, tượng trưng cho sự viên mãn của phương pháp hoặc phương tiện và tính Phật; còn chuông là đại diện của tính âm, trực tiếp thể hiện tính không và trí tuệ của Phật. Sự phối hợp của chày kim cương và chuông kim cương giống như sự kết hợp của hai tính âm và dương, ý nghĩa tượng trưng của nó đã phản ánh hai khái niệm âm dương nhị hóa của Phật giáo Kim cương thừa.

Huỳnh Thanh Bình/Nguyệt san Giác Ngộ

____________________________________________

(1) Xem:

Asko Parpola, Christian Carpelan (2005). Edwin Francis Bryant; Laurie L. Patton (biên tập). The Indo-Aryan Controversy: Evidence and Inference in Indian History. Routledge xb, tr.118.

Asko Parpola (2015). The Roots of Hinduism: The Early Aryans and the Indus Civilization. Đại học Oxford xb, tr.63-66, 114.

Douglas Q. Adams (1997). Encyclopedia of Indo-European Culture. Routledge, tr.112.

(2) Rig-veda 2.12.

(3) Rig-veda 1.32, dịch bởi Ralph T. H. Griffith.

(4) DeCaroli. Haunting the Buddha, tr.182.

(5) Abhilash Rajendran (20/8/2009). “Story of Sage Dadhichi and the Vajrayudha”. [https://www.hindu-blog.com/2009/08/story-of-sage-dadhichi-and-vajrayudha.html].

(6) “The Great Sage Dadhichi”. [http://www.urday.com/dadichi.html] (21/4/2007).

(7) Xem:

Dallapiccola, Anna L (2002). Dictionary of Hindu Lore and Legend.

“Dadhichi Rishi”.[http://www.dadhich.com/dadhichi_rishi.htm] (20/9/2009).

(8) Xem:

Louis Frédéric (2005). Tranh tượng & thần phổ Phật giáo. NXB.Mỹ Thuật, tr.99-101.

Meher McArthur (2005). Tìm hiểu mỹ thuật Phật giáo. NXB.Mỹ Thuật, tr.188-190.

(9) Higgins, David R. (2016). M48 Patton vs Centurion: Indo-Pakistani War 1965, Bloomsbury xb, tr.42.

(10) Xem:

Thích Minh Cảnh chủ biên. Từ điển Phật học Huệ Quang, tập 4 (H, I, K, KH), tr.3304-3305.

Thích Minh Cảnh chủ biên. Sđd., tập 4 (H, I, K, KH), tr.3361-3362.

Louis Frédéric (2005). Sđd., tr.99-101.

Meher McArthur (2005). Sđd.

(11) Thích Minh Cảnh chủ biên. Sđd., tập 4 (H, I, K, KH), tr.3304-3305.

(12) Nặc Bố Vương Điển. Pháp khí Mật tông. NXB.Hồng Đức, 2011, tr.12-20.

(13) Đoàn Trung Còn (2011). Phật học từ điển. NXB.Tổng Hợp TP.HCM, tr.562-563.

(14) Thích Minh Cảnh chủ biên. Sđd., tập 4 (H, I, K, KH), tr.3304-3305.

(15) Đoàn Trung Còn (2011). Sđd., tr.562-563.

(16) Thích Minh Cảnh chủ biên. Sđd., tập 4 (H, I, K, KH), tr.3304-3305.

(17) Vũ Thỏa. Nguyên Ninh Cống Bố. Sen Thu (dịch). Bách khoa thư về Mật tông Tây Tạng: 1000 vấn đề về Mật tông. NXB.Thời Đại, 2011, tr.454-455.

(18) Thích Minh Cảnh chủ biên. Sđd., tập 4 (H, I, K, KH), tr.3304-3305.

(19) Xem:

Rysdyk, Evelyn C. (19/02/2019). The Nepalese Shamanic Path: Practices for Negotiating the Spirit World. Simon and Schuster xb.

Barbara O’Brien (26/09/2018). Vajra. [https://www.learnreligions.com/vajra-or-dorje-449881]

Vessantara (2003). Meeting The Buddhas. Windhorse xb.

Vessantara (2001). Vajra and Bell. Windhorse xb.

(20) Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (1997). Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới. NXB.Đà Nẵng, Trường Viết văn Nguyễn Du, tr.812-815.

(21) Vajrayana [http://www.khandro.net/TibBud%20_vajrayana.htm].

(22) Vajra. Encyclopædia Britannica [https://www.britannica.com/topic/vajra].

(23) https://www.yowangdu.com/tibetan-buddhism/hand-mudras.html.

(24) Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (1997). Sđd., tr.812-815.

(25) Louis Frédéric (2005). Sđd., tr.99-101.

(26) Cao Huy Hóa. Phật giáo Newar. Văn Hóa Phật Giáo số 352. [https://tapchivanhoaphatgiao.com/luu-tru/5063].

(27) Thích Minh Cảnh chủ biên. Sđd., tập 4 (H, I, K, KH), tr.3361-3362.

(28) Vajra. Encyclopædia Britannica [https://www.britannica.com/topic/vajra].

(29) Vajra - Dorje - Benzar - Thunderbolt - Firespade – Keraunos [http://www.khandro.net/ritual_vajra.htm].

(30) Xem:

- Vũ Thỏa. Nguyên Ninh Cống Bố. Sen Thu (dịch). Sđd., tr.453- 454.

- Nặc Bố Vương Điển. Sđd., tr.12-20.

(31) Nitin Kumar (biên tập) (07/2001). Ritual Implements in Tibetan Buddhism: A Symbolic Appraisal. [https://www.exoticindiaart.com/article/ritual/]

(32) Vũ Thỏa. Nguyên Ninh Cống Bố. Sen Thu (dịch). Sđd., tr.453- 454.

(33) Xem:

- Louis Frédéric (2005). Sđd., tr.99-101.

- Nặc Bố Vương Điển. Sđd., tr.12-20.

- Meher McArthur (2005). Sđd.

- Vũ Thỏa. Nguyên Ninh Cống Bố. Sen Thu (dịch). Sđd., tr.453- 454.

(34) Thích Minh Cảnh chủ biên. Sđd., tập 4 (H, I, K, KH), tr.3361-3362.

(35) Fred W. Clothey và A. K. Ramanujan.The many faces of Murugan - the history and meaning of a South Indian god. tr.189-190.

(36) Xem:

- Nặc Bố Vương Điển. Sđd., tr.25-28.

- Vũ Thỏa. Nguyên Ninh Cống Bố. Sen Thu (dịch). Sđd., tr.454-455.

- Vũ Thỏa. Nguyên Ninh Cống Bố. Sen Thu (dịch). Sđd.,tr.446-447.

- Louis Frédéric (2005). Sđd., tr.99-101.

- Meher McArthur (2005). Sđd.

(37) Meher McArthur (2005). Sđd.

(38) Nặc Bố Vương Điển. Sđd., tr.25-28.

(39) Vũ Thỏa. Nguyên Ninh Cống Bố. Sen Thu (dịch). Sđd., tr.446-447.

(40) Xem:

Nặc Bố Vương Điển. Sđd., tr.25-28.

Vũ Thỏa. Nguyên Ninh Cống Bố. Sen Thu (dịch). Sđd., tr.454-455.

(41) Vũ Thỏa. Nguyên Ninh Cống Bố. Sen Thu (dịch). Sđd., tr.455-456.

(42) Xem:

Beer, Robert (1999). The Encyclopedia of Tibetan Symbols and Motifs, Shambhala xb.

Vessantara (2001). The vajra and bell. Birmingham xb.

(43) Louis Frédéric (2005). Sđd., tr.105.

(44) Thích Minh Cảnh chủ biên. Từ điển Phật học Huệ Quang, tập 5 (L-M-N-NG), tr.3731.

(45) Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (1997). Sđd., tr.191-192.

(46) Xem:

- Thích Minh Cảnh chủ biên. Sđd., tập 5 (L-M-N-NG), tr.3731.

- Thích Minh Cảnh chủ biên. Sđd., tập 4 (H, I, K, KH), tr.3332.

(47) Meher McArthur (2005). Sđd.

(48) Vũ Thỏa. Nguyên Ninh Cống Bố. Sen Thu (dịch). Sđd., tr.456.

(49) Nặc Bố Vương Điển. Sđd. tr.20-24.

(50) Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (1997). Sđd., tr.191-192.

(51) Louis Frédéric (2005). Sđd., tr.105.

(52) Xem:

Meher McArthur (2005). Sđd.

Louis Frédéric (2005). Sđd., tr.105.

Vessantara (2001). Vajra and Bell. Windhorse xb.

(53) Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (1997). Sđd. tr.191-192.

(54) Nặc Bố Vương Điển. Sđd., tr.20-24.

(55) Nặc Bố Vương Điển. Sđd., tr.12-20.

(56) Thích Minh Cảnh chủ biên. Sđd., tập 5 (L-M-N-NG), tr.3731.

(57) Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (1997). Sđd., tr.191-192.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.