Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản hướng về quê hương

Những phần quà của người Việt Nam ở Nhật Bản được chia sẻ đến các em học sinh đồng bào dân tộc trước thềm năm mới
Những phần quà của người Việt Nam ở Nhật Bản được chia sẻ đến các em học sinh đồng bào dân tộc trước thềm năm mới
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Chắt chiu những phần tiền sinh hoạt để góp mùa xuân cho quê nhà, họ - những người Việt Nam định cư, du học tại Nhật Bản, dù trong hoàn cảnh nào cũng nặng lòng với quê hương. Chuyến công tác Phật sự về Việt Nam của Ni sư Thích nữ Tâm Trí mang theo tình cảm của kiều bào về nguồn cội như thế.

"Phiên chợ 0 đồng" tại chùa Thiền An (tỉnh Đồng Nai) cùng với 200 phần quà đặc biệt dành cho các em học sinh và đồng bào dân tộc tại Ayunpa, tỉnh Gia Lai vào những ngày giáp Tết, do sự phát tâm của các Phật tử Việt Nam đang định cư, học tập tại Nhật Bản đã đem đến nhiều niềm vui, xúc động với cả người cho và người nhận.

Xuân ấm từ Nhật Bản gửi về quê nhà

Xuân ấm từ Nhật Bản gửi về quê nhà

Ni sư Thích nữ Tâm Trí, Hội trưởng Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản, trụ trì chùa Đại Ân Tochigi và chùa Đại Ân Honjo Saitama chia sẻ: “Mặc dù tôi không kêu gọi gì cả nhưng khi biết tôi có chuyến về Việt Nam, các thực tập sinh, sinh viên, Phật tử đã gửi tấm lòng, một chút chia sẻ như: gạo, mì, nhu yếu phẩm, lì xì... để bà con nghèo đón Tết ấm áp. Đó là điều khiến tôi rất xúc động, tinh thần người Việt Nam mình dù hoàn cảnh nào cũng thương yêu nhau”.

Được biệt, hiện nay, có hơn 520 nghìn người Việt Nam ở Nhật Bản, trong đó 100 nghìn sinh viên, 330 nghìn thực tập sinh. Với người Việt Nam đang học tập, sinh sống tại Nhật Bản, chùa Đại Ân ở Honjo Saitama và Tochigi từ lâu đã là mái nhà chung, là điểm tựa tâm linh và Ni sư Tâm Trí chính là điểm tựa tinh thần không thể thiếu của nhiều người Việt tại đây.

Cộng đồng người Việt tại Nhật Bản hoan hỷ khi bên cạnh luôn có sự hiện diện của chư Tăng Ni. Tình yêu thương là cội nguồn của hạnh phúc
Cộng đồng người Việt tại Nhật Bản hoan hỷ khi bên cạnh luôn có sự hiện diện của chư Tăng Ni. Tình yêu thương là cội nguồn của hạnh phúc

13 năm trước, khi Ni sư Tâm Trí đang là du học sinh và tu tập tại chùa Nisshinkutsu ở Tokyo, thảm họa động đất sóng thần xảy ra khiến nhiều thực tập sinh, sinh viên Việt Nam tại Đông Bắc bơ vơ giữa chốn đất khách quê người, không có nơi tiếp nhận lánh nạn. “Những cuộc điện thoại cầu cứu liên tục gọi đến, tôi đã trình và được Hòa thượng Daichi cho phép đưa công dân Việt Nam về chùa bao nhiêu cũng được, miễn sao an toàn là được. Chúng tôi khi đó chỉ có 2kg gạo cùng vài vắt cơm đông lạnh, đem rã đông nấu một nồi cháo lớn chia cho mọi người. Mặc dù chỉ là cháo thôi nhưng ai cũng ấm lòng vì cảm nhận được niềm hạnh phúc của tình người trong cơn hoạn nạn”, Ni sư nhớ lại.

Trước nhu cầu thiết thực của cộng đồng người Việt, du học sinh và sinh viên cần điểm tựa tâm linh, sau khi tốt nghiệp, Ni sư Tâm Trí đã quyết định ở lại Nhật Bản. Năm 2013, Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản được thành lập, và chùa Đại Ân trở thành địa chỉ quen thuộc của cộng đồng người Việt.

Vào các ngày cuối tuần, người Việt trở về chùa để tu học, sinh hoạt, văn nghệ, trò chuyện và được nghe tham vấn tâm lý. Cũng tại đây, nhiều du học sinh và sinh viên được tiếp sức, giải quyết nhanh chóng các giấy tờ pháp nhân để an tâm lưu trú và làm việc. Vào dịp Tết, Ni sư Tâm Trí tổ chức lễ đón giao thừa cho cộng đồng người Việt, mang lại tình cảm quê hương ấm áp, gần gũi cho những người con xa xứ.

Ngôi chùa Đại Ân từ lâu đã là điểm đến trong những ngày lễ Tết cho những người con Phật, những bạn trẻ xa nhà. Tới chùa lễ Phật, được nghe giảng pháp, được sống trong tình thương của quý Thầy, quý Sư cô và bạn bè người Việt khắp nơi hội tụ về

Ngôi chùa Đại Ân từ lâu đã là điểm đến trong những ngày lễ Tết cho những người con Phật, những bạn trẻ xa nhà. Tới chùa lễ Phật, được nghe giảng pháp, được sống trong tình thương của quý Thầy, quý Sư cô và bạn bè người Việt khắp nơi hội tụ về

Mọi người cùng nhau về chùa tụng kinh Dược Sư, cầu an đầu năm mới, nấu bánh chưng, vui ca văn nghệ - tình thương đó giúp bà con phần nào vơi đi nỗi nhớ nhà, vừa giữ gìn nét đẹp truyền thống nơi xứ người.

Năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát, chùa Đại Ân càng trở thành nơi nương tựa, là mái nhà chung của người Việt có hoàn cảnh khó khăn. Suốt hai năm đại dịch, hơn 2.000 người Việt đã về chùa nương tựa, hơn 218 tấn gạo, hàng nghìn tấn lương khô và đếm không xuể bao nhiêu nhu yếu phẩm được kết nối, sẻ chia. Khi đại dịch đi qua, bình yên lập lại, Ni sư Tâm Trí tiếp tục phụng sự cộng đồng, kết nối việc làm cho người Việt, tổ chức khóa tu cho người Việt để gần gũi, hỗ trợ kịp thời cho bà con.

Ni sư Tâm Trí cùng đoàn Tăng Ni, Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản thăm các bạn trẻ người Việt tại khi lánh nạn tại bán đảo Noto, tỉnh Ishikawa - nơi xảy ra động đất, sóng thần tháng 1-2024

Ni sư Tâm Trí cùng đoàn Tăng Ni, Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản thăm các bạn trẻ người Việt tại khi lánh nạn tại bán đảo Noto, tỉnh Ishikawa - nơi xảy ra động đất, sóng thần tháng 1-2024

Nhiều du học sinh và Phật tử không ngại di chuyển hơn 120km từ Tokyo đến chùa, để tham dự, sinh hoạt. Trong khi đó, phí sinh hoạt ở Nhật Bản rất đắt đỏ. Đó là lý do vì sao Ni sư Tâm Trí phát tâm xây dựng ngôi chùa đầu tiên của người Việt ngay tại Tokyo.

Ni sư cho biết, đó cũng là đại nguyện lớn nhất lúc này: “Chùa là mái ấm của người Việt Nam mình, nhất là những người đang tha hương cầu thực ở nơi xứ người, họ rất khao khát Phật pháp. Ở Tokyo hiện chưa có chùa Việt Nam, số lượng người Việt sinh sống xung quanh Tokyo và các tỉnh lân cận hơn 135 nghìn người. Điều đó thôi thúc tôi cố gắng xây chùa tại Tokyo để bà con có nơi tương tựa, Tăng Ni có nơi sinh hoạt, Phật tử có nơi trở về tu học. Dự kiến kinh phí xây chùa là 3 triệu USD, thời điểm hiện tại chúng tôi đã quyên góp được phân nửa”.

Hình ảnh dễ dàng bắt gặp ở chùa Đại Ân khi xuân đến, Tết về

Hình ảnh dễ dàng bắt gặp ở chùa Đại Ân khi xuân đến, Tết về

Khi bài viết này xuất bản, cũng là lúc Ni sư đã đáp máy bay trở về Nhật Bản, tất bật chuẩn bị để tổ chức cái Tết cổ truyền ấm áp cho người Việt ở hải ngoại. Những ngày Ni sư Tâm Trí hoạt động Phật sự tại quê hương, kiều bào luôn dõi theo và ngóng trông, bởi với họ, Ni sư chính là sự hiện diện của tình thương, luôn gần gũi và mang lại cảm giác bình yên cho những người con xa xứ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.