Phát huy đạo lực tôn trọng các truyền thống hệ phái

GN - Kỷ niệm 50 năm Bồ-tát Quảng Đức vị pháp thiêu thân (1963-2013), Ban Trị sự GHPGVN TP.Hồ Chí Minh quyết định tổ chức Đại giới đàn - một sự kiện quan trọng và thiêng liêng nhất trong sinh hoạt của Phật giáo mang đạo hiệu của Ngài.

>>> Bế mạc Đại giới đàn Quảng Đức PL.2557

khai mac (lan tu)28.jpg

Lễ khai mạc Đại giới đàn Quảng Đức - Ảnh: Bảo Toàn

Bồ-tát Quảng Đức là một nhân vật lịch sử, bậc Thánh tăng của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại, vị Bồ-tát đã tự đốt thân mình làm ngọn đuốc soi sáng lương tri của những người áp bức Tăng Ni, Phật tử, muốn triệt tiêu Phật giáo cách đây năm mươi năm trước tại miền Nam Việt Nam. Hình tượng Ngài an nhiên thiền tọa trong biển lửa tại ngã tư giao lộ Phan Đình Phùng - Lê Văn Duyệt (nay là Nguyễn Đình Chiểu và Cách Mạng Tháng Tám, quận 3, TP.HCM) được ca ngợi là một “thiên thu tuyệt tác”, biểu tượng của sự kết tinh sức mạnh tâm linh do nghiêm mật tu trì Giới - Định - Tuệ cùng với đại nguyện bảo tồn Chánh pháp, tâm từ bi vô lượng… Sức mạnh ấy, năng lượng ấy là không thể nghĩ bàn, vượt thoát không gian và thời gian.

Cũng chính với ý nghĩa đó, Ban Kiến đàn Đại giới đàn Quảng Đức PL.2557, nương đạo lực lớn lao của Bồ-tát, ước mong Tăng Ni có điều kiện thọ giới thành tựu giới phẩm trong việc tu học, phát nguyện dấn thân phụng sự, trang nghiêm Giáo hội, tích cực giúp đời theo tinh thần tiếp nối mạng mạch của Phật pháp trong truyền thống Phật giáo Việt Nam.

Đại giới đàn Quảng Đức được tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước đến nay kể từ ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (11-1981), với nhiều sự điều chỉnh đúng với tinh thần Luật Phật và Hiến chương của Giáo hội. Trong một lần trả lời phỏng vấn Báo Giác Ngộ, HT.Thích Minh Thông, Phó Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự GHPGVN thành phố, Phó Trưởng ban Tổ chức Đại giới đàn Quảng Đức PL.2557 cho biết, cách thức tổ chức Đại giới đàn lần này, trong đó gồm cả lễ khai mạc và bế mạc, sẽ được thực hiện theo quy củ thiền môn, đúng với tinh thần của sinh hoạt Tăng đoàn mà Luật Phật đã chế định. Sau các phần khảo thí với các kiến thức cơ bản và tổng quát, lễ khai mạc chung, các giới tử sẽ tập trung về các giới trường, ở đó, việc tấn đàn truyền giới hoàn toàn tuân thủ theo quy định, luật biệt truyền của từng hệ phái, truyền thống thành viên Giáo hội.

Nhiều năm trước, Phật giáo Nam tông (Kinh) đã được biệt truyền truyền giới, và trong Đại giới đàn Quảng Đức PL.2557- DL.2013, lần đầu tiên hệ phái Khất sĩ cũng được Ban Tổ chức chấp thuận chính thức tổ chức tấn đàn biệt truyền truyền giới sau 32 năm hình thành và phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam mà hệ phái Khất sĩ là một trong những thành viên sáng lập.

Điều chỉnh và bảo lưu quy củ thiền môn, duy trì và tôn trọng các truyền thống hệ phái, cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành phù hợp với Chánh pháp, đặc biệt với Đại giới đàn là điều quan trọng để mạng mạch Phật pháp được lưu thông và tiếp nối, đồng thời làm nên sự phong phú, sinh động trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, như Lời nói đầu của Hiến chương Giáo hội đã khẳng định: “Sự thống nhất Phật giáo Việt Nam được xây dựng trên nguyên tắc: Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức; đồng thời vẫn tôn trọng và duy trì các truyền thống hệ phái, cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng Chính pháp”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.