Phật Tích và Phật Ngọc

ĐĐ Thích Đức Thiện trụ trì chùa Phật Tích
ĐĐ Thích Đức Thiện trụ trì chùa Phật Tích
Ngày 16/5 đã diễn ra một sự kiện văn hóa tâm linh lớn đó là lễ đón pho tượng Phật ngọc lớn nhất thế giới từ chùa Vạn An, tỉnh Đồng Tháp về cung nghênh tại chùa Phật Tích nằm dưới chân núi Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Pho tượng Phật ngọc với tên gọi "Phật ngọc cho hòa bình thế giới" sẽ tọa lạc ở ngôi chùa cổ nhất Việt Nam trong thời gian 7 ngày với ý nghĩa cầu quốc thái dân an và hòa bình thế giới.

Sự tích chùa Phật Tích

Sự kiện văn hóa tâm linh này không chỉ có ý nghĩa trong phạm vi địa phận của tỉnh Bắc Ninh hay Giáo hội Phật giáo tỉnh Bắc Ninh, mà còn lan tỏa đến tất cả các tăng ni phật tử và nhân dân miền Bắc. Nhiều người đã hành hương về ngôi chùa cổ cách thành phố Hà Nội chưa đầy 30 cây số, để thỏa tâm chiêm bái bức tượng Phật ngọc có một không hai trên thế giới.

Có một điều đặc biệt, ngôi chùa Phật Tích là điểm đầu tiên và cũng là duy nhất của địa phận miền Bắc cung nghênh Phật ngọc. Phải chăng nơi đây chính là đất Phật, là mảnh đất đã gắn với những truyền thuyết dệt thành huyền thoại của Tiên, của Phật. Chẳng vậy mà mảnh đất nơi đây có cái tên kỳ lạ là huyện Tiên Du (các tiên du ngoạn hạ giới), và núi Phật Tích (Phật đến tọa lạc và gắn với những sự tích).

Chuyện kể rằng, sườn núi Lạn Kha (cán búa nát) cũng bắt đầu từ sự tích của người tiều phu đốn củi Vương Chất, một hôm chàng vào rừng gặp hai tiên ông, râu tóc bạc phơ, dáng người khoan thai, khuôn mặt hiền hậu đang chơi cờ. Bàn cờ có sức mê hoặc lạ kỳ, níu chân chàng ở lại trên núi, khi tàn bàn cờ cũng là lúc chàng nhìn vào cán búa thì cán búa đã mục nát.

Một ngày trên tiên giới bằng hàng trăm năm dưới trần gian. Rồi, truyền thuyết về câu chuyện tình yêu nồng nàn, lãng mạn, như một bản tình ca giữa người dưới dương thế kết duyên và giao hòa với thần phật trên trời cũng gắn liền với ngôi chùa Phật Tích. Đó chính là câu chuyện tình cảm động, Từ Thức gặp tiên gắn liền với loài hoa mẫu đơn, để rồi cứ vào ngày mồng 4 tết hằng năm, lễ hội hoa mẫu đơn cùng với nhiều trò chơi dân gian khác được tổ chức tại ngôi chùa cổ sát chân núi diễn ra từ nhiều thế kỷ.

Chẳng biết từ khi nào, người dân xung quanh ngọn núi đã truyền cho nhau nghe một câu chuyện, vào ngày tết, trong một buổi du xuân có nàng tiên nữ Giáng Hương lạc xuống một ngôi chùa dưới hạ giới, ngây ngất trước vẻ đẹp và hương thơm của những cành hoa mẫu đơn được trồng trong khuôn viên nhà chùa, nàng tiên nữ không đừng được đã hái hoa nên bị tiểu phạt vạ.

Lúc đấy, chàng Từ Thức đi qua, nhìn thấy người con gái dung nhan yêu kiều xinh đẹp, dáng vẻ mong manh tha thướt lại bị trói vào thân cây. Thấy lạ, chàng hỏi chuyện, sau khi biết rõ sự tình nên đã cởi tấm áo của mình ra để chuộc nàng. Cảm động trước tấm chân tình của chàng Từ Thức, tiên nữ Giáng Hương đã đưa chàng đi vào cửa hang trên ngọn núi. Tới đây, chàng đã lạc vào động tiên, lúc bấy giờ mới được biết người con gái mình cứu giúp chính là tiên nữ. Sau đấy, hai người nên duyên chồng vợ, tuy nhiên chàng không nguôi ngoai nỗi sầu muộn vì nhớ hạ giới...

Tại sao chùa Phật Tích là nơi dừng chân duy nhất của tượng Phật ngọc trên đất Bắc?

Vùng đất Kinh Bắc, từ lâu đã để lại dấu ấn với những ngôi chùa cổ nổi tiếng linh thiêng với kiến trúc độc đáo  trải dài theo dọc dài đất nước qua hàng thế kỷ như chùa Dâu, chùa Bút Tháp, chùa Dạm, chùa Tiêu... nhưng tại sao bức tượng Phật ngọc lại chỉ dừng chân tọa lạc tại địa chỉ duy nhất ở miền bắc là ngôi chùa cổ Phật Tích?!

Phật Tích và Phật Ngọc ảnh 1
Tăng ni đệ tử chùa Phật Tích đang cắt hoa trang trí
 cho ngày cung nghênh Phật Ngọc.

Đại đức Thích Đức Thiện, Tiến sĩ Phật học trụ trì chùa Phật Tích cho PV Chuyên đề ANTG biết: Vì ngay từ thế kỷ đầu Công nguyên ngôi chùa là nơi đầu tiên diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Phật giáo Ấn Độ và tín ngưỡng dân gian Việt cổ. Cũng chính tại nơi đây hình thành trung tâm Phật giáo Dâu - Luy Lâu. Chùa Phật Tích là nơi đầu tiên xuất hiện  đạo Phật ở Việt Nam .

Theo Đại đức Thích Đức Thiện, trải qua bao biến động của thời gian, hiện nay ngôi chùa vẫn còn lưu giữ lại những báu vật tâm linh duy nhất trong hệ thống chùa cổ. Đó là bức tượng Phật A di đà bằng đá xanh, và 10 con linh thú như lân, rồng, voi, ngựa, trâu... có từ thời Lý.

Những con thú có chiều cao trung bình 1,2m, dài 1,5 đến 1,8m, nằm phủ phục cân xứng ở hai bên lối lên bậc tam cấp dẫn vào gian chính của ngôi chùa. Và, chính tại ngôi chùa này, cũng là nơi lưu giữ di cốt của thiền sư Chuyết công Thánh tổ (Thời Lê, năm 1633 thiền sư Chuyết Chuyết sang phương Nam vào kinh đô Đại Việt, ông đã đến chùa Phật Tích để giảng dạo và đã viên tịch tại nơi đây).

Sau này, năm 1993, lần đầu tiên Việt Nam phục nguyên thành công bằng phương pháp ghép các mảnh xương lại, rồi dùng thạch cao phủ ra ngoài. Hiện nay, pho tượng Chuyết Công ngồi thiền mang một vẻ đẹp lấp lánh và khác lạ so với các pho tượng sư tổ ở các ngôi chùa khác trong cả nước.

Cùng với 32 tòa bảo tháp chứa đựng xá lị của các sư từ thế kỷ XVII-XX. Một điều thú vị nữa, là bộ kinh Bát nhã bằng đồng lá hai mặt có từ thời Lê vẫn còn được lưu giữ nghiêm cẩn tại chùa Phật Tích. Nơi đây, những dấu tích cổ cũng được phát lộ như giếng nước cổ có từ thời Lý, mà ở dưới giếng còn có tượng rồng trong miệng đang ngậm ngọc.

Rồi mới đây nhất, năm 2008, phát lộ một chân móng tháp khổng lồ ngay gần bức tượng Phật A di đà. Chân móng tháp cao 4m, dài 9m, và những viên gạch còn nguyên vuông vức. Trên mỗi viên gạch đều có dòng chữ rất rõ: "Lý Gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên chế". Hiện nay chân tháp này đang được quây kín để các nhà khoa học tìm phương án tối ưu.

Lùi về khoảng năm 820, có nhà sư người Ấn Độ Khâu Đà La đã đến núi Tiên Du dựng một ngôi chùa bên chân núi và truyền bá đạo Phật. Sau đó, vào thế kỷ thứ X, mùa đông năm 1041 Vua Lý Thánh Tông (vị vua thứ 3 trong 8 vị vua triều Lý) đến núi Tiên Du thưởng ngoạn và làm viện Từ Thị Thiên Phúc cùng lúc ông đã cho đúc rất nhiều  tượng Phật và chuông cho chùa.

Thời Lý, đạo Phật bằng đồng được coi là “quốc đạo” và phát triển mạnh mẽ. Chùa Phật Tích đã thực sự là đỉnh cao của kiến trúc nghệ thuật thời Lý. Vào thời nhà Trần, ngôi tháp bị đổ lộ ra một bức tượng Phật, thời gian trôi, các lớp sơn bên ngoài cũng bong ra, rơi rụng, bức tượng Phật A di đà hiển hiện lung linh với màu xanh ngọc tuyệt đẹp.

Bức tượng Phật ngồi thiền được coi là bức tượng cuối cùng trong hệ thống tượng Phật có niên đại lâu nhất của nước ta. Nhân dân làng Hỏa Kê từ ngày phát lộ thấy bức tượng Phật vô cùng mừng rỡ coi đó chính là điềm lành nên di chuyển đến sống quanh ngôi chùa dưới chân núi. Và từ đó người ta gọi tên chùa là chùa Phật Tích, núi Phật Tích.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 389/GP-BTTTT ngày 02-8-2022
Tổng Biên tập: Thượng tọa Thích Tâm Hải
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Xuân Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2025 - Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.