Phật giáo trong văn hóa ở quê hương “Dạ cổ hoài lang”

GN - Bạc Liêu là một trong 20 tỉnh thời Nam kỳ thuộc Pháp, là một vùng đất có bề dày lịch

vinh hung 4.jpg

Di tích tháp Vĩnh Hưng

sử và nhiều đặc điểm văn hóa đặc sắc, trong đó Phật giáo (PG) đã đóng góp một phần quan trọng trong quá trình hình thành, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tỉnh nhà.

Từ thời kỳ khai hoang lập ấp đến khi tỉnh Bạc Liêu ra đời và cho đến nay, PG Bạc Liêu luôn đồng hành cùng ba dân tộc anh em, thắt chặt tình đoàn kết trong suốt các chặng đường phát huy văn hóa, sáng tạo văn học nghệ thuật, không những nâng cao vai trò của Phật giáo, làm lớn mạnh Giáo hội mà còn phục vụ đồng bào Phật tử và quần chúng nhân dân rất tích cực qua mọi thời kỳ lịch sử. Qua bài viết ngắn này, chúng tôi chỉ điểm một số nét nổi bật mà thôi.

Di tích tháp Vĩnh Hưng

Trong quần thể di tích chùa tháp Vĩnh Hưng, thuộc huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu), ngoài chùa Phước Bửu còn có một ngôi tháp được gọi là tháp cổ Vĩnh Hưng. Căn cứ vào những di vật thu được qua những lần khai quật thì ngôi tháp cũng đã tồn tại trên dưới 1.500 năm, đã được Bộ Văn hóa Thông tin ra quyết định liệt vào danh mục di tích lịch sử văn hóa cần phải được bảo tồn. Tháp còn có tên dân gian là tháp Trà Long, tháp Lục Hiền, gọi theo danh tánh hai vị trụ trì trước đây. Tháp cổ Vĩnh Hưng do một nhà khảo cổ người Pháp phát hiện năm 1911, được nhà cầm quyền thời đó xếp hạng thứ 14 trong danh mục các di tích lịch sử ở Nam Kỳ. Trong thế kỷ XX, người ta đã phát hiện tấm bia khắc chữ Phạn ghi rõ tháng 814 tương ứng với năm 892 (sau TL) ở cạnh tháp.

thap Vinh hung 2.jpg

Tháp Vĩnh Hưng, tháp cổ 1.500 năm tại Bạc Liêu

Chân tháp hình chữ nhật, một cạnh dài 5,6m; cạnh kia dài 6,9m, cao 8,9m, dáng cổ kính. Ngôi tháp một phần bị rong rêu phủ bởi thời gian dài chịu ảnh hưởng của mưa nắng. Tháp cổ Vĩnh Hưng có đặc điểm kiến trúc rất lạ, ở Nam Bộ chưa có một nơi nào giống hoặc gần giống như vậy. Về kỹ thuật chế tác gạch và cấu trúc kết dính gạch với nhau không có khoảng đệm ở giữa. Ngày nay, trong xây dựng người ta dùng chất liệu kết dính bằng xi-măng hoặc trước đó dùng vôi vữa, nhưng ở đây người xưa đã có kỹ thuật xây dựng hết sức độc đáo mà các nhà khoa học bây giờ vẫn chưa lý giải thống nhất. Họ dùng chất kết dính có nguồn gốc thực vật, hay áp dụng phương pháp mài những viên gạch chưa nung xếp chồng lên thành hình ngôi tháp, xong mới phủ rơm và đất nung gạch…

Trong tháp có một bàn tay tượng thần bằng đồng; một phần thân dưới của tượng nữ thần; tượng nữ thần bằng đá xanh; tượng nữ thần Brahma mặt bằng đồng; đầu tượng Phật bằng đồng..., một số vật thờ khác, bên ngoài sân chung quanh tháp cũng có nhiều di vật lộ thiên bằng sành sứ… Năm 1992, trong lần khai quật đầu tiên, một số cổ vật liên quan đến đời sống PG và những di vật có liên quan đến di tích văn hóa Óc Eo đã được phát hiện. Đến giữa tháng 9-2011, khai quật lần thứ 3 đã thu được nhiều di vật giá trị của các thời kỳ văn hóa.

Những nhân vật gắn với văn hóa PG

Cổ nhạc Bạc Liêu là một loại hình văn hóa phổ thông lưu lại có mối quan hệ mật thiết với PG. Nhân vật được đề cập trước nhất là Nhạc Khị, người đã được giới cổ nhạc tôn xưng là Hậu tổ, ông là thầy của Cao Văn Lầu, Trịnh Thiên Tư, Mộng Vân, Ba Chột, Tư Bình… Ông đã đào tạo một lực lượng nghệ nhân, nghệ sĩ ưu tú cho phong trào đờn ca tài tử và nghệ thuật cải lương Nam Bộ tại chùa Vĩnh Phước An, phường 2, TP.Bạc Liêu.

Người thứ hai là Sư Nguyệt Chiếu, người đã đặt tên cho bản Dạ cổ hoài lang. Sư có công lớn trong việc chỉnh tu và hệ thống bài bản nhạc lễ cổ truyền, cũng chính là người đào tạo ra Năm Nghĩa, Sanh Xía, Ba Khuê… tại chùa Vĩnh Đức. Trong những người nghệ sĩ lừng danh còn có một người có giọng ca vàng, từng được gọi là đệ nhất danh ca trong những năm đầu thế kỷ XX đó là nghệ nhân Bảy Kiên, ông nguyên là một tu sĩ ở chùa Vĩnh Hòa với pháp danh là Chơn Thành.

Cao-Van-Lau.jpg

Cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Đặc biệt, Cao Văn Lầu, tác giả bản Dạ cổ hoài lang, thuở thiếu thời ông là một chú tiểu ở chùa Vĩnh Phước An, đệ tử của HT.Minh Bảo, Dạ cổ hoài lang được sáng tác ở tại ngôi chùa này. Và, không thể không nhắc đến nghệ sĩ Năm Nghĩa, người vừa là cha vừa là thầy của Thanh Nga và Bảo Quốc, ông là người đầu tiên biến đổi bản Dạ cổ hoài lang thành bản Vọng cổ, nhưng bản vọng cổ đầu tiên lại mang tên Văng vẳng tiếng chuông chùa cũng sáng tác tại chùa Vĩnh Phước An. Hay như danh cầm Ba Chột, tác giả bản Liêu Giang, một bản cổ nhạc nổi tiếng ở Bạc Liêu, song song với bản Dạ cổ hoài lang của Cao Văn Lầu, cũng được sáng tác tại chùa Vĩnh Phước An.

Địa điểm văn hóa tâm linh tiêu biểu ở Bạc Liêu

Một nơi có sức thu hút lớn nhất ở Bạc Liêu đối với khách hành hương, du lịch chính là Quán Âm Phật đài, điểm du lịch mang màu sắc văn hóa PG tọa lạc trên bờ biển Bạc Liêu. Số lượng du khách từ các nơi về đây chiêm bái những năm gần đây đều trên dưới bốn trăm ngàn lượt người. Đây là một công trình văn hóa tâm linh nổi bậc nhất ở Bạc Liêu.

Tín ngưỡng Quán Thế Âm của người Khmer

Tín ngưỡng về Quán Thế Âm ở Việt Nam chỉ có trong PG Đại thừa (Bắc tông) nhưng tại xã Hưng Hội huyện Vĩnh Lợi, người Khmer đã xây dựng một Salatel (Niệm Phật đường theo kiến trúc của người Khmer), phía trước sân có tôn trí một Thánh tượng Bồ-tát Quán Thế Âm rất uy nghi. Có lẽ, đây là nơi duy nhất ở Nam bộ, người Khmer đã tôn thờ Quán Thế Âm như một vị thần bảo hộ xóm làng, họ cùng đến đây lễ bái Bồ-tát như những đứa con từ các hướng khác nhau cùng về thăm mẹ hiền để cầu cho gia đình được no cơm ấm áo và làng xóm được thịnh vượng, bình an.

 Ngoài những đặc điểm văn hóa nêu trên, PG Bạc Liêu còn nhiều đặc điểm khác như: Văn học dân gian Khmer có nguồn gốc PG, PG hóa trong tín ngưỡng dân gian của người Kinh, người Hoa; Sự hội tụ văn hóa Pháp, Việt, Hoa trong kiến trúc chùa Giác Hoa; Đặc điểm kiến trúc hình chữ Quốc trong các đền, miếu, chùa người Hoa; Nghệ thuật tạc tượng Phật bằng gỗ ở chùa Vĩnh Phước An...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.