Phòng trưng bày nghệ thuật ở một ngôi chùa quê

GN - Chùa có tên Tuệ Không, tọa lạc ở vùng đất cao su Long Thành (xã Long Đức, Long Thành, Đồng Nai) - tên chùa được giải thích hài hước theo cách của vị thầy khai sơn mà người dân trong vùng thường gọi một cách gần gũi là “Ôn” - bổn sư của Đại đức Thích Nhuận Thường, họa sĩ trình bày của Báo Giác Ngộ, rằng: “Không có trí tuệ, nên mới về ở nơi hoang vu, vắng bóng người, thừa những động vật độc hại như rắn rít, côn trùng...”.

Tất nhiên, đó là hồi khứ của cách đây mấy chục năm, khi tấm hình cũ Ôn đem ra cho mọi người xem và giới thiệu đó là “chánh điện bây giờ” chính là một căn nhà tranh lụp xụp, phên vách đơn sơ.

Và thực ra, Tuệ Không chính là trí tuệ Bát-nhã, trí tuệ của bậc xuất thế, giác ngộ.

nhuan thuong3.jpg


Chánh điện chùa Tuệ Không - Ảnh: Bảo Toàn

Chuyến về ngắn ngủi, chỉ mấy tiếng đồng hồ nhưng đủ cảm về chốn bình yên của một ngôi chùa ở vùng quê, nơi có chánh điện tôn nghiêm được xây cất năm 1994, Phật lịch 2538, cách đây tròn 20 năm; một căn thờ Phật và treo chân dung chư tôn thiền đức tiền bối; lầu chuông lầu trống cùng tôn dung Đức Bồ-tát Quán Thế Âm từ bi ngự tọa tại Quan Âm các, lúc nào cũng thanh thoát với tay cầm nhành dương liễu, tay cầm tịnh bình, sẵn sàng lắng nghe và cứu khổ...

Phòng trưng bày Tuệ Đăng là chỗ tâm huyết, có tôn tượng Phật, Bồ-tát, đàn, trống... được Đại đức Nhuận Thường sưu tập nhiều năm, là những dấu ấn của nhiều dân tộc, vùng miền, thấm đẫm văn hóa Phật giáo. Những bức tranh sơn dầu đặc sắc, kỳ công, do chính thầy thực hiện cũng là điểm nhấn quan trọng trong không gian lắng đọng mà thầy kiến tạo xuyên suốt trong 2 tháng vừa qua.

Góc uống trà lưu dấu bước chân của chư tôn thiền đức, cư sĩ quý mến thầy đến thăm cũng là nơi nghe thầy chia sẻ về ngôi già lam Tuệ Không, phòng trưng bày Tuệ Đăng và những hiện vật chốn này.

Thích nhất là bức tranh đặt ở trung tâm không gian trưng bày, thể hiện sự trầm tư, suy nghiệm của một vị Tăng sĩ áo nâu sồng, nhìn cuộc đời bằng mắt thương yêu, tuệ đăng sáng chiếu. Bức tranh phảng phất hình dáng và sự trầm tư của các vị A-la-hán, một bậc đã đoạn tận phiền não với công năng tu tập, hành trì giáo pháp, thoát khỏi trần lao mà Phật tử vẫn thường thấy ở một số chùa.

Kế đó, tạm gọi góc làm việc vì có một chiếc bàn đơn sơ, thêm một hiện vật gợi nhắc về quá khứ là chiếc điện thoại bàn cũ kỹ, nghe thầy Nhuận Thường nói vẫn còn dùng tốt. Nhìn ra là cửa sổ với ánh sáng dọi vào đủ để người ngồi đó có thể vẽ hoặc viết, nghiên cứu tài liệu. Bên ngoài là một khoảnh vườn với cây cối xanh tươi, mát mẻ, đó là một bức tranh thiên nhiên khác được kiến tạo bởi tâm hồn thanh thoát của người nghệ sĩ. Nếu đứng bên trong phòng trưng bày và đưa máy ảnh về phía cửa sổ, bấm tách, chắc chắn khung hình sẽ hiện ra bức tranh như mô tả, có cây cối xanh um, mát dịu, hiền hòa.

Những bố trí bên trong hài hòa và được chưng dọn sạch sẽ với ánh đèn chiếu sáng vào từng hiện vật khiến người xem tập trung hơn vào từng bức tranh Phật, Bồ-tát hay từng tôn tượng mỹ thuật được làm từ chất liệu đồng hay gốm sứ. Phảng phất trong sắc màu ấy là sự cũ kỹ đủ để gợi cho người xem đánh giá về sự chăm chút, lựa chọn kỹ lưỡng trong việc sưu tập, trưng bày những bức tượng mang tính văn hóa Phật giáo.

nhuan thuong1.jpg
Một góc khu trưng bày - Ảnh: B.Toàn

Toàn cảnh của phòng trưng bày là một căn nhà gỗ với nước sơn đen nhánh, nên dẫu mới dựng lên chưa lâu vẫn cho người thưởng lãm có cảm giác nơi đây đã kiến tạo từ rất lâu rồi. Không chỉ có các tôn tượng và tranh vẽ, ở một góc nhỏ nơi cửa chính phòng trưng bày còn có cả những quyển sách quý về mặt nội dung và cả “tuổi tác” - thời gian xuất bản, cũng như các ấn phẩm báo chí Phật giáo gần đây.

Do đó, người thưởng lãm không phải chỉ đến xem những góc trưng bày tranh, tượng Phật giáo cùng vài hiện vật mang tính văn hóa vùng miền như đã kể mà còn có thể ngồi uống chén trà cùng Đại đức Nhuận Thường - nếu có duyên gặp mặt, nghe một vài câu chuyện thiền hay hỏi vài thuật ngữ Phật giáo, đặc biệt là mỹ thuật Phật giáo hoặc thậm chí là kỹ năng vẽ tranh các thể loại mà thầy đã được học bài bản từ Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM, tự tìm tòi với sự đam mê, yêu thích đặc biệt.

Tin rằng, đến phòng trưng bày, được đảnh lễ ngôi Tam bảo, hoặc nghe Ôn trụ trì Tuệ Không tự sẻ chia về địa danh này kia ở Long Thành cũng như kể lại quá trình hình thành ngôi chùa, về những văn nghệ sĩ tài hoa như Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn đã từng tới đây uống trà, đàm đạo hay kỷ niệm lần Ni sư Thích nữ Trí Hải bất chợt ghé thăm trong niềm cảm kích của vị thầy giản dị chốn quê, chắc chắn sẽ làm lắng lòng ai đó có duyên.

***

Có lần, người viết nghĩ, thi thoảng mỗi người cần một chuyến đi xa để làm mới mình, hoặc để ôn lại những giá trị đã được mình tiếp xúc, trầm tư, lắng đọng và chứng thực nhưng mà vì cuộc sống xô bồ tác động nên đôi khi đã quên, đã vơi. 

nhuan thuong2.jpg


Phòng trưng bày nghệ thuật cũng là nơi chư huynh đệ uống trà đàm đạo - Ảnh: Bảo Toàn

Lựa chọn một nơi đến để lòng mình bình an, nhẹ nhàng, thanh thoát chính là một sự dụng công, nó thể hiện cái tâm, cái tình của bạn đối với cuộc sống và với chính mình.

Nơi chúng tôi đến, như chùa Tuệ Không giữa bạt ngàn cao su để chiêm ngưỡng một không gian như phòng trưng bày Tuệ Đăng của một họa sĩ - nhà sư Thích Nhuận Thường chính là một chọn lựa mang ý nghĩa sâu xa đó...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.