Nếu chúng ta không có những hành động khẩn cấp, không tiến hành những biện pháp kịp thời đối với môi trường, trên quy mô toàn cầu, chắc chắn trong một tương lai gần, Trái đất sẽ trở thành một nơi không thể sinh sống được, các thảm họa thiên nhiên xảy ra liên miên và những biến cố đe dọa đến mạng sống của con người ngày càng tăng.
Bài viết này sẽ nói về quan điểm của Phật giáo đối với môi trường và vai trò của Phật tử trong việc duy trì sự cân bằng của hệ sinh thái để bảo vệ môi trường; đồng thời, tìm hiểu những hành động ý nghĩa của những người Phật tử đã truyền cảm hứng cho các tổ chức toàn cầu (bao gồm cả Liên Hiệp Quốc) nhằm giải quyết các vấn đề ở cấp địa phương.
Phật giáo sơ kỳ và thiên nhiên
Những sự kiện trong đại trong cuộc đời của Đức Phật lịch sử đều gắn liền với rừng cây và muông thú. Ngài đản sinh tại vườn Lâm-tỳ-ni, thành đạo dưới cội Bồ-đề và nhập Niết-bàn dưới hai cây Sa-la ở Câu-thi-na. Ngoài ra, trong suốt 45 năm, Ngài cũng thuyết pháp và giáo hóa đồ chúng trong các khu vườn, rừng cây và môi trường yên tĩnh, thanh vắng. Nhiều đệ tử của Ngài cũng chứng ngộ thông qua việc thực hành thiền định dưới những tán cây rừng. Điều này mang một ý nghĩa đặc biệt, thể hiện trong Tam tạng kinh điển thời kỳ đầu.
Trong khi Đức Phật ở tại Câu-thiểm-di, một cuộc tranh chấp đã nảy sinh trong Tăng đoàn. Vì không thể hòa giải được, Ngài đã quyết định trải qua mùa an cư lần thứ 10 ở trong rừng vắng. Suốt thời gian đó, một con voi và một con khỉ đã cúng dường Đức Phật nước uống, trái cây và mật ong.
Ngoài ra, trong kinh Karaniya Metta (kinh Từ tâm), hơn 500 vị Tỷ-kheo đã đến an cư tại ngọn núi gần nơi mà Đức Phật đang cư ngụ, nhưng sau đó, do bị các thọ thần quấy phá, họ không thể ở yên và chuyên chú vào đề mục thiền định được nên đã quay trở lại chỗ của Phật để xin Ngài chỉ dạy. Ngài khuyên các vị ấy hãy trở lại khu rừng và đọc bài kinh Karaniya Metta, rải tâm từ đến cho tất cả những chúng sanh trong khu rừng.
Đức Phật cũng nghiêm cấm cúng tế động vật và khuyên các đệ tử tại gia và xuất gia nên tôn trọng tất cả các loài chúng sinh qua bài kinh Kutadantta thuộc Trường bộ. Hơn nữa, trong Luật tạng, Tăng Ni không được phá hoại bất cứ loại cây cối nào, không được cố ý nhổ hoặc tổn hại đến các loại hạt giống và trái cây sắp nảy mầm. Ngoài ra, Đức Phật đã chế pháp an cư 3 tháng một phần cũng để tránh làm ảnh hưởng đến sự sinh sôi nảy nở của các loại côn trùng và cây cỏ trong mùa mưa Ấn Độ.
Những minh chứng trên cho thấy rằng Tăng đoàn Phật giáo ở thời kỳ đầu có sự gắn kết mật thiết với thiên nhiên. Việc thực hành thiền định, hướng đến mục tiêu giải thoát giác ngộ được thực hành trong rừng và lối sống hòa hợp với môi trường cho thấy ý nghĩa quan trọng của môi trường đối với Phật giáo.
Phật giáo với môi trường đương đại
Trong hàng thập kỷ qua, ở Campuchia, hàng nghìn héc-ta rừng đã bị chặt phá nghiêm trọng. Cơ quan Điều tra Môi trường có trụ sở tại Vương quốc Anh đã cho biết từ tháng 12-2016 đến tháng 2-2017, khoảng 300.000m3 cây đã được bán bất hợp pháp từ Campuchia ra nước ngoài. Theo hình ảnh vệ tinh Đài quan sát Trái đất của NASA, khoảng 1,44 triệu ha rừng đã bị phá hủy từ năm 2001–2014. Theo Ngân hàng Thế giới, Campuchia có diện tích rừng là 59,989% vào năm 2010, nhưng đã giảm xuống còn 45,708% vào năm 2020. Trong khi đó, Thái Lan có 39,29% độ che phủ rừng vào năm 2010, nhưng con số này đã giảm xuống 38,899% vào năm 2020.
Thấy được những ảnh hưởng to lớn của những vụ phá rừng quy mô này, chư Tăng tại Thái Lan và Campuchia đã đề xuất các giải pháp và hành động để ngăn chặn nạn phá rừng bất hợp pháp này. Họ đã phối hợp với các nhà bảo vệ môi trường để thành lập các tổ chức vận động, tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ rừng, đồng thời ngăn chặn các hành vi đe dọa đến sự cân bằng của hệ sinh thái.
Ngoài ra, ở hai quốc gia này, chư Tăng còn đóng vai trò tư vấn cho các quan chức chính phủ về các vấn đề môi trường và các dự án để phát triển môi trường bền vững. Các “nhà sư sinh thái” này cũng đã thu hút thành công giới truyền thông của địa phương cũng như toàn cầu trong công cuộc vận động tuyên truyền cho môi trường này.
Nhiều nhà sư đã tiếp cận với các công ty tư nhân để tìm kiếm sự hỗ trợ dự án của họ và đưa ra nhiều sáng kiến giúp nông dân chuyển đổi việc sử dụng phân bón hóa học sang các loại phân bón thân thiện với môi trường. Chẳng hạn như sư Phrakhu Win Mektripop đã giúp dân làng tạo ra những ngôi nhà giá rẻ từ bùn và vật liệu tự nhiên.
Ngoài ra, sư cũng triển khai hệ thống pin mặt trời để làm năng lượng thay thế tại tu viện của mình ở Bangkok, Thái Lan. Tại Campuchia, Bhadanta Bun Saluth - một vị sư trú trì chùa Samrong ở tỉnh Oddar Meanchey, đã thành lập một cộng đồng các nhà sư bảo vệ rừng; đây là một cộng đồng quản lý và bảo vệ rừng lớn nhất ở Campuchia và đã đem đến lợi ích cho gần 4.000 người kể từ năm 2002.
Ở một số quốc gia trên thế giới, các nhà sư cũng thực hiện những chiến lược khác nhau với cũng mục đích. Ở Sri Lanka, việc quy y cho cây rừng càng trở nên phổ biến. Vào năm 2014, một nhóm nhà sư và cư sĩ đã đến thăm Khu bảo tồn rừng Nilgala và đã quy y cho hơn 1.000 cây rừng. Cũng vậy, một nhân vật đặc biệt nữa trong phong trào này là ngài Gyalwang Drukpa, nổi tiếng trên khắp thế giới vì những hoạt động bảo vệ môi trường. Ví dụ như sáng kiến Pad Yatra của ngài là những hành trình dài trên dãy núi Himalaya để nhặt rác. Vào năm 2013, ngài được mệnh danh là “người bảo vệ dãy Himalaya” thông qua việc bảo tồn và làm sạch nguồn nước tại đây.
Các nhà sư đã được truyền cảm hứng từ những lời dạy của Đức Phật trong sự nhận thức và hành động đối với môi trường và hệ sinh thái. Dưới lăng kính nhân quả của Phật giáo, mỗi cá nhân không còn là một cá thể tách biệt đối với mọi thứ xung quanh, cũng như không thể không lo lắng về sự xuống cấp trầm trọng của môi trường như hiện nay. Vì vậy, mỗi người phải nên ý thức về việc bảo vệ môi trường, đó là trách nhiệm không của riêng ai. Trong đó, các nhà lãnh đạo và cộng đồng Phật giáo đóng một vai trò nổi bật trong cuộc chiến hiện sinh này, cuộc chiến sẽ quyết định tương lai của tất cả chúng ta.