Phật giáo kêu gọi ứng phó với biến đổi khí hậu

GNO - Các nhà sư từ khắp nơi trên thế giới đã vân tập tại thành phố cổ Ayutthaya của Thái Lan hôm 3-3 vừa qua - ngày họp cuối cùng thuộc hội nghị Liên minh Phật giáo thế giới (IBC) trong đó đặt trọng tâm vào hành động để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Trước đó, Giác Ngộ online đã đưa tin, các đại biểu đến từ 320 tổ chức ở 39 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Hoa Kỳ, Anh, Đức, Mexico và Brazil... tham gia vào hội nghị lần thứ hai của IBC.

Một trong những vấn đề chính được thảo luận là làm thế nào để các nhà sư ở các nước khác nhau tìm cách giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

anh hoi nghi 2.jpg


Quang cảnh một buổi làm việc của hội nghị

Buntenh But, một nhà sư từ Phnom Penh, Campuchia, cho biết sư đã khởi xướng một phong trào trong nước mình để tạo ra nhận thức cho người dân nhằm bảo vệ rừng.

Sư giải thích rằng sư đã nhận thức được qua trận lũ lụt năm 2011 ở các nước Đông Nam Á, bao gồm Thái Lan và Campuchia.

"Đất đai là sự sống, rừng là xương sống của cuộc sống chúng ta. Nếu chúng ta mất đất, chúng ta mất sự sống. Nếu chúng ta mất rừng, chúng ta mất xương sống của chúng ta. Không ai có thể sống mà không có xương sống. Xương sống rất quan trọng, do đó tôi sử dụng thông điệp này, thông điệp đơn giản để thu hút mọi người, những người trẻ tuổi. Đó là lý do tại sao họ tham gia cùng tôi một cách thoải mái", sư nói.

Trung Quốc hiện phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe, tai họa ô nhiễm của Bắc Kinh đã nhân đôi ở những nơi khác ở miền bắc Trung Quốc, nơi mà nồng độ PM2.5 cao hơn đáng kể so với các năm 2013 và 2014, theo Tổ chức Hòa bình Xanh.

Trung Quốc đã thắt chặt luật bảo vệ môi trường trong những năm gần đây. Luật sửa đổi có hiệu lực trong tháng này cho phép các cơ quan có nhiều quyền lực hơn nhằm trừng phạt các công ty và các quan chức chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm.

Về mặt tôn giáo, một ngôi chùa ở Bác Sơn, phía đông tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, đang đi tiên phong để trở thành một ngôi chùa sinh thái thân thiện bằng cách lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời.

"Chúng tôi đã lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời 600 kilowatt trong vườn chùa và trên mái nhà. Vì vậy mà chúng tôi có đủ điện được tạo ra bởi năng lượng mặt trời, chúng tôi thực sự có thể tự cung tự cấp được 100% nhu cầu về điện. Và đó là một điển hình rất tốt, hiện tại, tất cả các Phật tử của chùa chúng tôi đều muốn sử dụng năng lượng mặt trời", Hòa thượng Miao Haiyan nói.

Hội nghị cũng nhận ra tầm quan trọng của các vấn đề toàn cầu có liên quan bao gồm cả các cuộc xung đột khác nhau trên thế giới, phó chủ tịch Hội đồng quản trị của IBC, Jamie Creswell, cho biết. Ông tin rằng Phật giáo có thể đóng góp các giá trị trí tuệ và sự bình an của mình cho người dân trong khu vực bị tác động.

"Chúng tôi tin rằng Phật giáo có thể giúp nhiều người trong những tình huống này. Ví dụ, chúng ta đã tham gia vào các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu, chăm sóc động vật đúng cách, tất cả những điều khác nhau có liên quan đến vấn đề môi trường. Chúng ta không những đang tham gia nhiều hơn vào các vấn đề như vấn đề giới tính và nhân quyền mà còn có các vấn đề xung đột", Creswell giải thích về tầm quan trọng của diễn đàn IBC.

Văn Công Hưng (Theo ANI)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.