Phật tử thương yêu theo phương pháp Phật dạy

GNO - Mỗi người trong hành trình tự sửa mình, để xây dựng gia đình bình an sẽ có những phương tiện, cách thức khác nhau, nhưng cuối cùng là hướng tới những điều dễ thương nơi mỗi người, nơi cuộc sống, gia đình và mọi người xung quanh.

Dưới đây là những câu chuyện nhỏ, ở gia đình nhỏ của họ - đang thực hành theo những gì mình học, để xây dựng gia đình theo lời Phật dạy.

Thương là cùng hướng nhau về điều lành

Là chia sẻ của anh Tâm Tuệ (Q.Gò Vấp, TP.HCM) khi nói về cách xây dựng gia đình theo những gì anh học được từ lời Phật dạy.

Anh cho biết, vợ là giáo viên, còn anh làm việc ở văn phòng Luật sư, mỗi khi về nhà anh đều phụ vợ công việc nhà, nấu ăn. Theo anh đó là “quyền lợi”, vì biết bao nhiêu người đàn ông ở đời mà vợ mình không… cho phép, chỉ có mình mới có đặc quyền đó. Hơn nữa khi người đàn ông vào bếp nhìn rất cuốn hút.

“Người phụ nữ đã bỏ tất cả kể cả gia đình, tuổi thanh xuân để đi theo mình cả cuộc đời. Bản thân mình chỉ nhín ra ít thời gian nấu cơm hoặc việc nhà mà có cả bầu trời và niềm vui cho gia đình thì tại sao không?”, anh Tâm Tuệ bày tỏ niềm biết ơn khi được phụ vợ việc nhà.

Rồi anh chia sẻ, ở nhà, trước khi vợ anh có em bé thì công việc nhà cả 2 vợ chồng đều làm chung. Từ khi vợ có thai và sinh em bé thì mọi việc nhà anh làm hết vì vợ phải chăm con rất cực.

Anh hoan hỷ nói, may mắn gặp được chị cũng xem như là mối tình đầu, có trải qua những giai đoạn mến, thích và yêu, cũng có thời điểm giận đủ các kiểu nhưng duyên số cũng gắn kết lại. Từ nhỏ anh đã xác định lớn nếu lấy vợ thì sẽ lấy trong tổ chức Gia đình Phật tử (GĐPT) - “vì cùng lý tưởng mới cảm thông được niềm đam mê của mình. Còn không, thì cũng phải cùng đạo để có thể cùng mình tu tập”.

1tt.jpg
Gia đình anh Tâm Tuệ bế con lên chùa xin thầy ban pháp danh Ngọc Hạnh khi em vừa đầy tháng - Ảnh: NVCC

Bản thân anh không chê tôn giáo nào nhưng có chính kiến là lấy giáo pháp của Đức Phật làm niềm tin và phương hướng cho mình học theo. Hai vợ chồng anh đã quen nhau từ trong môi trường GĐPT nên có sự nhìn nhận tương đồng nhau về công tác xã hội, Phật sự, từ thiện, phóng sanh. Mỗi khi anh có ý niệm làm điều thiện thì chị điều tán thành và đồng hành. Anh và chị thường tham gia chung với nhau mọi hoạt động như từ thiện, cùng tham dự khoá tu mùa hè, tu Bát quan trai, cùng tu học các cấp bậc trong GĐPT từ nhỏ đến giờ. “Trong lòng cảm thấy vui và rất hãnh diện vì bản thân mình có phước báu khi gặp được người như vậy, đôi khi cũng giúp bản thân có động lực tu tập hơn - mỗi khi mình nản chí thì có người động viên sách tấn bản thân cố gắng. Mỗi khi vợ dậm chân tại chỗ thì mình sẽ lùi về sau vài bước đẩy vợ cùng tiến với mình”, anh Tâm Tuệ nói.

Còn trong gia đình thì từ khi quen nhau đến khi cưới và cho đến hiện nay, vợ chồng anh chưa có tiếng cãi nhau, còn tranh luận thì có. Bí quyết anh chia sẻ đó là “Khi hai vợ chồng cảm thấy căng thẳng thì luôn im lặng không ai nói về vấn đề đó nữa và có lúc tạm thời không nói chuyện. Để qua hôm sau lắng lòng mới trao đổi trở lại”.

Về cách dạy con, anh chia sẻ: từ khi có thai đã cho con nghe kinh Vu lan, sanh ra cũng cho nghe kinh Vu lan, nhạc về lòng hiếu. Mùng 1 Tết vừa rồi bế con đi chùa khi bé vừa đầy tháng, xin thầy ban cho tên là Thiện Duyên và pháp danh là Ngọc Hạnh.

Với anh, hiện tại “chỉ biết đem tình thương yêu hết mực, chung thủy và đặc biệt là hướng đối phương theo điều lành”, anh Tâm Tuệ chia sẻ.

“Kiên nhẫn là dấu ấn của tình thương”

Được sinh ra trong gia đình Phật tử thuần thành, cô Diệu Trầm (Q.Tân Phú, TP.HCM) chia sẻ - từ nhỏ đã được biết đến Phật pháp, nên khi có chồng, cô cũng tìm nhiều cách chia sẻ để hướng chồng đi học Phật.

Cô bày tỏ, chồng luôn nói thời gian này phải ở nhà kiếm tiền, mình còn trẻ thì nên kiếm tiền chứ đi chùa làm gì mất thời gian. Cô vẫn kiên nhẫn chia sẻ, “tiền nhiều mà không mang lại hạnh phúc cho gia đình thì kiếm tiền nhiều để làm gì. Còn trẻ thiệt nhưng khi hiểu sâu về Phật pháp thì sẽ có nhiều lợi ích hơn, anh sẽ bớt nóng giận hơn, được những lợi ích an ổn trong thân tâm” cô Diệu trầm chia sẻ với chồng.

Cô cũng bắt đầu thay đổi bản thân, dễ thương hơn từ lời nói cho đến những việc làm thường ngày, nên chồng cô nhận ra, bắt đầu cùng đi học chung lớp giáo lý, từ đó thấy chồng chuyển tâm rất nhiều.

Từ năm 2000, cả hai cô chú cùng nhau đi học Phật cho tới giờ. “Gia đình rất hạnh phúc, khi 2 vợ chồng có gì đó chưa hòa hợp thì chồng nói vợ sẽ lắng nghe, khi vợ nói chồng sẽ lắng nghe lại. Khi nóng biết nóng là im lặng, từ đó chiêm nghiệm việc đó đúng hay sai, rồi dẫn dắt câu chuyện và nói lại để cho nhau cũng rõ vào hôm sau”, cô Diệu Trầm bày tỏ.

2dt.jpg


Gia đình cô Diệu Trầm cùng nhau lên chùa ngày đầu xuân - Ảnh: NVCC

Đối với con cái, ngay từ khi mang thai cô đã cho con cùng đi học Phật pháp và được TT.Thích Minh Nhật đặt tên là Thanh Tịnh. Cô Diệu Trầm cho biết, bản thân luôn hướng con đến những điều dễ thương, giản dị mà Đức Phật dạy, từ những câu kinh hay đưa cho bé đọc, chia sẻ về nhân quả, bằng những lời ái ngữ. Và cả gia đình thường cùng nhau đến chùa công quả khi ở chùa có lễ.

“Từ khi học Phật pháp tại các lớp giáo lý ở chùa Hưng Phước, Khánh Vân, Ấn Quang, Xá Lợi… tôi mới thấm nhuần hơn lời Phật dạy, chuyển hướng trong tâm thấy an lạc. Mỗi người trong gia đình đều có thời khóa thiền mỗi ngày, để bản thân có sự định tĩnh trước những nóng giận của chính mình và để cùng nhau xây dựng gia đình càng thấm sâu lời pháp để an lạc, hạnh phúc”, cô Diệu Trầm bày tỏ.

Nhã An

Học Phật để xây dựng hạnh phúc gia đình

HT.Chơn Khong.jpg

HT.Thích Chơn Không

- Có nhiều bản kinh Đức Phật dạy việc xây dựng hạnh phúc gia đình của người cư sĩ tại gia như kinh Ưu-bà-tắc nói về 5 giới của người Phật tử hay kinh Thập thiện nghiệp đạo nói về 10 điều lành.

Rõ nhất là kinh Lễ sáu phương cũng gọi là kinh Thiện sanh hay gọi là kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt, tùy mỗi bản dịch có những khác nhau chút ít.

Trong kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt, Đức Phật dạy về đạo đức Phật giáo áp dụng trong đời sống gia đình và xã hội.

Trong đó Đức Phật có dạy bổn phận của vợ với chồng đó là: Khi chồng đi đâu về phải đứng dậy tiếp trước; Khi chồng đi vắng phải nấu nướng quét dọn nhà cửa; Không được ngoại tình, của cải đồ vật không được giấu riêng; Phải nghe lời chồng chỉ bảo, chồng có la rầy không nên nóng giận cự lại; Chồng nghỉ ngơi trước, vợ dọn dẹp nghỉ sau.

Về bổn phận của chồng đối với vợ Đức Phật dạy: Khi vợ đi hay về phải tôn trọng; Phải chăm sóc việc ăn uống và áo quần tùy thời tiết; Tùy thuận giàu nghèo sắm cho vợ vàng bạc trang sức; Trong nhà có tiền của ít nhiều nên giao cho vợ cất giữ để tiêu dùng; Không được tà dâm đối với người kể cả loài vật.

Còn bổn phận người làm con với cha mẹ: Nhớ chăm sóc cha mẹ; Phải dậy sớm sắp xếp nhân sự lo việc ăn uống đúng giờ cho cha mẹ; Không để cho cha mẹ buồn phiền; Phải nhớ ân nghĩa cha mẹ; Phải hết lòng tìm thầy điều trị khi cha mẹ đau ốm.

Bổn phận cha mẹ với con cái: Phải dạy con bỏ ác làm lành; Dạy con thông suốt mọi việc; Dạy con tụng kinh giữ giới; Lo việc cưới gả hợp thời; Trong nhà có tiền của nên giúp cho con cái làm ăn.

Muốn giữ gìn hạnh phúc gia đình là một người Phật tử tại gia khi đã quy y Tam bảo thì phải giữ gìn 5 giới, đặt nền tảng giáo lý theo kinh Giáo thọThi-ca-la-việt, nghiên cứu thêm các kinh Phật dạy như kinh Thập thiện nghiệp để tùy nghi ứng dụng, nâng cao nhận thức của bản thân trên bước đường học và thực hành lời Phật dạy.

HT.Thích Chơn Không
Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử TP.HCM

N.Danh
ghi

 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.