GN - Không có “phản ứng mang tính Phật giáo” trong các vấn đề về kinh tế - chính trị - xã hội của thời đại ngày nay…
Đó là quan điểm của nhà văn - cư sĩ Phật tử người Anh Ken McLeod, tác giả cuốn Khám phá con đường chánh niệm của Phật giáo, về việc định nghĩa danh xưng trong đời sống. Nhân có người đặt vấn đề với ông về phản hồi của Phật giáo như thế nào trước cuộc tranh cử Tổng thống vào Nhà Trắng trong năm qua, điển hình như: “Là một Phật tử, ông suy nghĩ thế nào trước những thái độ và sự hùng biện của ông Donald Trump? Và quan trọng hơn, người Phật tử sẽ đối thoại điều gì với những cử tri ủng hộ nhiệt tình cho ông Trump? Phải chăng trong Phật giáo có những ranh giới và ràng buộc theo luân lý mà không thể vượt qua, hay tất cả chỉ là điều gì đó thú vị?”
Nhà văn - Phật tử Ken McLeod
Với quan điểm người Phật tử trong văn hóa phương Tây, ông viết: “Tôi nghĩ, đây là những câu hỏi khó giải đáp, không hẳn vì nó liên quan đến ông Donald Trump hay những ràng buộc về đạo lý trong văn hóa Phật giáo, mà là vì những câu hỏi này được diễn đạt theo cách khá xa lạ đối với tôi. Chúng dường như đều quy về một điểm là “sự phản ứng của Phật giáo” lên các vấn đề.
Cuộc bầu cử này, với tất cả sự cường điệu cũng như đả kích của nó, kết hợp với mức độ phân biệt của một quốc gia như Mỹ, tạo cho người ta cảm xúc mạnh mẽ trước những vấn đề. Nhưng những phản ứng về mặt cảm xúc chỉ là phản ứng bình thường, con đường của Phật giáo là phát triển kỹ năng và khả năng - thông qua giáo lý Tánh không, Từ bi, Chánh ngữ, v.v… - để bước ra khỏi cái gọi là phản ứng kia, và đi vào đối đáp trực tiếp.
Hầu như mọi người đều nhìn nhận Phật giáo là một tôn giáo, và theo cách nghĩ đó, một tổ chức xã hội hẳn nhiên có thể và cũng nên tìm cho mình tiếng nói trong các vấn đề liên quan đến kinh tế - chính trị - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, ở lập trường của tôi, tôi lại không có suy nghĩ như vậy. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng Phật giáo nhất định phải có một phản ứng nào đó đối với cục diện của xã hội. Tôi tin rằng, Phật giáo không có điều gì để nói về các vấn đề xảy ra. Thật vậy, Phật giáo với tôi là con đường thực hành với tự tâm, để buông bỏ và trải nghiệm cuộc sống tự do khỏi những ràng buộc và định kiến của tư tưởng số đông. Sự thay đổi này tự nhiên sẽ cho phép chúng ta tham gia vào nhiều vấn đề, nhưng sự tham gia này là những lựa chọn mang tính cá nhân, chứ không phải với tư cách là một người Phật tử xuất gia.
Do vậy, tôi không thật sự thoải mái khi có ai đó nói rằng: “Ồ, bạn là một tu sĩ”. Cảm giác như mình là một chú chim bồ câu, được đóng dấu và xác định bằng lòng tin cùng giả thiết, mà người nói muốn hướng đến, và nó không phải là tôi.
Những phản ứng của tôi cho một lời phát biểu nào đó, chỉ là cảm xúc của riêng cá nhân tôi lúc ấy. Cố tạo ra một định nghĩa là sự “bám chấp”.
Những gì gọi là buông bỏ định nghĩa? Tự do và thoát khỏi những định nghĩa mà người khác gắn cho bạn, nghĩa là bạn cho phép mình trở thành một con người thật sự, để được tiếp tục đối đáp hay phản ứng trước những thử thách, yêu cầu và cả nhu cầu của cuộc sống này. Đó là sự tự do dịch chuyển để tự cân bằng và giải quyết rốt ráo các căng thẳng, xung đột nảy sinh xung quanh mình và cả thế giới rộng lớn ngoài kia nữa.
Vậy, trong bối cảnh của cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ vừa rồi, hay trước vô số những thách thức kinh tế - chính trị - xã hội mà chúng ta phải đối mặt, tôi không tìm một phản ứng đặc trưng của Phật giáo. Điều tôi tìm kiếm là một câu trả lời về con người và nhân đạo.
Dilgo Khyentse, một trong những đạo sư Tây Tạng vĩ đại của thế kỷ XX, từng được hỏi: “Tại sao chúng ta thực hành?”. Ông đáp: “Để tạo ra những điều tốt nhất trong một tình huống xấu nhất”. Tôi nhận thấy trong câu trả lời của ông một sự sâu sắc lạ thường. Một số người có thể nảy sinh vấn đề với cuộc sống này, từ đó, những cuộc đấu tranh phát sinh. Sự mất cân bằng do chính mong cầu quá nhiều của con người, như muốn sống cùng những người mình yêu thương và tránh xa những người mình không thích, cố gắng đạt được những gì ta cần và giữ những gì ta có. Vậy, làm thế nào để chúng ta biết được sự mất cân bằng hoặc đấu tranh đó để có hướng giải quyết? Cách nào để xoay trở, hoặc đến đâu để điều khiển sự tập trung và năng lượng của chúng ta?
Một trong những nhận thức quan trọng nhất mà tôi đúc kết được từ chính mình, là tôi phải hạ cái tôi của mình thấp hơn và đặt mình vào vị trí của người khác, tất nhiên đó không phải là điều đơn giản.
Vậy, chúng ta sẽ bắt đầu từ đâu? Tôi không rõ. Song, có lẽ điều tốt nhất mà chúng ta có thể làm, là sử dụng kỹ năng của mình để tiếp cận và nói chuyện với những người không cùng ý kiến với ta. Cần phải xây dựng một cầu nối mà không có bất cứ sự phân biệt nào. Để giải quyết xung đột, mỗi bên đều cần công nhận tính hợp pháp về lợi ích sống còn của các bên khác. Bạn không thể mong đợi người khác chấp nhận từ bỏ những gì là cực kỳ quan trọng với họ. Sự nối kết con người là chìa khóa cho tất cả mọi thứ; không có nó, xã hội như rơi vào hỗn loạn.
Đối với tôi, Phật giáo không bảo chúng ta phải làm thế này hay thế kia để giải quyết những vấn đề. Phật giáo luyện tập và cung cấp cho con người phương tiện phát triển kỹ năng và năng lực, để tự mình đối mặt với vấn đề”.
Giao Hảo
(theo Tricycle)