Phật giáo ở Nga có mối liên hệ mật thiết với Sri Lanka

GN - Phật giáo tại Nga và đảo quốc Sri Lanka có nhiều kết nối đặc biệt xuyên suốt chiều dài phát triển của lịch sử hai nước.

Ngày 23-5-2012, Viện Triết học thuộc Hàn lâm Khoa học Nga đã phát hành quyển Bách khoa Phật học dày 1.045 trang do Tiến sĩ Marietta Stepanyants biên tập, thu hút sự có mặt của nhiều học giả đến từ nhiều nước.

H1.png


Tổng thống Putin trong một lần viếng thăm cộng đồng Phật giáo tại Nga

Trước đó, vào năm 2009, trong chuyến thăm nước Cộng hòa Buryatia, Siberia, Tổng thống đương thời Dmitry Medvedev (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã chính thức ủng hộ sự phục hồi của Phật giáo và đưa ra lời thừa nhận chính trị cho các Phật tử Nga. Tại tu viện Ivolga Datsan, ông đã có bài phát biểu trước Phật tử Nga rằng: “Nga đang ở trong một vị trí rất đặc biệt bởi nó là nước châu Âu duy nhất công nhận Phật giáo như một trong những tôn giáo truyền thống của đất nước. Triết học Phật giáo và sự thực hành tâm linh đã có một ảnh hưởng sâu rộng đến các phong tục và truyền thống của tất cả những người sống nơi đây và tất cả những người theo tôn giáo này. Tất nhiên sự độc đáo của văn hóa Phật giáo là một phần không thể thiếu và có giá trị rất lớn đối với di sản lịch sử và văn hóa chung của Nga”.

Phật giáo du nhập vào Nga trong thế kỷ XVII, khi người Kalmyk đến du lịch và định cư ở Siberia mà bây giờ là vùng Viễn Đông của nước này. Được truyền từ Mông Cổ đến Nga, Phật giáo Tây Tạng (Mật tông) là tông phái chính thức được thực hành tại đất nước này.

Từ thế kỷ thứ XIX, đã có người chuyển đổi từ Slavic sang Phật giáo, nhưng sau 1990, số lượng người quy hướng Phật giáo tăng lên mạnh mẽ.

Một trong những người Nga đầu tiên đến Sri Lanka là Ivan Minayev, một học giả Phật giáo nổi tiếng thế kỷ XIX. Hai trong số học trò của ông là Đông phương học sĩ S.F. Oldenburg và F.I. Shcherbatskoy - người đã viết hai tập Logic học Phật giáo. Trong chuyến thăm của Đại sứ Yakovlev tại Sri Lanka vào tháng 1957, chư Tăng đã giới thiệu bản sao tác phẩm quan trọng này cho ông. 

Minayev từng viết cuốn Phật giáo, nghiên cứu và tài liệu, xuất bản vào năm 1887 và gần 130 công trình nghiên cứu khác. Ông biết nhiều ngôn ngữ, bao gồm tiếng Phạn và Pali. Nhờ thế, ông có thể phân tích các tài liệu lưu trữ trong thư viện châu Âu. Trong suốt những năm từ 1874 đến 1877, ông đã thực hiện nhiều chuyến đi dài đến Sri Lanka, Ấn Độ, Nepal và Myanmar. Trước khi đến Sri Lanka, Minayev đã thực hiện một nghiên cứu kỹ lưỡng về các biên niên Sinhala cổ, Deepavansa và Mahawansa.

Minayev sử dụng các ghi chép Phật giáo để tái tạo lại sự xuất hiện của các cấu trúc hùng vĩ mà kiến ​​trúc sư cổ đại dựng nên. Ông đã rất quen thuộc với những kiệt tác kiến ​​trúc cổ và nghệ thuật điêu khắc đá của Ellora và những sáng tạo bất hủ của nghệ sĩ vô danh trong các hang động. Ông nhấn mạnh tính sáng tạo và tính độc đáo của nghệ thuật Sri Lanka cổ đại.

Theo Yakovlev, Minayev thường sống trong các tịnh thất của các nhà sư Phật giáo, nhiều người trong số họ đã trở thành bạn bè của ông. Trong nhật ký của mình, Minayev đã viết về những vị Tỳ-kheo đáng kính như HT.Sri Sumangala Hikkaduwe, HT.Sri Migettuwatte Gunananda (nhà hùng biện xuất sắc mà trong các cuộc tranh luận Panadura Phật giáo - Kitô giáo năm 1873 đã thu hút sự chú ý của Đại tá Henry S. Olcott nhờ tài năng lý luận của mình), và HT.Battaramulle Subhoothi ​​- người mà Minayev trao đổi thư từ sau khi trở về Nga. Minayev gọi Hòa thượng Subhoothi là “nhà thông thái nhất của Sinhalese”. Chính nhờ những mối liên hệ như thế đã làm cho Phật giáo như là cầu nối giữa Phật tử hai nước.

Năm 1873, HT.Subhoothi ​​thành lập Vidyodaya Pirivena, sau này trở thành một trường đại học. Ông cũng là giáo viên duy nhất của tu viện Phật giáo, lúc đó thu hút sự tham dự của 45 tu sĩ và 12 cư sĩ.

Những gì Minayev viết về Phật giáo Sri Lanka khá mới mẻ và thu hút nhiều sự chú ý của độc giả Nga. Trong đó, ông đề cao tinh thần tu học, sự tiếp cận những giá trị mới và dấn thân của Tăng-già Sri Lanka. Đây được xem như là điểm sáng để Phật giáo Sri Lanka phát triển cho đến ngày nay.

“Chư Tăng Sri Lanka rất cởi mở. Họ không bao giờ tránh xa châu Âu và không bao giờ che giấu di tích hay kinh sách thiêng liêng trước những người mới. Họ rất ân cần và sẵn sàng chia sẻ sự quan tâm về các tu viện Phật giáo”.

Bảo Thiên - Minh Phương
(theo Asian Tribune)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.