Phật giáo hồi sinh ở Mông Cổ

Tu viện Dayan Derkh
Tu viện Dayan Derkh
GNO - Trải qua biết bao biến cố hưng vong, thịnh suy theo vận mệnh của đất nước, Phật giáo ở Mongolia (Mông Cổ) đã từng bước hồi sinh, phát triển trở lại.

Chỉ tính từ ngày quốc gia độc lập cho đến nay mà đã có hơn 200 tu viện được xây dựng hoặc mở cửa trở lại, nhiều ngôi chùa, Tinh xá đang còn xây dựng, hàng ngàn người xuất gia, hành đạo, truyền bá chánh Pháp, cũng như khôi phục các di sản tôn giáo, trùng tu các tu viện cổ xưa trong quốc gia du cư này.

Điều đáng chú ý nhất của Phật giáo Mongolia trong thời gian qua là đã thành lập Hội Phật giáo Á châu vì Hòa bình (viết tắt ABCP) năm 1970, trụ sở đặt tại Ulan Bator, Mongolia với nhiều quốc gia tham dự như: Tây Tạng, Ấn Độ, Nga, Sri Lanka, Việt Nam, Nhật Bản, Bangladesh, Hàn Quốc, Hồng Kông, Lào, Singapore, Thái Lan… Hội này do Lạt Ma Gamboja (1901-1980), người Mongolia , trụ trì tu viện Gandatechebling sáng lập. Mục đích của Hội là kêu gọi, vận động các cường quốc trên thế giới từ bỏ vũ khí hạt nhân. Hội ABCP cũng phát hành được tạp chí "Buddhist for peace" bằng tiếng Anh để truyền bá lời Phật dạy ngõ hầu xoa dịu nổi thống khổ, mang lại hạnh phúc an vui cho mọi người. Bên cạnh đó, Phật giáo Mongolia còn có nhiều tổ chức, Hội đoàn nổi tiếng như: Trung tâm nghiên cứu văn hóa Phật giáo, Viện triết học Đông phương, Hội thân hữu thanh niên Phật tử thế giới, đại học Phật giáo Zanabazar, tu viện Dayan Derkh, tu viện Gandantegchinleng…

Phật giáo du nhập đến Mongolia vào khoảng thế kỷ thứ IV tr. TL, bằng con Đường Tơ Lụa. Hiện nay, Phật giáo Mongolia có rất nhiều truyền thống khác nhau gồm: Nguyên Thủy, Đại Thừa, Mật Tông…, nhưng chiếm ưu thế nhất là Phật giáo Tây Tạng. So với con số thống kê của những năm đầu thập niên 1920, số lượng Phật tử, tu viện, chùa chiền ngày nay vẫn chưa đuổi kịp con số đó. Nhưng theo đà phát triển trong những năm qua, không bao lâu nữa, Phật giáo Mongolia sẽ trở nên hưng thịnh, không thua gì những quốc gia Phật giáo khác. Hiện tại, Mongolia có hơn 3.000 sinh viên tu sĩ đang được đào tạo để trở thành các nhà truyền đạo, thuyết pháp trong tương lai.

Đại diện tu viện Gandantegchinleng, Lạt Ma Amgalan cho biết: "Trong suốt nhiều thập niên qua, người dân Mongolia mất đi các truyền thống niềm tin tôn giáo của mình. Họ được hấp thụ một hệ thống mới, và được truyền dạy Phật giáo theo đường lối tiêu cực, không đúng sự thật…thế nhưng nhờ sự hổ trợ bên ngoài và sự tìm cầu chân lý của chư vị Tăng Ni, họ đã xuất ngoại ra các nước Phật giáo để học hỏi và duy trì cho đến ngày hôm nay." Ngoài ra, một sự kiện khác để Phật giáo Mongolia phát triển mạnh là nhờ công lao của đức Dalai Lama thứ XIV đã đến thuyết giảng ở Mongolia năm 1982. Trong hội Pháp này, ngài đã ấn chứng cho hơn 140 vị Lạt Ma thuộc nhiều tu viện và hơn 20 nghìn Phật tử lĩnh hội được giáo Pháo Mật Tông của Tây Tạng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.