Phật giáo và vấn đề tác hại của thuốc lá - Phần 2

Giác Ngộ - Đối với những người tu giả, tu không tốt, chúng ta không dám xem thường, nhưng để họ một bên, không dám nhìn cái dở cái xấu của họ để không bị quả báo. Ta gác một bên, bao giờ đủ sức độ họ, ta sẽ giúp. Còn con đường mà chúng ta đang đi, nếu cưu mang nhiều, sức chúng ta sẽ không thể lo nổi.

Thiết nghĩ hút thuốc lá không có lợi cho mình, mà toàn là hại, thì sử dụng làm gì.  Nếu cho rằng cái lợi của hút thuốc là làm ấm cơ thể và không buồn ngủ, dễ tập trung, thì có thể sử dụng cách khác cũng được như vậy mà không làm hại đến sức khỏe. Giả sử bị lạnh vì cơ thể thiếu chất dinh dưỡng, chúng ta có thể ăn thêm chất bột, hay chất đường, chất béo, như ăn một miếng bánh quy, uống một tách trà là giải quyết được cái lạnh và hết buồn ngủ. Khuya thức dậy sớm, tôi thường uống trà, tỉnh táo thì tụng kinh và ngồi thiền được; nhưng sau này, nếu khoa học phát hiện ra trà độc thì tôi cũng bỏ. 

WTLB (1).jpg

Ảnh minh họa

Trí Giả đại sư khuyên chúng ta tu theo Phật, không ăn quá nhiều, không ăn quá ít và không ăn những chất không thích hợp với cơ thể, hay thức ăn có chất độc hại. Khi loại trừ được những chất độc hại cho cơ thể, chúng ta sẽ được giải thoát ngay trong cuộc sống này; vì vật chất tác động đến tinh thần và tinh thần cũng ảnh hưởng đến vật chất, cả hai tác động hỗ tương tạo ra vô số nghiệp trong cuộc sống chúng ta. Vì vậy, chúng ta giảm được nghiệp thì tinh thần chúng ta sẽ nhẹ và cuộc sống vật chất cũng nhẹ theo, giúp cho việc tu hành dễ đắc đạo. Trước nhất là cơ thể mình không bệnh hoạn, thứ hai là chúng ta không có đòi hỏi nào, cho nên tâm rất tự tại, có thể thâm nhập pháp Phật một cách tự nhiên. Còn đòi hỏi phải ăn cái này, phải mặc cái kia, phải ở chỗ nọ, thì càng đòi hỏi càng khổ và đòi hỏi không được lại khổ nhiều hơn nữa.

 Làm sao chúng ta không lệ thuộc đời sống vật chất này càng nhiều càng tốt và không lệ thuộc vật chất thì sẽ được thặng dư, đó là phước báu. Đức Phật dạy rằng người có phước báu sinh ra đời này sẽ ở trong dòng họ cao quý, có sức khỏe tốt và thông minh. Nếu biết sử dụng tài sản thặng dư này để bố thí, cúng dường, phước của chúng ta tăng thêm nữa, nghĩa là chúng ta sẽ giàu có hơn, sức khỏe tốt hơn. Thực tế như chúng ta không tiêu xài cho việc hút thuốc, có tiền dư để giúp người, thì sức khỏe chúng ta cũng tốt mà người được giúp sẽ nhớ ơn ta, trở thành người bạn tốt của ta trên bước đường đạo. Làm như vậy, chúng ta đã tăng thêm phước thứ ba là có quyến thuộc Bồ đề. Và chúng ta vận dụng quyến thuộc Bồ đề này để làm những việc lớn hơn; nghĩa là nhân rộng phước báu này lớn hơn nữa. Nhưng nếu không biết, thì sử dụng hết phước mà nghiệp lại sinh ra. Thực tế cuộc sống cho thấy có người sinh trong gia đình giàu có và được sức khỏe tốt; nhưng họ không biết sử dụng phước này trong việc tu hành, lại dùng để cung phụng bản thân họ, tăng thêm nghiệp, cho đến rơi vào cuộc sống khốn đốn. Như vậy, họ đã dùng phước để tạo nghiệp, nghiệp nghiện ngập. Nếu biết tạo phước thì tiền bạc, sức khỏe và bạn bè tốt sẽ nhiều hơn.

Đức Phật dạy người có phước nếu tu Bồ tát đạo, sẽ tạo thêm được phước nữa. Ý này được kinh Hoa Nghiêm nói rằng chúng ta có bao nhiêu phước báu, thì nên hồi hướng cho Pháp giới chúng sinh, nghĩa là trang trải cho mọi người phát triển hạt giống Bồ đề. Các Phật tử tu hành nên cân nhắc để phát triển hạt giống Bồ đề, đừng phát triển nghiệp.

Phát triển nghiệp là gì? Ví dụ cho dễ hiểu, ta không biết hút thuốc, nhưng luôn có sẵn bao thuốc lá trong túi áo để bạn tới, mời họ hút. Làm như vậy, chúng ta đã đầu độc người khác, làm họ khổ và tương lai chúng ta sẽ có thêm một người bạn nghiện thuốc. Hoặc người nghiện rượu thấy ai cũng mời uống rượu, thì sẽ có thêm người bạn nghiện rượu.

Có tiền, chúng ta làm việc công đức bằng cách nào? Thực tế như chúng ta đến đạo tràng này tu học và cúng dường 100.000đ, trong đó khẩu phần ăn của ta tốn 10.000đ, còn lại 90.000đ để dùng cho chín người khác tu. Kỳ sau chúng ta cũng cúng cho chín người tu nữa. Nhờ âm thầm đóng góp cho Phật pháp như vậy, công đức chúng ta tự sinh ra và sau này tái sinh ở đâu, chúng ta cũng có bạn đồng tu. Theo kinh nghiệm của tôi, có nhiều bạn tu đồng hành, vì nhiều kiếp trước và trong kiếp này, tôi thường phát tâm giúp đỡ người tu.

WTLB (2).jpg

Ảnh minh họa

Trái lại, đem bố thí tràn lan, họ sử dụng tiền của chúng ta để tạo ác nghiệp, tất nhiên chúng ta phải chia sẻ ác nghiệp với họ. Có thể nhìn lại những người mà chúng ta cúng dường, bố thí, giúp đỡ, sẽ thấy được cái quả của chúng ta như thế nào. Nếu cúng dường cho một thầy tu hoàn tục, chúng ta đã mất trắng, còn hại họ nữa; vì tại chúng ta cúng nhiều mà họ sinh ra nghiệp, không tu thì làm sao mình có phước. Nhưng nếu ta giúp đỡ học trò khó khăn, họ tốt nghiệp và có danh phận trong xã hội, họ lại giúp đỡ người khác. Làm như vậy, là đã đầu tư đúng chỗ, công đức chúng ta sinh ra nhờ việc làm có trí tuệ. Nếu tạo điều kiện cho cho người nghiện ngập, ăn chơi, không tu hành, hoặc bố thí cho người ăn hại, chắc chắn không có phước, công đức không sinh ra.

Làm sao biết được công đức sinh ra. Quan sát cuộc sống của mình thì sẽ biết. Nếu có phước, lòng chúng ta sẽ hoan hỷ; vì người được ta bố thí, cúng dường có cuộc sống đi lên, điều đó sẽ tác động khiến chúng ta vui. Người làm phước, tu phước đúng, họ ngồi thiền định và nghĩ đến người nào đó đang ở Thiên đường, hay Cực lạc, hoặc ở nhân gian giàu có, thì trong thiền định họ cũng cảm thấy vui, mặc dù có thể cuộc sống vật chất không cao, nhưng họ luôn được an lạc.

Còn cúng dường sai pháp thì luôn bực bội, buồn phiền. Có một Phật tử nói rằng bà cho tiền người ăn xin ở chùa, nhưng sau thấy họ cờ bạc và ăn sung sướng, nên bà rất bực tức. Đó là bố thí không đúng đối tượng, nên sinh phiền não. Người này giả làm ăn mày, lợi dụng lòng tốt của người khác để có tiền sống sung sướng, mà lười biếng, không chịu làm việc. Như vậy, họ đã tạo nghiệp và bố thí cho họ là nuôi lớn cái nghiệp ỷ lại, cái nghiệp lười biếng, cái nghiệp lợi dụng của họ, đến lúc mình không cho nữa, họ sẽ quậy phá. Trái lại, chúng ta giúp đỡ người vượt khó và có được cuộc sống tốt đẹp, làm lợi ích cho xã hội, thì họ nhớ ơn ta, nên họ cũng làm tốt như ta, dìu dắt lại người khác. Tôi đóng học phí cho một sinh viên nghèo, sau này anh ta đậu bác sĩ và từ Nhật về thăm tôi. Thấy anh thành đạt, tôi vui. Việc giúp đỡ của chúng ta đối với người khác có được kết quả tốt đẹp, đó là phước.

Chúng ta cúng dường người tu, sau họ về Niết bàn, Cực lạc, thì chúng ta cũng sẽ nhận được tín hiệu vui của họ gởi về. Còn cúng dường thầy tu hình thức, hoặc bố thí người ăn hại, sau này chúng ta sẽ có quyến thuộc như vậy. Cúng dường thầy tu đắc đạo, giảng kinh thuyết pháp, chúng ta được chia phần công đức này. Công đức chúng ta sinh lớn nhất là quyến thuộc Bồ đề, nếu tạo được nhân duyên như vậy thì sau này, thầy trò sinh chung một cõi, cùng làm Phật sự và cứ tiến mãi trên con đường Vô thượng Đẳng giác.

 Đối với những người tu giả, tu không tốt, chúng ta không dám xem thường, nhưng để họ một bên, không dám nhìn cái dở cái xấu của họ để không bị quả báo. Ta gác một bên, bao giờ đủ sức độ họ, ta sẽ giúp. Còn con đường mà chúng ta đang đi, nếu cưu mang nhiều, sức chúng ta sẽ không thể lo nổi. Vì vậy, trên bước đường tu, tôi thường tự nhủ đường còn dài, việc còn nhiều, phải buông bớt; nếu gánh nặng nữa, không thể đi tới được. Đành phải ép tâm đại bi lại, an trụ trong cuộc sống Thanh văn, lo tự mình tiến tu cho thanh tịnh, giải thoát. Nếu không như vậy, chẳng những không cứu được mình, mà cũng không cứu được người khác.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.