Sách mới của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

GNO - “Về thu xếp lại…” - là tựa đề cuốn sách mới của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, được Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM xuất bản gần đây - tập tản văn mượn những ca từ của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như một đề dẫn.

Trong sách, tác giả nhớ lại lần đến thăm nhạc sĩ đang được chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Chợ Rẫy: “trông anh như một tàu lá chuối khô, dán sát giường bệnh, tôi bỗng ngộ, những câu chữ anh viết là đến từ một cõi nào khác, xa xôi, một “mặc khải”, một “phó chúc” nào đó, chớ không phải từ tấm thân tứ đại ngũ uẩn mong manh này”.

nd.jpg


“Về thu xếp lại” của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc - Ảnh: N.Danh

Vẫn với những chia sẻ đầy hóm hỉnh, cái nhìn sâu từ thực nghiệm cuộc sống của mình, bạn đọc không cần ở tuổi “Gió heo may đã về”, mà cả với những người còn quá trẻ hoặc đang trẻ cũng sẽ có những chiêm nghiệm cho chính cuộc sống mình khi đọc những tản văn của bác sĩ - thi sĩ Đỗ Hồng Ngọc.

Ông nhận ra “cái thân xác cát bụi kia một hôm trở về làm cát bụi thì đã là chuyện dĩ nhiên, đương nhiên, tự nhiên, sao còn sanh sự tào lao chi cho mệt. Có điều để cái “cát bụi tuyệt vời..” này trở thành “cát bụi mệt nhoài” thì lỗi tại ta”.

Theo ông, một người 40 mà cứ tiếc mãi tuổi 20 của mình, một người 60 mà tiếc mãi tuổi 40 thì đến 75 họ sẽ tiếc mãi tuổi 60… thì thật đáng thương.

“Mình đang ở tuổi nào thì đó là tuổi đẹp nhất, không thể có tuổi nào đẹp hơn”, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc chia sẻ trong lời mở đầu.

Dù nhận rõ cái tuổi gió heo may, dìu dịu, nhạt nhòa nhưng vẫn là tuổi năng nổ, để rồi chuyển sang tuổi già, tạm coi là sau tuổi 65, một chu trình “khép kín” đã lại bắt đầu; nhưng khi thấy sự tăng tốc khô héo, tăng tốc nhăn nheo, tăng tốc ngược chiều cũng làm bác sĩ Ngọc hết hồn, há hốc, muốn kêu lên kinh ngạc.

Nhưng khi thấy “như thật” cái thực tướng đó, thì ông cho đó là diễn biến tuyệt vời, liên tục đổi thay đến vậy thì có gì đáng phàn nàn, có gì mà không thể tủm tỉm cười một mình đâu.

“Cho nên nếu tôi có gì khác tôi xưa thì chính ở chỗ tôi có phần… khoái cái sự già nua tăng tốc đó của mình, tôi hồi hộp dõi theo nó, tôi cảm thấy nó… hợp lý, nói chung là… cũng dễ thương quá đó chớ”, bác sĩ Ngọc hóm hỉnh nhìn sự thay đổi của thân xác, tâm tính khi mình già đi, như nó đang là.

Nhưng phải về thu xếp lại, ta sẽ nhìn ra ta, để thấy cái không ta. “Nó đùa vui chút thôi mà ta phiền muộn, sợ hãi lo âu chẳng phải làm cho nó càng khoái chí chọc nghẹo ta thêm ư?”.

Theo bác sĩ, khi con người biết mình sợ chết thì sẽ sống hạnh phúc trong từng phút giây, bằng cách ngồi yên “lắng nghe hơi thở của mình. Thở vào… thở ra. Một hơi thở là một cuộc sống. Thở ra rồi thở vào. Lại một cuộc sống mới… cho nên biết thở là biết sống ở đây và bây giờ… Cho nên phải quay về nương tựa chính mình “một mình tôi đi, một mình tôi về… với tôi” mà thôi”.

Bạn đọc sẽ có dịp cười thiền vị, theo cái cười mà bác sĩ - thi sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã trải nghiệm, đến để mà thấy với Cát bụi tuyệt vời, Tôi chợt nhìn ra tôi, Về thu xếp lại… ngày trong nếp ngày, Con tim yêu thương vô tình chợt gọi, Người đã đến và người sẽ về bên kia núi, Đôi khi thấy trên lá khô một dòng suối, Chìm dưới sương thu là một đóa thơm tho, Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt, Trời cao đất rộng một mình tôi đi, Để lại trong cõi thiên thu hình dáng con người.

Nhã An

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.