GN - Tất nhiên, không phải chỉ đợi tới lúc có Hội thảo về nuôi dạy trẻ mẫu giáo, trẻ cơ nhỡ, mồ côi tại các cơ sở từ thiện Phật giáo (do Ban TTXH TƯGHPGVN tổ chức vào ngày 6-10 tại TP.HCM) và sự kiện “trẻ em đối thoại với chư tôn đức” tại Diễn đàn Trẻ em đối thoại với chư tôn đức và các vị lãnh đạo TP.HCM (diễn ra vào ngày 7-10 vừa qua tại Báo Giác Ngộ) thì chúng tôi mới có kết luận như vậy.
Thực ra, từ xưa đến nay Phật giáo luôn luôn quan tâm tới trẻ em bằng cách giáo dưỡng nhân cách của con người bằng những nguyên tắc đạo đức căn bản (gọi là giới). Chính giới luật của nhà Phật do Đức Phật chế ra là hàng rào bảo hộ cho tất cả mọi người, đảm bảo cho trẻ thơ lớn lên trong một môi trường thật sự trong lành, từ đó phát triển nhân cách theo hướng thiên lương, cao thượng.
Các em nhỏ đối thoại với chư tôn đức - Ảnh: Vũ Giang
Hãy thử nhìn vào năm giới mầu nhiệm của người Phật tử tại gia sẽ thấy, từ việc không sát hại đến không nghiện ngập, hút xách, rượu chè… không chỉ đảm bảo nhân cách cho người lớn mà chính từ đây là chiếc nôi cho trẻ thơ lớn lên không “gần mực thì đen”, không bị ô nhiễm bởi thói hư, tật xấu bởi thế hệ đi trước. Đó là nói về kết quả lý tưởng nếu ai cũng thực tập lời Phật dạy và ai cũng ý thức được rằng, học Phật, hành theo lời Phật chính là đang thương yêu một cách có hiểu biết bản thân mình, gia đình và con cái mình.
Rất tiếc, trong xã hội cổ đến kim, nhất là thời hiện đại này, con người ta dần dần vô cảm, thiếu vắng tình thương, sự hiểu biết trên cơ sở nền tảng của nhân quả Phật dạy, nên đã điên cuồng chạy theo dục vọng dẫn tới đạo đức băng hoại, những hệ quả xã hội phát sinh đau lòng không thể kể xiết. Trăn trở đó đến từ chư tôn thiền đức Tăng Ni, những người khoác áo nhà sư nhưng không có nghĩa là thờ ơ với chuyện thế gian mà ngược lại, các ngài mang hạnh nguyện dấn thân, độ đời bằng chính giáo lý cứu khổ, ban vui một cách có trí tuệ (hiểu biết) của nhà Phật.
Những ngôi trường mẫu giáo, những trường Bồ Đề, trường Phật học hay trung tâm thiền… mọc lên lâu nay và hiện tại đang có xu hướng phát triển trở lại do nhu cầu thiết thực của xã hội. Những tệ nạn và cả những sự xuống cấp về đạo đức mà không có một chủ thuyết hay sự trừng phạt nào đủ sức thuyết phục, cải biến con người bằng giáo lý Phật đà vừa mềm mỏng, vừa hùng hồn minh chứng cho mỗi người ngộ ra cái phần Phật tánh bên trong sáng suốt chính là giá trị nhân bản hướng tới.
Thêm vào đó, những giáo lý vô thường, nhân quả xác định một cách đương nhiên không thể chối cãi mà Phật dạy cho nhiều người tìm về nhằm tự kỷ với chính mình để đi tới chân-thiện-mỹ, đạt được sự giải thoát (an vui trong hiện tại) chính là những bài học căn bản xem ra được sự đồng cảm của xã hội. Và chính vì thế mà chư tôn đức cũng như nhà lãnh đạo đất nước đã cùng ngồi vào bàn và chọn đối tượng trẻ em để lắng nghe, để gửi gắm thông điệp yêu thương, chia sẻ, hầu tưới tẩm trong thế hệ tương lai những hạt giống thiện lành.
Từng chương trình từ thiện, từng khóa tu đầy tính nhân văn, khoa học (như xốc gốc rễ thương yêu là tình mẹ, tình cha nơi các em nhỏ, bạn trẻ, truyền đạt những bài học đạo đức, làm người căn bản như thương người, thương vật, thật thà, khiêm tốn… vốn đã được Phật dạy hàng ngàn năm trước) đã được các phụ huynh tin tưởng, trao gửi con mình tới chùa, tới mái trường mầm non do Phật giáo tổ chức đào tạo… Đó cũng chính là cơ hội để cho chư tôn đức trẻ dấn thân hành đạo, bước vào một mảng mới - đào tạo, cải biến, khuyến hóa con người thắp những ngọn đuốc trí-bi có sẵn trong mình bằng sự diệu dụng của giáo lý Phật dạy.
Từ những sự kiện liên tiếp hướng về trẻ em gần đây cho chúng tôi suy nghĩ như vậy, như một niềm tin gửi gắm và cũng là niềm vui xin được tỏ bày!
Lưu Đình Long
---------------
* Bài vở cộng tạc xin vui lòng gửi về: phatgiaovatuoitre@gmail.com.