GN - Gwendolyn Gillson thể hiện mối quan tâm đến Phật giáo bằng sự tự phát cá nhân. Trong suốt thời gian theo học tại Trường Cao đẳng Gustavus Adolphus, cô đã cố gắng tham dự một khóa hướng dẫn về triết học Phật giáo.
Như một cơ duyên
“Tôi có một người bạn tham dự khóa học nhưng không muốn đến lớp một mình và vì thế đã khuyến khích tôi đến lớp cùng. Một điều kỳ diệu là cuối khóa học, tôi đã có cảm tình sâu sắc với Phật giáo”, Gwendolyn Gillson kể về việc cô bén duyên với Phật giáo.
Nghiên cứu sinh Gwendolyn Gillson trong một buổi giảng
Xuyên suốt khóa học, bên cạnh các kiến thức cơ bản cần phải tiếp cận, Gwendolyn Gillson quyết định không tiếp tục các học phần thuộc về ngành hóa học mà lại theo đuổi chuyên ngành tôn giáo học. Kết quả, cô đã hoàn thành chương trình cử nhân tôn giáo học và tiếp theo là thạc sĩ chuyên ngành này.
Hiện tại, Gwendolyn Gillson đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ năm thứ 4 của Trường Đại học Iowa (Mỹ), cô sẽ thực hiện đợt nghiên cứu về tôn giáo tại Nhật Bản vào năm tới. Ngoài ra, với thành tích nổi bật từ trường đại học, Gwendolyn Gillson là một trong 14 học viên của trường nhận học bổng toàn phần năm học 2016-2017 của chương trình Fulbrights.
Chương trình học bổng Fulbrights được kiến tạo dưới thời điều hành của Tổng thống Mỹ Harry Truman và vinh dự mang tên một trong những nhà hảo tâm chủ lực, thượng nghị sĩ J. William Fulbright - người chi trả toàn bộ học phí cho những học viên xứng đáng. Đây là một trong những chương trình học bổng danh giá và có tính cạnh tranh cao.
“Tôi luôn bị cuốn hút vào việc làm thế nào mà tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng thuyết phục được tín đồ”, Gillson tâm sự.
Công trình nghiên cứu của Gillson tại Nhật Bản sẽ tập trung vào việc tìm hiểu cách thức người phụ nữ Nhật ứng dụng Phật giáo Tịnh Độ tông vào đời sống hàng ngày. Tên của công trình nghiên cứu là “Nữ giới kiến tạo tịnh độ nhân gian: Tinh thần đạo Phật nhập thế của dòng truyền thừa Jodo, Nhật Bản”. Theo đó, cô sẽ đăng ký nghiên cứu theo chương trình thuộc Trường Đại học Bukkyo, Nhật Bản.
Ngoài ra, một phần thời gian tại Nhật, Gillson sẽ tham gia các hoạt động hỗ trợ, phục vụ cộng đồng và sinh hoạt tại các tổ chức Phật giáo. Cô cũng sẽ cùng làm việc với các phụ nữ Nhật trong công việc nội trợ, giúp các lớp học ngoại ngữ và phiên dịch.
Nỗ lực tự thân
Gillson đã từng học tiếng Nhật trong 8 năm. Cô cho biết việc chọn đến đất nước mặt trời mọc là cần thiết, bởi yêu cầu cơ bản của công trình nghiên cứu và chương trình Fulbright giúp cô làm cho mọi việc trở nên đơn giản.
Để được chương trình Fulbright hỗ trợ học bổng toàn phần, ứng viên cần phải thỏa mãn được nhiều yêu cầu gắt gao và đã có lúc Gillson nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Sau đó, nhờ sự giúp sức của những người bên cạnh, cô tiếp tục và đạt được ước nguyện.
“Tôi có những vị thầy hướng dẫn chuyên môn tuyệt vời. Chính họ đã giúp tôi đọc, chỉnh sửa các bản thảo và cho tôi nhiều lời nhận xét chân thành, nghiêm túc, có chất lượng”, Gillson chia sẻ.
Chồng của Gillson cho biết, để giành được học bổng này, cô đã phải mất một năm cực lực chuẩn bị.
Sau khi tham gia nghiên cứu được 2 năm, Gillson được Đại học Iowa mời đứng lớp giảng dạy chuyên đề về tôn giáo: “Tôn giáo và đời sống xã hội: Các hiện tượng tôn giáo mới và sự kết thúc của thế giới”.
“Tôi hướng dẫn cho 14 sinh viên xuất sắc của trường và đây là một trong những trải nghiệm thú vị trong cuộc đời mình”, Gillson kể và mong rằng sau này sẽ trở thành giáo sư cơ hữu của trường.
Giáo sư ngành Tôn giáo học của Đại học Iowa, Tiến sĩ Kristy Nabhan-Warren, người phụ trách nhiều chuyên đề của lớp mà Gillson theo học, nhận xét cô là “nữ học giả thú vị” và là người “tài năng nhưng luôn biết cách hướng về phía trước”.
Kristy Nabhan-Warren tin tưởng rằng Gillson sẽ trở thành một giáo sư chuyên ngành xuất chúng trong tương lai.
Đánh giá về công trình của Gillson sẽ nghiên cứu tại Nhật, Tiến sĩ Nabhan-Warren cho rằng nhờ quy hướng, thực tập theo Phật giáo suốt thời gian dài và là người làm khoa học nên Gillson sẽ có cách thực hiện công trình trọn vẹn, chuẩn xác nhất.
Bảo Thiên
(theo The Daily Iowan)