Phật giáo Nghệ An chuyển mình, hòa vào hệ thống tổ chức Giáo hội

Giác Ngộ - Trong hai ngày 22, 23-9-2011, Phật giáo Nghệ An tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ nhất (nhiệm kỳ 2011 - 2016) sau 30 năm kể từ ngày thành lập Giáo hội. Đây là một trong những tỉnh sau cùng của cả nước thành lập BTS, hòa mình vào hệ thống tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

wwwTNA (1).JPG

Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Nghệ An - nơi diễn ra
Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Nghệ An lần thứ nhất
Ảnh: Gia Trúc

Những thăng trầm của lịch sử


Phật giáo đã sớm có mặt tại Nghệ An vào thời Lý. Lịch sử ghi nhận thời Trần, đạo Phật đã được phát triển sâu rộng trong đời sống nhân dân, mỗi làng xã đều có chùa để thờ Phật.
Ngay từ những ngày đầu thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhiều chùa được sử dụng là nơi tập hợp quần chúng, mở trường dạy học, luyện binh luyện tài tham gia phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Với tinh thần “Phật pháp bất ly thế gian giác”, Tăng Ni, Phật tử đã hòa cùng với dòng chảy cách mạng, không ngại khó khăn, đã hiến cúng tất cả tài sản đất đai, ruộng vườn, hương hỏa của chùa để tập trung mọi nguồn lực cho sự nghiệp chung của đất nước.


Xuyên suốt thời gian sau đó, do điều kiện chiến tranh, nhiều Tăng Ni của tỉnh Nghệ An đã theo tiếng gọi non sông, nhiều chùa chiền trở thành nơi nuôi giấu cán bộ, nhiều cơ sở thờ tự được hạ giải để tập trung cơ sở vật chất ủng hộ phong trào toàn quốc kháng chiến. Khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, đất nước tạm thời chia cắt hai miền, chùa chiền ở Nghệ An đã trở thành những trường học giảng dạy cho trẻ thơ, rồi trở thành nơi sinh hoạt của cộng đồng dân cư, nơi làm việc của trụ sở chính quyền, bệnh xá nhà thương.


Chiến tranh kết thúc cũng là lúc các cơ sở thờ tự của Phật giáo tại Nghệ An cũng không còn, tiếng chuông, tiếng mõ, hình dáng của Tăng Ni, Phật tử cũng vắng bóng. Riêng chùa Cần Linh tại thành phố Vinh còn lại tương đối nguyên vẹn, và là ngôi chùa duy nhất tại Nghệ An có sư trụ trì, dù đơn độc, nhưng tiếng chuông tiếng mõ lời kinh tiếng kệ vẫn được giữ gìn, vang vọng gần xa.


Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, Ni trưởng trụ trì chùa Cần Linh đã được suy cử tham gia Hội đồng Trị sự khóa I và chùa Cần Linh là điểm dừng chân của chư tôn đức Trung ương Giáo hội trong mỗi chuyến hành hương Phật sự. Tuy vậy, đúng dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Nghệ An mới hoàn tất các thủ tục cần thiết để hình thành Ban Trị sự, hòa mình vào hệ thống tổ chức Giáo hội cả nước.


Tiếp nối mạng mạch đạo pháp


Từ năm 1981 đến nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn quan tâm đặc biệt đến vùng đất Nghệ An, cử nhiều đoàn công tác của Trung ương vào gặp gỡ, động viên Tăng Ni, Phật tử, trao đổi với các cấp chính quyền sở tại để phát huy các Phật sự ở Nghệ An. Sau Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ V và lần thứ VI, HT.Thích Thanh Tứ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự đã chỉ đạo quý Thượng tọa trong Ban Thường trực kiêm đặc trách công tác Phật sự tại Nghệ An. Giáo hội đã có văn bản đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh quan tâm tạo điều kiện cho việc phục hồi hoạt động Phật sự của các cơ sở tự viện đã bị hủy hoại bởi thời gian và chiến tranh. Đồng thời động viên Tăng Ni tại các tỉnh, thành hội khác về đảm nhiệm trụ trì các cơ sở tự viện để phục hồi cơ sở của Giáo hội tại địa phương. Qua đó, Giáo hội đã ban hành quyết định bổ nhiệm ĐĐ.Thích Minh Trí trụ trì chùa Ân Hậu - TP.Vinh; bổ nhiệm TT.Thích Thọ Lạc trụ trì chùa Đại Tuệ - huyện Nam Đàn; bổ nhiệm ĐĐ.Thích Minh Hương trụ trì chùa Lô Sơn - thị xã Cửa Lò và đang hoàn thiện hồ sơ bổ nhiệm trụ trì đối với một số vị Tăng Ni khác.

wwwTAT (12).JPG

Chư tôn giáo phẩm TƯGH quang lâm Nghệ An chứng minh Đại hội

Năm 2007, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đã có công văn gửi các cấp lãnh đạo và chính quyền tỉnh Nghệ An về việc thành lập Tỉnh hội Phật giáo Nghệ An. Sau một thời gian chuẩn bị và hoàn tất các thủ tục cần thiết, ngày 17-6-2011 Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An đã chính thức ban hành Quyết định số 2256/QĐ-UBND-NC chấp thuận việc thành lập Tỉnh hội Phật giáo Nghệ An và Đại hội lần thứ I chính thức được diễn ra trong tuần này (22, 23-9).
 

Trước sự kiện Đại hội đại biểu Phật giáo lần thứ nhất tại Nghệ An, TT.Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch HĐTS, vị giáo phẩm hiện được Trung ương Giáo hội cử phụ trách hoạt động Phật sự của Phật giáo Nghệ An cho biết công tác trọng tâm của Tỉnh hội sau khi đại hội sẽ là kiện toàn nhân sự và thống kê, củng cố lại cơ sở tự viện.


“Đây là hai nội dung quan trọng của Phật giáo tỉnh nhà sau bao năm bị chiến tranh tàn phá và mai một của lịch sử. Chúng tôi sẽ đến từng địa phương, vận động Tăng Ni, Phật tử phục hoạt lại các cơ sở tự viện đã từng là danh lam thắng cảnh một thời. Song song đó, sẽ mời gọi chư Tăng Ni các nơi về hành đạo, tạo cơ sở cho việc ổn định nhân sự từ cấp tỉnh, đến cấp huyện và cả cơ sở tự viện.”, TT.Thanh Nhiễu nói.


Ngoài ra, tân Ban Trị sự cũng sẽ tăng cường các hoạt động Phật sự đối ngoại, đặc biệt là đối với Phật giáo Lào, giao lưu với các tổ chức tôn giáo bạn, các ban ngành đoàn thể tại địa phương để chia sẻ hợp tác trên các lĩnh vực đời sống xã hội; tổ chức tốt các hoạt động nghi lễ, hoằng pháp và hướng dẫn Phật tử tại các cơ sở tự viện hoặc tại các nơi công cộng (đã được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền) nhân các sự kiện, ngày lễ lớn của Giáo hội và địa phương; chủ động thực hiện hoạt động Phật sự ích đạo lợi đời như công tác từ thiện xã hội, xây dựng nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm đến các hộ gia đình khó khăn, đặc biệt gia đình chính sách, có công với nước, nạn nhân của chiến tranh.


Với những tiền đề của quá khứ và trên phương diện là một đơn vị đi sau, tin tưởng rằng Phật giáo Nghệ An sẽ rút ra những bài học kinh nghiệm từ các tỉnh thành bạn đi trước để ôn lại những thăng trầm của lịch sử tự thân, kiện toàn tổ chức và hoạt động các Phật sự ích đạo lợi đời trong một điều kiện mới.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.