Phật giáo Kiên Giang với công tác từ thiện xã hội

GNO - Phật giáo Kiên Giang có ba hệ phái: Nam tông, Bắc tông và Khất sĩ. Toàn tỉnh có trên 300 ngàn tín đồ, 182 cơ sở thờ tự, gần 1.500 Tăng Ni. 

Trong suốt thời gian qua, Tỉnh hội luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động từ thiện xã hội bởi tất cả các vị Tăng Ni lúc nào cũng tâm niệm rằng: “Việc từ thiện sẽ đóng góp một vai trò vô cùng quan trọng cho sự phồn vinh của quê hương, đất nước, góp phần thiết thực xoa dịu niềm đau nhân thế, đưa con người đến cứu cánh an vui”, từ đó góp phần cùng nhà nước thực hiện tốt an sinh xã hội và đem lại ấm no cho cộng đồng.

wwwT81.jpg

Phật giáo tỉnh tặng quà gia đình chính sách nhân tết Nguyên đán

Phát huy tinh thần từ bi, chia sẻ nỗi đau của những người có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh. Ban Trị sự  và Ban Từ thiện xã hội tỉnh Kiên Giang đã kêu gọi sự đóng góp của Phật tử từ tâm, các nhà mạnh thường quân, các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân để tham gia ủng hộ cho công tác từ thiện xã hội. Trong nhiều năm qua, Phật giáo Kiên Giang đã nỗ lực góp phần giải quyết những khó khăn cho đồng bào nghèo tại các vùng sâu, vùng xa, các gia đình đang trong hoàn cảnh khốn cùng, những người già neo đơn, trẻ em cơ nhỡ và thực hiện nhiều công việc khác như: ủng hộ xây nhà tình nghĩa cho các gia đình thuộc diện chính sách, cất nhà tình thương cho những hộ nghèo, xây cầu bê tông, giáo dục dạy nghề, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, người nhiễm chất độc da cam, khoan cây nước, tặng quà tết Trung thu, quần áo sách vở… và nhiều các hoạt động từ thiện khác rất đa dạng.

Tính trong 3 năm (2007- 2010), Phật giáo Kiên Giang có hơn 80% các tự viện, tịnh xá, tịnh thất tham gia công tác từ thiện xã hội. Sự đóng góp của Phật giáo đã chiếm gần 50% tổng số các tôn giáo tham gia công tác từ thiện xã hội. Tổng giá trị công tác từ thiện là 79,86 tỷ đồng, chiếm gần 50% so với giá trị thực hiện chung của tất cả các tôn giáo. Những lĩnh vực Phật giáo tham gia với tỷ lệ cao như: cất nhà đại đoàn kết chiếm gần 60%; cứu trợ đồng bào bị thiên tai, các hoạt động giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…chiếm 48,54%; bắc cầu, làm đường giao thông nông thôn chiếm 22,72%. Năm 2010, cất nhà đại đoàn kết hơn 240 căn, xây mới hơn 60 cây cầu bê tông, nuôi dạy trẻ mồ côi, nghèo, cơ nhỡ: 120 em, nuôi người già neo đơn: 50 cụ, ngoài ra còn quan tâm cứu trợ đồng bào nghèo, bị thiên tai, phát gạo, quà Tết, Trung thu, tập học… trị giá trên 30 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2011 tổng số tiền thực hiện từ thiện của toàn tỉnh hội là gần 22 tỷ đồng.

Nhìn chung hoạt động từ thiện của Phật giáo tỉnh Kiên Giang diễn ra trên nhiều lĩnh vực  như: y tế và chăm sóc sức khỏe, giáo dục và dạy nghề, bắt cầu và làm giao thông nông thôn, sửa chữa và cất nhà đại đoàn kết và các hoạt động từ thiện, nhân đạo khác như ủng hộ đồng bào bị thiên tai trong và ngoài nước, gia đình nghèo bị đau ốm, người bị nhiễm chất độc da cam, khoan cây nước, tặng quà Trung thu, tập, sách vào dịp khai giảng năm học, quần áo cho các cháu nghèo, có hoàn cảnh khó khăn… Có được nguồn tài chính như vừa qua, Ban Trị sự tập trung chủ yếu vận động từ các tổ chức từ thiện, chư tôn đức các nơi, quý vị hảo tâm, các doanh nghiệp, đồng bào Phật tử trong và ngoài nước. Rất nhiều các nhà hảo tâm đã bớt ăn, bớt mặc để cùng với Phật giáo góp phần thực hiện an sinh xã hội; vì lòng từ bi những người con Phật đã nhường cơm, xẻ áo với mong muốn đem an lạc và hạnh phúc cho những người cùng khổ trên thế gian này.

Theo Ni sư Thích nữ Trung Liên - Trưởng ban Từ thiện Xã hội Phật giáo Kiên Giang, công tác từ thiện của Phật giáo có ý nghĩa xã hội sâu sắc, khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái và xây dựng đoàn kết cộng đồng. Những cây cầu bê tông dần được thay thế cho cầu khỉ, những mái nhà lá dần được thay thế cho mái lợp tôn… Có được mái ấm với những cây cầu nồi liền thôn ấp cần thiết như vậy đã khiến cho bà con cảm nhận được tấm lòng từ bi của các vị Tăng, Ni dành cho dân nghèo và thấy cuộc sống hạnh phúc nhiều hơn.

"Những phần quà thiết thực đó đã để lại trong lòng người dân nghèo những thiện cảm chân thành với Phật giáo. Những hình ảnh chư Tăng, chư Ti với chiếc áo lam, áo vàng, bên cạnh là các nhà hảo tâm chân tình chia sẻ nổi khổ đau đời thường bằng tình thương yêu vô bờ bến, không phân biệt thân sơ đã để lại trong tim những người bất hạnh, khổ đau một hình ảnh đẹp khắc sâu trong lòng và chẳng dễ gì nhạt phai.", Ni sư tâm tình.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.