Phật tử “giả”

Giác Ngộ - Phật tử “giả” là một cụm từ được sử dụng từ một số ý kiến phản hồi trên một diễn đàn mạng nhắc đến, nhưng sau đó cũng có ý kiến phản hồi phủ nhận, rằng làm Phật tử thì có quyền lợi gì mà phải giả danh, mạo nhận? Vậy, có Phật tử “giả” hay không? Thực chất vấn đề ra sao? 

Ý kiến chủ quan của riêng tôi là có, và không phải là hiện tượng cá biệt. Xin phép được nêu ra dưới đây.

Đúng là tự thân một Phật tử, thì không có quyền lợi vật chất gì, hiểu theo nghĩa thế gian.

Nhưng ở đây không chỉ là vấn đề quyền lợi vật chất theo nghĩa riêng tư, nó liên quan đến nhiều thứ quyền lợi khác, mà cần giả Phật tử mới có thể thực hiện được.

Thanh Hai Vo thuong su.jpg

Trường hợp có người đến chùa, rồi giấm giúi vào tay các Phật tử đĩa, sách,
tờ bướm của Thanh Hải Vô Thượng sư", một "ni cô" nay tự xưng là tín đồ Ca tô,
cũng là ví dụ "Phật tử giả" phổ biến...

Chúng ta còn nhớ Phật thoại kể về một tên thợ săn với y phục của kẻ săn thú, hắn không thể đến gần muông thú trong rừng để săn bắn. Nhận thấy muông thú thường hay đến nơi một vị sa môn ẩn cư trong rừng tu tập, tên thợ săn bèn giả hình tướng một vị sa môn để săn thú. Kết quả là nhiều thú vật bị sát hại bởi các bẫy hình tướng này.

Cũng vậy, nếu không giả danh Phật tử, thì những người, vì những mục tiêu nào đó trục lợi cho họ, cho một lực lượng nào đó, nhằm gây tác dụng xấu cho đạo Phật, không thể gần gũi trà trộn vào Phật tử, gần gũi Phật tử, có điều kiện thuận lợi tác động đến Phật tử để phục vụ cho mục tiêu riêng của họ, thì tất yếu họ phải giả làm Phật tử.

Những chuyện như thế cũng khá nhiều, giả dạng đủ dạng đủ kiểu, tự xưng, tự nhận hay thậm chí mặc áo vạt khách, đeo chuỗi, luôn miệng “Mô Phật”.

Có những người chỉ giả dạng bên ngoài, nhưng có những kẻ “giả dạng bên trong”. Cụm từ “giả dạng bên trong” có vẻ mâu thuẫn, khó hiểu. Tuy nhiên phải nói như vậy để bạn đọc hình dung ra vấn đề. “Giả dạng bên trong” là kiểu Phật tử giả danh, thực sự không phải Phật tử, nhưng giả danh bằng cách tự kỷ ám thị mình là Phật tử, dùng tưởng tượng để biến mình sao cho có tình cảm suy nghĩ và hành động như một Phật tử thật, chỉ có một số ít hành vi không phải là Phật tử mà thôi.

Trong sân khấu học, phương cách này gọi là phương pháp Stanilapski, hay thuật ngữ sân khấu còn gọi là thể hệ Stanilapski, theo tên một nhà lý luận sân khấu học và là một đạo diễn tài năng người Nga. Về lý luận, thì trình bày phương pháp này tương đối khó. Nhưng trong thực tế, thì việc ứng dụng nó hết sức phổ biến, thường gọi dưới từ “nhập vai”.

Thí dụ, trong phương pháp Stanilapski để diễn xuất sự đau khổ về mất mát người thân chẳng hạn, thì người diễn viên có thể khơi gợi ký ức cảm xúc về trường hợp đau khổ có thật đối với tự thân cũng trong tình huống như thế ở quá khứ, để thể hiện sự đau buồn “giả”.

Còn chẳng hạn thể hiện sự vui mừng khi gặp lại người bạn thân chẳng hạn, thì diễn viên vận dụng trí tưởng tượng đồng thời với ký ức cảm xúc để xem diễn viên đóng vai người bạn mới gặp lại của mình là bạn thân thật sự, từ đó tạo ra cảm giác vui vẻ thật sự, nhưng vẫn “giả”.

Khi đó, người diễn viên, mà ở đây là người không phải Phật tử, phải quên mất con người thật của mình đi, mà sống trong vai diễn, tức người Phật tử giả danh, tạo ra những tình cảm giả, những suy nghĩ giả trong cương vị người Phật tử.

Phương pháp Stanilapski này đối lập với một phương pháp gọi là phương pháp Bertolt Brecht. Phương pháp Bertolt Brecht yêu cầu người đóng kịch phải luôn tự quán sát về việc đóng giả của mình, tách ra khỏi mình để điều khiển cơ thể trong diễn xuất, tỉnh táo (tức không nhập vai). Phương pháp Bertolt Brecht, còn gọi là phương pháp gián cách, gần với thiền của Phật giáo (chúng tôi sẽ có dịp phân tích kỹ hơn).

Những Phật tử “giả bên trong” hóa thân thành những Phật tử thật, nhưng mục tiêu của họ không phải là tu hành giải thoát, không tin kính Tam bảo, không hoằng dương Chánh pháp. Mà họ có những mục tiêu riêng.

Kiểu Phật tử giả này nguy hại cho đạo Phật hơn là những kẻ mượn tiếng đi chùa để dẫn đến những am miếu của đạo vô vi. Vì dù sao, người ta thẳng thắn tự nhận mình không phải Phật tử. Còn Phật tử đội lốt, dù bên ngoài hay bên trong, thì luôn nhận mình là Phật tử, dùng tự kỷ ám thị để tạo ra những tình cảm đối với Phật pháp, nhưng lại ngầm xác định những mục tiêu riêng.

Những Phật tử trong những đạo tràng hộ niệm “nhị bảo”, ép buộc tang chủ đoạn tuyệt với chùa chiền có thể coi là thuộc loại Phật tử giả kể trên. Họ vẫn tự xưng là Phật tử, nhưng lại sửa kinh Phật ngay ở khái niệm cơ bản, từ Tam bảo thành “Nhị bảo” “Phật tử giả” là những người tự nhận là Phật tử để làm những việc như thế.

Cũng vậy, với muôn hình vạn trạng lời nói và việc làm khác, gây phương hại trực tiếp hay gián tiếp cho Phật giáo, được nói ra hay tạo tác từ những người tự nhận là đạo Phật.

Ngay từ nhỏ, tôi đã thấy cái kiểu Phật tử đội lốt như thế, vì gia tộc họ ngoại của tôi là một trường hợp nạn nhân cải đạo điển hình.

Một người bà con của tôi, luôn tự xưng là “Phật tử”, thỉnh thoảng vẫn đi chùa, tìm cách tiếp xúc với các Phật tử, nhưng lại là để khuyên họ… đừng đi chùa, mà hãy lập bàn thờ hay tốt hơn là lập phòng thờ Phật tại nhà, theo sự hướng dẫn của một sư phụ tên là “Cô Năm”. Lập luận chính của bà là đi chùa khi lạy thì lạy nhằm mông đít người khác, mất hết thanh tịnh. Đây cũng là một dạng đạo “vô vi”. “Phật tử giả” đi chùa nhưng không bao giờ lên hành lễ chung. Bà có một kiểu lạy riêng, xòe hai tay ra khi đặt sát đất, bà khuyên mọi người nên lễ Phật theo cách này để xòe tay hứng “Lộc Phật”. Nhưng, vẫn theo bà, cách lạy “hứng Lộc Phật” như thế chỉ nên lạy ở nhà mới hứng được lộc, còn lạy ở chùa, sau lưng người khác thì chỉ hứng được… đồ bất tịnh (?!). 

Tôi cũng bị, có khi bắt buộc, có khi được khuyến khích bằng tiền bạc, kẹo bánh lên hành lễ ở phòng thờ Phật, nhưng trong đó thờ đủ thứ, cọp, Quan Công, Tôn Ngộ Không, Mẹ sinh mẹ độ, Lê Sơn thánh mẫu, Tây Vương mẫu, Địa mẫu và… Maria. Khi hành lễ trước bàn thờ Phật, “Phật tử” như vậy cũng có lạy Phật, nhưng không tụng nghi thức tụng niệm do nhà chùa phát hành, mà đọc một thứ “kinh” quay roneo. Cuối buổi lễ phải  hướng về nhà cô Năm để bái vọng.

Tôi thấy, dường như người bà con tôi cũng lôi kéo được vài Phật tử thôi không đi chùa. Bà đến chùa bảo Phật tử đừng đọc sách do quý thầy viết, vì như lời bà “thầy chùa toàn là CIA và Việt cộng”!. Chị họ tôi, con bà, mua sách thầy Nhất Hạnh, phải giấu giếm để đọc lén, khi phát hiện được thì bà “Mô Phật” và xé nát.

Giả danh Phật tử đến chùa để trực tiếp khuyên Phật tử đừng đến chùa còn là một kiểu giả danh thô thiển. Có những kiểu giả danh tinh vi hơn, như tìm cách lọt vào Ban tổ chức những cuộc lễ lớn, rồi cho vào trong quà tặng sách vở của ngoại đạo, loại chưa được cấp phép lưu hành, có nội dung chính là đả kích các vị tôn đức trưởng thượng của Phật giáo Việt Nam. Trường hợp này một số trang web đã ghi nhận.

Trường hợp “Phật tử” đến chùa, rồi giấm giúi vào tay các Phật tử dĩa, sách, tờ bướm của Thanh Hải Vô Thượng sư, một ni cô nay tự xưng là tín đồ Ca tô, cũng là ví dụ Phật tử giả phổ biến. Đây cũng là một cách ngăn cản việc đi chùa một cách gián tiếp, khuyên Phật tử nên tự tu ở nhà theo sự hướng dẫn của một “Bồ tát hóa thân” mới, ngồi thiền tại nhà vào những giờ cả thế giới ngồi thiền “để tạo năng lượng toàn cầu” theo lịch chỉ dẫn của Đài Truyền hình Thanh Hải.

Gần đây, có một số “minh sư” tự phong mới xuất hiện, đưa các Phật tử giả vào chùa, cũng cùng một mục tiêu như vậy. Không những sách, dĩa như đạo Thanh Hải, nhưng người Phật tử giả này tiến tới việc tặng USB. Trả lời chất vấn về việc “giả danh” này, thì những “Phật tử” giả cũng nói theo cách nhà Phật, gọi đó là pháp “phương tiện”.

Trong mục đích tối cao của những Phật tử đội lốt là cô lập chùa chiền, ngăn cản Phật tử đến chùa, còn có thể kể rất nhiều cách làm tinh vi.

Có lần, tôi đi chùa với một nhóm bạn, nhưng một người bàn nên đi sang chùa khác vì thấy có dạng cờ thường thấy ở các đám ma treo ra đến đầu hẻm. Tôi bảo cả nhóm cứ vào, thì không thấy đám ma gì cả. Hỏi ra thì mới biết có Phật tử cúng loại cờ đám ma đó, bảo là cờ mang tính dân tộc, và khuyên treo loại cờ đó thay cho cờ Phật giáo.

Cũng vậy, ở Long An, có Phật tử đề nghị cúng cho mỗi chùa một số quan tài để bố thí với điều kiện đặt ở ngay cửa chùa để thể hiện tinh thần làm từ thiện của chùa. Như thế, đến chùa, các Phật tử thấy ngay quan tài được trưng bày. Có chùa có lúc trưng bày đến hai ba chục cái quan tài trước cửa như chùa Linh Phước, xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, Long An, ngay cạnh nhà tôi. Một cái quan tài đóng bằng loại gỗ tạp, giá không bao nhiêu tiền, nhưng hiệu quả tiêu cực của nó vô cùng lớn đối với tâm lý Phật tử trẻ. Theo Phân tâm học Freud, người ta đang tác động vào cái vô thức của tâm lý con người. Để nhà chùa trưng bày nó, thì ắt phải giả làm Phật tử và nói chuyện công đức.

Trong tác phẩm Tây du ký, để lường gạt thầy trò Đường Tăng, yêu quái đã dùng pháp thuật để tạo ra “Tiểu Lôi Âm”. Có những con yêu đội lốt Đức Phật và các đệ tử. Hồng Hài Nhi giả làm Phật Quan Âm... Cái cách làm giả đó cùng mục tiêu để tiếp cận đối tượng để hành sự. Do vậy, cho nên không phải vì có lợi lạc gì trước mắt mới giả Phật tử, mà có khi vì những lợi ích tiềm ẩn mà chúng ta chưa kịp nghĩ đến.

Cửa chùa rộng mở, nên giả Phật tử là rất dễ. Không cần làm giả một thứ giấy tờ nào hết cũng không tốn kém gì nhiều. Phật tử thực sự chân chính chúng ta nên nhận thức vấn đề một cách toàn diện, để có thể thực hiện trọn vẹn chức năng hộ pháp.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.