GN - Chris Nyambura sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống Thiên Chúa giáo, nhưng từ sáu tháng qua, anh tự khẳng định mình là một Phật tử. Hiện bước vào tuổi 23, Chris đang là một sinh viên mới tốt nghiệp ngành kỹ sư hóa học.
Ngày càng nhiều người phương Tây đến với Phật giáo
Cũng như những người trẻ khác, đặc biệt ở vùng viễn Tây Hoa Kỳ, Chris được đánh giá cao trong việc phát triển đời sống tinh thần và tự lực thực tập niềm tin mà anh đã chọn.
Vào mỗi tối Chủ nhật, trong căn phòng nhỏ được thiết kế khá thông thoáng ở trung tâm thành phố Seattle, Chris cùng hành thiền với nhóm bạn. Đây là một trong số 38 trung tâm thiền tập tại Hoa Kỳ, và là một trong số 679 trung tâm thiền tập trên toàn thế giới trực thuộc phong trào Diamond Way.
Phong trào này được khởi xướng nhằm truyền bá và phát triển các khía cạnh hiện đại trong việc thực tập pháp hành Phật giáo Tây Tạng. Theo đó, các vị sư sẽ chỉ dẫn kỹ thuật, phương pháp thiền tập, tụng niệm cũng như giải thích chi tiết những điều căn bản nhất của Phật giáo cho những người mới đến.
Nyambura tỏ ra thích thú và cần mẫn liệt kê các phương thức thực tập khác nhau và cho rằng những phương thức ấy mang lại nhiều lợi ích.
Theo đó, đầu tiên là thực tập và rèn luyện tâm thức. “Rất nhiều người thể hiện sự quan tâm và bám víu vào các mối quan hệ, thức ăn và các tiện nghi mang tính vật chất khác. Trong khi đó, giáo lý đạo Phật dạy con người cách thức để có được sự an trú nơi tâm thức bình lặng của bản thân”.
Tiếp theo phải nhận thức sâu sắc mối quan hệ nhân quả của mọi vấn đề và trách nhiệm của mỗi cá nhân. “Một trong những điều quan trọng khi thiền tập là cần nhớ rằng luôn có sự kết nối giữa các hành động, suy nghĩ của ta từ quá khứ với hiện tại và nhận ra mối liên hệ của những biểu hiện hôm nay sẽ định hình cuộc sống của ta mai sau”.
Cuối cùng, học và xây dựng một lối sống có mặt với hiện tại. “Bạn nhất thiết phải luôn nhắc nhở tâm thức mình được dịu lại, thư giãn nhẹ nhàng với giây phút hiện tại mỗi khi thiền tập”.
Đạo Phật ở Hoa Kỳ được hiểu trong một khái niệm rộng và phức hợp, có hướng tiếp cận đa dạng, bao gồm những nhóm sinh hoạt theo mô hình khuôn phép, đầy đủ các sinh hoạt lễ nghi, hướng đến đời sống đạo đức, cho đến những thành phần đặc biệt kiểu như các phong trào đang có mặt tại Seattle.
Tuy vậy, hầu hết những người tin theo và thực tập đều đồng ý rằng Phật giáo đang thực sự phát triển. Pew, một tổ chức nghiên cứu và phân tích độc lập có trụ sở tại Washington, D.C. dự đoán lượng tín đồ Phật giáo tại Hoa Kỳ từ 3,6 triệu người vào năm 2010 sẽ tăng lên và chạm đến con số 4,2 triệu người trước năm 2020.
Công chúng yêu mến đạo Phật cũng có sự gia tăng đáng kể. Trong một cuộc khảo sát về tình cảm của người Mỹ đối với các nhóm tôn giáo khác nhau được tiến hành vào năm 2017, Pew nhận được kết quả khá bất ngờ khi những người trẻ trong độ tuổi 18-29 yêu mến đạo Phật chiếm tỷ lệ cao nhất.
Theo Scott A. Mitchell, chuyên gia thuộc viện Nghiên cứu Phật học có trụ sở tại California, ngày nay dễ dàng tìm kiếm và nhận biết các cơ sở tâm linh hải ngoại đặt tại Hoa Kỳ xuất phát từ các tông phái Phật giáo có nguồn gốc châu Á.
Vào giữa thế kỷ XIX, phong trào di dân và nhập cư của cộng đồng người Trung Quốc đã mang theo niềm tin và sinh hoạt tâm linh Phật giáo đầu tiên vào Hoa Kỳ. Sau đó, người Nhật Bản đã tiếp nối con đường này. Trải qua thời gian, trên mảnh đất Hoa Kỳ, sinh hoạt Phật giáo có sự tham gia của những người không có nguồn gốc châu Á.
Sau năm 1945, một tổ chức Phật giáo khá lớn của người Nhật có tên Soka Gakkai International, chú trọng đến các khóa lễ tụng niệm, có mặt tại Hoa Kỳ và thu hút nhiều người tham gia, bao gồm người Mỹ gốc Phi và Bắc Mỹ.
Theo nhà nghiên cứu Phật học Charles Prebish, Giáo sư danh dự tại Đại học Penn State, các kết quả khảo sát độc lập của Pew đưa ra vẫn còn hạn chế. Ông cho rằng con số những người cải đạo đã tăng lên do những người Mỹ gốc Á dần xa rời đức tin truyền thống của đất nước phương Tây này.
Về phương diện thực tập, người theo đạo Phật ở Hoa Kỳ cũng không theo chuẩn mực truyền thống mà rất đa dạng. Ví dụ, phần lớn những người Phật tử thông thường đều thừa nhận vai trò quan trọng của việc giữ gìn 5 giới cấm. Tuy vậy, không phải người Mỹ nào khi tự nhận mình là Phật tử cũng nhận thức rõ điều này, mà họ thường tìm cách thực tập cho riêng mình.
Prebish cho rằng điều đó không quan trọng. Bởi lẽ, để xác định tôn giáo của một người nào đó, điều đơn giản nhất là hỏi trực tiếp họ. Khi ai đó khẳng định “Tôi là Phật tử” thì có thể chắc chắn tin tưởng câu nói này, vì nó thể hiện người đó đang nói về phần quan trọng nhất trong đời sống tâm linh của họ.
Ở một khía cạnh khác, theo nhà nghiên cứu Mitchell, vấn đề chính trị và công bằng xã hội đang là các chủ đề quan tâm của các nước phương Tây và Phật giáo có sự hồi đáp với các sáng kiến phù hợp. Điều này cũng làm cho mọi người thấy tính khả dụng và sự thu hút của Phật giáo.
Bảo Thiên - Nguyệt Bảo An (theo Economist)