Phát huy sức mạnh của Tỳ-kheo trẻ: học, tu & làm việc

GN - Tôi nhắc nhở các Tỳ-kheo trẻ nên phát huy sức lực của tuổi trẻ để phục vụ đạo pháp và chính những thành quả mà các thầy tu tạo được trong lúc còn trẻ, khỏe mạnh mới tạo thành uy đức của tuổi già.

Người trẻ mà không có sức lực để tu bồi công đức thì không thể nào tạo nên sự nghiệp, cũng như người lớn tuổi mà không có đức hạnh thì cũng không có đạo nghiệp.

Tôi trải qua thời gian dài sống trong nhà đạo, nhận thấy có Tỳ-kheo trẻ siêng tu hoặc làm được Phật sự nhiều, thì đức hạnh cũng theo đó lớn mạnh, nhiều người kính trọng họ. Có người suốt đời phục vụ đạo pháp, dân tộc, chắc chắn họ được Giáo hội hay dân tộc tôn vinh. Hoặc người có đóng góp nhất định, thì cũng được một số ít người quý mến. Nhưng thầy còn trẻ, còn sức lực mà không làm được gì cho đạo pháp, cho dân tộc, cho chúng Tăng thì vị trí trong đạo cũng tự mất lần. Và tệ hơn nữa, không sử dụng tuổi trẻ, sức khỏe để tu hành, mà chỉ lo hưởng thụ thì khi lớn lên, Tỳ-kheo đó không làm được gì cho đạo. Dù họ còn trong đạo, cũng không được ai quan tâm đến. Phước hết, thì cuộc sống tu hành phải bị mai một.

toa thien (2).jpg


Tăng Ni sinh Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM trong giờ hành thiền
tại khóa cấm túc 10 ngày mùa An cư PL.2563 - Ảnh: Ngộ Trí Thuận

Thiết nghĩ Tỳ-kheo trẻ hôm nay cần phấn đấu nhiều hơn cho ba việc là học, tu và làm việc cho đạo. Không học, tất nhiên sự hiểu biết của chúng ta bị giới hạn thì việc làm cũng không đạt hiệu quả cao. Học càng rộng, tầm hoạt động của chúng ta càng lớn và từ sự hiểu biết đúng đắn rộng lớn này, chúng ta ứng dụng vào việc truyền bá Chánh pháp rất thuận lợi. Riêng bản thân tôi được nhiều lợi lạc trong nhà đạo là nhờ xuất thân từ Phật học đường Nam Việt và học hỏi không biết mệt, không biết chán. Nhờ học rộng, nên tôi làm công việc hoằng pháp trên 60 năm vẫn giảng dạy được. Tôi khuyên các Tỳ-kheo trẻ luôn luôn dành thì giờ cho việc học và nghiên cứu Phật pháp.

Tuy nhiên, có thầy học rộng, giỏi và hiểu biết nhiều, nhưng lại thiếu hành trì pháp Phật, nên làm việc không đạt hiệu quả cao. Ngược lại, tôi thấy có thầy ít học, nhưng nhờ tu hành, họ đã thành công trên bước đường tiến tu đạo nghiệp. Thật vậy, điển hình cho ý này là Tổ Vô Tri khai sáng ngôi chùa Thanh Trước. Trước khi ngài xây dựng chùa này, có đám trẻ mục đồng đã nặn đất sét làm tượng Phật. Những cậu bé chăn trâu nghèo khổ không có gì ngoài niềm tin Phật thật sâu sắc. Tổ Vô Tri thì theo như danh xưng ấy, chắc hẳn là ngài không quan tâm đến hiểu biết theo kiểu thế gian.

Chính niềm tin phát xuất từ tấm lòng chân thành của các cậu bé chăn trâu kết hợp với đức hạnh tu hành của Tổ đã là chất liệu xây dựng nên ngôi chùa này. Và ngôi chùa làm bằng niềm tin kiên cố và đức hạnh ấy mới tồn tại theo thời gian hàng trăm năm cho đến ngày nay, chúng ta còn tu hành được ở nơi đây.

 Tôi nghe kể rằng các chú bé mục đồng rủ nhau nắn tượng Phật bằng đất sét và nghĩ ra điều mà chúng ta chưa nghĩ tới, đó là thả tượng xuống nước, tượng nào nổi thì đem thờ, tượng nào chìm thì bỏ. Ý nghĩ đơn sơ, vô tư của các chú bé chăn trâu như vậy có thể gợi cho chúng ta suy nghĩ rằng người nào tu xong thử thả xuống nước, tức vào trần ai, nếu bị chìm là bị đọa thì bỏ. Nếu nổi, tức nghiệp chướng trần lao không phá hủy, không nhận chìm được, lửa trần ai đốt mà không cháy, thì đáng tôn thờ. Chúng ta phấn đấu để đạt được theo hướng này.

Cần khẳng định rằng niềm tin kiên cố đối với Chánh pháp rất quan trọng. Nhiều khi chúng ta dụng công sửa đổi bề ngoài cho đẹp, đánh mất niềm tin mà không hay. Tôi nhắc quý thầy đừng lo Phật bên ngoài đẹp, để trống vắng Phật trong tâm; đừng lo chùa bên ngoài đẹp, mà chùa tâm linh của chúng ta bị cháy mất. Hình thức bên ngoài như thế nào cũng được, chỉ tấm lòng thành của chúng ta mới có khả năng kết dính được các pháp lữ Đại thừa. Người chỉ sống với đầu môi chót lưỡi không thể nào tồn tại lâu dài. Các Tỳ-kheo sống chung với nhau phải có tấm lòng, chúng ta thường nói là dị khẩu đồng âm, nghĩa là mỗi người sinh hoạt khác nhau, nhưng đồng một âm là tâm đạo giống nhau.

Lòng thành của chúng ta đối với Đức Phật thì Phật chứng, điều này được thể hiện qua tấm lòng của các cậu bé mục đồng. Nhờ lòng thành mà các chú bé làm được tượng Phật bằng đất không tan rã trong nước mà còn nổi và nhờ đức tin chân thành đó mà duy trì được ngôi chùa đến ngày nay. Và cũng nhờ lòng thành mà các chú bé gặp được Tổ Vô Tri, một bậc chân tu không quan tâm đến hình thức phải trái bề ngoài, không biết khôn dại theo thế gian. Ngài chỉ biết đạo lý giải thoát của Đức Phật, biết cách hành đạo, cách sống, nên chùa mới tồn tại lâu dài.

Nhắc đến đức hạnh của Tổ Vô Tri, người dân còn lưu truyền rằng khi ngài lập công bồi đức ở chùa Thanh Trước, người ở xung quanh thấy chùa không có người giữ, nên họ cứ cố lấn đất chùa. Có người nói rằng như vậy tham quá, sao Hòa thượng không mắng họ, không đòi lại. Ngài trả lời rằng họ tham, nhưng chúng ta đòi thì cũng thành tham như họ. Ngài để mặc, nhưng họ tự thấy nặng lòng và sợ nên tự ý nhổ bỏ cọc lấn chiếm đất. Tổ Vô Tri không biết hơn thua tranh chấp với đời, nhưng ngài ý thức sâu sắc rằng nếu là bậc chân tu đắc đạo thì mọi việc của chùa đã có Hộ pháp Long thiên giữ gìn, đừng cho khởi tâm.

Nếu quý thầy khởi tâm tranh chấp hơn thua với đời, bảo đảm chúng ta thua họ. Người đời không hơn thua không sống được, nhưng họ phải trái hơn thua với nhau, họ không thể hơn thua với người tu. Chúng ta phải nhận ra ý này, ta không hơn thua, nhưng lẽ phải luôn về ta, điều trái luôn về họ.

Hòa thượng Vô Tri không thưa kiện, không giành đất với họ, nhưng họ phải từ bỏ việc giành đất với ngài. Tâm hồn ngài trong sáng hoàn toàn, mới là Tổ. Chúng ta ngày nay cũng phải nỗ lực đi theo con đường của Tổ đã đi.

Có người cho rằng thời đại này văn minh, phải chụp giựt tranh giành mới sống được. Cuộc đời đúng là như vậy, nhưng cuối cùng dẫn đến tận diệt nhau, chẳng được gì. Chúng ta tu hành phải khác, phải giữ mối đạo, tức là đức tu của chúng ta. Là đệ tử Phật, ai cũng thấy rõ Đức Phật không chiếm đất giành dân với ai. Nếu cần những thứ này thì Ngài đã làm vua, đi tu làm gì. Và suốt trong 49 năm thuyết pháp độ sanh, bao nhiêu tinh xá, chùa chiền, vườn rừng của người người phát tâm cúng dường Phật, Ngài chẳng hề bận tâm đến. Các thầy thử nghĩ xem khi Phật đến Ma Kiệt Đà, vua Tần Bà Sa La cúng Phật vườn Trúc Lâm. Đó là vườn thượng uyển, tức chỗ vui chơi của vua, nhưng đức hạnh của Phật thế nào mà ông không màng đến vui chơi ở khu vườn đó nữa, để dâng cho Phật làm tinh xá. Đầu tiên Đức Phật nhận khu vườn này dùng làm nơi thuyết pháp, mà Ngài thực sự không chút bận tâm. Đối với Phật, chỗ có người đáng độ, Ngài đã đến, việc đáng làm, Ngài đã làm.

Các vị Tổ sư cũng chỉ lo tu hành, dọn rửa tâm trong sạch, đó là tài sản lớn nhất ở thế gian. Chúng ta thấy các Tổ khai sơn những tổ đình của các tông phái đều vô tâm, không bao  giờ bận tâm đến tài sản thế gian, nhưng nhờ đạo đức các ngài cao cả khiến cho người cảm mến, tự ý đem tài sản dâng cúng. Kinh nghiệm bản thân tôi cũng vậy, chỉ lo tu, thực sự không cần thì người mới cúng.

 Bước ban đầu, quý thầy nên cố gắng tu cho đắc đạo; được như vậy, chẳng những kiếp này mà nhiều kiếp về sau, chúng ta gặp nhiều thuận lợi trong việc hành đạo. Không đắc đạo, nhận của cúng dường nhiều, coi chừng đời sau trả quả báo.

 Mục tiêu phấn đấu của chúng ta là tu cho đắc đạo, nhưng việc gần nhất đối với chúng ta là sống với nhau trong tình người chân thật. Các Tỳ-kheo cần thương yêu, đùm bọc nhau, tin tưởng và sống thành thật với nhau, sống hài hòa để giúp nhau cùng thăng hoa trên đường tri thức và phạm hạnh. Còn giàu sang mà nằm trên thù hận thì được lợi lạc gì.

Chúng ta gạt bỏ phiền não trần lao theo Phổ Hiền Bồ-tát dạy bằng cách hằng thuận chúng sanh và tùy duyên giáo hóa. Hằng thuận chúng sanh là đáp ứng yêu cầu của người, những gì làm được chúng ta sẵn lòng giúp đỡ theo tinh thần vô ngã vị tha của Phật dạy. Ta chẳng có yêu cầu gì thì dễ sống, còn bản thân cần nhờ người khác nhiều mà từ chối yêu cầu của họ thì chuốc họa vào thân.

Các thầy về địa phương trụ trì đáp ứng được những mong mỏi của dân chúng hoặc của Tăng đoàn, của xã hội, chắc chắn sẽ được thương mến, kính trọng. Điều kế tiếp là các thầy tùy duyên giáo hóa. Nếu nhân duyên thuận, chúng ta làm theo thuận, nhân duyên nghịch thì làm theo nghịch. Nói cách khác là tùy theo hoàn cảnh tu hành, chúng ta không bị chống phá và không làm mất lòng người xung quanh, họ mới để ta yên; từ đó mới có thể thâm nhập Phật đạo.

 Cần ghi nhớ rằng duyên đến thì làm, duyên hết, ta nghỉ. Quán sát thấy rõ nhân duyên giúp chúng ta thành công trên bước đường hành đạo. Hết duyên mà ráng làm, thì thọ quả báo. Mình cứ tiếp tục làm, họ sẽ kéo xuống; nếu hạ không được, họ sẽ chống phá, nói xấu, tìm đủ cách phá, việc dễ cũng thành khó. Hành đạo tùy  duyên, chúng ta nhẹ nhàng thanh thản, gặp duyên thì hết lòng phục vụ; hết duyên thì ẩn tu. Thái độ của người hiểu đạo là như vậy.

Tôi mong rằng trên bước đường tiến tới quả vị Vô thượng giác, tôi sẽ luôn luôn được làm pháp lữ với Bồ-tát đồng hạnh đồng nguyện, cùng nhau làm lợi ích cho chúng hữu tình.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.