Chư tôn đức Tăng Ni và các tướng lĩnh, các cựu chiến binh
Thành cổ Quảng Trị năm 1972 dự lễ tưởng niệm cầu siêu ngày 23-7-2015
Quảng Trị có 72 nghĩa trang liệt sỹ, những nghĩa trang nhỏ như cấp xã, cũng có phần mộ của các liệt sĩ của ba miền đất nước, có hai nghĩa trang Quốc gia, đó là Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Quốc gia Đường 9, di tích đặc biệt Thành cổ Quảng trị 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa 1972, dòng sông Thạch Hãn, Nghĩa trang huyện Hướng Hóa, Đường 9 Nam Lào, Đại lộ Kinh Hoàng, là nơi có rất nhiều người đã hy sinh trong cuộc chiến năm 1968 và 1972.
Quảng Trị là địa đầu giới tuyến Bắc - Nam, Quảng Trị có nhiều địa danh chiến tranh khóc liệt, là địa phương chịu quá nhiều bom đạn ác liệt từ chiến tranh, bởi Quảng Trị là nơi chia hai đất nước, là nơi chia hai một tỉnh, nơi chia hai một huyện, nơi chia hai một xã, một thôn và thậm chí là một gia đình.
Năm 1975 Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng đã phê chuẩn về việc xây dựng Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn và những năm về sau, những nghĩa trang khác cũng được xây dựng trang nghiêm để tôn vinh các anh linh anh hùng liệt sĩ khắp 3 miền đã bỏ thân mình tại chiến trường Quảng Trị.
Nên tháng 7 này khắp các nẻo đường của Quảng Trị, ở đâu đó bốn góc hương thôn cũng có khói hương, đâu đó cũng thiết lập ban thờ bái vọng, nơi có Phật tử thì thiết đàn mời quý sư, quý thầy bạt lễ cầu siêu cúng thí, nơi những nhà không theo Phật thì tự thiết bàn dâng lễ thắp hương mà khấn vái.
Hình như ai cũng ý thức mảnh đất của họ đang sống là mảnh đất mà nhiều hương hồn đã nằm lại từ cuộc chiến nên việc tháng 7 cho những âm hồn phiêu bạt là điều đương nhiên, là lẽ thường tình mà họ luôn luôn tâm niệm.
Riêng Phật giáo, thì tháng 7 âm lịch được xem là mùa tri ân báo hiếu, cho nên lễ hội báo hiếu thì chùa nào cũng tổ chức ngoài lễ báo hiếu thì có những lễ cúng lớn cho các âm linh mà đàn chẩn tế luôn được hướng đến.
Đồng vọng - tri ân người đã ngã xuống cho đất nước thanh bình...
Nguyên Mãn