Quán cháo trắng của Giới Sân (Kỳ 10)

Quán cháo trắng của Giới Sân (Kỳ 10)

Thụt lùi là để tiến lên

Ngoài việc có cái đầu nhẵn ra thì hai tiểu sư đệ Giới Si và Giới Trần cũng không khác gì mấy đứa trẻ tiểu học dưới núi: mỗi ngày hai lần làm bài tập do sư phụ Trí Duyên và sư phụ Trí Huệ phụ trách giảng dạy, thời gian còn lại các chú chỉ lòng vòng chạy nhảy quanh chùa.

Những cách đùa giỡn của mấy đứa trẻ dưới núi được hai chú bắt chước rất nhanh, thỉnh thoảng lại sáng tạo thêm vài trò mới.

Dĩ nhiên các chú không có các thứ đồ chơi mắc tiền, chỉ một vài thứ tự chế như đánh cọc, nhảy dây, đá cầu… Trẻ con dễ dàng phát hiện những niềm vui vốn không liên hệ gì tới tiền bạc.

Hôm nọ, Giới Sân đang quét chùa, chợt nghe hai chú tiểu kêu “ái da, ái da”, bèn ngước đầu lên nhìn, thấy hai chú đang thi nhảy xa, vẽ trên đất một đường dài màu trắng, lần lượt nhảy tới nhảy lui. Giới Sân nghĩ, Giới Trần chắc là thua thôi, vì Giới Si cao to hơn, thường ngày lại hoạt động nhiều hơn.

Tiểu bèn ngồi lên bậc tam cấp nơi sân chùa, nhìn hai chú thi nhảy, không ngờ phát hiện thấy Giới Trần nhảy không thua kém gì Giới Si. Vừa nhảy, hai chú vừa không ngừng tranh cãi xem ai nhảy xa hơn. Giới Ngạo đi ngang, cười ngạo hai tiểu sư đệ: Nhảy ngắn như vậy mà không biết mắc cỡ, còn bày đặt thi với đua.

Hai chú không chịu thua, muốn thi nhảy cùng sư huynh Giới Ngạo. Giới Ngạo đồng ý, một mình chấp hai chú.

Giới Trần, Giới Si cùng thương lượng. Cuộc thi cần có thắng bại, nếu hai chú thắng, sẽ làm sư huynh Giới Ngạo một ngày.

Giới Sân bị cuộc thi thu hút, đứng một bên nhìn hai chú nhảy. Tuy hai chú nhảy không xa, nhưng nếu cộng lại thì cũng không ngắn lắm. Giới Sân đoán, lần này Giới Ngạo sẽ thua chắc thôi.

Tiểu Giới Ngạo nhìn thấy hai chú nhảy, cũng lo lắng, rờ đầu suy nghĩ tìm cách đối phó.

Tới lượt mình, Giới Ngạo chuyển người, thụt lùi mấy bước, lấy đà chạy trợ lực, sau đó phóng nhanh về phía trước. Bước nhảy của chú rất xa, vượt qua cái mức mà hai tiểu đã làm dấu trước đó. Hai tiểu không ngờ sư huynh Giới Ngạo có thủ đoạn, liền nói: Sư huynh ăn gian.

Giới Ngạo thấy rằng mình thắng hai sư đệ theo cách không lấy gì làm hay ho lắm, nhưng cũng lè lưỡi nói: Huynh thắng rồi. Nói xong, tiểu ta liền chạy tuốt vào chánh điện.

Giới Sân chúm miệng cười. Tuy Giới Ngạo dùng thủ đoạn để thắng cuộc thi, nhưng phương pháp đó không phải không có lý.

Trong khi chúng ta xử lý các sự tình, không cứ nhất thiết lúc nào cũng dùng sức để tiến lên. Đôi khi chúng ta cũng phải thối lui một chút để lấy đà. Thối lui nhưng kết quả lại là sự thành công.

Tịnh độ giữa trần gian

Có lần Giới Sân xem Châu Tinh Trì diễn trong Đại nội mật thám 008, còn nhớ trong đó có đoạn thưởng rượu: vị nữ diễn viên cầm ly rượu nho bảo mọi người nếm thử. Hầu hết mọi người đều uống một lần là cạn ly, kết quả họ đều bảo rằng, ly rượu nho này vừa chua vừa chát, không ngon tí nào.

Châu Tinh Trì giải thích: Đây là một ly rượu ngon, chỉ vì phương pháp thưởng rượu của mọi người không đúng. Khí quan cảm thụ vị chua chát nằm ở hai bên lưỡi, còn khí quan cảm thụ vị ngọt ở ngay đầu lưỡi. Muốn thưởng rượu nho cho ngon, quý vị nên cuốn đầu lưỡi lại. Như vậy khí quan cảm thụ vị ngọt nơi đầu lưỡi phát huy tối đa công dụng, tránh được cái vị chua chát ở hai bên lưỡi.

Cuộc sống của con người cũng thế. Chúng ta nên học cách né tránh đi vị chua chát để thể hội được cảm giác ngon ngọt của cuộc đời.

***

Đường trên núi Mao Sơn rất hẹp, được ghép lại từ những viên đá nhỏ màu xanh. Những hòn đá này không biết có tự lúc nào, do không ai phụ trách sửa chữa, có đoạn đá bị bể nhỏ cả, nên rất khó đi lại.

Đêm đó có trận mưa lớn, đường lên Mao Sơn sau khi bị nước mưa ngâm ngập, trở nên lầy lội.

Mấy hôm trước, sư phụ Trí Duyên có bảo mọi người rằng ngày hôm sau sư phụ sẽ ở chùa kể chuyện. Do vậy, dù đường núi không dễ đi, vẫn có nhiều Phật tử đến chùa đúng giờ.

Lộ trình lên núi như vậy, giày dép của mọi người đều dính ít nhiều bùn đất. Quý Phật tử trước khi vào chùa đều dậm chân cho sạch sẽ, nhưng vẫn không hết được bùn sình. Chỉ một lúc sau, tiểu phát hiện trước sân chùa đã la liệt những cục đất bùn.

Tiểu rất bực, xem ra lần sau phải để cái bàn chải ở đây, như vậy các thí chủ mới chà sạch giày dép, vừa khỏi làm bẩn sân chùa, vừa không ảnh hưởng đến các thí chủ khác.

Chợt nghe có tiếng cười sau lưng, tiểu quay đầu nhìn lại, thì ra sư phụ Trí Duyên. Không biết sư phụ đứng sau lưng tiểu từ khi nào. Sư phụ hơi nép người sang một bên, bước vào cái sân nhỏ đầy bùn, cẩn thận từng bước một, mỗi bước lựa vào chỗ sạch để đi.

Đến trước Phật đường, sư phụ quay lại nói với tiểu: Giới Sân, con xem! Bùn tuy nhiều, nhưng đi như vậy giày dép vẫn không bị dơ bẩn.

Chúng ta sống trên đời, làm sao không dơ bẩn được, cho nên phải học cách tìm ra nơi sạch sẽ để bước tới.

Bùn đất nhiều thì sao? Cuộc đời nhiều não loạn thì sao? Thì vẫn còn nơi thanh tịnh thuần khiết. Trong bùn nhơ vẫn còn chỗ cho nước sạch. Quyền chọn lựa luôn ở trong tay bạn.

Học cách nhảy qua những bùn đất li ti là điều vô cùng quan trọng.

Để ánh mắt xuyên qua làn sương trước mặt, chú ý làm chi có sương vướng mắt. Khi ánh mặt trời xuất hiện, những làn sương ám kia sẽ không còn hiện diện nữa.

Một lần đóng phim

Hôm đó, ông đạo diễn họ Khúc lại đến chùa Thiên Minh. Mới bước vào chùa, trông thấy chúng tôi, ông liền lớn tiếng chào hỏi. Chúng tôi nhìn ông cười. Ông chợt ngại ngùng, nói vào chùa làm huyên náo, thật không lễ phép gì.

Chúng tôi đem ghế lại mời ông ngồi. Tóc ông vẫn chưa mọc ra, bộ quần áo trên người cũng rất giống kiểu tu sĩ dễ khiến người ngộ nhận.

Ông nói rõ lý do đến chùa. Thì ra ông đang ở gần đó chỉ đạo quay phim. Bộ phim lần này cần có hai chú tiểu. Các diễn viên quần chúng đều không làm ông hài lòng. Ông cảm thấy họ diễn không nhập thần, không có khí chất của tu sĩ.

Giới Sân và Giới Ngạo cùng cười. Làm tu sĩ có khí chất gì cơ chứ, giữa chúng tôi và quý Phật tử có gì khác biệt?

Đang quay phim, ông Khúc chợt nhớ lại các chú tiểu ở chùa Thiên Minh, ông muốn nhờ Giới Sân và Giới Ngạo giúp đỡ cho một cảnh quay.

Nghe nhờ đóng phim, chúng tôi cảm thấy lo lắng, tò mò, muốn đi đóng thử, nhưng cũng có chút chần chừ, nên quyết định đi thỉnh ý quý sư phụ.

Sư phụ Trí Huệ hơi do dự: Để Giới Ngạo và Giới Sân đi đóng phim không có vấn đề gì, nhưng nói về thân phận tu sĩ của các chú, đừng đóng nhiều cảnh với các nữ diễn viên.

Ông Khúc thỉnh sư phụ an tâm, chỉ là muốn quay vài cảnh đối thoại, không có đóng cảnh nào với các nữ diễn viên.

Sáng hôm sau, theo thời gian đã hẹn, các tiểu tôi đến trường quay.

Trong đoàn làm phim có mấy nữ diễn viên; nhìn thấy chúng tôi họ liền cười, nói với ông đạo diễn Khúc rằng, ông tìm đâu ra hai diễn viên quần chúng trông giống mấy tiểu hòa thượng thực quá vậy.

Mọi người bèn xúm nhau ngắm nghía chúng tôi, khen ngợi chúng tôi thật yêu nghề, đến phục trang của tu sĩ cũng chuẩn bị đâu đó rất đàng hoàng.

Ông Khúc nén cười không nói năng gì, chỉ chú tâm hướng dẫn kịch thoại cho chúng tôi.

Kịch thoại rất đơn giản, chỉ là vai nam chính hỏi một chú tiểu: Tiểu sư phụ, sư phụ có thấy một người ác vừa chạy qua đây không? Hắn chạy về hướng nào?

Sau đó, chú tiểu đáp: Thiện tai! Thiện tai! Oan oan tương báo cho đến bao giờ mới dứt.

Còn một chú tiểu khác thì đang quét chùa phía đằng xa.

Đây là bộ phim cổ trang, chỉ có chúng tôi là không cần thay y phục, vì phục trang tu sĩ đã mấy ngàn năm qua chưa hề thay đổi.

Ông Khúc vốn muốn Giới Sân đóng vai nhân vật trả lời, nhưng ông lại suy nghĩ, Giới Sân hàng ngày thường quét chùa, dáng vẻ cũng đàng hoàng, nên quyết định để cho Giới Sân đóng vai chú tiểu quét chùa.

Kịch thoại rất ngắn, nhưng lại quay rất lâu. Ông Khúc cứ liên tục la to “stop”, không phải vai nam chính nói sai, mà chính do Giới Ngạo đang đóng phim mà cứ thấy tức cười. Có một lần stop là do Giới Sân. Khi Giới Sân đang đóng cảnh quét chùa, ống kính chĩa về phía tiểu, tiểu liền ngẩng mặt lên cười, trong khi ông Khúc muốn Giới Sân cứ tiếp tục cúi đầu quét chứ không cười.

Cứ thế, Giới Sân chỉ được cúi đầu chăm chú quét chùa, quét đến lần thứ 20 mới quay xong cảnh đó.

Về chùa rất lâu sau mấy tiểu mới nhận được cái đĩa ông Khúc gởi đến. Vì bộ phim chưa hoàn thiện nên còn nhiều đoạn chưa xử lý. Quý sư phụ, quý huynh đệ trong chùa cùng vài Phật tử quây quần trước máy vi tính vừa xem vừa cười.

Các tu sĩ sống trong thế kỷ XXI, so với cuộc sống của các thí chủ thì có gì sai biệt? Cùng lên mạng, cùng xem tivi, cùng xem sách báo…

Cuồn cuộn hồng trần, nếu tâm không có bụi trần, thì ở đâu mà không giác ngộ? 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.