Phật giáo Cao Bằng: Định hình những bước đi đầu tiên

GN - PG Cao Bằng không nhiều điều kiện thuận lợi nhưng đã cho thấy sự phục hồi sau 7 năm gầy dựng.

Hồi sinh

Ngày 1-10-2004 đánh dấu cho sự hồi sinh của Phật giáo tại Cao Bằng khi Trung ương Giáo hội cùng với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng tiến hành các thủ tục hành chính thành lập Ban đại diện Phật giáo tỉnh Cao Bằng.

Và vào ngày 15-7-2005, tức sau 9 tháng 15 ngày làm việc khẩn trương nghiêm túc, với sự giúp đỡ của ban ngành từ trung ương tới đến địa phương, Ban Đại diện Phật giáo tỉnh Cao Bằng đã làm lễ ra mắt trước sự quang lâm và chứng minh của chư tôn đức Tăng Ni và các đại biểu các cấp cùng quý vị Phật tử  xa gần.

Theo HT. Thích Gia Quang, Phó Tổng thư ký kiêm Chánh Văn phòng I, Chánh Đại diện Phật giáo tỉnh Cao Bằng, đây là nguồn đông viên to lớn đối với Tăng Ni, tín đồ của tỉnh trong công cuộc phụng sự Đạo pháp và dân tộc sau nhiều năm thiếu vắng ánh sáng chánh pháp.

Hinh - Hoang Tuan.jpg

Đại lễ Phật đản 2010 tại tỉnh Cao Bằng - Ảnh: Hoàng Tuấn

HT. Thích Gia Quang cho biết, kể từ đó, Ban Đại diện đã cụ thể hóa chương trình công tác Phật sự, vận động Tăng Ni, Phật tử với tinh thần đoàn kết hòa hợp, tham gia các hoạt động theo phương châm “tốt Đời - đẹp Đạo” góp phần xây dựng tỉnh Cao Bằng nói chung và Phật giáo tỉnh nói riêng ngày một sương minh.

Dù cơ sở vật chất còn nghèo nàn đường đi lại xa xôi và khó khăn, việc hướng dẫn sinh hoạt tín ngưỡng cho nhân dân gặp nhiều hạn chế nhưng Ban Đại diện đã nổ lực không ngừng củng cố, kiện toàn và thỉnh sư về trụ trì, xây dựng cơ sở tự viện, hướng dẫn bà con Phật tử sinh hoạt Phật Pháp đúng chính pháp và pháp luật. Nhờ vậy, đến nay tỉnh Cao Bằng đã phục hồi sinh hoạt được 6 ngôi chùa, trong đó 4 ngôi chùa được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa các cấp, có 5 vị Tăng Ni sinh hoạt thường xuyên, bổ nhiêm trụ trì được 2 chùa.

Đầu tư cho sự tu học

Kể từ khi hình thành, Ban Đại diện Phật giáo và chư Tăng Ni trong tỉnh đã bắt tay vào hướng dẫn bà con Phật tử sinh hoạt, tu học nề nếp theo đúng tinh thần của Đạo Phật, xa lìa hủ tục mê tín dị đoan, không đốt vàng mã …

Trên tinh thần “dẫn nhân nhập đạo”, từ năm 2006 HT.Thích Gia Quang và chùa Đống Lân đã tổ chức quy y khoảng 1.000 Phật tử địa phương. Các đạo tràng tu học cũng được thành lập tại các chùa như: đạo tràng Dược sư chùa Phố Cũ, đạo tràng Tịnh độ chùa Đống Lân… Vào các ngày 30, ngày 1, ngày 15 hàng tháng, hoặc vào những buổi lễ lớn như lễ Phật Đản, lễ Vu Lan Báo Hiếu hay lễ hội truyền thống hàng năm đều tổ chức thuyết giảng Phật pháp cho Phật tử, tạo nên không khí tích cực tu học Phật pháp, phát huy chính tín, chính kiến cho các Phật tử.

Song song đó, Ban Trị sự cũng vận động hàng trăm đầu sách với số lượng hàng ngàn quyển, Tăng Ni trụ trì đã khéo léo vận dụng công nghệ khoa học kỹ thuật vào việc hoằng pháp bằng phương pháp giáo dục trực quan như mở chiếu băng đĩa CD, DVD bằng ti vi, đài với nội dung Phật pháp, khiến cho tín đồ Phật tử nhận ra giáo lý của đạo Phật. Một số chùa đã có tủ kinh, tủ sách với nhiều đầu sách phong phú giúp tín đồ Phật tử đến chùa đọc sách nghiên cứu Phật học được thuận tiện hơn.

Với những nổ lực trên, Phật giáo Cao Băng tuy mới 7 năm hội nhập với cả nước đã tho thấy sự phát triển đáng ghi nhận. Vì số lượng chư Tăng Ni ít nên phải sự dụng nhiều hình thức khác nhau định hình những hướng đi đúng đăng ban đầu để xây dựng niềm tin, duy trì mạng mạch đạo pháp. Tất cả điều đó bắt nguồn từ tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau tu tập của Tăng Ni, Phật tử toàn tỉnh.

Tuy vậy, HT. Thích Gia Quang cũng nhìn nhận, Phật giáo Cao Bằng còn đối mặt với nhiều thách thức như: năng lực trình độ về Phật pháp và công tác hành chính còn hạn chế; địa bàn rộng nhưng có số lượng chùa ít, chư Tăng Ni thưa thớt; nhiều nơi Phật tử còn thiếu kinh sách… Những trở ngại này cần phải vượt qua trong thời gian tới để đưa Phật giáo vùng địa đầu tổ chức bước lên một tầm cao mới.

Cao Bằng là một tỉnh miền núi thuộc vùng Đông Bắc, thuộc vùng sâu, vùng xa có biên giới chung với nước bạn Trung Quốc, diện tích tự nhiên khoảng 6.724 km², dân số khoảng 519.042 người (năm 2009) trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số lại chiếm trên 94%.

Toàn tỉnh có 6 ngôi chùa, 5 vị Tăng Ni và gần 10.000 Phật tử. 7 năm qua, Phật giáo tỉnh đã tổ chức trùng tu các chùa bị hư hoại và bổ nhiệm trụ trì, tổ chức trang nghiêm Đại lễ Phật Đản, Vu Lan và lễ cầu siêu tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh; thực hiện làm công tác từ thiện lên tới trên 1 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.