Phật pháp ứng dụng cho người phương Tây: Vượt thoát nỗi khổ niềm đau do chấp thủ

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1213 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1213 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Chấp thủ là một loại tâm sở khiến chúng ta phóng đại những phẩm chất tốt đẹp của một đối tượng, một nhân vật hay một ý tưởng nào đó, hoặc suy tưởng ra những phẩm chất không hề tồn tại ở đó.

Loại tâm sở này dẫn chúng ta đến việc mong muốn và bám víu vào đối tượng, xem đó là thường hằng, dễ chịu và là điều duy nhất khiến cho bản thân chúng ta hiện hữu. Những phương pháp dưới đây sẽ giúp chúng ta suy ngẫm và đối trị với tâm chấp trước.

Đầu tiên, hãy tự hỏi bản thân chúng ta rằng: Tôi đang bám víu vào đối tượng hay cảm xúc cụ thể nào? Làm thế nào để tôi nhận ra chúng khi tôi đang bị bám víu? Tại sao những đối tượng đó xuất hiện và khiến tôi chấp chặt còn những người khác thì không? Tại sao tôi lại thấy nó khác biệt như vậy? Và đâu mới là thái độ đúng đắn và thực tế hơn đối với đối tượng mà tôi đang chấp chặt đó?

Dưới sự chi phối mạnh mẽ của tâm chấp thủ, chúng ta có thể hành động dưới lớp vỏ đạo đức giả hoặc với những động cơ thầm kín, cuối cùng, điều này sẽ làm tổn hại đến mối quan hệ giữa chúng ta và người khác.

Hành động phi đạo đức để đạt được điều mình muốn, làm hại người khác là hệ lụy trực tiếp của chấp chủ; từ đó cảm giác tội lỗi, hối hận khởi lên trong tâm chúng ta ngày càng nhiều. Và rồi, nó khiến chúng ta tốn cả cuộc đời để chạy theo những thú vui mà chúng ta không thể đem qua khỏi cánh cửa tử.

Trong khi đó, những tiềm năng để phát triển những phẩm chất bên trong chúng ta như tình yêu thương, lòng trắc ẩn, tâm vô lượng, nhẫn nhục và trí tuệ vẫn chưa được tiếp cận và khai phá. Như vậy, chấp thủ rõ ràng đã ngăn cản khả năng giác ngộ của chúng ta trên nhiều phương diện.

Một tác hại khác của sự chấp thủ là giận dữ. Bởi khi quá chấp chặt vào một thứ gì đó, chúng ta sẽ thất vọng và tức giận nếu không có được đối tượng hoặc bị mất đi sau khi đã cầm chắc trong tay. Hãy nghĩ về một trường hợp trong cuộc sống của chính bạn để lấy đó làm ví dụ.

Sau đó, hãy xem xét lại: Tại sao tôi lại nổi giận? Mối liên hệ giữa sự kỳ vọng và sự tức giận là gì? Tôi mong đợi gì từ đối tượng đó? Kỳ vọng của tôi có thực tế không? Vấn đề là ở đối tượng đó hay trong chính suy nghĩ của tôi? Tôi nên nhìn nhận như thế nào về đối tượng này?

Hãy quán chiếu những bất lợi của việc dính mắc vào người, vật hay những kinh nghiệm trong cuộc sống mà bạn đang bám chặt vào. Hãy nghĩ đến bản chất vô thường của đối tượng mà bạn bám víu, và xem thử liệu bạn có thể chấp nhận rằng sự vô thường chính là bản chất của mọi sự hiện hữu hay không?

Hãy luôn tự nhắc nhở bản thân rằng việc mong đợi có được hạnh phúc chân thật từ những đối tượng từ bên ngoài là không thực tế. Hãy suy ngẫm về sự buông bỏ! Chúng ta có thể tận hưởng tình trạng sức khỏe hiện tại, các mối quan hệ đang có hay bất cứ một nhân duyên nào khi chúng đang hiện hữu, nhưng khi chúng biến mất hoặc thay đổi, chúng ta cũng nên học cách chấp nhận và bình thường với chúng.

Suy ngẫm về cái chết giúp chúng ta thấy rõ được điều gì là quan trọng đối với cuộc sống của chính mình. Hãy dành một chút thời gian để tưởng tượng rằng mình đang hấp hối. Hãy thực sự hình dung bạn đang ở đâu, bạn hấp hối như thế nào, phản ứng của bạn bè và gia đình như thế nào? Bạn cảm thấy thế nào? Điều gì sẽ chiếm ngự tâm trí bạn khi đó?

Sau đó, hãy tự hỏi rằng giả sử một ngày nọ tôi phải chết thì điều gì là quan trọng nhất đối với cuộc đời tôi? Tôi cảm thấy bản thân đã làm tốt việc gì? Tôi hối tiếc về điều gì? Tôi muốn làm gì và tránh làm gì khi còn sống? Tôi có thể làm gì để chuẩn bị cho cái chết?

Hãy quán chiếu bản chất vô thường của chính cơ thể này, từ bào thai đến trẻ sơ sinh, trẻ em, trưởng thành và già đi. Một số câu hỏi mà bạn có thể áp dụng là: Cơ thể tôi có được cấu thành từ những thành phần tinh sạch hay không? Nó có phải vốn dĩ đã đẹp đẽ như vậy hay không? Sau khi chết, cơ thể tôi sẽ trở thành gì? Có đáng để bám víu hay không? Cơ thể này có phải là tôi không?

Dĩ nhiên, chúng ta phải chăm sóc cơ thể của mình, giữ cho thân này sạch sẽ và khỏe mạnh, bởi nó chính là nền tảng cho cuộc sống của chúng ta. Nhưng bảo vệ mà không dính mắc, chúng ta có thể tu tập Phật pháp và lợi lạc chúng sinh bằng chính hình hài này.

Chúng ta thường chấp chặt vào những suy nghĩ của mình, về cách mà mọi việc nên được thực hiện hay những định kiến về người khác và niềm tin về bản chất của cuộc sống. Sau đó, chúng ta lại trở nên khó chịu và bực dọc khi người khác phản đối hay làm trái ý chúng ta, hoặc sự việc diễn ra không đúng ý của mình.

Hãy tự hỏi bản thân mình rằng: Khi ai đó chỉ trích ý tưởng của tôi thì họ có đang chê bai tôi hay không? Có điều gì đúng chỉ vì tôi nghĩ nó đúng hay không? Sẽ như thế nào nếu tôi nhìn mọi thứ theo cách mà người khác nhìn chúng? Làm thế nào để tôi có thể vượt qua nỗi sợ mất quyền lực hoặc bị lợi dụng?

Nếu nhận ra được những thiếu sót trong ý kiến của người khác, chúng ta có thể bày tỏ những chi tiết sửa chữa và bổ sung của chính mình mà không cần dè dặt. Hãy tưởng tượng bạn đang trình bày một cách chắc chắn và rõ ràng để nêu ra quan điểm của chính mình, nhưng không được có thái độ phòng thủ. Hãy trao đổi cởi mở để mở ra một tầm nhìn rộng lớn hơn.

Hãy tưởng tượng bạn nhận được tất cả sự chấp thuận và ngợi khen mà bạn từng khao khát. Hãy nghĩ đến việc mọi người làm đúng như những gì mà bạn mong muốn. Hãy xem xét cảm giác dễ chịu mà điều này mang lại. Sau đó, hãy tự hỏi bản thân rằng điều này có thực sự khiến tôi hạnh phúc lâu dài không?

Lời khen, sự chấp thuận hay danh tiếng có mang lại ích lợi thực sự gì cho tôi hay không? Chúng có thể ngăn ngừa bệnh tật hay kéo dài tuổi thọ của tôi hay không? Chúng có thể giải quyết được sự tức giận và cảm giác tội lỗi của tôi hay không? Chúng có thể tịnh hóa ác nghiệp của tôi hay đưa tôi đến gần sự giải thoát giác ngộ hay không? Nếu không thể thì chúng có đáng để cho tôi bám víu và chấp chặt hay không?

Để phát triển cảm giác được kết nối với tất cả những người khác, hãy suy ngẫm về những sự giúp đỡ, hỗ trợ và khuyến tấn mà bạn nhận được từ bạn bè và những người thân yêu. Hãy quán chiếu về những lợi ích mà bạn đã nhận được từ cha mẹ, người thân và thầy cô của bạn - sự chăm sóc của họ khi bạn còn nhỏ hay sự bảo vệ và giáo dục của họ cho đến khi bạn lớn lên. Tất cả những tài năng, kỹ năng hay thành tựu mà chúng ta có được hôm nay là nhờ những người đã nuôi dưỡng và dạy dỗ chúng ta.

Tình yêu thương là mong muốn người khác có được hạnh phúc. Hãy bắt đầu bằng cách mong muốn bản thân được khỏe mạnh và hạnh phúc, như vậy không phải ích kỷ, mà bởi vì bạn phải trân trọng và quan tâm đến bản thân mình như một trong vô vàn chúng sinh ngoài kia. Dần dần lan tỏa tình yêu thương này đến bạn bè, người lạ, người đang gặp khó khăn và tất cả chúng sinh. Đối với mỗi nhóm người, hãy nghĩ đến những cá nhân cụ thể và phát khởi lòng yêu thương đối với họ. Sau đó để cảm giác đó lan tỏa ra toàn bộ nhóm người đó.

Hãy để cho tâm ngập tràn ý niệm: “Nguyện cho bạn bè tôi và tất cả những người đã đối tốt với tôi có được hạnh phúc. Cầu mong họ thoát khỏi đau khổ, hoang mang và sợ hãi. Cầu mong họ có được tâm trí tĩnh lặng, bình yên và viên mãn”. Dần dần, hãy phát khởi những cảm xúc tương tự đối với người lạ, những người đã làm hại bạn hoặc gây khó khăn cho bạn. Hãy nghĩ rằng họ làm những gì bạn thấy phản cảm vì họ đang trải qua nỗi đau hoặc sự bối rối cùng cực. Sẽ tuyệt vời biết bao nếu họ được tự do và hạnh phúc.

Cuối cùng, hãy nhận ra sự chấp thủ chính là kẻ thù của bạn. Chúng ta thường coi sự bám víu là bạn của mình, nhưng khi xem xét kỹ lưỡng kinh nghiệm mà chúng ta trải qua trong quá khứ, chúng ta bắt đầu thấy việc chấp thủ vào mọi thứ thực sự phá hủy sự bình yên trong tâm hồn và hủy hoại hạnh phúc của chúng ta như thế nào. Và khi chúng ta nhận ra điều này, thì đó sẽ là động lực để chúng ta chống lại sự chấp thủ của mình và không chạy theo nó một cách mù quáng.

Thubten Chodron

(Phổ Tịnh lược dịch)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.