Pháp trong nẻo chợ

GN - Từ những ngày thơ bé theo mẹ đi chợ cho đến khi trở thành người mẹ đi chợ để nấu bữa cơm cho gia đình, đời người hẳn trải qua không biết bao nhiêu cái chợ, từ chợ quê thanh bình gần gũi cho đến những đại siêu thị mênh mông nơi đô hội.

walkingmeditation-1507220697644-14-HR.jpg

Cứ nhẹ từng bước chân giữa chợ, giữa đời, những việc còn lại để pháp tự vận hành...

Đời tôi tự nhiên mà lại gắn bó với rất nhiều chợ, lúc nào cũng ở sát bên một cái chợ nào đó, cho dù tôi có di chuyển bao xa.

Hồi còn nhỏ nhà tôi cạnh chợ Cồn, ở Huế. Năm tháng tuổi thơ tôi quen thuộc từng gian hàng trong cái chợ này. Hồi đó, tôi thường đi học buổi chiều, buổi sáng phụ giúp người lớn đi chợ. Tôi chỉ việc cầm tờ giấy mà người lớn đã ghi sẵn, đến các gian hàng đưa giấy ra là mấy o bán hàng biết ý. Hồi đó tôi sợ nhất là đến hàng cá. Người Huế có câu: “Hàm hồ như mấy mụ bán cá”, ý nói là những người bán cá họ rất dữ, đừng dại gì mà đụng đến họ. Tôi nhiều lần chứng kiến mấy o hàng cá chửi nhau mà như hát, ai mà yếu bóng vía là hoảng hồn lo mà chạy cho lẹ. Ấy vậy mà, có lần tôi lại được chính o bán cá dữ nhất cái chợ đó chửi người khác vì bênh tôi, do thấy tôi khờ khạo bị lừa. Lúc đó, thấy tôi run sợ, o bán cá dõng dạc: “Con đi đi, có o đây hắn không dám làm chi con mô! O là dữ nhất cái chợ ni rồi”. Đó là lần đầu tiên tôi thấy có cảm tình với o bán cá, cái cảm giác vừa sợ vừa thích thú, nhìn o với con mắt của chủ nghĩa anh hùng.

Sau này chuyển vào Sài Gòn đi học, tôi ở cạnh chợ Đa Kao, quận nhất. Hồi đó tôi gắn bó nhiều với cái chợ này, và thuộc nằm lòng khu vực quanh đó. Đặc biệt có cô bán cà-phê ngay đầu hẻm chợ rất là thương tôi. Sinh viên phải tiết kiệm, nên vài ba bữa mới uống một ly. Nhưng cứ hễ thấy tôi là kêu lại: hổm rày sao không thấy ghé uống cà-phê? Dạ, con hết tiền dì Năm ơi. Tiền bạc gì, uống đi, dì cho thiếu, khi nào có trả. Dì lúc nào cũng hào sảng với tôi, nhưng kỳ lạ là trong mắt mọi người khu chợ này thì đó là bà già khó chịu, họ tới uống cà-phê là do bà pha ngon và rẻ, chứ với cái tính tình của bà thì không ai ưa được. Tôi nhớ có lần, có anh kia ghé mua cà-phê, ngồi xuống cái ghế cóc mà ngồi miết không thấy bà hỏi uống gì, bèn lớn giọng trách cứ, bà buông một câu: hết cà-phê rồi chú ơi, làm anh kia đứng dậy bỏ đi miệng lầm bầm bực bội. Bà quay sang tui, cười: Năm ghét mấy người trẻ tuổi mà lấc cấc ba gai lắm. Nói chung, nhìn kỹ thì mặt dì Năm khó ưa ngang tàng, nhưng tốt tánh. Bốn năm sinh viên của tôi toàn uống cà-phê thiếu của dì, lúc trả lúc không. Sau này ra trường đi làm, bẵng một thời gian không ghé thăm, đến khi quay lại thì người ta nói dì Năm đã nghỉ bán vì bệnh và già. Đợt đó, tôi đứng tần ngần giữa chợ, thấy buồn vô hạn vì sự vô tâm của mình.

Tôi lại tiếp tục di chuyển, và mỗi lần đến một nơi ở mới là tôi lại phát hiện ra mình ở cạnh một cái chợ. Và những bài học từ đó thì nhiều dần lên theo ngày tháng. Bài học về tình người, về đối nhân xử thế. Tôi nhớ mình bị lừa mua hàng dỏm ở chợ Bà Chiểu, bị móc túi ở chợ Tân Bình, bị chửi ở chợ Gò Vấp… Cuộc đời cứ thế phong phú và mạnh mẽ theo từng ngày.

Đi xa hơn nửa vòng trái đất, tôi cũng ở sát hông một cái chợ Mỹ. Ở Mỹ mà được đi bộ đi chợ là một may mắn. Đôi khi tôi tự cười, có lẽ một kiếp nào đó tôi là một bà bán cá chính hiệu. Chợ Mỹ thì sạch đẹp và rất giỏi móc tiền túi của người tiêu dùng. Các chương trình khuyến mãi như vòng kim cô bao vây không dứt ra được. Những ngày lễ lạt phải “chánh niệm” lắm mới không tiêu tiền lãng phí. Còn mà cứ la cà từ hàng này sang hàng khác, thì cái tham nó khởi lên không ngừng. Đó là cái tham sở hữu vật chất, vì cái gì cũng đẹp, cũng rẻ, cũng nhiều lợi ích. Khi tâm tham nổi lên kéo theo nhiều hệ lụy. Mua sắm vui trong chốc lát nhưng lo lắng ập đến tức thì vì hết tiền, phải đi cày cực lực, mà cày thì bệnh, thì xì-chét, thì ôi đủ thứ phiền toái. Trừ một phần trăm rất nhỏ những người tiêu tiền như thở ô-xy, thì phần đông thế giới còn lại chỉ có cuộc sống vừa đủ trở xuống.

Greens2.jpg

Rồi buồn vui hay đau khổ gì thì cũng cơm ngày ba bữa... - Ảnh: Tricycle

Người ta nhìn về nước Mỹ với cái nhìn đầy ngưỡng vọng nhưng người nghèo ở Mỹ không ít. Tôi nhớ mãi hình ảnh một bà trung niên da màu, tay run run cầm gói bánh ngọt đứng ở quầy đổi trả. Lúc đó, tôi cũng mang trả lại một món gia dụng bị lỗi. Do hàng xếp khá dài, nên tôi có thời gian bắt chuyện với bà ấy. Tôi hỏi: “Bánh mì này bị làm sao mà bà đem trả?”. Bà chậm rãi: “Nó không làm sao hết, nhưng tôi thấy thừa nên mang trả thôi, nếu tôi không dùng hết trong vài ngày tới, thì tôi sẽ phải bỏ nó đi rất là tiếc”. Tôi liếc qua cái tem dán giá tiền còn in trên đó, chỉ 1 đô rưỡi. Đối với rất nhiều người, gói bánh có thể bị bỏ quên trong tủ lạnh vài hôm, sau đó hết hạn sẽ bị vứt đi. Ngay cả tôi cũng sẽ làm như vậy. Nhưng với bà ấy, có lẽ 1 đô rưỡi có thể giúp bà mua được 1 bình sữa lớn trong thời kỳ giảm giá. Nhỏ với người này nhưng lớn với người kia, vô nghĩa với người này nhưng giá trị với người kia. Đó là cách mà cuộc sống vận hành.

Đi chợ là công việc gắn với cả đời người. Cũng như ra giữa chợ đời kiếm sống là tất yếu với mỗi sinh mệnh. Đó cũng là nơi ta tiếp xúc sâu sắc với cuộc sống, bao gia vị và hương vị trên cõi đời này đều hiện diện trong cái chợ. Cay đắng chua ngọt mặn nhạt hay sương sương bùi bùi gì đều có đủ. Muốn cay thì mua ớt, muốn ngọt thì mua đường. Thơm hôi tanh tưởi thanh mát dịu nhẹ gì cũng không thiếu. Không muốn tanh thì đừng vô hàng cá mà hãy ghé hàng hoa thơm mát. Cũng như sống giữa cái chợ khổng lồ này đều trải qua đầy đủ tám nỗi lo thế tục quấn quýt lấy nhau: Hạnh phúc và khổ đau; tiếng tăm và vô danh; được khen ngợi và chê bai; thành công và thất bại. Mỗi gia vị đều thản nhiên đi xuyên qua một đời người và muôn con người. Sống một kiếp sống, con người ta trải qua không biết bao nhiêu cái chợ của riêng mình, bấy nhiêu chợ là bấy nhiêu cuộc bể dâu.

Cho nên dân gian Việt Nam mới có từ “tu chợ”. Nghĩa là giữa chốn đó, nếu không biết tu tập thì khó mà sống cho yên. Hiền quá thì bị ăn hiếp, dữ quá thì bị ghét, khôn dại không thể lường. Làm sao để dung hòa, để trung đạo, thuận xuôi như dòng nước, vô hình vô tướng, vô thủy vô chung. Có lúc dữ để vô úy, đôi khi hiền để từ bi.

Rồi buồn vui hay đau khổ gì thì cũng cơm ngày ba bữa. Ta có ra sao thì bánh xe buýt vẫn cứ lăn trên đường phố. Ta có khóc thâu đêm thì sớm mai cũng phải xách giỏ ra chợ mua rau, xách túi đi làm kiếm sống. Vậy hà cớ gì phải bận tâm, phải tạp niệm mà không sống trọn vẹn một ngày cho thật tinh tươm?

Cứ mỉm cười và thong dong, cứ nhẹ từng bước chân giữa chợ, giữa đời, giữa hành trình sống này, những việc còn lại để pháp tự vận hành.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.