Sẽ đúc 108 tôn tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông

GNO - Buổi họp báo về chương trình Lễ hội hoằng pháp toàn quốc và Hội thảo “Phật giáo Trúc Lâm hội tụ và lan tỏa” tại chùa Trình - trụ sở BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh diễn ra hôm 16-10 qua.

qninh 1.jpg


Buổi họp báo do HT.Thích Bảo Nghiêm và TT.Thích Thanh Quyết đồng chủ trì

Buổi họp do sự đồng chủ trì của HT.Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Hoằng pháp T.Ư GHPGVN, Trưởng BTC và TT.Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, Phó Thường trực BTC cùng đông đảo chư tôn đức Tăng Ni - UV Ban Hoằng pháp T.Ư GHPGVN và chư tôn đức Tăng Ni BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh.

Về phía khách mời có ông Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Quảng Ninh; GS Lương Gia Tĩnh, Phó Hiệu trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội cùng gần 80 phóng viên báo, đài trung ương và địa phương.

Sau nghi thức niệm Phật cầu gia bị, ĐĐ.Thích Đạo Hiển đọc kế hoạch tổ chức lễ hội, cho biết, Hội thảo khoa học "Phật giáo Trúc Lâm hội tụ và lan tỏa" và tưởng niệm 707 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông sẽ diễn ra chính thức vào 3 ngày, từ ngày 9 tới 11-12-2015. Chương trình dự kiến BTC sẽ đúc 108 pho tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông bằng đồng  để tổ chức đại lễ cầu siêu nhân ngày lễ tưởng niệm 707 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết-bàn.

Tại buổi họp báo, các phóng viên báo đài đã đặt nhiều câu hỏi liên quan như lễ hội hoằng pháp để làm gì? Có giáo dục cho tầng lớp trẻ, Tăng Ni sinh và thanh thiếu niên không? Và làm như thế nào? Tại sao phải làm 108 pho tượng như vậy? Các pho tượng làm để vào đâu?...

Sau khi tổng hợp các ý kiến, câu hỏi,  HT.Thích Bảo Nghiêm trả lời, cho biết GHPGVN cùng chính quyền, các cơ quan chức năng trung ương và tỉnh Quảng Ninh đã đồng ý thông qua kế hoạch tổ chức lễ hội.

Trong đợt công tác của TT.Thanh Quyết đi vào các tỉnh miền Trung, miền Nam thăm và làm việc thì thấy tâm nguyện của BTS các tỉnh mong muốn có được pho tượng Phật hoàng để tôn thờ tại các tỉnh, do vậy dự kiến BTC sẽ đúc 108 pho tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông bằng đồng để sau khi tổ chức đại lễ cầu siêu nhân ngày lễ tưởng niệm 707 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết-bàn sẽ cúng dường về 63 tỉnh thành và các chùa biên giới và hải đảo, vùng sâu vùng xa trong cả nước mỗi tỉnh một pho, mỗi pho khoảng 1 tấn đồng.

Hòa thượng cho biết thêm, đúc 108 pho tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông là theo giáo lý Tịnh độ hay dùng con số 108, mẫu tượng Phật hoàng BTC đã tham khảo rất nhiều mẫu và đã nhất trí cao với mẫu tượng của Ngài tại kim tháp tại Hoa Hiên, dự tính khoảng 5 tỷ làm tượng.

Hòa thượng nói, ngày nay, vấn đề hoằng pháp không chỉ dành riêng cho hàng tu sĩ xuất gia, mà là cho tất cả người con Phật, có cả cư sĩ. Như vậy, đây chính là trách nhiệm chung, là việc làm  để duy trì mạng mạch của Phật pháp.

Chư tôn đức lãnh đạo Ban Hoằng pháp đang đảm nhiệm ở Học viện, Trường Trung cấp Phật học... và chư tôn đức lãnh đạo GHPGVN đều tâm huyết về vấn đề hoằng pháp với giáo dục cho Tăng Ni sinh và các tầng lớp trẻ thanh thiếu niên - như đã tổ chức cho thanh thiếu niên các trường, CLB tham gia khóa tu, làm các hoạt động thiện nguyện...

Từ đó, truyền trao kiến thức Phật học để tất cả người con Phật am hiểu sâu hơn về lời dạy của Đức Phật, áp dụng vào đời sống, với mong ước có một thế hệ tương lai tươi sáng, phát triển toàn diện trí tuệ và đạo đức, sống bình an trong sự phát triển của thời đại.

qninh 3.jpg
qninh 2.jpg


PV báo đài quan tâm đặt câu hỏi, tác nghiệp tại buổi họp

TT.Thích Thanh Quyết trả lời thêm, hội thảo này tổ chức 3 lần chưa phải đủ vì Phật hoàng Trần Nhân Tông mang 2 vai trò là vua lãnh đạo tối cao của đời và là Phật Tổ của Phật giáo Việt Nam.

Hội thảo “Phật giáo Trúc Lâm hội tụ và lan tỏa” lần này với ý nghĩa "Hội tụ trí tuệ", "Lan tỏa rộng ra cả nước và thế giới". Sắp tới theo đề xuất, UNESCO sẽ xếp hạng di sản - văn hóa - tư tưởng Trúc Lâm là di sản thế giới. Do vậy sau cuộc hội thảo này sẽ giúp cho nhiều người, nhà nước... biết rõ hơn về vai trò của Phật hoàng Trần Nhân Tông đối với đất nước và con người Việt Nam...

Chương trình lễ hội gồm:

Lễ hội với nhiều nội dung được tổ chức tại hai địa điểm thuộc tỉnh Quảng Ninh: Khu di tích - danh thắng Yên Tử (TP.Uông Bí) và Khu di tích chiến thắng Bạch Đằng (P.Yên Giang, thị xã Quảng Yên) trong suốt hai ngày 10 và 11-12 (29-10 và 1-11-Ất Mùi).


Cụ thể có: Hội thảo khoa học “Phật giáo Trúc Lâm hội tụ và lan tỏa” (10-12-2015) tại chùa Trình (P.Phương Đông, TP.Uông Bí); Đại lễ cầu siêu anh linh các anh hùng tử trận Bạch Đằng (từ 14g - 21g30 ngày 10-12) tại Khu di tích chiến thắng Bạch Đằng; chính thức khai mạc và tưởng niệm 707 ngày Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết-bàn (từ 7g30 đến 17g ngày 11-12) tại lễ đài khai hội Yên Tử (xã Thượng Yên Công, TP.Uông Bí); Lễ hội truyền đăng “Phật giáo Trúc Lâm hội tụ và lan tỏa” tổ chức từ 19g - 21g ngày 11-12 tại sân hành lễ chùa Trình.


Đặc biệt, trong chương trình còn có Pháp hội Dược Sư cầu nguyện quốc thái dân an và lễ chú nguyện đúc 108 pho tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông hộ quốc an dân.

C.Bằng

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.