GN - Gần đây, nhiều thông tin về các vụ việc liên quan đến Phật giáo, cá nhân một số tu sĩ, cả nạn giả danh tu sĩ, một vài cơ sở chùa chiền, từ thiện xã hội… đã xuất hiện trên các kênh thông tin chính thức và không chính thức. Loại thông tin này lan truyền nhanh chóng trên mạng. Chuyện cũ được bới móc trở lại, chuyện nhỏ bị phóng đại, thêu dệt tình tiết… gây nhiều ngộ nhận và phản ứng tiêu cực cho người tiếp nhận về đạo Phật, tổn thương sâu sắc niềm tin của người có tín ngưỡng Phật giáo.
Nổi cộm và được dư luận quan tâm nhất trong tháng Bảy âm lịch này là vụ việc liên quan đến các trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn được nuôi ở chùa Bồ Đề (Hà Nội).
Sau khi một tờ báo tại TP.HCM đăng phóng sự điều tra với nội dung được cho là có hiện tượng “mua bán trẻ em” ở cơ sở nuôi trẻ ở chùa Bồ Đề, thông tin này đã được lan truyền một cách nhanh chóng gần như tức thời, thu hút người quan tâm, theo đó rất nhiều ý kiến, cảm xúc tiêu cực phản hồi tỏ ra bức xúc, căm phẫn…; và cực đoan hơn, một số ý kiến xúc phạm đạo Phật, xúc phạm hình tượng Tăng bảo một cách nghiêm trọng.
Cần nhấn mạnh rằng, cho đến thời điểm này, cơ quan chức năng xác nhận “trụ trì chùa Bồ Đề không liên quan đến mua bán trẻ em”. Song điều đáng tiếc là khi sự việc này xảy ra, Giáo hội, cụ thể là GHPGVN TP.Hà Nội đã không có tiếng nói kịp thời bày tỏ quan điểm và thái độ của mình một cách tỉnh thức để điều chỉnh và hướng dẫn dư luận, tránh thông tin bị đẩy lên những cực đoan khác, đồng hóa việc làm của một cá nhân với thể chế chùa chiền, với một tôn giáo của số đông là đạo Phật.
Chúng ta đang sống trong một thời đại đặc biệt: thời đại của sự bùng nổ thông tin. Rất khác với trước đây khi chưa có internet và liên tiếp là sự ra đời của nhiều ứng dụng xã hội, thông tin được chia sẻ một cách dễ dàng ngoài sức tưởng tượng bình thường. Một người biết lập tức hàng trăm ngàn người biết. Chỉ cần vào công cụ tìm kiếm Google, gõ chữ “chùa Bồ Đề”, trong 0,20 giây, chúng ta có gần 4 triệu kết quả phản hồi, tràn ngập trên các báo chí, các kênh thông tin cộng đồng cũng như cá nhân. Và chỉ cần lướt qua thôi, chúng ta thấy nội dung thông tin đã hoàn toàn ngược với trước đây, khi báo chí chưa đăng bài điều tra về đường dây xin con nuôi và những thỏa thuận ẩn khuất đằng sau nó, trong đó có nghi án liên quan đến trẻ được nuôi tại chùa Bồ Đề.
Trước đây, đầu năm 2011, báo Người Lao Động tại TP.HCM cũng đã có loạt bài về Cơ sở từ thiện Tiên Phước 2 (quận Bình Tân, TP.HCM) với cáo buộc: “Hốt bạc trên đầu trẻ mồ côi”, gây sóng gió trong dư luận. Câu chuyện tưởng chừng như đi vào lãng quên với tội danh quái ác nếu Sư cô TN.Nguyên Thanh (thế danh Nguyễn Thị Vân) - người có trách nhiệm trực tiếp điều hành cơ sở không kiên nhẫn theo đuổi khiếu nại lên Tòa án Nhân dân quận 3. Kết quả sau cùng ở tòa phúc thẩm mới đây, Báo Người Lao Động đã buộc phải cải chính và xin lỗi công khai trên báo vì đã đăng thông tin không đúng sự thật, thiếu khách quan, xúc phạm nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của Sư cô Nguyên Thanh. Nỗi oan của Sư cô Nguyên Thanh và Cơ sở từ thiện Tiên Phước 2 đã được gột rửa dù muộn màng. Nhưng hẳn sẽ có những nạn nhân khác của kiểu thông tin như vậy bị chìm đi với cái nhìn cay nghiệt của người đời, và sẽ còn diễn ra…
Trong bối cảnh thông tin hiện đại này, trước các sự vụ liên quan đến Phật giáo, đến Tăng Ni và Phật tử, rất cần tiếng nói và sự hướng dẫn của Giáo hội, để qua đó, giảm thiểu và tránh những tổn thương cho niềm tin của người có tín ngưỡng đạo Phật, cho hình ảnh của đạo Phật - tôn giáo của Từ bi và Trí tuệ trong lòng mọi người.