GN - Ai cũng biết vô ngã là Niết-bàn. Sự thật thì các pháp, nhất là năm uẩn (sắc-thân thể, thọ-cảm thọ, tưởng-tri giác, hành-tâm hành, thức-nhận thức) vốn vô ngã nhưng do vô minh, tham ái sâu dày nên chấp thủ kiên cố thành ra hữu ngã. Sự tu học là phát huy định tuệ để lần lượt tháo gỡ chấp thủ kiên cố về tự ngã này. Vấn đề đặt ra là phải bắt đầu từ đâu? Thế Tôn dạy nên bắt đầu từ quán năm uẩn vô thường.
Đức Thế Tôn - Bậc Giác Ngộ dạy nên bắt đầu từ quán năm uẩn vô thường
“Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
Tu tập tưởng vô thường, tu tập nhiều, có thể dứt trừ tất cả dục ái, sắc ái, vô sắc ái, trạo cử, điệu mạn, vô minh.
Giống như người làm ruộng, cuối hạ đầu thu, cày đất cho sâu, làm sạch hết cỏ. Cũng vậy, Tỳ-kheo, tu tập tưởng vô thường, tu tập nhiều, có thể dứt trừ tất cả dục ái, sắc ái, vô sắc ái, trạo cử, điệu mạn, vô minh.
Tỳ-kheo, như người cắt cỏ, tay cầm ngọn cỏ, đưa lên và giũ sạch, tất cả cỏ khô héo đều rơi rớt hết và lấy được những cọng cỏ dài. Cũng vậy, Tỳ-kheo tu tập tưởng vô thường, tu tập nhiều, có thể dứt trừ tất cả dục ái, sắc ái, vô sắc ái, trạo cử, điệu mạn, vô minh…
Giống như tất cả các sông ngòi ở thế gian này đều đổ vào biển cả. Biển cả là hơn hết, vì nó dung nạp tất cả. Cũng vậy, tu tập tưởng vô thường, tu tập nhiều, có thể dứt trừ tất cả dục ái, sắc ái, vô sắc ái, trạo cử, điệu mạn, vô minh.
Giống như mặt trời xuất hiện, có thể phá tan mọi sự tối tăm của thế gian. Cũng vậy, tu tập tưởng vô thường, tu tập nhiều, có thể dứt trừ tất cả dục ái, sắc ái, vô sắc ái, trạo cử, điệu mạn, vô minh.
Giống như Chuyển luân Thánh vương, so với các tiểu vương là tối thượng, tối thắng. Cũng vậy, tu tập tưởng vô thường, tu tập nhiều, có thể dứt trừ tất cả dục ái, sắc ái, vô sắc ái, trạo cử, điệu mạn, vô minh.
Tỳ-kheo, làm thế nào để tu tập tưởng vô thường, tu tập nhiều, có thể dứt trừ tất cả dục ái, sắc ái, vô sắc ái, trạo cử, điệu mạn, vô minh?
Nếu Tỳ-kheo ở chỗ đồng trống hay ở trong rừng cây, mà khéo tư duy chân chánh, quán sát sắc là vô thường; thọ, tưởng, hành, thức vô thường; tư duy như thế thì dứt hết tất cả dục ái, sắc ái, vô sắc ái, trạo cử, điệu mạn, vô minh. Vì sao? Vì nếu người nào tu tập được tưởng vô thường, thì có thể tu tập được tưởng vô ngã. Thánh đệ tử an trú ở tưởng vô ngã, tâm lìa ngã mạn, tùy thuận chứng đắc Niết-bàn.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành”.
(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 270)
Tu tập tưởng vô thường chính là thiền quán thân, tâm và thế giới vô thường. Tất cả pháp đều do duyên mà sinh nên cũng do duyên mà diệt. Không có gì bền chắc, bất hoại mà tương sinh tương diệt trong mỗi phút giây. Nếu duy trì thường trực tuệ quán này thì có thể làm cho suy giảm và lâu ngày sẽ đoạn tận dục ái, sắc ái, vô sắc ái, trạo cử, điệu mạn, vô minh.
Trong pháp thoại Thế Tôn đã khẳng định, “người nào tu tập được tưởng vô thường, thì có thể tu tập được tưởng vô ngã”. Quán chiếu sâu sắc và thường trực về vô thường chính là nền tảng của tuệ giác vô ngã. Khi năm thượng phần kiết sử bị đoạn tận, tuệ giác vô ngã hiện tiền, vị Thánh đệ tử rũ sạch phiền não, chứng đắc Niết-bàn, thành tựu giải thoát tối hậu.