Sóc Trăng: SroLôn & “chợ ” trong chùa

GN - Trong chuyến hành hương gần đây, chúng tôi có dịp ghé qua chùa SroLôn (Chén Kiểu). Chùa được chọn là điểm dừng chân sau cùng trước khi trở về nhà vì Phật tử đi trong đoàn nói rằng vào chùa Chén Kiểu để... mua đồ ăn bởi lẽ, đồ ăn ở đây được bày bán rất nhiều và rất rẻ...

Ngôi chùa được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh

Chùa SroLôn (Sà Lôn) là một ngôi chùa cổ thuộc hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer, tọa lạc bên Quốc lộ 1A, cách trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng 12km về hướng Bạc Liêu (nay thuộc xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng). Ngày 20-11-2012, chùa được xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh.

Anh Sro (1).jpg

Chánh điện chùa SroLôn được ốp bằng những mảnh sành sứ

Sở dĩ chùa Sà Lôn còn được gọi là “chùa Chén Kiểu” là do người ta dùng những mảnh chén, đĩa sứ ốp lên tường để trang trí.

Tương truyền, chùa Sà Lôn được dựng bằng cây lá từ năm 1815 và được trùng tu nhiều lần. Trong chiến tranh, chùa bị bom đạn đánh sập ngôi chánh điện. Năm 1969, Sư cả Tăng Đuch (trụ trì đời thứ 9) quyết định dựng lại ngôi chùa gồm: Chánh điện, sala, nhà Tăng, nhà để kinh sách, khu tháp... bằng vật liệu kiên cố. Đến năm 1980, việc xây dựng cơ bản hoàn thành nhưng do thiếu kinh phí nên nhà chùa có sáng kiến dùng chén dĩa kiểu để trang trí phần sau ngôi chánh điện. Tên chùa Chén Kiểu bắt nguồn từ đó.

“Chợ” trong chùa

Nét đặc trưng thứ hai ở ngôi chùa này có lẽ phải kể đến là “chợ” trong chùa. Điều này có vẻ khó tin nhưng nếu đến nơi đây, khách hành hương sẽ thấy quả có một cái chợ trong chùa.

Anh Sro (2).jpg

Dù lọng, hàng quán bày bán che khuất hết cả tam quan

Anh Sro (4).jpg
Bên trong cổng chùa nhiều hàng quán mọc lên như "chợ"

Đứng trước tam quan nhà chùa, điều đập vào mắt chúng tôi, dưới những tán dù là hàng hóa, nông sản do bà con Khmer bày bán. Không những ngay trước cổng chùa mà người ta còn bày bán bên ngoài cổng rào. Tuy nhiên, nơi đông đúc nhất phải kể đến là hai bên con đường đi dọc vào trong chùa.

Quả đúng với câu nói vào chùa Chén Kiểu để mua đồ ăn bởi vì ở đây bày bán nhiều hàng nông sản của địa phương. Hàng hóa nơi đây không quá nhiều chủng loại nhưng có nhiều người bán và giá cả rất phải chăng. Những mặt hàng này tùy theo mùa vụ ở Sóc Trăng nhưng xuyên suốt nhất mà mùa nào cũng có bao gồm: dưa bồn bồn, củ hành tím, hẹ, củ cải muối mặn và muối ngọt… Ngoài những nông sản kể trên còn có những mặt hàng qua chế biến sản xuất như bánh pía, chao…

Nhằm mục đích phục vụ du khách thập phương, nhiều dịch vụ bình dân khác cũng tồn tại ở đây như các gian hàng giải khát, ăn uống…

Không gian nhà chùa bị chiếm dụng

Khi vừa đặt chân đến đây, chúng tôi có cảm giác đây không còn là nơi thanh tịnh dành cho giới tu hành, một không gian khác hẳn với những gì vốn có của một ngôi chùa Phật giáo. Tam quan nhà chùa chỉ còn một lối đi nhỏ dành cho khách đi bộ. Con đường đi từ cổng chùa đến tận sân sau, hai bên gần như được sử dụng gần hết để căng lều bạt, dù lọng để kinh doanh buôn bán.

Anh Sro (7).jpg

Tượng nữ thần Kayno được tận dụng để che lều bạt

Anh Sro (6).jpg
Một chủ hàng rao bán thảo dược làm sôi động một góc "chợ"

Ngay cả tượng thiên nữ cũng được tận dụng để làm cột dựng lều. Nơi đây cũng tồn tại hiện tượng trẻ em và người lớn ăn xin, trong đó kể cả một vài “nhà tu hành” chèo kéo du khách.

Tiếng mô-tô thồ hàng ra vào, tiếng người bán réo gọi khách hành hương, tiếng mặc cả qua lại… tạo nên một không khí ồn ào, giống như một cái chợ, gây ra sự phản cảm nơi chốn linh thiêng.

Cần trả lại không gian thanh tịnh cho chùa

Được biết, vấn đề này không chỉ tồn tại nơi chùa Sà Lôn mà còn ở một vài danh lam khác ở Sóc Trăng. Chính quyền địa phương và nhà chùa cũng từng can thiệp nhằm lập lại trật tự những nơi này nhưng chỉ khoảng thời gian sau thì đâu lại vào đó.

Những người buôn bán trong chùa chỉ là bà con nông dân nghèo dân tộc Khmer. Sản phẩm mà họ đem ra đây trao đổi chỉ là sản vật nông nghiệp địa phương do chính gia đình sản xuất và chế biến. Việc buôn bán trong chùa đã giúp họ rất nhiều trong việc ổn định đời sống.

Anh Sro (5).jpg

Ngay trước đối diện chánh điện cũng bị chiếm dụng làm nơi buôn bán

Anh Sro (4).jpg
Những mặt hàng mùa nào cũng có ở đây

Việc mua bán, họp chợ đã, đang tạo nên tập quán. Chính vì thế, chính quyền địa phương, nhà chùa rất khó khăn trong việc thu xếp, giải phóng, trả lại không gian cho chùa.

Phát triển du lịch, tạo công ăn việc làm cho bà con sở tại là điều nên làm nhưng không thể vì vậy mà làm mất vẻ mỹ quan, xâm phạm vẻ tôn nghiêm của các thánh tích Phật tích. Đặc biệt, chùa Sro Lôn không chỉ là một Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh mà còn là ngôi chùa với truyền thống đào tạo sư sãi và con em đồng bào Khmer từ nhiều năm qua.

Thiết nghĩ, chính quyền địa phương và nhà chùa cần có sự kết hợp trong giải quyết vấn đề này. Có thể quy hoạch một không gian nào đó bên ngoài gần chùa để khách hành hương đến đây mua sắm sản vật đặc trưng của địa phương và cũng có thể đồng thời trải nghiệm cảm giác an lạc, thanh thoát nơi cửa Phật.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.