Chia sẻ với báo Giác Ngộ trước thềm đại hội, Hòa thượng Đào Như, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.Cần Thơ, Trưởng ban Tổ chức Đại hội nói về những thành tựu Phật sự nổi bật nhiệm kỳ 2017-2022:
- Cần Thơ hiện có 167 cơ sở tự viện và điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung với số lượng là 667 Tăng Ni. An cư kiết hạ hàng năm đều được tổ chức trang nghiêm tại các quận, huyện trong thành phố. Ban Trị sự đã tổ chức được Đại giới đàn Chơn Đức và Thiện Tâm để truyền trao giới pháp của Như Lai cho hàng Tăng Ni hậu học.
Thành phố có Trường Trung cấp Phật học với 2 hệ đào tạo: Lớp Trung cấp Phật học đặt tại chùa Phước Long (quận Cái Răng) và Lớp Cao đẳng chuyên khoa Phật học đặt tại chùa Long Quang (quận Bình Thủy); 308 Tăng Ni sinh hệ trung cấp, 148 Tăng Ni sinh cao đẳng chuyên khoa Phật học hoàn thành chương trình đào tạo và tổ chức trao bằng tốt nghiệp trong nhiệm kỳ, đã khai giảng Lớp Trung cấp Phật học khóa IV, Lớp Cao đẳng chuyên khoa Phật học khóa III.
TP.Cần Thơ có 12 chùa Nam tông Khmer với tổng 130 sư sãi; trong hoạt động Phật sự bên cạnh việc tu học theo truyền thống của hệ phái, các chùa luôn duy trì những lễ hội đặc trưng góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của Phật giáo Nam tông Khmer như Chôl Chnăm Thmây, Sene Đôn ta, Ok Om Bok, dâng y Kathina... Việc xuất gia tu học theo truyền thống trong thanh thiếu niên Khmer cũng được quan tâm đặc biệt, ngoài ra các lớp học sơ cấp Pali - giáo lý, các lớp Khmer ngữ tại các điểm chùa được duy trì, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa trong đồng bào Khmer.
Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại TP.Cần Thơ thành lập năm 2006 theo Quyết định số 171 của Ban Tôn giáo Chính phủ và quyết định nhân sự của Hội đồng Điều hành Học viện tại Công văn 473 của Hội đồng Trị sự đến nay đã đào tạo nhiều khóa với hàng trăm Tăng sinh tốt nghiệp. Từ năm 2016 liên kết với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đào tạo cử nhân, sau đó là cao học chuyên ngành Tôn giáo học.
Theo tinh thần từ bi của người con Phật, đồng thời phát huy truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, trong nhiệm kỳ qua, các tự viện đã tích cực thực hiện các công tác từ thiện xã hội bằng nhiều hình thức tịnh tài, tịnh vật cho bà con có hoàn cảnh khó khăn ở nhiều địa phương trong và ngoài thành phố.
Đặc biệt, trong thời gian cả thành phố bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, Ban Trị sự GHPGVN TP.Cần Thơ, các cơ sở tự viện tại 9 quận, huyện đã thực hiện nhiều công tác phối hợp giữa Phật giáo thành phố với các cơ quan, ban ngành tích cực ủng hộ cho công tác phòng chống dịch với gần 270 tấn gạo, 320 tấn rau củ, 9.000 thùng mì, 3.000 thùng sữa tươi, cùng nhu yếu phẩm, vật tư y tế, quỹ vắc-xin phòng, chống dịch... với kinh phí khoảng 9 tỷ đồng. Ngoài ra, hỗ trợ 15.000 túi thuốc điều trị F0 tại nhà với kinh phí trên 1 tỷ đồng. Công tác Từ thiện - Xã hội của Ban Trị sự Phật giáo TP.Cần Thơ nhiệm kỳ 2017-2022 đạt trên 147 tỷ đồng.
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân, Ủy ban MTTQVN, Ban Dân vận Thành ủy, Công an thành phố Cần Thơ đã tặng nhiều bằng khen, giấy khen để ghi nhận những đóng góp về các công tác an sinh xã hội. Đặc biệt, Phật giáo TP.Cần Thơ đón nhận Huân chương Lao động hạng ba của Chủ tịch nước, Bằng khen của Ủy ban Trung ương MTTQVN, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
* Bên cạnh những thành tựu Phật sự đạt được, theo Hòa thượng trong nhiệm kỳ 2017-2022, có những hạn chế, tồn đọng nào trong hoạt động Phật sự?
- Với sự quan tâm chỉ đạo từ Hội đồng Trị sự, sự tạo điều kiện của các cấp lãnh đạo TP.Cần Thơ, cùng sự đồng tình ủng hộ của chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử các tự viện, Ban Trị sự GHPGVN TP.Cần Thơ nhiệm kỳ 2017-2022 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, mặc dầu vẫn còn một số Phật sự tồn đọng.
Nổi cộm hơn là đó là việc giải quyết một số vấn đề còn chậm do hạn chế khách quan về nhân sự của một số cơ sở tự viện tại các quận, huyện.
Bên cạnh đó, phải nói rằng các ban chuyên trách chưa thật sự phát huy hết chức năng, nhiệm vụ trong công tác chuyên ngành, quy chế hoạt động, chế độ hội họp, báo cáo, văn bản của các ban chuyên môn... cũng chưa nhất quán theo quy định của ban, viện Trung ương đã đề ra.
Ban Trị sự các quận, huyện còn hoạt động rời rạc, một số tự viện còn hoạt động riêng lẻ chưa liên hệ tốt với Giáo hội cấp quận, huyện trong công tác Phật sự. Sự kết nối giữa cơ quan, ban ngành địa phương với Ban Trị sự các quận, huyện còn hạn chế, chưa đồng bộ, đồng thời sự thay đổi thường xuyên cán bộ phụ trách công tác tôn giáo ở địa phương cũng là nguyên nhân khó khăn khách quan trong công tác phối hợp, cán bộ mới khi nhận nhiệm vụ chưa có sự chủ động kết nối với Ban Trị sự quận, huyện trong công tác chuyên môn.
* Dự kiến chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ 2022-2027 của Ban Trị sự GHPGVN TP.Cần Thơ sẽ hướng đến những Phật sự trọng tâm nào, thưa Hòa thượng?
- Nhằm kế thừa và phát huy thành quả của nhiệm kỳ 2017-2022, đồng thời phát huy truyền thống đoàn kết hòa hợp theo phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, Ban Trị sự GHPGVN TP.Cần Thơ nhiệm kỳ 2022-2027 sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết hòa hợp trong nội bộ, đoàn kết tôn giáo để hoàn thành các hoạt động Phật sự góp phần đưa GHPGVN ngày càng phát triển bền vững về mọi mặt trong lòng dân tộc.
Ban Trị sự cũng sẽ kiện toàn tổ chức nhân sự các quận, huyện trực thuộc, các ban chuyên trách, chú ý đến cơ cấu thành phần nhân sự các hệ phái Phật giáo, có chuyên môn, có năng lực, có điều kiện hoạt động để phát huy hiệu quả công tác; đồng thời tiếp tục hỗ trợ Phật giáo Nam tông Khmer thực hiện các hoạt động Phật sự theo truyền thống hệ phái, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực kế thừa theo định hướng lâu dài. Chắc chắn Ban Trị sự sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng thực hiện tốt chủ trương chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, bảo vệ an ninh Tổ quốc…