GN - Ở thế kỷ thứ X, khi nói về vận nước, một vị thiền sư có ảnh hưởng thời bấy giờ là ngài Pháp Thuận (915 - 990) đã bày tỏ quan niệm trong một bài kệ ngắn 4 câu, nguyên văn:
(Ngôi nước như dây leo quấn quýt / Ở góc trời Nam mở ra cảnh thái bình/ Dùng đường lối vô vi ở nơi cung điện/ Thì khắp mọi nơi đều tắt hết đao binh).
Nhìn lại bối cảnh phức tạp của tình hình đất nước thời bấy giờ, thường được gọi một cách vắn tắt là “loạn 12 sứ quân”, mới thấy ý nghĩa mà Thiền sư Pháp Thuận đã nhìn nhận: “dây leo quấn quýt”.
Trong sự phân hóa sâu sắc ấy, điều mấu chốt để xây dựng nền móng hòa bình chính là đường lối của người lãnh đạo. Đó là sự tỉnh táo tháo gỡ, không để sự hỗn tạp của lớp lớp vấn đề làm rối loạn và thao túng, xác định được chuyện trước mắt, đồng thời nhìn ra đường hướng lâu dài nhằm lựa chọn chính sách phù hợp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Vua Lào lễ Phật tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, 1963 (tư liệu của Xuân Loan)
Gần 1.000 năm sau, trong bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố trước toàn thể nhân dân và thế giới, ngày 2-9-1945, tinh thần hòa bình, tự do, độc lập ấy lại được khẳng định:
“Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!
Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:
Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Tự do, độc lập là những giá trị đã trở thành thiêng liêng, là sự sống không thể đánh đổi với bất cứ một điều gì khác.
Chính xác quyết đó đã trở thành lời hiệu triệu chạm đến trái tim và thuyết phục khối óc của mọi tầng lớp nhân dân, kết nối tạo nên sức mạnh vô biên vượt lên tất cả chướng ngại, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, bền bỉ, để cuối cùng giành được độc lập và thống nhất đất nước.
Lịch sử không chỉ là quá khứ, là sự việc đã qua, mà là những bài học kết tinh của trí tuệ, tầm nhìn, kinh nghiệm xử lý những tình huống phức tạp, để khi ngẫm lại sẽ cho chúng ta thêm sự tự tín, là tấm gương mà khi soi vào sẽ giúp chúng ta có sự lựa chọn giải pháp phù hợp.
Trong cái nhìn duyên sinh, tồn tại luôn có sự tương quan, liên hệ tầng tầng lớp lớp giữa lịch sử và thực tế, truyền thống và hiện đại, dân tộc và toàn cầu, trước mắt và lâu dài…, tuy nhiên, từ thông điệp về giá trị cốt lõi của đất nước đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác lập trong Tuyên ngôn 2-9 là tự do và độc lập, thì dẫu cho tình hình có phức tạp đến đâu, như hình ảnh về vận nước mà Thiền sư Pháp Thuận đã ảnh dụ là chằng chịt như dây leo quấn quýt, vẫn có giải pháp khi có được đường lối phù hợp, kết nối được lòng dân.