Trong số những hình tượng trong Phật giáo, Bồ-tát Quán Thế Âm được người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng tôn kính và phụng thờ bậc nhất. Trước hết có lẽ vì Bồ-tát Quán Thế Âm là biểu hiện của tình thương, của lòng từ bi cao tột, với hạnh nguyện “tầm thanh cứu khổ” khiến cho con người tìm sự chở che nơi ngài, đặc biệt trong những lúc khốn khó, cùng quẫn nhất.
Trong văn hóa của các quốc gia theo Phật giáo ở Á Đông, hình tượng Bồ-tát Quán Thế Âm được thể hiện dưới hình thái của người nữ, một hình ảnh hết sức gần gũi và thân thương. Sự gần gũi, thân thương ấy được thể hiện rõ ràng nhất qua cách mà người Việt thường gọi Bồ-tát Quán Thế Âm là “Mẹ”, “Phật Bà”.
Phật Bà Nghìn mắt nghìn tay chùa Đào Xuyên (Hà Nội) có niên đại từ thế kỷ XVI. Tượng có tổng chiều cao 2,55m với 42 tay lớn và 652 tay nhỏ kết thành thân quang hình rẻ quạt rộng 1,55m. Tượng được công nhận Bảo vật quốc gia năm 2015. |
Cũng chính bởi gắn liền với đời sống dân tộc, trong những ngôi chùa cổ, hình tượng Bồ-tát Quán Thế Âm được thể hiện phong phú qua nghệ thuật điêu khắc tạo hình. Đặc biệt, ở những ngôi chùa cổ thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, địa bàn cư trú lâu đời nhất của người Việt, hình tượng Bồ-tát Quán Thế Âm xuất hiện trong rất nhiều hình thái khác nhau, đã trở thành di sản tinh thần vô giá. Trong số đó, hình tượng Quan Âm Thiên thủ thiên nhãn, hay còn được gọi nôm na là Phật Bà Nghìn mắt nghìn tay, chiếm một vị trí đặc biệt, với nghệ thuật tạo hình đạt đến độ chuẩn mực, tinh xảo.
Ngoài tượng tượng Phật Bà Nghìn mắt nghìn tay chùa Bút Tháp được biết đến khá nhiều, trở thành một trong số những bảo vật quốc gia nổi bật, cũng còn một số pho tượng Phật Bà Nghìn mắt nghìn tay khác cũng không kém đặc sắc về mặt nghệ thuật. Đơn cử có thể kể đến tượng Phật Bà Nghìn mắt nghìn tay chùa Mễ Sở, chùa Đào Xuyên, chùa Hội Hạ.
Về hình thức, giống như cách gọi, những pho tượng Bồ-tát Quán Thế Âm nói trên đều bằng gỗ sơn son thếp vàng được tạo tác với tỷ lệ cực kỳ cân đối. Tượng thể hiện dưới dạng thức đồng nhất là một người nữ, mình đeo trang sức lộng lẫy, đầu đội mão hoa, hai tay chính chắp lại hình sen búp, ngoài ra còn vô số những cánh tay phụ vươn ra phía sau lưng, trong mỗi lòng bàn tay lại có một con mắt nhằm tượng trưng cho hạnh nguyện sâu rộng, cứu độ không bỏ sót của Bồ-tát Quán Thế Âm. Điểm chung giữa tạo hình các pho tượng Phật Bà Nghìn mắt nghìn tay đó là điểm liên kết giữa khối tượng và đế tượng luôn là hình tượng quỷ nhô lên từ mặt biển đội tòa sen, với ý nghĩa “thiện ác phân minh”.
Đặc biệt, gương mặt Phật Bà Nghìn mắt nghìn tay luôn được tạo tác mang khuôn mặt đầy đặn, sống mũi thanh tú, mắt lá răm,… theo nhân diện và quy chuẩn về vẻ đẹp truyền thống của người Việt Nam. Chính vì vậy, những pho tượng dù uy nghi nhưng luôn mang lại cảm giác gần gũi, thân thuộc khi chiêm ngưỡng.
Phật Bà Nghìn mắt nghìn tay chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) có niên đại từ thế kỷ XVII, được xem là kiệt tác độc nhất vô nhị của nghệ thuật điêu khắc truyền thống Việt Nam. Tượng có tổng chiều cao 3,7m, ngang 2,1m, dày 1,15m; gồm 3 phần thân tượng, đế tượng và thân quang phía sau. Tượng gồm 11 đầu, 42 tay lớn và 952 tay dài nhỏ kết lại thành thân quang. Tượng được công nhân Bảo vật quốc gia vào năm 2012. |
Phật Bà Nghìn mắt nghìn tay chùa Hội Hạ (Vĩnh Phúc) được xác định tạo tác vào thời nhà Mạc (1527-1592). Tượng có tổng chiều cao 3,12m, gồm 42 tay với tỷ lệ tạo hình gần như hoàn hảo. Nhờ một sự tình cờ, tượng được phát hiện vào năm 1965 trong ngôi chùa Hội Hạ đang bị bỏ hoang và thoát khỏi nguy cơ bị phá hủy. Cùng năm này, tượng được đưa về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và trưng bày tại đây cho đến ngày nay. Tượng được công nhận Bảo vật quốc gia vào năm 2013. |
Phật Bà Nghìn mắt nghìn tay chùa Mễ Sở (Hưng Yên) có niên đại đầu thế kỷ XIX. Tượng có tổng chiều cao 2,8m, với 1.014 tay, là pho tượng Phật Bà Nghìn mắt nghìn tay có số lượng tay nhiều nhất trong các pho tượng thuộc dạng thức này tại Việt Nam. Tượng từng bị đánh cắp hai lần vào năm 1988 và 2016 nhưng may mắn đều tìm lại được. Tượng được công nhận Bảo vật quốc gia vào năm 2018. |
Phật Bà Nghìn mắt nghìn tay tại Bảo tàng Guimet (Paris, Pháp) có niên đại từ thế kỷ XIX. Tượng được xác định là hiện vật thuộc ngôi chùa Báo Ân (Hà Nội). Năm 1888, chùa Báo Ân bị người Pháp phá hủy toàn bộ để thực hiện việc quy hoạch lại TP.Hà Nội. Gustave Dumoutier, Giám đốc Nha Học chính, thành viên Viện Hàn lâm Bắc Kỳ, cũng là một người có sự trân trọng với văn hóa Việt Nam đã đưa bức tượng này về Pháp và tặng cho Bảo tàng Guimet vào năm 1889. Đây là bức tượng Phật Bà Nghìn mắt nghìn tay Việt Nam duy nhất được tạo hình trong tư thế đứng. Tượng cao 1,51m với 6 tay lớn đặt phía trước, 38 cánh tay ở lớp thứ hai và hàng trăm cánh tay nhỏ ở lớp thứ ba. Tượng hiện đang được trưng bày tại Phòng Nghệ thuật Đông Nam Á thuộc Bảo tàng Guimet. |