GN - Khắp các nẻo phố Sài Gòn - TP.HCM những ngày này, không khí của Đại lễ Phật đản lan tỏa, tràn ngập mọi nơi với những băng-rôn, pa-nô, cờ Phật giáo được tô điểm đầy màu sắc...
Phật tử Trương Đức Tôn (Q.10, TP.HCM) làm lễ đài tư gia kính mừng Phật đản PL.2560 - Ảnh: Như Danh
Trên những con kênh, dòng sông nước chảy, người Phật tử nhẹ nhàng thả những ngọn đèn hoa sen sáng rực cả một vùng, gửi theo muôn vạn lời cầu chúc cho sinh linh hữu tình được hòa bình, ấm no và an vui.
Nếu ở các ngôi chùa, cổng chào, hoa đăng, câu đối kết hợp với tranh của Đức Phật được dựng lên rực rỡ; thì vào từng con hẻm, từng ngôi nhà, nơi có thờ tự chư Phật, giờ đây như sáng bừng lên trông thấy, vì mỗi mỗi đều treo những chiếc đèn lồng nhỏ, cứ như vậy, đèn và đạo kỳ xen kẽ nhau nối dài khắp các dãy nhà. Trái với sự phồn vinh và náo nhiệt như thế của Sài Gòn, ở đâu đó trên mảnh đất này vẫn tồn tại những mảnh đời cơ cực, nhưng chưa từng để mình quên đi ngày lễ lớn trong lòng người Phật tử, ngày Đức Phật đản sanh.
Tìm đến một xóm nghèo tại quận 7, thật ngạc nhiên vì dù không có điều kiện, song họ vẫn nhớ đến không khí Phật đản, để truyền tai, “hùn nhau chút tiền mua cái lồng đèn hoa sen, còn cờ Phật, tụi tui lên mấy chùa gần đây xin về cắm cho có không khí” - một người đàn ông sống tại đây chia sẻ. Ở khu nhà xập xệ khác được cho là khu ổ chuột giữa lòng thành phố, một cụ bà kể lại: “Xóm này đón Phật đản muộn hơn những nơi khác, bởi nghèo mà, chạy cái ăn đã khó khăn lắm rồi. Đợi qua ngày 8-4 ÂL, người ta làm lễ xong, thường thả lồng đèn, thả cờ, mấy đứa nhỏ nó canh rồi lượm về, treo lên nhà cũng vui rồi”.
Nhiều người mong muốn nhưng không có cơ hội tham gia vào lễ để ngắm nhìn tôn tượng chư Phật, hay trực tiếp xem các nghi thức trang nghiêm như rước Phật, tắm Phật… họ “đi tới mấy nhà có tivi, đứng ở ngoài xem người ta truyền hình trực tiếp, trong lòng niệm Phật theo, như vậy cũng có cảm giác mình đang có mặt ở đó” - cụ bà cười đầy vẻ an nhiên, tâm sự. Với họ, dù thiếu thốn đến đâu, trong tâm luôn dành một niềm tin sâu xa đối với Phật pháp, từ đó mà họ nhớ nghĩ và thành kính với chư Phật, nhất là trong ngày trọng đại này, theo cách rất riêng của họ.
Mùa Phật đản cũng là dịp mà những người dân nghèo, trẻ em cơ nhỡ… trông đợi nhất. Bởi lẽ, cứ vào mùa này hàng năm, phát huy từ tâm của chư Phật, nhiều Phật tử, mạnh thường quân, những ngôi chùa lớn đều thực hiện các hoạt động từ thiện, hỗ trợ cho những số phận kém may mắn hơn, để san sẻ được nhiều hơn tình yêu thương cũng như gieo nhân lành đến khắp các cõi giới.
Đồng thời, nhiều nơi cũng hưởng ứng ngày Phật đản bằng những hoạt động kêu gọi bảo vệ môi trường như thông cống rãnh, nhặt rác, thu mua ve chai, phế liệu, quyên góp, sửa chữa nhà, tặng quạt, tặng suất ăn cho các hộ dân cư nghèo... của các bạn trẻ, các đoàn thanh niên xung phong. Tất cả những điều này thật sự là hành động thiết thực hướng đến con người, hướng đến môi trường, mang tình thương để kết nối giữa người với người, theo đúng với tinh thần Phật giáo từ trước đến nay.
Hơn thế nữa, giữa cái nóng khắc nghiệt đầu tháng 5, mùa Phật đản đến, như kéo về những âm sắc thanh bình, yên tịnh. Từ câu kệ, bài kinh, những giáo lý của chư Phật được trì tụng vang vọng trên nhiều nẻo đường, cho đến màu cờ, ngọn đèn, hình tượng Đức Phật đản sinh được thiết trí khắp nơi, tất cả mang lại trong lòng mỗi người dân, người Phật tử một làn gió thanh mát, cuốn đi cái biến động nơi tâm và tạp nhiễm của thế gian.
Đi đâu, nhìn thấy ai cũng đều mang dáng dấp rất hoan hỷ, an vui đến lạ thường, bởi “chỗ nào cũng nhìn thấy hình Phật, nhìn thấy hoa sen là cảm giác như mình được sống trong sự che chở của Phật, mệt mấy cũng thấy bình yên, được an ủi nhiều lắm” - mấy cô chú quét dọn dưới chân cầu Bông, giữa trưa, mà lòng đầy hoan hỷ chia sẻ.
Như vậy mới thấy được từ lực của chư Phật, lòng từ bi của Ngài trải khắp thế gian mà chẳng cần đến sự cầu khẩn nào. Những người con Phật, học Phật đều tâm niệm lời Phật dạy, một niệm xả bỏ thù ghét, trải rộng yêu thương, đó là Phật không khác. Đây cũng là thông điệp trong mùa Phật đản lần này mong muốn truyền tải, dù là bất cứ ai, chỉ cần gác lại những tham - sân - si còn ngổn ngang trong mình, tâm ắt sẽ an lạc, được cùng chư Phật tắm suối nguồn thanh tịnh.