GN - Những tháng qua, châu Âu là điểm đến và cũng là nơi chứng kiến hàng trăm nghìn người chạy trốn xung đột, khủng bố ở Trung Đông và châu Phi, bất chấp sự mạo hiểm đến mạng sống, gây ra một trong những cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất lịch sử loài người.
Phần lớn số di dân đến biển Địa Trung Hải bằng những chiếc thuyền cũ kỹ hoặc xuồng cao su. Hy Lạp là điểm đến đầu tiên vì nước này gần một số nước có nhiều người di cư như Thổ Nhĩ Kỳ và Libya. Italy và đảo Lampedusa cũng là một điểm đến phổ biến. Sau đó nhiều người di cư đi qua các tuyến đường bộ Balkan - một cuộc hành trình vượt nhiều biên giới, di chuyển về phía Bắc, đến các nước như Đức và Thụy Điển xin tị nạn.
Cộng đồng Phật giáo đang kêu gọi sự giúp sức của xã hội
hướng về người di cư châu Âu giữa mùa đông lạnh giá
Lãnh đạo châu Âu đã nhóm họp để bàn các biện pháp giải quyết khủng hoảng di cư. Trong đó Đức là quốc gia đi đầu trong việc kêu gọi tiếp nhận và phân bố người di cư trên toàn lãnh thổ châu Âu. Ngược lại, cũng có nhiều nước đề nghị đóng cửa biên giới, lập những hàng rào để ngăn cản người di cư.
Trong chiều hướng đó, Phật giáo khắp thế giới đã thể hiện sự quan tâm, định hình các hoạt động hỗ trợ người di cư và chỉ ra hướng tiếp cận khả thi nhất nhằm chung tay cho hoạt động này.
Tiên phong trong ý niệm này có thể kể đến Đức Dalai Lama khi ngay từ tháng 9, lúc cuộc khủng hoảng bắt đầu, ngài đã ra những thông cáo và thông tin với Hãng thông tấn The Guardian (Anh) rằng mọi người nên thể hiện sự yêu thương, hiểu biết, tha thứ và rộng lượng với tất cả người di cư.
Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo tinh thần của Phật giáo Tây Tạng, trong khi thể hiện sự giúp đỡ những người di cư thì tất cả nên xem xét các yếu tố khác nhau.
“Một trong những yếu tố quan trọng là duy trì nền hòa bình, ổn định nơi quê nhà của họ. Và thay vì hàng tỷ đô-la được đổ ra để chạy đua vũ trang thì nên dùng nó để đầu tư vào giáo dục và chăm sóc sức khỏe cộng đồng”.
Riêng đối với các cơ quan thông tấn báo chí, ngài đề nghị nên chuyển tải các thông điệp yêu thương, hòa hợp và đoàn kết để hạn chế sự tập trung vào các nội dung mang tính phân biệt, chia rẽ.
“Những ý tưởng liên quan đến xung đột và chống lại sự tiến bộ của nhân loại đều trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết”, ngài khuyến cáo.
Bằng hành động cụ thể, Tổ chức Ứng phó và Cứu trợ Phật giáo toàn cầu (BGRR) do thầy Bhikkhu Bodhi sáng lập, ngay lập tức đã huy động 12.000 USD để giúp cho những người Syria di cư. Bên cạnh hỗ trợ khẩn cấp, tổ chức này đã hình thành nên 6 hoạt động trợ giúp cụ thể hướng đến người di cư, gồm: Y tế, giáo dục, tâm lý, vật phẩm, nước uống và thông tin.
Trong khi đó, Liên đoàn Phật giáo châu Âu đã ra một tuyên cáo về người di cư sau phiên họp lần thứ 40 của Hội đồng Điều hành tại Berlin (Đức). Với lời lẽ tha thiết và chân thành, tuyên cáo kêu gọi chính phủ và nhân dân các nước châu Âu thể hiện tình thương, hiểu biết và sự độ lượng để dang rộng đôi tay che chở cho người di cư khỏi những bất an vì bạo lực.
“Với tư cách là người thực hành lời Phật dạy khắp các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, chúng tôi mong muốn tình thương, sự khoan dung phải được hiện hữu để xóa tan đi những sợ hãi nhằm nâng cao phẩm chất cao nhất của cuộc sống. Những phẩm chất này chúng tôi muốn gởi đến tất cả người theo và không theo bất kỳ một tôn giáo nào”, một đoạn thông cáo viết.
Những người Phật tử khu vực châu Âu cũng thể hiện sự tin tưởng nếu người dân châu Âu xem xét nỗi đau và khó khăn của di dân cũng giống như những khổ đau của chính mình thì mọi cánh cửa sẽ được mở, hạnh phúc sẽ được nở hoa giữa những giá lạnh của trời Âu đang lúc mùa đông bao phủ.
Ở một động thái khác, nhóm Phật tử thuộc Trung tâm Phật giáo Gawaling (British Columbia, Anh) đang làm việc cho Tổ chức RAFT (Người di cư và những người bạn) cung cấp những vật dụng gia đình cần thiết giúp cho người di cư có điều kiện sinh hoạt tốt hơn tại những nơi họ đến.
Song song đó, nhóm Phật tử này cũng đang lên tiếng kêu gọi cộng đồng thế giới cùng đóng góp những giá trị vật chất và vật dụng để nhóm có nhiều khả năng hỗ trợ người di cư hơn khi mùa đông giá rét đang bước vào giai đoạn cao điểm khắp các nước châu Âu. Thông tin kêu gọi đang được công bố trên Facebook của nhóm và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ cộng đồng mạng.
Bảo Thiên (theo Lion’s Roar)