Rời lý tưởng dễ rơi vào ma sự

GN - Trong lời phát biểu tại Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN ngày 12-7 vừa rồi, ông Vũ Chiến Thắng, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ đã tâm đắc trích dẫn một đoạn trong bài xã luận đăng trên tuần báo Giác Ngộ số 999.

“Không có gì là cố định và không có giải pháp. (…) Không có gì là xấu mãi và cũng không có gì sẽ tốt hoài. Hoàn cảnh dù tồi tệ đến đâu vẫn có cơ hội thay đổi để cải thiện; và nếu không có sự tỉnh giác, thì cũng dễ bị lòng tham lam, sân hận, tính ích kỷ dẫn lối, rời xa lý tưởng phụng sự để thành tồi tệ”.

1 (19).JPG

Ông Vũ Chiến Thắng phát biểu tại hội nghị Ban Thường trực HĐTS vào ngày 12-7 - Ảnh: Bảo Toàn

Theo đó, sau khi đánh giá cao những thành tựu mà GHPGVN đã thực hiện, người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo của Chính phủ lưu ý về những vấn đề tiêu cực của một vài cá nhân, dù ít nhưng đã làm lu mờ sự nỗ lực của các việc làm tích cực ở nhiều lĩnh vực, trong dư luận. Ông cũng nêu những sự vụ nhức nhối liên hệ tới phẩm hạnh của tu sĩ trẻ, khiến cho cái nhìn về đạo Phật, một tôn giáo lớn ở nước ta, bị ngộ nhận.

“Không có tin mới nghĩa là mọi việc tốt lành”. Lướt qua tin tức trên các báo chí cũng như mạng xã hội, bức tranh xã hội dường như mang màu xám, trong khi thực tế vẫn có rất nhiều điều tích cực, việc làm thiện lành, tốt đẹp ở nhiều nơi. Tuy nhiên, những tin tức tiêu cực thường có sự lây lan với tốc độ rất lớn, kinh hoàng. Những thông tin này sẽ được thêm thắt, lồng ghép, “chế biến” với nhiều mục đích khác nhau, đặc biệt trên mạng xã hội.

Qua thăm dò bước đầu, với số đông, thường không thể kiểm chứng tính xác thực của thông tin, và chính điều đó đã tác động vào tâm lý, trở thành vấn đề tranh cãi trong gia đình, về các sự vụ tiêu cực liên quan tới tình cảm tôn giáo đối với đạo Phật. Và điều đó cũng tác động tới đời sống thực bên ngoài xã hội.

Nhiều thông tin phản ánh được gửi về, một số vị trí thức cư sĩ cũng đã tới tòa soạn Báo Giác Ngộ bày tỏ những bức xúc, mong mỏi Giáo hội chủ động hơn nữa trong thông tin, tránh những tổn thương về niềm tin và sự đồng hóa hành vi cá nhân với tổ chức, tôn giáo mà hàng triệu người đang theo.

Trong kinh “Bại vong” (thuộc Kinh Tập, Tiểu bộ, kinh tạng Nikāya), Đức Phật dạy, nếu con người buông lơi sự tỉnh giác, thích lối sống hưởng thụ, giả dối, vị kỷ, tự kiêu, phóng túng, ngủ say trên chiến công, đắm mê sắc dục nam nữ… thì đó chính là con đường dẫn tới chỗ bại vong, tự chuốc lấy đau khổ, luôn phải lo âu, sợ hãi và nhiều phiền muộn.

Không có gì chắc chắn, vĩnh cửu; mọi sự có thể thay đổi, cánh cửa bại vong có thể mở toang ra cho bất cứ người nào một khi họ bị lòng tham lam, sân hận, si mê dẫn lối. Và sẽ dẫn tới đời sống vô sự, không khổ não, an vui nếu ai kiểm soát được ba độc tố này.

Trong bản văn Khuyến phát Bồ-đề tâm, Đại sư Tĩnh Am nhấn mạnh, người xuất gia nếu xa rời lý tưởng tu hành hướng tới mục tiêu đời sống vô ngã vị tha, dẫu làm bất cứ việc gì, danh nghĩa nào, với động cơ là lòng tham, danh vọng, lợi dưỡng, hưởng thụ… thì đó đều là việc của ma. Người làm việc ma có lúc tưởng vinh hiển, nhưng nỗi khổ não theo sát như bóng theo hình, không có được sự an vui thực sự trong cuộc đời.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.