Phật viện Đồng Dương: Xót xa trước sự hoang phế

Giác Ngộ - Hàng chữ ghi bằng bút xóa học trò trên mảng tường còn sót lại của tháp Sáng trong khu di tích Phật viện Đồng Dương là điều ám ảnh tôi: “Con đã đến đây. Cầu xin các vị phò hộ cho con và các bạn đã đến đây vào ngày 8-2-2009”.

>> Phật viện Đồng Dương sắp thành phế tích

>> Ước vọng hồi sinh Phật viện Đồng Dương

>> Xót xa Phật viện Đồng Dương

Suy nghĩ đã ăn sâu vào tiềm thức không chỉ của những đứa trẻ này mà còn của vô số người trưởng thành khác khi đến Phật viện Đồng Dương là để cầu xin may mắn và lợi ích cho mình mà không màng gì đến sự tôn nghiêm, thiêng liêng của những dấu tích còn lại di sản văn hóa - tâm linh quốc gia.

Trước sự cấp thiết bảo vệ và gìn giữ di tích này, ngày 17-8-2011 vừa rồi, tại Quảng Nam đã diễn ra một cuộc hội thảo với chủ đề “Giải pháp bảo tồn di tích Chăm - Phật viện Đồng Dương” gồm nhiều nhà nghiên cứu văn hóa và bảo tồn danh tiếng hàng đầu Việt Nam. Nhưng để đi đến những việc làm thiết thực và hiệu quả không phải là điều đơn giản.

t¦¦ß+úng voi -æß+¬ng tr¦¦ß+¢c -æß+ün x¦¦a.jpg

Chứng tích một thời huy hoàng

 Điêu tàn và ngổn ngang...

Tôi đặt chân lên khu di tích Phật viện Đồng Dương đúng vào thời khắc tạm dừng giữa hai cơn mưa chiều nối tiếp nhau ở miền Trung. Con đường dẫn vào đây nhầy nhụa bùn đất, những ngôi nhà khuất sau những lùm cây rậm rạp hai bên đường. Cách đây đúng 1 tháng, Hội thảo về bảo tồn di tích Chăm - Phật viện Đồng Dương diễn ra nên người ta đã cho phát quang phần lớn bụi rậm hai bên lối dẫn vào và cũng tỉa bớt những nhánh cây keo lá tràm xung quanh phần di tích tháp Sáng còn lại.

Chính vì vậy, đường vào sát khu di tích Phật viện có vẻ dễ dàng hơn và không đến nỗi đáng rợn người như một nhà báo nào đó đã từng viết gần đây. Nhưng may mắn ấy cũng chẳng bớt đi nhiều nỗi buồn khi bước vào khu Phật viện Đồng Dương mà nay chỉ còn một mảng tường phía trước của tháp Sáng.

Những viên gạch cổ của khu Phật viện lăn lóc lởm chởm trên lối đi, gợi lại một thời hoàng kim và cũng là minh chứng cho một thời giông bão qua số phận của biết bao con người nơi đây. Năm tháng đi qua, cung điện, thành quách hay những pho tượng chạm trổ đầy tâm huyết của những nghệ nhân Chăm cùng với nền văn hóa lừng lẫy một thời giờ cũng chỉ là một đống gạch sắp đổ và vô vàn những viên gạch khác hoặc lăn lóc trong lùm keo lá tràm, hoặc đã nằm dưới móng, trên tường những ngôi nhà nào đó xung quanh đây hoặc đã theo chân những kẻ trộm về một vùng đất xa xôi khác. Còn chăng chỉ là nỗi đau âm ỉ cháy trong từng thớ gạch, phảng phất trong từng hoa văn còn sót lại...

Giữa những đám keo lá tràm, giữa những viên gạch cổ ngổn ngang nằm rải ra khoảng vài trăm mét vuông ấy là dấu tích duy nhất còn lại của Phật viện Đồng Dương mà con người bình thường có thể nhìn thấy được: một phần tháp Sáng sắp đổ đang được níu kéo bởi những cây gỗ sắp mục ruỗng bởi thời gian. Cảnh tượng thật ngổn ngang, khiến lòng người xót xa.

Hoàng kim một thuở…

Một người nông dân họ Trà, trong số hơn 300 hộ dân mang họ này ở đây (thuộc tộc người Chăm), cho tôi biết rằng phía sau những đám keo lá tràm là tháp Sáng. Ngoài ra, khi tôi hỏi thêm một vài chi tiết về Phật viện Đồng Dương và về việc đây là khu di tích đã được công nhận là di tích cấp quốc gia thì người nông dân này ngỡ ngàng tỏ ra không biết gì nhiều. Ông bảo Phật viện chắc ông nội ông biết rõ hơn ông nhiều. Mà ông nội của ông thì đã mất cách đây vài chục năm.

Theo nội dung tấm bia đá tìm thấy ở Đồng Dương thì năm 875, vua Indravarman II của vương triều Indrapura đã cho xây dựng tại khu vực này một tu viện Phật giáo đồ sộ và tráng lệ lấy tên là Laksmindra - Lokesvara để làm nơi “trú ngụ” của Phật (Buddhapara). Sức ảnh hưởng của Phật viện Đồng Dương kéo dài hơn 500 năm (875 - 1471), từng được xem là một trung tâm nghiên cứu, truyền bá Phật học có tầm cỡ lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Một số tư liệu khác cũng ghi lại rằng, sau khi nhà nghiên cứu người Pháp L. Finot công bố kết quả nghiên cứu về Phật viện Đồng Dương vào năm 1901 và một năm sau đó, một nhà nghiên cứu người Pháp khác, H.Parmentier tiến hành khai quật khảo cổ trên qui mô lớn đã mở tung bức màn bí mật về một địa chỉ Phật giáo đã được cổ sử Trung Hoa, Đại Việt và Chămpa nhắc đến một cách trân trọng.

Xét về tầm vóc quy mô của Phật viện, Finot, trong đề tài nghiên cứu của mình về di tích Đồng Dương, đã giới thiệu 229 hiện vật, nổi bật nhất là bức tượng Phật bằng đồng. Bức tượng Phật đứng này cao hơn 1m, được xem là hoàn hảo và đẹp loại nhất Đông Nam Á.

Công trình khai quật khu trung tâm Phật viện Đồng Dương của Parmentier cho biết rõ nét hơn về mô hình kiến trúc của Phật viện. Sự hoành tráng của một quần thể kiến trúc điêu khắc như cho ta lạc vào một thế giới nghệ thuật cùng với thiên hướng tâm linh đã được đánh giá là độc đáo vào loại nhất trong văn hóa Chămpa và Đông Nam Á, một di sản Phật giáo hết sức quan trọng.

Theo mô tả của Parmentier, toàn bộ khu vực kiến trúc kế tục dài xuyên suốt hơn 1.330m, bắt nguồn từ hướng Tây và chấm dứt ở hướng Đông. Riêng khu vực chánh điện thờ Phật là một vành đai hình chữ nhật dài 326m, rộng 155m cùng hệ thống tường bao bọc kiên cố. Từ chánh điện mở ra con đường rộng, dài hơn 763m, hướng thẳng vào phía Đông, dẫn tới một thung lũng hình chữ nhật có diện tích 1.080m2, cụm kiến trúc bảo lưu được phần đài thờ chính khá nguyên vẹn cùng các pho tượng thờ bằng đá, đồng được phát hiện xung quanh. 

Còn theo nghiên cứu của Giáo sư Trương Quốc Bình - ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Phật viện này là khu di tích tiêu biểu bậc nhất của kiến trúc Phật giáo Chămpa trong khu vực Đông Nam Á. Nếu được tiến hành khảo cổ, trùng tu, bảo tồn bài bản, khoa học, đảm bảo tốt tính trung thực, nguyên vẹn thì di tích này sẽ có đủ điều kiện để được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới thứ 3 tại Quảng Nam trong thời gian tới.

Với giá trị văn hóa - lịch sử quan trọng đó, ngày 21-9-2000, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) đã ban hành Quyết định số 16/2000/QĐ-VH xếp hạng Phật viện Đồng Dương là Di tích quốc gia. Nhưng hơn 10 năm đã trôi qua, di tích ấy vẫn chỉ hiện hữu trên danh nghĩa, chưa có sự quan tâm đúng mức.

hoa v-ân trang tr+¡ Th+íp S+íng 1.JPG

Tình trạng của tháp Sáng hiện nay

  Lòng tham và sự lơi lỏng trong quản lý…

Quay trở ra khu xóm nhà những người tộc Trà sinh sống, tôi tìm vào hỏi thăm người trong một ngôi nhà gần khu di tích nhất. Người đàn ông đã ngoài 50 tuổi nhất quyết không cho biết tên mình, chỉ bảo: “Anh cứ ghi tôi là người dân họ Trà là được rồi”. Theo lời ông thì không biết trước đây ra sao nhưng từ khi ông lớn lên ở đây thì tại khu Phật viện Đồng Dương này đã không biết bao nhiêu người ra vào, đào trộm, khuân trộm cổ vật và cả gạch đá đi. Kẻ lén lút ban đêm phần nhiều nhưng kẻ vào ban ngày giữa thanh thiên bạch nhật cũng không ít.

 Nhiều đoàn người vào đây nói với người dân là thuộc tổ chức này tổ chức nọ đi nghiên cứu, đi tìm hiểu để phục dựng. Nhưng mấy ai biết họ là ai và họ vào để làm gì. Dân thì không muốn dính líu vì ngại nhiễu sự lôi thôi. Chính quyền thì đâu phải lúc nào cũng có mặt. Vì thế, những gì quý giá còn lại của di tích Phật viện Đồng Dương cứ thế mà phiêu bạt xứ người, giờ cũng chẳng biết đi đâu về đâu.

Người đàn ông họ Trà thở dài: “Đấy, anh vào rồi, ngay bên hông và cả trong tháp Sáng, nghi là có vàng, cho đến tận bây giờ, lâu lâu người ta vẫn lén vào đào bới. Họ đi có khi 2 đến 3 người, có khi cả đoàn, thắp hương xin xong rồi vác cuốc vác xẻng đào tứ tung mù mịt. Còn xung quanh tháp, phạm vi vài trăm mét vuông thì vô số chỗ đã bị xới lên, đào lên.

Không biết là có vàng bạc hay không nhưng chắc những tiền nhân nằm dưới đất này không thể yên lòng. Tội lỗi hơn là một số con cháu họ Trà chúng tôi cũng tham gia vào đào kiếm. Nhất là từ khi nghe nói là Phật viện Đồng Dương được cấp hạng di tích quốc gia. Tụi nó bảo nhau rằng dưới ấy có nhiều vàng thì mới được xếp hạng di tích quốc gia chứ dễ gì...”. 

Cũng theo lời ông họ Trà thì từ ngày nhận bằng xếp hạng Di tích quốc gia, khoảng 7 hay 8 năm gì đó về trước, chính quyền địa phương có tổ chức phát quang một lần, cho chống chèo phần còn lại của tháp Sáng bằng một số gỗ khá lớn. Trước còn đến coi coi ngó ngó, bảo dân đừng xâm phạm đến khu Phật viện. Rồi họp bàn cùng người dân đề ra những giải pháp tự bảo vệ di tích quốc gia trên quê hương mình.

Nhưng sau đó, những người có trách nhiệm cứ đến thưa dần, thưa dần… Cây cỏ dại cứ thế mọc lên, người dân thiếu ý thức thì tranh thủ “đất hoang” để trồng tràm hoa vàng lấy gỗ bán kiếm chút tiền, không hề nghĩ sự hư hoại liên quan đến tài sản vô giá của chính mình.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.