GNO - Thử thách trong cuộc sống chính là bài tập. Bài tập làm được tốt rồi thì mình mới giống như Thầy mình được, cho nên cũng cần phải cảm ơn cuộc sống đã giao bài tập cho mình vậy...
Quay về với chính mình, nương tựa ở chính mình - Ảnh minh họa
1. Có một thứ cảm giác rất khó chịu bám riết lấy tôi mấy ngày vừa qua, đó là suốt một chặng đường dài cứ nghĩ mình làm đúng rồi, mặc dù có mất lòng một số người, nhưng vẫn là mình làm đúng rồi, cuối cùng thì bàng hoàng nhận ra mình sai lè!
Đó là cái cảm giác tự xấu hổ khi thấy mình học Phật bao nhiêu năm rồi nhưng vẫn chưa hề thay đổi được một chút những thói xấu của mình; cái cảm giác thường tự nhắc nhở mình phải luôn phản tỉnh lại chính mình, nhưng cuối cùng vẫn là bị cái ngã nó phỉnh phờ. Không biết gọi nó là gì, sự bất lực, hay là nỗi chán chường, hay là gì gì đó, đại để là mình cảm thấy không làm chủ được chính mình.
Tôi chưa từng bao giờ nghĩ mình giỏi hơn người khác, mình hay hơn người khác… và như vậy thì tôi kết luận là mình không có ngã mạn. Nhưng khi đụng chuyện rồi thì mới thấy là không những mình có, mà cái ngã mạn đó cực kỳ to.
Trong kinh Lăng Nghiêm nói đến ngã mạn có 7 loại, nếu bình tĩnh mà suy xét, chắc chắn là thấy bóng dáng mình trong đó. Mình thua kém người khác một chút, nhưng lại cho rằng mình không hề thua kém, hoặc thậm chí cho rằng mình giỏi hơn người khác, đó là ngã mạn.
Mình thua kém người khác rất nhiều nhưng lại cho rằng mình chỉ kém một chút thôi, đó cũng là ngã mạn. Còn những trường hợp quá rõ ràng như mình thấy mình giỏi hơn người khác và ỷ lại vào đó, lấn lướt người khác… thì tất nhiên là ngã mạn rồi.
2. Tôi bị kẹt giữa hai khái niệm đúng và sai. Cái này là đúng, cái kia sai; vậy thì cứ theo cái đúng mà làm. Kẹt một nỗi là những thứ đúng sai này chỉ là tương đối. Cái đúng còn có cái đúng hơn, lúc đó thì cái đúng ban đầu sẽ trở thành sai. Cái sai có khi cũng chưa hoàn toàn là sai, hoặc dù là sai mà vẫn phải làm, làm rồi mới nhận ra cái đúng.
Tôi thì cứ thẳng một đường, cứ làm cái đúng đã rồi tính sau. Trong đầu lúc nào cũng nghĩ mình toàn chọn cái đúng, vậy thì hẳn nhiên là mình đúng, có sai thì cũng sai… ít thôi. Cuối cùng thì bỡ ngỡ thấy mình sai hoàn toàn mà chẳng hiểu tại sao.
Câu hỏi là, làm thế nào phân biệt được đúng và sai thật sự? Tôi nghĩ rất mông lung. Đi hỏi người khác, những người có kinh nghiệm tu hành chẳng hạn? Nếu có một người bạn thực sự tin tưởng thì có lẽ mọi việc sẽ dễ dàng hơn tôi quá nhiều. Vấn đề của tôi chính là ở chỗ đó.
Ngã mạn quá lớn rồi nên nhìn ai cũng thấy không tin tưởng điều họ nói là đúng.
Ngã mạn quá lớn rồi nên nhìn ai cũng thấy họ cũng phân biệt, chấp trước đầy rẫy, họ có tư cách, năng lực gì mà khuyên bảo tôi chứ? Nếu Phật còn trụ ở đời thì tôi sẽ đi hỏi Phật. Phật nói thì tôi sẽ nghe. Phật nói được làm được, nên tôi sẽ nghe Phật. Bây giờ thì tôi chỉ biết tìm Phật trong kinh điển, nhưng mà đôi khi “nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa” cũng không phải là chuyện dễ dàng với tôi.
3. Làm sai mà nhận ra rồi thì làm lại thôi, chứ còn biết sao bây giờ. Chẳng phải cổ đức thường nói “quay đầu là bờ” đó sao?
Đầu ngẩng cao quá rồi thì bây giờ học cúi thấp xuống. Nói quá nhiều rồi thì bây giờ tập nói ít lại.
Thật đáng buồn là xưa nay cứ nghĩ mình khiêm tốn, giờ nhìn lại thì mình vô tình đúng như người xưa nói “một lần khiêm tốn bằng bốn lần tự kiêu”. Cho nên bây giờ cúi đầu xuống sao thấy khó quá? Bây giờ vui vẻ im lặng với những phân biệt, chấp trước của người khác sao thấy khó quá? Vì “ngã” quá to đó mà! “Ngã” to cho nên bây giờ thấy đau quá!
Tôi nhớ là bài học cúi đầu tôi đã được học một lần rồi, nhưng chắc là chưa thấm. Đó là một lần đại chúng đang dùng bữa, mấy người to nhỏ rằng có món ăn kia nấu chưa chín, vẫn còn sống.
Chị nấu bếp ngày hôm đó là một người trẻ hơn tôi mấy tuổi, lúc đầu chị còn biện luận rằng chị nấu theo cách của chị chứ không phải món đó bị sống. Tới khi có nhiều người lên tiếng quá thì chị đã có lời với đại chúng rằng đó là lỗi của chị bất cẩn, xin đại chúng bỏ qua cho.
Lúc tôi thấy chị cúi đầu xin lỗi đại chúng, mặc dù hơi gượng, rất nhanh chị đã ngẩng lên, nhưng tôi rất khâm phục chị. Chị là một người mà tôi đánh giá rằng cũng ngang bướng chứ không phải hiền lành gì, vậy mà chị có thể cúi đầu trước đại chúng để nhận lỗi thật không dễ dàng gì.
Đó, bạn thấy không? Tôi lại còn đi đánh giá người khác nữa cơ đấy. Thật chẳng biết xấu hổ là gì.
4. Mình tự nhận Phật là thầy, còn mình là học sinh của Phật. Kinh điển là sách giáo khoa. Học sinh đi học thì phải làm bài tập. Thử thách trong cuộc sống chính là bài tập. Bài tập làm được tốt rồi thì mình mới giống như Thầy mình được, cho nên cũng cần phải cảm ơn cuộc sống đã giao bài tập cho mình vậy.
Nếu mà gặp Phật thì Phật sẽ nói gì nhỉ?
Tôi nghĩ Thầy sẽ khuyến khích tôi tiếp tục thực hành trong cuộc sống hằng ngày, trong những trải nghiệm đối người tiếp vật như thế này, để biết hằng phục những phiền não của chính mình, từ đó trí tuệ vốn sẵn có trong tự tánh sẽ khai mở. Khi phiền não hết rồi thì chuyện đúng sai cũng sẽ không cần hỏi ai nữa. Lúc đó là mình quay về với chính mình, nương tựa ở chính mình vậy.
* Bài viết là chia sẻ riêng, văn phong của tác giả đang sống và học tập tại Canada. Mời bạn chia sẻ những góc nhìn cuộc sống, mang tính thời sự, qua nhãn quan Phật giáo. Hoan hỷ gửi bài về: phatgiaovatuoitre@gmail.com.