Phóng sự: Người làng Teng và giấc mơ du lịch cộng đồng

Hoạt động du lịch cộng đồng tại làng Teng được tổ chức thường xuyên
Hoạt động du lịch cộng đồng tại làng Teng được tổ chức thường xuyên
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Không chỉ có thổ cẩm được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, bây giờ người làng Teng còn biết làm du lịch từ văn hóa truyền thống vốn có.
Người làng Teng làm du lịch cộng đồng góp phần bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống

Người làng Teng làm du lịch cộng đồng góp phần bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống

Du lịch cộng đồng

Cô gái xinh đẹp Phạm Thị Y Hòa (24 tuổi, hướng dẫn viên của Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ cũng là người làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) hồ hởi kể về những đổi thay của làng mình. Ngôi làng nằm bên Quốc lộ 24 (nối Quảng Ngãi với Tây Nguyên) cùng dòng sông Liêng hiền hòa. Y Hòa bảo, con gái dân tộc H’rê trong làng nổi tiếng vừa xinh đẹp vừa giỏi giang. Không chỉ biết dệt vải, mà giờ còn biết làm du lịch nữa.

Làng Teng vốn là ngôi làng duy nhất của người H’rê ở Quảng Ngãi biết dệt thổ cẩm. Là nơi cung cấp trang phục thổ cẩm cho phần lớn đồng bào dân tộc vùng này. Và văn hóa của người làng Teng cũng phóng khoáng như tâm hồn thảo nguyên của người Hrê, nhưng cũng tinh tế và sáng tạo nhờ được lưu truyền qua bao thế hệ vậy.

Y Hòa bảo, bây giờ dù ngôi làng khiêm tốn nằm bên dòng sông Liêng thơ mộng không còn giữ cái trật tự mang tính truyền thống của người H’rê xưa. Duy chỉ có những bộ áo, váy thổ cẩm là không lẫn vào đâu được. Nó vẫn ở đó, nguyên vẹn như những buổi đầu của người H’re cổ xưa. Đó dường như là sợi dây kết nối cuối cùng, níu giữ chút kí ức đẹp đẽ còn sót lại của một thời vàng son ấy.

Gần 2 năm nay, du lịch thanh niên ở Làng Teng được đưa vào hoạt động. Từ khi Khu Bảo tồn và Phát huy giá trị văn hóa làng Teng bắt đầu được xây dựng, người làng Teng, thanh niên làng Teng đã ấp ủ một hy vọng sẽ xây dựng được mô hình du lịch cộng đồng từ mạch nguồn văn hóa của làng.

Tôn vinh nghề dệt thổ cẩm

Tôn vinh nghề dệt thổ cẩm

Và rồi, khi nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Hrê ở thôn Làng Teng (xã Ba Thành, huyện Ba Tơ) được công nhân là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thì dự án "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thôn Làng Teng" được xây dựng trên diện tích 1,48ha, tại xã Ba Thành (Ba Tơ), do Ban Quản lý Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư hơn 10,5 tỷ đồng (vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia và vốn đối ứng ngân sách tỉnh) cũng được triển khai.

Khi nhà và các công trình phụ được dựng lên, nhiều vị trí chuồng trâu, chuồng heo, chuồng gà, chòi lúa đặt chưa phù hợp, Ban Quản lý dự án lại phải mời các già làng, người uy tín có hiểu biết ra hiện trường thi công góp ý.

Tại hiện trường, già làng Phạm Văn Néo đã góp ý rất nhiều để khu bảo tồn này được hoàn thiện nhất, đúng với văn hóa của làng nhất, như chuyện cái chòi lúa phải dời ra xa nhà ở, vì ở gần, khi cháy nhà thì cháy cả chòi lúa, mất đi cái ăn. Mô hình, hiện vật là đúng truyền thống rồi, chỉ còn lại việc bố trí lại cho đúng để con cháu sau này biết. Phục dựng thì phải đúng, phải mang nét văn hóa ngày xưa của ông bà tổ tiên của người làng.

Trong tiềm thức của nhiều người làng Teng, và cả những ngôi làng xung quanh đây thì làng Teng là ngôi làng duy nhất biết trồng bông và dệt thổ cẩm. Hàng năm cứ đến mùa, con gái mang gùi đi hái trái về kéo sợi, con trai lại ngược về phía núi kiếm rễ hay vỏ cây rừng về làm màu, ngâm sợi. Từ những sợi bông đã nhuộm màu, qua bàn tay người phụ nữ làng Teng sẽ trở thành những tấm thổ cẩm độc đáo.

Đối với những người phụ nữ ở vùng cao này, nghề dệt chính là thước đo cho sự khéo léo. Đứa trẻ H’re khi sinh ra đã thấy người mẹ miệt mài bên khung dệt. Người con gái lớn lên lại được mẹ dạy cho cách se chỉ, nhuộm màu. Để rồi theo năm tháng, nghề dệt thổ cẩm cứ len lỏi trong từng mạch máu của những người con nơi núi rừng.

Giới thiệu đặc sản ẩm thực của làng Teng

Giới thiệu đặc sản ẩm thực của làng Teng

Bây giờ, cuộc sống đổi thay và hiện đại hơn, những ngôi nhà sàn dần thưa vắng thay vào đó là những ngôi nhà ngói. Con gái làng Teng giờ nhiều người học đại học, cao đẳng rồi về công tác ở địa phương, góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống. Nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh về Ba Tơ thăm di tích cuộc khởi nghĩa Ba Tơ và những thắng cảnh trên địa bàn, đến khi được xem những cô gái làng Teng nhảy múa, uốn người theo điệu cồng, điệu chiêng, đều xuýt xoa, tán thưởng.

Giới thiệu đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc H’rê

Làng Teng bây giờ là điểm đến trong tour du lịch về với vùng an toàn khu Ba Tơ. Cũng từ nhu cầu của du khách, chị Sung còn dùng thổ cẩm để may thành quần áo. Một tấm thổ cẩm bình thường giá 800.000 đồng nhưng đem may thành bộ áo quần có giá 950.000 đồng.

Không chỉ dừng lại ở những sản phẩm thổ cẩm, tại shop này, du khách còn có thể tìm thấy những vật dụng về đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc H’rê như nỏ, chiêng, gùi tre hay vật trang sức của đồng bào là những chiếc kiềng đồng.

Cồng chiêng của làng Teng và giấc mơ du lịch cộng đồng được bạn trẻ biết đến

Cồng chiêng của làng Teng và giấc mơ du lịch cộng đồng được bạn trẻ biết đến

Bây giờ, khi khu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng Teng trên mặt bằng rộng gần 1,5 ha với nhà văn hóa và 3 nhà sàn truyền thống đã đưa vảo hoạt động. Mục đích làm nơi dạy nghề dệt thổ cẩm, tổ chức hát dân ca, dân nhạc. Những cô gái làng Teng càng có điều kiện phô diễn vẻ đẹp, sự giỏi giang của mình để những đấng mày râu lại đến tìm người thương.

Thanh niên làng Teng cũng hiện thực hóa mô hình du lịch cộng đồng của mình bằng tên gọi “Du lịch thanh niên” với rất nhiều chương trình, phát huy được hiệu quả của công trình, nhằm quảng bá hình ảnh, văn hóa của đồng bào H’rê đến với người dân, du khách gần xa, thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương.

Anh Phạm Văn Xuân (quê làng Teng), Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Ba Tơ, nói: “Dự án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thôn Làng Teng" đã được đưa vào hoạt động. Công trình gồm các hạng mục mang tính quần thể văn hóa làng Teng nói riêng và của người H’rê Ba Tơ nói chung, gồm: Không gian sinh hoạt, nhà văn hóa, phục dựng 3 nhà truyền thống, kho lúa, chuồng trâu, cây nêu và nhiều hạng mục khác...

Trong nhà văn hóa sẽ trưng bày các vật dụng sưu tầm; phục hồi nghề chế tạo các công cụ sinh hoạt và lao động sản xuất cổ truyền của người dân Làng Teng, tổ chức truyền dạy nghề dệt thổ cẩm, dân ca, dân nhạc...

Trưởng nhóm “Du lịch thanh niên” ở làng Teng

Trưởng nhóm “Du lịch thanh niên” ở làng Teng

Bây giờ, làng văn hóa dân tộc H’rê thôn làng Teng không chỉ có thổ cẩm, mà còn có rất nhiều hoạt động du lịch cộng đồng, người làng đã phục dừng lại rất nhiều những phong tục truyền thống như dạy đánh cồng chiêng, dạy làm các loại bánh và ẩm thực H’rê, rượu cần, dạy dệt vải và rất nhiều hoạt động khác nhằm bảo tồn những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể.

Những khởi sắc về du lịch cộng đồng, sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn theo chuẩn OCOP chất lượng, chuyên nghiệp, có giá trị gia tăng cao đã khiến rất nhiều nam thanh nữ tú trong làng hào hứng. Từ đó, nâng cao thu nhập cho cư dân vùng sơn cước này và đồng thời còn góp phần bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống quê hương.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.