Phật giáo Long An: Đoàn kết làm nên sự phát triển

GN - Tuy Long An có vị trí địa lý khá đặc biệt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, thuộc vùng phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam, nhưng vẫn còn là một trong những tỉnh nghèo trong khu vực. Phật giáo Long An đã trải qua 7 nhiệm kỳ, từng bước khắc phục khó khăn để có được sự phát triển như hiện nay với gần 300.000 Phật tử.

Nối tiếp truyền thống của tiền nhân

Nói về sự truyền thừa của Phật giáo vào Long An, TT.Thích Minh Thiện, Phó ban Thường trực BTS THPG Long An khóa VII cho biết: PG Long An thừa kế công đức rất lớn của Tổ Hải Lương - Chánh Tâm thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 40. Ngài sinh tại làng Thủ Thừa, phủ Tân An. Sinh thời, ngài là bậc chân tu, được dân làng thỉnh cầu về trụ trì chùa Phước Long (sau HT.Chánh Tâm trùng tu lấy tên mới là Kim Cang) tại khu vực Cầu Voi (Tân An).

BTS THPG Long An.JPG

Văn phòng BTS THPG Long An được xây dựng khang trang
tại khuôn viên chùa Thiên Châu - Ảnh: H.D

Đây cũng là ngôi chùa đầu tiên của khu vực miền Nam mở trường hương, trường hạ Phật tử và chư Tăng Ni khắp nơi biết đến uy đức của ngài nên quy tụ về tu học rất đông. Theo Danh lam các ngôi chùa miền Nam (Nguyễn Quảng Tuân và Trần Hồng Liên): “Chùa Kim Cang là trung tâm văn hóa Phật giáo miền Nam lúc bấy giờ”.

Cuộc đời hoằng hóa của HT.Chánh Tâm được tứ chúng khắp nơi ngưỡng mộ, nhiều bậc cao tăng thạc đức: HT.Khánh Hòa (trụ trì chùa Tuyên Linh, Bến Tre), HT.Khánh Thông (trụ trì chùa Bửu Sơn, Bến Tre), HT.Khánh Đức (trụ trì chùa Phước Thạnh, Tiền Giang), HT.Thích Khánh Huy (trụ trì chùa Phước Lâm, Tiền Giang), HT.Khánh Long (kế vị trụ trì chùa Kim Cang) và nhiều vị cao tăng như: HT.Khánh Hưng, HT.Khánh Dư, HT.Khánh Tường, HT.Khánh Thoại…  được ngài đào tạo, hướng dẫn tu tập, trưởng dưỡng đạo tâm, theo công hạnh của ngài góp phần rất lớn vào công cuộc chấn hưng Phật giáo ở miền Nam ở thời kỳ đầu.

Ngoài việc đào tạo Tăng tài, truyền trì mạng mạch Phật pháp, ngài còn cho trùng khắc in ấn kinh, luật, luận để truyền bá Chánh pháp và tạo điều kiện cho tứ chúng tu học. Một số bản kinh khắc gỗ bằng chữ Hán hiện còn lưu giữ tại tổ đình Kim Cang: Pháp hoa, Luật Tứ phần, Bồ-tát giới, Sa-di oai nghi - cảnh sách luật giải, Kim cang chư gia, Phật thuyết Tam thế nhân quả kinh… Đặc biệt, ngài được thỉnh làm Đường đầu Hòa thượng các giới đàn được tổ chức tại các tỉnh trong khu vực. Nhờ công đức của ngài, PG ở đồng bằng Nam Bộ nói chung và Phật giáo ở Tân An phát triển rực rỡ.

Ngày nay, tổ đình Kim Cang (được công nhận di tích văn hóa cấp tỉnh) còn có các chùa Phước Lâm (di tích văn hóa cấp quốc gia), Linh Sơn, Tôn Thạnh, Hội Long, Khải Phước, Vĩnh Hưng… tạo nên diện mạo văn hóa đặc sắc cho Phật giáo tỉnh Long An. Cùng với sự phát triển của thời đại, Tăng Ni Phật tử đã phát huy truyền thống tu học của các vị tiền bối hữu công, đã nêu cao tinh thần đoàn kết, đồng thuận trong công tác xây dựng ngôi nhà chung vì sự phát triển của Phật giáo đồng hành cùng với dân tộc.

Phát triển trên tinh thần đoàn kết

Theo nhận xét của TT.Thích Minh Thiện, so với các tỉnh trong khu vực, Long An vẫn còn là một tỉnh nghèo. Phật giáo tuy đã phát triển về cơ sở hạ tầng nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, song nhờ sự đoàn kết, sự đồng thuận, nhất trí cao của lãnh đạo BTS THPG Long An và Tăng Ni, Phật tử nên các ban ngành phát triển đồng bộ. Phật giáo Long An có 5 chi phái Phật giáo: Bắc tông (Ấn Quang), Thiên Thai giáo quán tông, Thiên Thai Thiền giáo tông, Khất sĩ, Cổ sơn môn. Tất cả phát triển hài hòa và tôn trọng truyền thống của nhau. Các Phật sự dù lớn dù nhỏ vẫn được sự quan tâm sâu sát, kịp thời của Ban Thường trực BTS THPG. Từ năm 2010, Văn phòng BTS THPG tỉnh được dời về chùa Thiên Châu (P.3, TP.Tân An).

 

TT. Minh Thien.JPG

  Các ban ngành Tăng sự, Giáo dục Tăng Ni, Hoằng pháp, Văn hóa, Nghi lễ, Từ thiện xã hội… kết hợp đồng bộ phát triển chuyên ngành, hoàn thành Phật sự chung. Hiện nay, Phật giáo tỉnh Long An đã phát triển được 9 Ban Đại diện PG huyện, thành và 1 Ban Đại diện PG liên huyện: Mộc Hóa, Tân Thạnh, Vĩnh Hưng. Các Ban Đại diện hoạt động hiệu quả, tuy nhiên PG Long An hiện còn hai huyện Tân Hưng và Đức Huệ chưa có cơ sở tín ngưỡng Phật giáo. Toàn tỉnh có 299 cơ sở tự viện với 1.244 Tăng Ni.

Trong nhiệm kỳ qua, BTS THPG Long An đã được UBND tỉnh cho phép 14 cơ sở Phật giáo chính thức gia nhập Giáo hội, khôi phục trùng tu lại 5 cơ sở tự viện do chiến tranh tàn phá. Ban Thường trực cũng quyết định bổ nhiệm 45 vị Tăng Ni trụ trì tại các trú xứ trong toàn tỉnh. Ngành giáo dục Tăng Ni trong các nhiệm kỳ được lãnh đạo BTS THPG Long An đầu tư nhiều cơ sở vật chất cũng như chất lượng giảng dạy, Trường Trung cấp Phật học tỉnh Long An là một trong số ít những trường ở đồng bằng Nam Bộ Tăng Ni được học nội trú ngay từ đầu, tạo điều kiện tốt nhất cho Tăng Ni phát triển sở học.

Hiện nay, Trường TCPH tỉnh Long An đang duy trì khóa thứ V, trung bình mỗi khóa có khoảng 120 Tăng Ni sinh. Tăng Ni sau khi tốt nghiệp hiện đã và đang phục vụ Phật sự tại nhiều tỉnh thành, một số tiếp tục học tại Học viện PGVN tại TP.HCM, các lớp giảng sư, du học tại Ấn Độ, Myanmar , Đài Loan...

Tăng Ni, Phật tử được sự quan tâm sâu sát của chư tôn đức, nhiều chương trình tu học tạo dấu ấn, nhất là các khóa tu mùa hè cho Phật tử trẻ tại chùa Long Phước, Tôn Thạnh, Vĩnh Hưng, các khóa tu Bát quan trai, giáo lý dành cho Phật tử... 102 đạo tràng tu học và 4 lớp giáo lý trong toàn tỉnh tu học ổn định, được chư tôn đức Ban Hoằng pháp và các ban ngành quan tâm, tạo điều kiện phát triển. Phật giáo tỉnh Long An duy trì 8 trú xứ an cư kiết hạ, mỗi kỳ an cư Ban Tổ chức đều kết hợp với Ban Hoằng pháp mở khóa bồi dưỡng kiến thức trụ trì và hành chánh Giáo hội cho Tăng Ni và hành giả. Ngoài ra, Đại giới đàn Viên Ngộ cũng được BTS THPG Long An tổ chức trang nghiêm, thành tựu tốt đẹp với 699 giới tử và 1.200 Phật tử đăng ký.

Ban Hoằng pháp kết hợp các ban ngành tổ chức đại lễ truyền thống Phật giáo, thuyết giảng, hướng dẫn Phật tử tu tập. Các đạo tràng tại vùng sâu, vùng xa được sự điều phối của Ban Thường trực đến thuyết giảng tận nơi. TT.Thích Minh Thiện cũng soạn thảo quyển Cẩm nang Phật pháp dưới hình thức hỏi-đáp, đáp ứng nhu cầu tu học của Tăng Ni, Phật tử. Ngành văn hóa cũng đã phát triển một số sản phẩm phục vụ rộng rãi cho đại chúng, tổ chức hội thảo Phật giáo về bảo vệ môi trường, giới thiệu bộ sử gồm tiểu sử khái quát các ngôi chùa ở Long An, tổ chức nhiều cuộc triển lãm, sự kiện văn hóa phục vụ cho Tăng Ni, Phật tử.

Điểm mạnh của Phật giáo Long An là sức mạnh của tập thể, Tăng Ni, Phật tử đồng lòng trong các Phật sự. Các Đại lễ Phật đản, Vu lan, Phật thành đạo, Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội… được các ban ngành kết hợp đồng bộ thực hiện. Đặc biệt, Tăng Ni, Phật tử cũng đồng thuận cùng chung tay thực hiện chương trình nhân đạo thiết thực, mang đậm tính nhân văn trong nhiệm kỳ qua với tổng trị giá trên 120 tỷ đồng. Mới đây, BTS THPG Long An đã được các ngành chức năng cấp phép xây dựng Trường Bồ Đề Phương Duy với đầy đủ 3 cấp học.

...............................

Ngày mai 16-9, Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Long An lần thứ VIII tại chùa Thiên Châu, TP.Tân An. Phóng viên Giác Ngộ sẽ thông tin Đại hội đến độc giả.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.