Phật giáo Hậu Giang phát triển dựa trên tinh thần kế thừa

Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Hậu Giang tổ chức lễ khai giảng Khóa An cư kiết hạ Phật lịch 2565 - 2021
Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Hậu Giang tổ chức lễ khai giảng Khóa An cư kiết hạ Phật lịch 2565 - 2021
0:00 / 0:00
0:00
GN - Trong tiến trình hình thành và phát triển của Phật giáo Hậu Giang, các bậc tiền bối đã gia tâm kiến tạo nên tiền đề, nền móng vững chắc cho Phật giáo tỉnh từng bước hoàn thiện và phát triển.

Có 3 vị giáo phẩm đã đóng góp rất quan trọng đối với quá trình xây dựng, phát triển của GHPGVN tỉnh Hậu Giang, đó là Hòa thượng Thích Huệ Giác, Hòa thượng Thích Giác Thuần và Hòa thượng Thích Huệ Đức.

Kể từ khi đơn vị hành chính tỉnh hậu Giang được tái lập vào năm 2004, chư vị giáo phẩm nêu trên đã góp phần kiện toàn nhân sự Phật giáo tỉnh, tạo sự ổn định trong công tác Phật sự của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hậu Giang. Từ nền tảng này, Phật giáo tỉnh Hậu Giang đã hoạt động nhịp nhàng và có những bước tiến mới trong thực hiện chính sách liên quan đến công tác quản lý các cơ sở tự viện, hỗ trợ Tăng Ni trong tỉnh. Có thể nói, những cống hiến cho Giáo hội và Phật giáo tỉnh Hậu Giang của chư vị Hòa thượng tiền bối vô cùng to lớn, là động lực cho các thế hệ hậu lai tiếp bước phát triển.

Thượng tọa Thích Phước Thành, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hậu Giang

Thượng tọa Thích Phước Thành, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hậu Giang

Tổng kết về hoạt động của Phật giáo tỉnh Hậu Giang trong nhiệm kỳ vừa qua, Thượng tọa Thích Phước Thành, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hậu Giang, Phó Thường trực Ban Tổ chức Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh nhiệm kỳ 2022-2027 cho biết, từ nền tảng có được trong những giai đoạn phát triển ban đầu, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ đã cố gắng khắc phục khó khăn, tranh thủ thời cơ, đoàn kết nội bộ. Đối với các Phật sự lớn, Ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đều tổ chức trao đổi, bàn bạc trên tinh thần dân chủ trước khi đưa ra thực hiện.

Trong nhiệm kỳ qua, GHPGVN tỉnh Hậu Giang được sự quan tâm chỉ đạo của Thường trực Hội đồng Trị sự, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan chính quyền từ Trung ương đến địa phương, nhờ đó tập thể Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đã hoàn thành nhiều công tác quan trọng. Điển hình như đã tổ chức thành công Đại giới đàn năm 2018, truyền trao giới pháp cho hơn 600 giới tử; hợp thức hóa hành chính cho 12 ngôi chùa; bổ nhiệm 11 vị trụ trì; trùng tu, tái thiết hơn 20 ngôi tự viện.

Ban Từ thiện xã hội Phật giáo tỉnh đã xây dựng 98 ngôi nhà tình thương, khoan gần 400 cây nước để cung cấp nước sạch cho bà con địa phương, đóng góp ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, quỹ người già neo đơn, cứu trợ thiên tai bão lũ và nhiều hoạt động an sinh xã hội khác với giá trị hàng chục tỷ đồng.

Đặc biệt, trong những năm cuối nhiệm kỳ, dù phải chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tập thể Ban Trị sự cùng với trụ trì các cơ sở tự viện trong toàn tỉnh đã ủng hộ trang thiết bị, nhu yếu phẩm cho tuyến đầu chống dịch, tặng quà, thuốc, giải cứu rau củ quả, tặng các suất cơm cho bà con ở các khu cách ly, các bệnh viện với kinh phí trên 7 tỷ đồng. Nhiệm kỳ 2017-2022, các cơ sở tự viện trong tỉnh đã thực hiện công tác an sinh xã hội với tổng kinh phí trên 92 tỷ đồng.

* Trong nhiệm kỳ qua, sau gần 5 tháng đảm nhiệm Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hậu Giang, Hòa thượng Thích Huệ Đức đã viên tịch, Hòa thượng Giác Giàu sau đó được Trung ương chuẩn y đảm nhận Trưởng ban Trị sự điều hành Phật sự vào ngày 25-7-2018. Tới ngày 25-8-2020, quyết định bổ nhiệm Phó Thường trực Phật giáo tỉnh mới được trao. Với sự biến động liên tục về nhân sự lãnh đạo chủ chốt như vậy, công tác điều hành Phật sự của Phật giáo tỉnh có khó khăn gì không, thưa Thượng tọa?

- Có thể nói, bước đầu trong công tác điều hành Phật sự cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, được sự chỉ đạo của chư tôn đức trong Thường trực Hội đồng Trị sự, sự giúp đỡ nhiệt tình của các thành viên trong Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, đến nay, công tác điều hành Phật sự đã đi vào sự ổn định với tinh thần đoàn kết, nhất trí. Với vai trò là Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, bản thân tôi luôn tâm nguyện sẽ thừa kế những nền tảng mà các bậc tiền bối đi trước đã tạo dựng. Song song đó, sẽ có nhiều điểm đổi mới trong các công tác điều hành Phật sự và quản lý nhân sự để phù hợp với Hiến chương Giáo hội, đưa Phật giáo tỉnh Hậu Giang sang một bước tiến mới.

Hậu Giang hiện có 80 tự viện, gồm 44 chùa Bắc tông, 15 chùa Phật giáo Nam tông Khmer, 6 tịnh xá, 8 tịnh thất, 2 niệm Phật đường, 5 điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung, 20 cơ sở đang làm thủ tục xin hợp thức hóa; Với 362 Tăng Ni trong đó có 234 vị Bắc tông, 73 vị Nam tông Khmer, 54 vị Khất sĩ.

Phật giáo tỉnh hiện có 1 tiến sĩ Phật học, 5 thạc sĩ, cử nhân Phật học 14 vị, cao đẳng 21 vị, trung cấp Phật học 26 vị; riêng Phật giáo Nam tông Khmer có 3 vị thạc sĩ, cử nhân 3 vị, trung cấp Pāli 5 vị, sơ cấp Pāli 10 vị. Đặc biệt trong nhiệm kỳ có 6.751 Phật tử quy y và 42 Phật tử phát nguyện xuất gia.

Với Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hậu Giang, khó khăn lớn nhất đó là cơ sở vật chất. Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh hiện đặt tại chùa Quốc Thanh quá chật hẹp, chỉ có 38m2 nên sinh hoạt cũng bị hạn chế, nhất là khi mời các vị trụ trì về sinh hoạt không có chỗ nghỉ ngơi…

* Hướng phát triển trong nhiệm kỳ 2022-2027 sẽ chú trọng đến những hoạt động Phật sự trọng tâm nào thưa Thượng tọa?

- Trong nhiệm kỳ 2022-2027, Phật giáo tỉnh Hậu Giang sẽ chú trọng tăng cường sự lãnh đạo của Ban Trị sự, chức năng giám sát, hỗ trợ của các ban chuyên ngành đối với các hoạt động Phật sự chung của Phật giáo tỉnh nhà. Thường trực Ban Trị sự duy trì các phiên họp hàng tháng trên tinh thần hòa hợp, xây dựng theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách theo Hiến chương Giáo hội.

Đặc biệt, Ban Trị sự sẽ lên kế hoạch trong nhiệm kỳ 2022-2027 vận động xin quỹ đất 5.000m2, xây dựng chùa Tỉnh Hội - Trụ sở Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hậu Giang để Phật giáo tỉnh có cơ sở sinh hoạt Phật sự ổn định, đồng thời, củng cố xây dựng và phát triển giáo dục đào tạo một thế hệ Tăng Ni trẻ có đầy đủ đạo hạnh và năng lực, có trình độ Phật học, biết vận dụng Chánh pháp để làm lực lượng kế thừa. Bên cạnh đó, Ban Trị sự cũng đẩy mạnh các hoạt động từ thiện xã hội, tham gia tốt vào công tác an sinh xã hội, chú trọng tới công tác hoằng pháp, hướng dẫn Phật tử cho đồng bào vùng sâu, vùng xa và nhất là thanh thiếu niên.

* Trong quy hoạch nhân sự dự kiến nhiệm kỳ 2022-2027, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh có sự trẻ hóa về độ tuổi, đầy đủ hệ phái và có thể tiếp nối Phật sự nhiệm kỳ sau không, thưa Thượng tọa?

- Với định hướng ổn định kế thừa và phát triển, Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh thực hiện theo sự hướng dẫn của Trung ương Giáo hội, tổ chức các phiên họp để giới thiệu các nhân sự có đầy đủ phạm hạnh, trình độ Phật học, thế học, phân công các nhiệm vụ phù hợp với khả năng theo Hiến chương quy định.

Ban Trị sự Phật giáo tỉnh bổ nhiệm các ban ngành trực thuộc với thành phần tiêu biểu, đầy đủ năng lực và uy tín, đảm bảo việc phân công, phân nhiệm đúng người, đúng nhiệm vụ, cơ cấu những Tăng Ni trẻ hội đủ các tiêu chuẩn để tăng thêm hiệu năng hoạt động và hoàn thành tốt các Phật sự.

Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hậu Giang đã cơ cấu thành phần nhân sự tương đối trẻ làm công tác hành chính, văn phòng, tham mưu, giúp việc cho chư tôn đức giáo phẩm lãnh đạo giàu kinh nghiệm nhưng lớn tuổi. Nhiều vị Tăng Ni với tuổi đời rất trẻ nhưng có năng lực cũng được quan tâm bố trí công việc.

Chân thành cảm ơn Thượng tọa!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.