Phát triển xứng tầm với miền đất Tây Đô

GN - Trên vùng đất trung tâm của miền Tây, sau hơn 10 năm là thành phố trực thuộc Trung ương, Phật giáo Cần Thơ dần hoàn thiện về tổ chức, phát triển sâu rộng các hoạt động Phật sự, xứng tầm với hai chữ “Tây Đô”.

Hoàn thiện tổ chức Giáo hội

Trong nhiệm kỳ 2007-2012, Ban Trị sự PG TP.Cần Thơ có những sự kiện quan trọng trong công tác hoạt động Phật sự  trên các lĩnh vực Tăng sự, hoằng pháp, từ thiện xã hội... Trong đó, nổi bật là việc hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính Giáo hội các cấp.

Awww1 (2).jpg

Đại lễ Phật Đản được tổ chức tại TP. Cần Thơ

Theo HT.Thích Huệ Trường, Ủy viên HĐTS, Phó ban Thường trực BTS PG TP.Cần Thơ, hệ thống tổ chức của Thành hội Phật giáo (THPG) TP.Cần Thơ đã tương đối hoàn chỉnh, các Ban Đại diện PG quận, huyện, các ban chuyên ngành hoạt động có hiệu quả, triển khai tốt chương trình công tác Phật sự do Ban Trị sự đề ra. Nề nếp sinh hoạt hội họp, các văn bản hành chính công văn đến cũng như công văn đi đều được thực hiện chu đáo, lưu giữ trật tự, ngăn nắp, công tác Phật sự được phát huy mạnh mẽ, cố gắng giải quyết các vấn đề Phật sự tồn đọng kéo dài, phát huy những thành quả đạt được.

Trên tinh thần đoàn kết, hòa hợp, sau Đại hội đại biểu Phật giáo TP.Cần Thơ lần thứ VII (nhiệm kỳ 2007-2012), 47 thành viên tân Ban Trị sự đã được phân công cụ thể để làm tốt vai trò, chức năng nhiệm vụ trong các lĩnh vực hoạt động chuyên ngành. Bên cạnh những vị giáo phẩm tiêu biểu của các hệ phái Phật giáo của địa phương, còn có sự hiện diện của những vị Tăng Ni trẻ đầy đủ đạo đức và năng lực, tham mưu, giúp việc làm hoạt động Phật sự ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu của Giáo hội đề ra, phát triển đạo pháp thích nghi với cộng đồng xã hội.

Nhờ thế, từ khi nhận nhiệm vụ được giao, THPG Cần Thơ đã triển khai và thực hiện có hiệu quả các thông tri, thông bạch, thông báo của Trung ương Giáo hội. Riêng tại địa phương, THPG TP.Cần Thơ tổ chức và hoàn thiện 9/9 Ban Đại diện Phật giáo cấp huyện trực thuộc, đi vào hoạt động ổn định. Đồng thời hoàn tất việc khắc dấu tròn cho 117 cơ sở tự viện hợp pháp, sinh hoạt trong lòng Giáo hội.

Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ qua, tại Phật giáo Cần Thơ cũng nổi lên nhiều vụ việc lớn liên quan đến cơ sở tự viện. Trước những vấn đề phát sinh này, Ban Thường trực Ban Trị sự đều hội họp giải quyết và đến nay tạm thời ổn định các vụ việc tranh chấp tại chùa Phước Linh (huyện Cờ Đỏ), chùa Phước An (quận Bình Thủy), việc bồi hoàn giải tỏa tại tịnh xá Ngọc Hòa (quận Ninh Kiều) và vụ dựng tượng Phật trái phép ở huyện Thốt Nốt. Hiện Ban Trị sự đang tiếp tục nghiên cứu tìm giải pháp thích hợp để ổn định sinh hoạt tại Vạn Linh Phật đường, chùa Kim Liên (quận Bình Thủy), chùa An Long (quận Cái Răng), chùa An Hòa, chùa Giác Thành (quận Ô Môn).

Quan tâm Phật giáo Nam tông Khmer

Là địa phương có đông sư sãi và đồng bào người Khmer nên Phật giáo Cần Thơ cũng thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến sinh hoạt, tu học của Phật giáo Nam tông Khmer. Cụ thể, nơi đây đã được Trung ương Giáo hội và các cơ quan chức năng thành lập Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, khai giảng khóa I (năm 2007 - 2011) với 68 Tăng sinh các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ theo học. Học viện Phật giáo Nam tông Khmer được thành lập, đặt tại Tây Đô đã nói lên vai trò và vị trị của vùng đất này đối với sự phát triển của Phật giáo cả khu vực miền Tây Nam Bộ. Ngoài ra, Phật giáo TP.Cần Thơ còn tổ chức và duy trì 3 lớp Pàli, Vini và Pàli sơ cấp, có gần 37 Tăng sinh Nam tông dự học.

Nhân các dịp Tết cổ truyền Cholchnamthmay, Sendolta, Okombok… lãnh đạo tỉnh, chư tôn giáo phẩm THPG đều tổ chức đoàn đến các tự viện thăm viếng, tặng quà đến chư vị giáo phẩm tôn túc và các vị trụ trì tiêu biểu thuộc Phật giáo Nam tông Khmer. Theo HT.Đào Như, Ủy viên Thư ký HĐTS, Trưởng ban Trị sự Phật giáo TP. Cần Thơ, các lễ hội của người Khmer tại Cần Thơ giờ đây đã trở thành lễ hội chung cho cả cộng đồng dân tộc, được hưởng ứng tổ chức trọng thể, nồng nhiệt.

Awww1 (1).JPG

Hội thảo Hướng dẫn Phật tử miền Đông và miền Tây Nam bộ năm 2010 được tổ chức tại TP. Cần Thơ - Ảnh: Bảo Thiên

Song song đó, Ban Trị sự Thành hội, các cấp, các ngành luôn nắm bắt kịp thời các khó khăn và nhu cầu của sinh hoạt Phật giáo Nam tông Khmer mà có những hỗ trợ kịp thời. Trong nhiệm kỳ qua, nhiều chùa Khmer đã được trang bị bộ nhạc ngũ âm, ghe ngo, xây dựng lò hỏa táng với kinh phí đầu tư lên đến hàng tỷ đồng. Nhờ thế mà các hoạt động văn hóa tâm linh của đồng bào Khmer thêm phần khởi sắc, hòa cùng với nhân dân thành phố, xây dựng và phát triển vùng đất Tây Đô ngày càng giàu đẹp, gắn bó giữa đạo và đời.

Việc xây dựng trùng tu nơi chùa chiền Nam tông Khmer tại Cần Thơ cũng được quan tâm và thực hiện đồng bộ. Nhiều chùa đã được Nhà nước cấp quyền sử dụng đất để đủ tư cách pháp lý trong việc bảo quản, sử dụng tôn tạo trở thành chùa văn hóa tại địa phương như: chùa SanVor, huyện Cờ Đỏ; chùa Neryvone, chùa Sêrâyvongsa, huyện Thới Lai và chùa Pitukhôrăngsây, quận Ninh Kiều; chùa Pôthisômrôn, quận Ô Môn… Đáng trân trọng hơn, một số chùa được Nhà nước xếp hạng “Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia”, được công nhận “Di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh, thành” làm cho công tác bảo tồn văn hóa Phật giáo Khmer có hệ thống.

Đánh giá về những hỗ trợ này, HT.Đào Như nhìn nhận, đó là những hỗ trợ to lớn được thực hiện xuyên suốt cả nhiệm kỳ vừa qua, làm cho Phật giáo Nam tông Khmer tại TP.Cần Thơ phát triển, tạo nhiều điểm nhấn quan trọng trong sự thành tựu chung của Phật giáo vùng sông nước nhiệm kỳ 2007 - 2012.

Thành phố Cần Thơ được xem là thủ phủ miền Tây - nơi đô hội nhất vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long và trải dài 65km bên bờ sông Mekong . diện tích khoảng 139.000ha với 1.120.000 dân cư sinh sống.

Phật giáo Cần Thơ hiện có 151 cơ sở tự viện với 449 vị Tăng Ni tu học. Trong nhiệm kỳ qua, Phật giáo TP.Cần thơ đã tổ chức trang nghiêm, trọng thể các Đại lễ Phật đản, Vu lan và các lễ lớn Phật giáo; tổ chức an cư tập trung và khóa bồi dưỡng trụ trì cho 120 vị đến 150 vị Tăng Ni hàng năm; bổ nhiệm và hợp thức hóa 42 vị trụ trì; tổ chức thành công Đại giới đàn Huệ Quang với 224 giới tử thọ giới; đăng cai Hội thảo Hướng dẫn Phật tử miền Đông và miền Tây Nam Bộ; thực hiện công tác từ thiện trên 24 tỷ đồng…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.