Phật giáo huyện Củ Chi

Khóa tu mùa hè dành cho tuổi trẻ do Ban Trị sự GHPGVN huyện Củ Chi tổ chức tại chùa Hoằng Linh - Ảnh: Như Danh/BGN
Khóa tu mùa hè dành cho tuổi trẻ do Ban Trị sự GHPGVN huyện Củ Chi tổ chức tại chùa Hoằng Linh - Ảnh: Như Danh/BGN
0:00 / 0:00
0:00
GN - Huyện Củ Chi là địa phương đầu tiên trên địa bàn TP.HCM tổ chức Đại hội đại biểu Phật giáo nhiệm kỳ 2021-2026.

Trước thềm Đại hội đại biểu Phật giáo huyện Củ Chi nhiệm kỳ X, tổ chức tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Củ Chi (Tỉnh lộ 8, thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi) vào các ngày 20 và 21-1-2021, Thượng tọa Thích An Thường, Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự GHPGVN huyện Củ Chi đã có những chia sẻ với Giác Ngộ về Phật sự quan trọng này của Phật giáo huyện nhà. Thượng tọa cho biết:

Thượng tọa Thích An Thường

Thượng tọa Thích An Thường

- Trong nhiệm kỳ qua, với sự đoàn kết hòa hợp của chư tôn đức Ban Trị sự, Tăng Ni các tự viện và Phật tử trong địa bàn huyện, cũng như sự quan tâm, giúp đỡ tận tình của chính quyền địa phương các cấp, Ban Trị sự GHPGVN huyện Củ Chi nhiệm kỳ IX đã đạt được những thành quả khả quan, góp phần không nhỏ trong sứ mệnh ích đời, lợi đạo.

Thượng tọa nhận định như thế nào về những thành tựu nổi bật trong nhiệm kỳ IX (2016-2021) của Phật giáo huyện Củ Chi?

- Thành tựu nổi bật nhất trong nhiệm kỳ vừa qua, có thể nói tới, đó là hoạt động từ thiện xã hội. Ban Trị sự GHPGVN huyện Củ Chi, đại diện Phật giáo các xã, thị trấn cùng các tự viện tại địa phương đã vận động, hướng dẫn Phật tử thực hiện các hoạt động như thăm và tặng quà cho đồng bào khó khăn nhân các ngày Tết Nguyên đán, ngày Phật đản sanh, lễ Vu lan, Tết Trung thu…;xây nhà tình thương; đóng góp quỹ đền ơn đáp nghĩa; cấp học bổng cho các em học sinh nghèo hiếu học; hiến máu nhân đạo; khám chữa bệnh cho người nghèo; lập bếp ăn từ thiện; hỗ trợ mai táng miễn phí; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng; trao phương tiện sinh kế cho người dân có hoàn cảnh khó khăn...

Đặc biệt, trong năm 2020, trước ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, ngoài việc tích cực phòng chống dịch theo quy định của Nhà nước và hướng dẫn của Giáo hội, Ban Trị sự và Tăng Ni các tự viện trên địa bàn huyện đã có những hoạt động cấp thiết như tặng quà cho người dân trong thời gian giãn cách xã hội, trao tặng kinh phí tới Mặt trận huyện để ủng hộ phòng chống dịch. Ngoài ra, với sự chung tay đồng lòng hướng về miền Trung, Phật giáo huyện tổ chức chuyến đi tặng quà đến tận tay bà con vùng lũ trong đợt thiên tai vừa qua. Trong năm 2020, kinh phí dành cho các hoạt động từ thiện của Phật giáo huyện Củ Chi lên đến gần 24 tỷ đồng và tổng kinh phí trong 5 năm qua là trên 87 tỷ đồng. Con số này so với các quận, huyện trong TP.HCM là không lớn, nhưng với một huyện nghèo ở ngoại thành như Củ Chi, lại là một con số nói lên sự cố gắng không nhỏ của chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử toàn huyện.

Chư tôn đức nhận Bằng Tuyên dương công đức của Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trao tặng - Ảnh: Như Danh

Chư tôn đức nhận Bằng Tuyên dương công đức của Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trao tặng - Ảnh: Như Danh

Ngoài ra, vào ngày mùng 1 âm lịch mỗi tháng, Phật giáo huyện đều tổ chức bố-tát tụng giới và họp định kỳ luân lưu tại các chùa trong địa bàn. Trong 5 năm qua, Ban Trị sự huyện Củ Chi đã kiến khai tịnh nghiệp đạo tràng An cư kiết hạ hàng năm tại chùa Pháp Thành và chùa Phước Khánh để trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội, và giữ gìn quy củ tòng lâm.

Các chùa trên địa bàn huyện cũng thường xuyên tổ chức các đạo tràng tu Bát quan trai, Niệm Phật, trì chú Đại bi, kinh Địa Tạng, đạo tràng Pháp hoa, các lớp giáo lý, khóa tu Phật thất… Có từ 40 đến 200 Phật tử tu học thường xuyên tại các chùa: Phước Quang, Giác Phước, Pháp Thiện, Hoằng Linh, Liên Trì, Pháp Thành, tịnh thất Huệ Nghiêm, Linh Sơn, tu viện Linh Thứu, Phước Lâm, Thiên Ân, Thiên Phước, Pháp Vương, Pháp Hiệp…

Đặc biệt, Ban Trị sự tổ chức liên tục trong 3 năm qua các khóa tu mùa hè Tuổi trẻ học Phật cho người trẻ tại chùa Hoằng Linh, để các bạn có cơ hội tiếp cận Phật giáo một cách gần gũi và đầy tươi mới.

Huyện Củ Chi hiện có 480 Tăng Ni với 173 cơ sở thờ tự, trong đó có 82 tự viện, 4 tịnh xá, 2 tu viện, 5 tịnh viện, 80 tịnh thất và am cốc. 91 cơ sở thờ tự đã được công nhận theo quy định Tăng sự, đang còn 82 cơ sở chưa hợp pháp.

Ngoài những thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ IX (2016-2021), theo Thượng tọa, Phật giáo huyện cần khắc phục khó khăn trên những phương diện nào để Phật sự nhiệm kỳ X ổn định, phát triển nhịp nhàng?

- Bên cạnh những thành tựu Phật sự, trong nhiệm kỳ qua, Ban Trị sự GHPGVN huyện Củ Chi còn gặp một số khó khăn về công tác Tăng sự. Cụ thể, khi thực hiện theo Luật Tín ngưỡng tôn giáo, việc bổ nhiệm trụ trì cho một số tự viện gặp khó khăn khi yêu cầu phải có chứng nhận đất tôn giáo trước.

Khó khăn nữa là khi các cơ sở được bổ nhiệm trụ trì đúng theo quy định, nhưng căn cứ theo Luật Đất đai, lại không chuyển đổi thành đất tôn giáo được. Việc xin chuyển từ đất cá nhân thành đất tôn giáo gặp rất nhiều trở ngại, vì thế, trong nhiệm kỳ rồi, Ban Trị sự không có cơ sở nào được bổ nhiệm trụ trì mới và gia nhập Giáo hội, dựng bảng hiệu.

Để tạo thuận lợi cho việc quản lý, hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử tại địa phương tu hành đúng Chánh pháp và chấp hành tốt chủ trương chính sách pháp luật Nhà nước hiện hành, Ban Trị sự huyện cũng đã kiến nghị chính quyền và ban ngành chức năng địa phương thường xuyên phối hợp với Ban Trị sự trong việc xem xét đối với các cơ sở tôn giáo có hoạt động lâu năm trên địa bàn huyện, các cơ sở tín ngưỡng tuân thủ đúng các quy định trong Luật Tín ngưỡng tôn giáo được gia nhập Giáo hội và dựng bảng hiệu.

Ngoài ra, một số tu sĩ ở am cốc tự phát chưa hợp lệ, không sinh hoạt với Giáo hội nên ít nhiều cũng tạo khó khăn cho Ban Trị sự trong việc hướng dẫn và điều hành Phật sự tại địa phương.

Ảnh tác giả

Thành phần nhân sự dự kiến của Ban Trị sự GHPGVN huyện Củ Chi nhiệm kỳ 2021-2026 là các vị đều còn rất trẻ, có đạo phong đạo hạnh, có trình độ Phật học lẫn thế học và đều không quá 60 tuổi. Đặc biệt, các vị này đều có năng lực và rất nhiệt tình tích cực tham gia công tác Phật sự Giáo hội tại huyện nhà, lại được sự đồng thuận của tập thể Tăng Ni và của lãnh đạo chính quyền, Giáo hội. Với một lớp kế thừa trẻ như vậy, tôi tin tưởng Ban Trị sự nhiệm kỳ tới khi đứng trước mọi khó khăn, thử thách, đều sẽ dễ dàng vượt qua, thành tựu mọi Phật sự được Tăng Ni, Phật tử Phật giáo huyện nhà giao phó”.

Hòa thượng Thích Huệ Nghi, Trưởng ban Trị sự GHPGVN huyện Củ Chi

Trong nhiệm kỳ X (2021-2026), Ban Trị sự GHPGVN huyện Củ Chi sẽ tập trung vào những Phật sự trọng tâm nào, thưa Thượng tọa?

- Trong nhiệm kỳ mới, Ban Trị sự sẽ tập trung vào 3 vấn đề quan trọng, đó là với những cơ sở đã có quyết định gia nhập, dựng bảng hiệu cơ sở Phật giáo thì lập hồ sơ xin bổ nhiệm trụ trì. Những cơ sở đã đăng ký sinh hoạt với Giáo hội thì đăng ký để họ sinh hoạt tập trung. Và với những tự viện đã được bổ nhiệm trụ trì mà chưa có đất tôn giáo thì sẽ hỗ trợ làm các thủ tục để được chuyển thành đất tôn giáo, tạo điều kiện thuận lợi cho Tăng Ni sinh hoạt ổn định.

Ngoài ra, mỗi năm Ban Trị sự đều có kế hoạch thực hiện thống kê, cập nhật số lượng Tăng Ni, tự viện; hướng dẫn, động viên, giúp đỡ các Tăng Ni trẻ theo học các trường lớp Phật học do Giáo hội TP.HCM và huyện nhà tổ chức.

Khuyến khích, hỗ trợ các tự viện duy trì phát triển các lớp giáo lý, các đạo tràng tu Bát quan trai, niệm Phật, trì chú...; động viên các tự viện phát triển đạo tràng, mở lớp giáo lý và thành lập Gia đình Phật tử.

Chân thành cảm ơn Thượng tọa!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.