Phật đản của tuổi thơ

Em Tắm Phật
Em Tắm Phật
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Tiếng trống lân vang lên liên hồi báo hiệu lễ Phật đản bắt đầu, các em nhỏ ở ấp Đồng Hòa, xã Long Hòa, H.Cần Giờ truyền tai nhau “Phật đản tới rồi”, rủ nhau nhanh chân về chùa Phước Hải.

Sân chùa mỗi lúc một đông các Phật tử nhí. Tiếng trẻ em háo hức, những tràng pháo tay liên hồi góp phần cho Đại lễ Phật đản vùng biển H.Cần Giờ thêm rộn ràng, hân hoan.

Thiêng liêng ngày lễ Phật đản

Buổi lễ Phật đản tại chùa Phước Hải bắt đầu lúc 18g ngày 11-4-Giáp Thìn, nhưng từ lúc 12g30, các cô bác Phật tử từ thị trấn Cần Thạnh, người dân ở ấp Đồng Hòa và bọn con nít đã về chùa đông đủ, cùng nhau thiết trí lễ đài, kết hoa và làm nến cúng dường buổi lễ. Lễ Phật đản ở đây ấm áp và nghĩa tình khi mọi người đều chung tay, từ cô bác trung niên, thanh thiếu niên, đến các em nhỏ.

Lễ Phật đản đúng chất cây nhà lá vườn, hơn 3.500 ngọn nến bơ thắp sáng trong lễ Phật đản được Phật tử đến chùa làm. Ngoài những loại hoa phải mua như hoa lài, hoa hồng, hoa huệ thì còn lại đều là hoa trái bà con Phật tử đi hái, đi xin để đem về chùa thiết trí lễ đài. Đại đức Thích An Đạo, trụ trì chùa Phước Hải cho biết: “Mùng 8-4 thông báo 11-4 lễ Phật đản là bà con ở đây hào hứng đăng ký con phụ cái này, con phụ cái kia, có cô đăng ký nấu ăn, có cô đăng ký đảm nhiệm về hoa, rồi nhiều cô bác đăng ký về chùa làm nến, các em nhỏ đăng ký múa lân để phục vụ Phật tử nhí trong xóm. Không khí rất vui tươi và mọi người rất hân hoan. Lễ Phật đản như ngày lễ hội”.

Không khí đón mừng Phật đản hân hoan tại chùa Phước Hải
Không khí đón mừng Phật đản hân hoan tại chùa Phước Hải

Nôn nao, háo hức trong ngày này có lẽ là lũ trẻ trong xóm. Giữa cái nắng ban trưa của vùng biển, các em nhỏ đạp xe đi quanh xóm xin hoa sứ, hái những chùm hoa thật đẹp đem về chùa cho các cô, các chị khéo tay kết thành tràng hoa dâng Phật. Cứ vài phút là đội múa lân do các em trong xóm phụ trách cứ chạy vào chánh điện để xem công tác thiết trí đã hoàn tất hết chưa, càng về xế chiều thì các em càng nôn nao nhiều hơn. Bởi, chỉ cần lễ đài ở chánh điện thiết trí xong là các em được múa lân, được biểu diễn cúng dường, chào đón Phật đản.

Trước giờ diễn ra lễ, các em trong đội lân còn đi vòng quanh xóm, nhắn các em nhỏ “gần tới giờ rồi nha, chuẩn bị về chùa nha”. Khi cái nắng buổi chiều lắng xuống, âm thanh trống và nhạc vang lên, các em nhỏ trong xóm lũ lượt gọi nhau về chùa, để xem múa lân, để xem lễ Phật đản. Nhiều người dân cũng gác lại công việc ở làng chài, về nhà sớm hơn mọi khi để đưa con trẻ về chùa dự ngày vui.

Hân hoan cùng lễ Tắm Phật

Trước khi lễ Tắm Phật được diễn ra, ngoài tụng kinh mừng Khánh đản, Đại đức Thích An Đạo đã hướng dẫn đại chúng cùng thiền buông thư, quán niệm hơi thở, hướng về Đức Từ phụ Thích Ca với trọn lòng biết ơn và phát nguyện lấy Chánh pháp làm ngọn đèn để soi sáng tự thân. Các bạn trẻ, các em thơ được mẹ ôm trong lòng đều ngồi ngay ngắn, cùng thực tập và làm theo lời thầy hướng dẫn, với trọn tấm lòng thành.

Hơn 400 Phật tử và người dân trở về chùa Phước Hải tham dự lễ Phật đản. Nhiều cô bác, anh chị Phật tử ở thị trấn Cần Thạnh, cách chùa Phước Hải cả chục km đã chở con, cháu về chùa trong ngày lễ này, gửi gắm trong đó là những niềm thương, sự biết ơn và hướng thiện.

Lễ Mộc dục tại chùa Phước Hải - ngôi chùa nhỏ ở vùng biển H.Cần Giờ
Lễ Mộc dục tại chùa Phước Hải - ngôi chùa nhỏ ở vùng biển H.Cần Giờ

Điều khiến mọi người xúc động hơn hết là, các bậc phụ huynh cũng hồi hộp, chờ đợi đến lượt cằm tay hướng dẫn con thực hiện nghi thức Tắm Phật. Khi con cử hành xong nghi lễ, từ trong ánh mắt và gương mặt của các phụ huynh đều lan tỏa niềm hạnh phúc. Chị Hoa, mưu sinh bằng nghề đánh bắt và nuôi thủy hải sản bộc bạch: “Hôm nay mình đưa các con về chùa để làm lễ Phật đản và cầu mong bình an đến với cả nhà. Ở nhà hay đi biển mình đều có niệm Phật, cả nhà mình đều tín tâm và nương tựa Phật”.

Không chỉ các em nhỏ, mà các bạn trẻ đi một mình về chùa tắm Phật cũng bày tỏ nhiều niềm vui. An Phúc, 13 tuổi cho biết: “Hôm nay con về chùa tắm Phật, con đi một mình nhưng con đại diện làm lễ cho bốn người trong nhà con. Vì đông quá nên con tắm Phật một lần chứ ý định của con là phải tắm Phật bốn lần. Con cầu nguyện cho con học giỏi, cầu Phật gia hộ cho cả gia đình con mạnh khỏe”. Khi tắm Phật xong ở chánh điện, Phúc còn xin thắp sáng một ngọn đèn bơ ở phía trước lễ đài, để cúng dường lên Đức Phật.

“Năm nào đến mùa Phật đản hoặc mùa Vu lan, thầy đều tổ chức nhiều hoạt động tu học và thiết lễ, người dân từ lớn tuổi đến trẻ con rất thích. Thầy giữ cho người dân nơi đây nếp xưa, giữ văn hóa nghĩa tình của làng quê. Hễ chùa có lễ là mỗi người đều chung tay thiết lễ, phụ nhà chùa nấu ăn, gói bánh để mời bà con về chùa dự lễ, nó thấm được cái tình, quý ở cái tình.

Có nhiều người sẵn sàng nghỉ nửa ngày làm để về chùa phụ việc, vì đem đến nhiều niềm vui và an lạc như vậy. Cá nhân tôi hôm nay cũng xin nghỉ nửa ngày, từ Q.7 trở về xóm nhỏ, mừng Phật đản cũng vì điều đó. Điều vui nhất ở vùng biển này là Phật pháp ngày càng được lan tỏa, thấm sâu vào thế hệ trẻ, những ngày lễ lớn của Phật giáo, không chỉ người lớn mà rất đông người trẻ, con nít về chùa. Đó là sự kế thừa, tiếp nối, là hạnh phúc của người dân nơi đây”, chị Thúy An, thị trấn Cần Thạnh.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.